Lịch sử Cứu độ (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 8876 | Cập nhật lần cuối: 2/12/2015 10:55:34 AM | RSS

(tiếp theo)

Chương II: Gia đình – Dân tộc – Tôn giáo

Gia đình của Abraham (đọc Kn 12,1-25, 8)

Đến đây lịch sử cứu độ tiến lên một cách đáng kể và tiến gần hơn với ý nghĩa hiện đại của hai chữ “lịch sử”. Chúng ta bắt đầu tiếp xúc với những nhân vật và những biến cố mà người ta có thể xác định được thời gian, không gian trong văn bản của lịch sử tổng quát.

9 chương trước của Khởi nguyên” (c 3-11) đã cho thấy một cách rất linh động cái sức mạnh mà vương quốc của Satan tràn ngập con người và thế giới con người đang sống. Con người mỗi ngày một dần xa Thiên Chúa. Hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, những câu chuyện về sự tội cứ nối tiếp nhau, con người ngày một rời xa dần cái tính “bản thiện” thuở nó được tạo dựng; càng ngày nó càng rời xa Thiên Chúa, nó cần sự cứu độ một cách tuyệt vọng, nhưng không thể tự mình làm được. Không có một người nào vẫn còn trung thành với Thiên Chúa sao?

Và giờ đây, chính Thiên Chúa bước vào một cách rất đột nhiên và cảm động. Ngài tuyển chọn, từ một thế giới trầm luân trong tà giáo, một nhóm ít người thuộc thị tột Thara sống tạiUr, gần vịnh Ba Tư, Urcũng thường được gọi là Chalđê. Thị tộc này di chuyển về phía Tây Bắc, đến Harangần nguồn sông Euphrate. Từ thị tộc này, Thiên Chúa chọn một người duy nhất, Abraham. Sự chỉ có một Thiên Chúa duy nhất đã được mặc khải cho ông và với ông, công trính cứu độ của Thiên Chúa cũng như dân riêng Chúa chọn được bắt đầu. Những chi tiết của sự mặc khải đầu tiên này không rõ như thế nào, nhưng hình như nó đã xảy ra trước khi có lời hứa quan trọng và lừng danh được mô tả ở “Khởi nguyên” chương 12,1-3. Những lời hứa này coi Abraham như là một người đã thân tình với Thiên Chúa. Đoạn văn thật là cảm động:

“Thiên Chúa phán với Abram: ‘Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi, và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành ngươi. Ai mà nói động đến, Ta sẽ chúc dữ. Mọi thị tộc trên trần thế sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau’”.

Đoạn văn ngắn ngủi này hé mở ra dưới hình thức hơi tổng quát, những lời mà Thiên Chúa tự ý hứa với Abram, con người đã được Chúa chọn để làm chiếc tàu cứu rỗi. Trong thực chất, những lời hứa này nói về:

1. Một dân tộc sẽ phát xuất từ Abraham.

2. Một đất nước thuộc quyền sở hữu của dân tộc này.

3. Một phúc lành được ban xuống cho các dân trên thế giới nhờ Abraham.

Những lời hứa này được lặp lại trong những chương kế tiếp, và lời hứa thứ nhất cũng như thứ nhì sẽ trở nên rõ rệt hơn. Đất nước đã hứa cho miêu duệ của Abraham sẽ là miềnCanaan, về phía Tây Nam Haran, miền này về sau được lịch sử gọi là Phá-lệ-tinh. Lời tiên tri về một dân tộc phát xuất từ Abraham cũng trở thành rõ rệt hơn. Dân tộc này được mô tả như là lớn lao, đông đảo chẳng khác gì bụi đất (13, 16) và sao trên trời (15, 5). Và quan trọng hơn nữa, nó được ghi rõ như là một dân tộc sẽ phát triển từ một người con của Abraham, một người con mà ông sẽ có với Sara, bà vợ già son sẻ của ông. Đây là một lời hứa có vẻ khó tin đối với ông, nhưng đó là điều Thiên Chúa báo trước và Abraham phải tin. Điều đã được nói ở 12, 3 liên quan đến các dân tộc được chúc lành qua Abraham được lặp lại một lần nữa ở 18, 8, nhưng chưa bao giờ được giải thích rõ ràng hơn. Nó vẫn là một điều mầu nhiệm đối với Abraham và miêu duệ của ông.

