Bản Tin Học Viện Mục Vụ Số 10 (4/2018)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1822 | Cập nhật lần cuối: 8/1/2020 9:55:02 AM | RSS

VÀI SUY NGHĨ TỪ MỘT CUỘC GẶP GỠ

Từ 26 đến 28 tháng 2 năm 2018, Trung tâm Mục Vụ hân hạnh được tiếp đón một phái đoàn, gồm 25 linh mục và một phó tế đến trao đổi mục vụ; 9 linh mục thuộc Tổng Giáo phận Bangkok, 8 thuộc Giáo phận Ratchaburi và 8 thuộc Giáo phận Chantaburi, do cha Peter Bungsong Hongthong làm trưởng đoàn. Nội dung trao đổi xoay quanh các lãnh vực như đào tạo giáo dân, đào tạo giáo lý viên, mục vụ ơn gọi, truyền thông, bác ái xã hội, giới trẻ và gia đình. Tiếp Đoàn có quý cha tại Trung tâm, quý cha phụ trách và giáo dân hoạt động trong các ban mục vụ nêu trên.

Quý cha Thái Lan gọi chuyến đi này là “study tour”. Chúng tôi nghĩ mình chẳng phải là những chuyên gia giầu kinh nghiệm để anh em học hỏi, nên đề nghị gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm thay cho thuyết trình và tham luận mang tính học thuật. Hơn nữa, Đoàn cũng cần có thời gian để tham quan các nơi, vì có nhiều vị lần đầu tiên đến Sài-gòn. Thế nhưng, thực tế cho thấy quyết tâm học hỏi của đoàn rất cao, bởi chuyến đi vỏn vẹn chỉ có bốn ngày mà ba ngày đều dành cho công việc, cả sáng lẫn chiều.

Vậy đâu là động lực hay nhu cầu thực sự khiến Đoàn ra đi với quyết tâm cao như vậy? Đơn giản là quý cha đã gặp nhiều người Công giáo Việt Nam, bao gồm cả linh mục, tu sĩ và giáo dân sang Thái Lan để học tập hay làm việc. Theo nhận xét của các cha, người Công giáo Việt nam rất mộ đạo và hết lòng gắn bó với giáo xứ nơi họ trú ngụ. Họ có thể đi dự lễ từ sáng sớm và tích cực tham gia vào các sinh hoạt của họ đạo. Trong khi khó khăn chính mà các ngài gặp phải là vận động giáo dân gắn bó và tham gia vào sinh hoạt của giáo xứ. Do đó, các ngài muốn đến tận nơi xem Giáo Hội Việt Nam đã huấn luyện thế nào để có được đội ngũ giáo dân như vậy.

Chắc hẳn quý anh chị đều biết Thái Lan là nước có mức phát triển cao nhất trong vùng Đông Nam Á và Giáo Hội Công Giáo tại Thái Lan có nhiều điều kiện để hoạt động như trường học, bệnh viện, cơ sở từ thiện, báo chí, truyền thanh và truyền hình v.v,... Những thứ ấy, có thể nói là chúng ta không dám mơ, trong bối cảnh đất nước hôm nay. Tuy nhiên, Giáo Hội chị em với chúng ta đang gặp phải những khó khăn xuất phát từ một xã hội phát triển mà trong tương lai chúng ta cũng khó tránh khỏi.

Đáp lại lời cám ơn của Đoàn, tôi đã đại diện quý cha thành thật cảm ơn Đoàn, vì câu hỏi của quý cha giúp chúng tôi nhận ra món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng cho Giáo Hội Việt Nam; đó là đội ngũ giáo dân tích cực gắn bó và tham gia sinh hoạt trong các giáo xứ. Trong số đó, nhiều anh chị em giáo dân đang tham gia vào việc đào tạo và cố gắng trau dồi kiến thức đức tin để yêu mến và phục vụ hữu hiệu hơn. Vì chúng ta bị cám dỗ, khi gặp phải quá nhiều khó khăn, chỉ thấy toàn là bóng tối với những điều tiêu cực mà không nhận ra được ánh sáng ẩn dưới lớp tro tàn, chỉ cần một làn gió nhẹ cũng có thể bùng cháy lên.

Tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân này và suy đi nghĩ lại trong lòng rằng làm thế nào để có thể bảo tồn và sinh lợi nén bạc trong khả năng của mình. Tôi cũng thầm mong một ngày nào đó có những người từ xa tìm đến, để nói với chúng ta rằng tôi đã thấy những người giáo dân Việt Nam không những mộ đạo, mà còn tích cực dấn thân phục vụ xã hội, với sự hiểu biết sâu xa về đức tin cũng như về văn hóa, hầu có thể gặp gỡ mọi người: lương cũng như giáo, hữu thần cũng như vô thần, giầu cũng như nghèo. Tôi xin chia sẻ ước mơ này với quý anh chị, bởi biết rằng một mình tôi không thể nào làm cho giấc mơ ấy thành hiện thực được.

Mến chào quý anh chị,

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Giám đốc

Tập đính kèm: Bản tin Học Viện Mục Vụ số 10 (4/2018)

Bản Tin Học Viện Mục Vụ Số 10 (4/2018)