Để bảo đảm và xác nhận những lời hứa này, một lễ kết ước đã diễn ra giữa Thiên Chúa và Abraham, con người được tuyển chọn. Lễ kết ước là một thỏa hiệp, một giao kết, một tông giáo ràng buộc con người với Thiên Chúa. 15,17-18 mô tả một quang cảnh huyền bí. Abraham đem đến một con bê, một con dê cái và một con dê đực, một con chim cu gáy và một bồ câu. Đoạn ông xẻ ra chính giữa và đặt phần này đối chiếu với phần kia.

Và khi mặt trời đã lặn và tối tăm bao trùm thì này một lò lửa nghi ngút khói và một đuốc cháy ngang qua giữa những mảng thịt hy sinh. Ngày hôm ấy, Thiên Chúa đã kết ước với Abraham rằng: “Cho dòng giống ngươi, Ta sẽ ban thửa đất này”.

Nghi lễ kết ước này, theo đúng tục lệ thời đó. Những bên bước vào thỏa hiệp đều đi ngang qua những con vật xẻ đôi để cam kết rằng mình cũng sẽ bị số phận như thế nếu phá vỡ thỏa hiệp. Cái biểu hiệu bên ngoài của mối quan hệ mới, sự đoan kết mới giữa Thiên Chúa và Abraham sẽ là nghi lễ cắt bì (17,1-14).

Lịch sử Cứu độ (2)

Các câu chuyện này có gì quan trọng đối với lịch sử cứu độ không? Những giai đoạn trong đời sống của Abraham làm nổi bật 3 khía cạnh hoạt động của Thiên Chúa, sự hoạt động này xuất hiện từng thời kỳ qua nhiều thế kỷ, khi Thiên Chúa đem lại ơn cứu độ cho thế giới. Khía cạnh thứ nhất là sự tuyển chọn. Thiên Chúa chọn một người để làm dụng cụ của Ngài. Trong trường hợp này đó là Abraham, một con người vô danh trong một thị tộc vô danh, ở một thành phố vô danh. Tại sao lại chọn Abraham? Bởi vì Thiên Chúa muốn chọn ông. Đó là câu trả lời duy nhất có thể được. Và vẫn xảy ra như thế xuyên qua bao thế kỷ. Thiên Chúa chọn ai mặc ý Ngài: người này chứ không phải người khác, người này chứ không phải anh của hắn. Isaac được chọn trên Ismael; Yacob trên Esau, Yuse trên các người anh của ông. Maria trên các trinh nữ củaIsrael. Bao giờ quyền tuyển chọn cũng chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.

Yếu tố thứ hai là lời hứa: Cựu Ước từ đầu đến cuối vẫn là một lời hứa. Lúc này những lời hứa sẽ được phán ra với Abraham. Những lời hứa ấy sẽ được nối tiếp bằng những lời hứa khác sau này với những cá nhân mà Thiên Chúa muốn chọn làm những người lãnh nhận thiên chức. Mặc dầu không cần thiết, Thiên Chúa vẫn hứa hẹn những ân huệ rõ rệt trong tương lai và lòng trung tín của Ngài đã đảm bảo cho chúng được nên trọn vẹn.

Yếu tố thứ ba là lễ kết ước, biểu lộ sự hợp nhất thiêng liêng giữa Thiên Chúa và loài người. Lễ kết ước với Abraham thật là đơn giản, nhưng ít nhất cũng thiết lập bước đầu của một tôn giáo, một sự ràng buộc của Thiên Chúa đối với loài người và của loài người đối với Thiên Chúa. Cái tôn giáo phát triển đầy đủ củaIsraeltrong tương lai hãy còn xa cách đó khoảng 6 thế kỷ nữa. cũng nên ghi nhớ rằng, liên quan đến lễ kết ước cùng Abraham, lễ hy tế được đưa vào như là 1 thành phần của lễ kết ước.

Ba yếu tố: tuyển chọn-lời hứa-kết ước là những điều phía Thiên Chúa dùng để kết buộc với Abraham. Đó là những điều Thiên Chúa đem đến, còn phía Abraham thì có những gì? Ông đáp ứng lại Thiên Chúa ra sao? NIỀM TIN: Abraham tin, và với niềm tin đó, công trình cứu độ bắt đầu về phía loài người. Ông tin rằng Thiên Chúa sẽ cho dòng giống ông đấtCanaan(Pha-lệ-tinh). Ông tin rằng ông sẽ có một dòng giống đông vô số, như những hạt bụi đất và sao trên trời. Hơn nữa, ông tin rằng Thiên Chúa sẽ làm cho lòng dạ cằn cỗi của bà vợ già son sẻ của ông sinh ra một đứa con, nó sẽ là khởi đầu cho một gia đình và một dân tộc. Đó không phải là một lời hứa dễ tin. Sara đã cười khi bà được báo tin đó (18, 12) và chính Abraham, mặc dù là con người có niềm tin mãnh liệt cũng phải bật cười khi nghe tin mừng đó lần đầu tiên (17, 17). Đó là một lời hứa khó khăn, nhưng Abraham đã tin. Bởi vì ông tin nên một người con đã sinh ra bởi Sara. Tên của cậu bé là Isaac, có liên quan với từ ngữ Do thái nghĩa là cười, một nụ cười xảy ra khi đón nhận lần đầu tiên lời hứa cậu bé đó được sinh ra.

Isaac lớn lên bình thường và mạnh khỏe. Cha của cậu yêu cậu hết lòng và quý cậu như con ngươi của mình. Niềm hy vọng cứu độ của thế giới được đặt ở nơi cậu. Tuy nhiên khi Thiên Chúa bảo Abraham mang cậu con trai đi dâng làm của lễ toàn thiêu, thì ông cứ vâng lệnh ra đi đến nơi tế lễ, mặc dù đau đứt ruột. Thiên Chúa ngăn chặn tay ông lại, và giao hoàn cậu con trai cho ông, nhưng chỉ sau khi Abraham đã minh chứng niềm tin sâu xa hơn nữa của ông, một niềm tin có một không hai trong lịch sử loài người ở thời đại trước Đức Kitô. Vì thế, người ta không ngạc nhiên bao nhiêu khi thánh Phaolô giới thiệu ông như là người gương mẫu cho những kẻ tin vào Đức Kitô, và cho rằng đức tin có một vai trò quan trọng nhất trong công việc cứu độ. Sự cứu độ của cả thế giới đã bắt đầu với niềm tin của Abraham như thế nào, thì sự cứu độ của mỗi người Kitô hữu cũng bắt đầu với niềm tin của mình như vậy, với ý muốn chấp nhận mọi điều Chúa dạy và mọi lời Chúa hứa.

Chúng ta có thể xác định Abraham và câu chuyện về đời sống của ông trong bối cảnh của lịch sử thế tục không? Các học giả ngày nay công nhận rằng câu chuyện về Abraham hoàn toàn ăn khớp với các truyện chúng ta biết về thế giớiCanaanvà Mêsôpôtamia khoảng 2000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Cái lối sống cũng như những phong tục của Abraham và gia đình ông rất giống cái lối mà các nhà khảo cổ học đã xác định nơi những dân bán du mục thời đó, họ di cư rất động từ Mêsôpôtamia đếnCanaan. Vậy nếu cho rằng Abraham sống vào khoảng năm 1850 hay 1800 trước Thiên Chúa giáng sinh thì chắc cũng sẽ không sai lầm.

Tiếp theo câu chuyện về gia đình Abraham là câu chuyện Isaac và Giacob (đọc Kn các chương 21-36). Isaac được mô tả bằng những nét nhợt nhạt, nhất là đối với cha của ông là Abraham và con của ông là Giacob. Cả hai nhân vật này với nhân cách rất vững vàng đã làm cho hình ảnh của Isaac bị lu mờ đi. Tuy nhiên việc Thiên Chúa lặp lại với Isaac những lời đã hứa với Abraham là một điều quan trọng cho lịch sử cứu độ. Ở 26,3-5, Thiên Chúa phán với Isaac:

“Ta sẽ giữ lời Ta đã thề với Abraham cha ngươi. Ta sẽ cho dòng giống ngươi nên đông đảo như sao trên trời. Ta sẽ ban cho dòng giống ngươi tất cả các xứ này. Mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau…”.

Vợ của Isaac là Rebecca, không phải đã được chọn trong số những cư dân tạiCanaan, nhưng đã được chọn trong họ hàng của ông hãy còn đang sống về phía Bắc Haran. Bà sinh đầu lòng hai người con trai song sinh. Vì một lý do cao siêu nào đó chúng ta khó hiểu được, Thiên Chúa đã chọn người con thứ là Giacob, chứ không chọn người con cả là Esau. Tính tình của Giacob được mô tả bằng những màu sắc rất trung thực. Việc ông dùng bát cháo để đổi lấy quyền trưởng nam của Esau đang đói bụng là một hành động mánh khóe nhưng không phải là gian dối (25,29-34). Trong trường hợp này, tác giả gần như ít bất mãn về hành động của Giacob hơn là về Esau: “Esau đã khinh rẻ quyền trưởng nam đến thế” (25, 34).

Việc Giacob đã dùng mưu kế để giả dạng Esau ngõ hầu hầu được phúc lành của cha ông. (Kn ch. 27) là một việc trông có vẻ gian xảo hoàn toàn, nên việc được quyền trưởng nam như thế không có chút lý do gì để giải thích và biện hộ cho phần nào. Đó là một ví dụ cho thấy Thiên Chúa thường vạch những đường thẳng xen lẫn với những đường cong bởi vì xuyên qua Giacob chứ không phải Esau chương trình cứu độ sẽ tiếp tục.

Từ trước tới đây, Giacob đã được cho thấy như là một con người có tính tình tồi tàn. Tuy nhiên, một khi ông đã trốn về phía Bắc Haran để tránh cơn giận dữ của người anh, thì những vẻ tốt đẹp nơi ông mỗi ngày một gia tăng và hiện ra đậm nét rõ rệt. (Kn 28,10-22) nói về sự chiêm bao của ông và lời ông khấn với Thiên Chúa tại Bêthel và sự Thiên Chúa nhắc lại với ông những lời Ngài đã hứa với Abraham và Isaac (Kn 32,25-31) nói về một cuộc gặp gỡ khác với Thiên Chúa và việc được chúc lành tại Phanuel, sau đó Giacob được đổi tên là Israel. Cả hai lần mô tả này nhằm mục đích cho thấy Giacob ngày càng thêm tiến đức. Câu chuyện rất hay về mối tình của ông đối với Rakhel và về 7 năm ông giúp việc để lấy được nàng, 7 năm “đối với chàng chỉ như vài ngày thôi, bởi chàng quá yêu nàng” (Kn 29, 30) cho ta thấy một câu chuyện ái tình đầu tiên trong Kinh Thánh và những đặc điểm nhân loại rất đáng cảm phục. Giacob đã đối xử khôn khéo với Laban, một người cha vợ cũng khôn kháo chẳng kém, nhưng những ngày lường gạt đã qua hẳn rồi.

Như chúng ta đã biết, chính Laban đã tỏ ra mánh khóe hơn Giacob trong việc hôn nhân của Rakhel. Chúng ta đọc thấy rằng: “Laban có 2 cô con gái, tên cô lớn là Lêa và tên cô bé là Rakhel. Mắt Lêa lờ đờ, còn Rakhel lại dáng dấp xinh đẹp, dung nhan mỹ miều” (Kn 29,16-17). Giacob đã phải lòng Rakhel, một cô gái yêu kiều, chứ không phải là Lêa, một cô gái kém nhan sắc. Và để lấy được Rakhel, ông đã làm việc vất vả trong bảy năm trời mà ông chỉ coi như là một ngày. Đêm làm lễ hôn nhân, có nhiều rượu và nhiều lời chúc mừng, nhưng sáng sớm khi Giacob thức dậy thì ông thấy Lêa chứ không phải Rakhel đang nằm bên ông, Laban đã giải thích cho chàng rể đang tức giận rằng đó là tục lệ lâu đời trong gia đình. “Nơi chúng tôi không có thói gả con út trước con cả. Hãy qua trọn tuần lễ cưới với cô ấy, rồi tôi cũng sẽ gả cho anh cả cô kia nữa đáng công anh còn giúp tôi khoảng bảy năm nữa mà”. (Kn 29,26-27). Giacob , một người mánh khóe đã gặp phải một tay mánh khóe đáng bậc thầy.

Hai người vợ của Giacob là Rakhel và Lêa, và hai tớ gái của các bà ấy đã sinh cho Giacob 12 người con trai, và chương trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ tiếp tục xuyên qua họ. Trong những người con trai ấy, quan trọng nhất là Giuse, con của Rakhel và là anh của Benjamin.

Câu chuyện về Giuse (đọc Kn các ch. 37-50) là một trong những câu chuyện được phổ biến nhất trong Cựu Ước. Bị các anh em ghen ghét và bán cho người Ai Cập để làm nô lệ, Giuse đã tỏ ra đức độ và khôn ngoan đáng làm mẫu mực cho thiên hạ. Ông đã được cất nhắc lên địa vị cao trọng thứ nhì, chỉ sau vua Pharao một cấp mà thôi. Khi các người anh của ông đến Ai Cập tìm lương thực trong thời kỳ đói kém, Giuse đã tiếp đón họ một cách nhân từ và bác ái, một gương tốt đẹp, khoảng 1700 năm trước thời của nói về luật yêu thương trong bài giảng của Đức Kitô trên núi. Sau hết, toàn thể gia đình của Giacob dời sang Ai Cập ở với Giuse và ở đó Giacob “thu chân lại trên giường và ông đã thở hơi cuối cùng. Và ông đã được sum vầy với tổ tiên” (Kn 49, 33).

Đó là những chi tiết của câu chuyện. Tuy nhiên đàng sau những sự kiện này, có chứa đựng nhiều điều về lịch sử Ai Cập và về chương trình của Thiên Chúa. Việc Giuse được cất nhắc lên nắm quyền hành của Ai Cập dường như đã làm cho câu chuyện tỏa ra một vẻ đẹp huyền bí, thần tiên trong nhiều thế kỷ. Làm sao tưởng tượng được rằng một con người từ thân phận một nô lệ đã được cất nhắc lên một địa vị cao trọng như thế trong chính quyền? Hiện nay chúng ta biết rằng, vào khoảng 1700-1570 trước Thiên Chúa giáng sinh, nước Ai Cập đã bị tràn ngập bởi những người Sêmít xâm lược từ phía Bắc lấn xuống và họ đã nắm hết quyền cai trị. Những người ngoại xâm này được gọi là “Hyksos”, có nghĩa là “chủ nhân ngoại quốc”. Sự chiến thắng của họ là nhờ ở việc sử dụng ngựa và xe mà thời bấy giờ người Ai Cập chưa có. Tất cả những điều này đã làm cho sự Giuse được cất nhắc lên như là một người ngoại lai trong chốn chính quyền do những người ngoại lai như ông nắm giữ.

Dĩ nhiên là tác giả của chúng ta không quan tâm gì đến vai trò mưu lược của người Hyksos trong lịch sử Ai Cập. Ông chỉ quan tâm đến một việc khác đó là Những việc kỳ lạ của Thiên Chúa quan phòng. Chúng ta hãy nhớ rằng sự cứu độ nằm trong gia đình Giacob. Trong thời kỳ đói kém ở Canaan, gia đình này đã phải nguy khốn và có thể chết sạch. Nhưng họ không chết, chỉ vì Thiên Chúa đã thấy rằng, chỉ cần một người trong gia đình, đó là Giuse, nắm một địa vị quan trọng cũng đủ cứu sống cả gia đình. Đó là lý do tại sao Giuse bị bán sang Ai Cập. Đường lối của Chúa quan phòng tuyệt diệu biết ba. Chính những lời của Giuse đã tường thuật lại ý nghĩa cao siêu của giai đoạn này:

Lịch sử Cứu độ (2)

“Tôi là Giuse em của các anh, người các anh đã bán qua Ai Cập. Nhưng bây giờ đừng quá phiền sầu, đừng tức tối với mình, vì đã bán tôi. Này, chính đó là phương cứu sống mà Thiên Chúa đã sai tôi đi trước các anh. Nay mới là hai năm đói nội trong xứ, nhưng còn năm năm nữa không cày không gặt. Thiên Chúa đã sai tôi đi trước các anh là để lưu số sót lại trên đất cho anh em và cứu sống anh em, và mưu việc giải thoát lớn. Vậy không phải các anh đã sai tôi đến đây nhưng là Thiên Chúa; chính Người đã đặt tôi làm như Cha của Pharaô, làm chúa tất cả cung điện của ngài, thống trị toàn cõi Ai Cập”. (Kn 45, 4-8)

Những chương cuối của Khởi nguyên nói về cái chết của Giacob –Israel và Giuse. Trước khi Giacob–Israel chết, ông đã nhận hai người con của Giuse, là Ephrahim và Mannasê làm con nuôi. Trong hai người đó, Ephrahim mặc dầu nhỏ hơn, đã nhận được phúc lành lớn hơn, bởi vì thị tộc của ông đã trở nên một thị tộc quan trọng ở Canaan. 12 thị tộc Israel sẽ được thành lập từ 12 người con trai của Giacob–Israel, trừ Giuse và Lêvi, nhưng lại thêm vào Ephrahim và Mannasê. Giuse đã được trừ ra, bởi vì hai người con trai của ông là Ephrahim và Mannasê đã thay thế cho ông. Lêvi cũng được trừ ra, bởi vì con cháu của ông, những người Lêvi sẽ trở nên các vị tế lễ và sẽ sinh sống chính bằng chức nghiệp đó.

Chúng ta đang ở vào phần cuối của sách Khởi nguyên, thiết tưởng cũng nên tóm tắt một cách ngắn gọn những gì đã xảy ra trong lịch sử cứu độ từ trước tới nay:

- Thế giới và con người được sáng tạo trong sự THIỆN HẢO

- Sau đó, Satan đến với vương quốc của nó là sự tội, sự chết, bệnh tật.

- Các chương 4-11 gây cho chúng ta một ấn tượng về sức mạnh của sự tội.

- Ở chương 12, Abraham đã được Thiên Chúa tuyển chọn, đã đón nhận những lời phán hứa và lễ kết ước. Sự cứu độ của nhân loại bắt đầu từ điểm này.

- Những lời phán hứa đã được nhắc lại với Isaac và Giacob –Israel, và họ đã noi gương Abraham mà hiến dâng chính bản thân và gia đình mình cho Thiên Chúa qua hy tế.

- Sau hết, Giuse đã được chọn để bảo toàn gia đình lúc di chuyển về đất Ai Cập.

(còn tiếp)

Neam M. Flanagan, CSM

Nguyên tác: Salvation History, 1964

Trích “Lịch sử Cứu độ”, tr 18-28.

--------------------------------------------------------------------------

* Bài liên quan:

Lịch sử Cứu độ (1)