Lịch sử Cứu độ (6)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4235 | Cập nhật lần cuối: 5/14/2015 9:45:33 AM | RSS

(tiếp theo)

CÁ NHÂN NHỮNG VỊ TIÊN TRI THỜI KỲ TRƯỚC LƯU ĐÀY


Êlia và Êlisa (đọc Các Vua III 16, 23 – Các Vua IV 13, 21)

Sứ vụ của hai tiên tri hay làm phép lạ này xoay chung quanh triều đại của Akhab, vua của dân Israel vào khoảng 870 trước Thiên Chúa giáng sinh. Chính cha của Akhab, vua Omri đã dời thủ đô của vương quốc miền Bắc về thành Samari. Chúng ta biết được qua những tài liệu không thuộc bộ Kinh Thánh, thời đại của Omri là một thời đại rất vẻ vang và phồn vinh. Ông đã kết ước với nước lân bang Phênixia chuyên môn buôn bán, bằng cách cưới công chúa Phênixia tên là Izabel cho con trai Akhab của ông. Nhưng tác giả thiên khải của chúng ta không màng chi đến những thành công vật chất của Omri. Triều đại của ông đã bị phê phán một cách ngắn gọn và buồn tẻ khi nói đến sự thất bại thiêng liêng của ông.

“Omri đã làm sự dữ trước mắt Yavê và ăn ở thất đức hơn cả những người sống trước ông. Ông đã hoàn toàn đi theo đường của Yơrôbôam… theo các tội lỗi. Do đó ông đã làm cho Israel vấp phạm và chọc tức Đức Chúa Thiên Chúa của Israel với những thần phù phiếm của chúng” (Các Vua III 16,25-26)

Izabel, người vợ ngoại giáo của Akhab, có tính tình cương nghị hơn chồng. Giữa bà và tiên tri Êlia xảy ra một mối thù hận mãn đại, bởi vì bà đã đem theo sự bái thờ thần Baal của xứ Phênixia. Bà dựng đền thờ ở Samari và đặt những pháp sư ở đó để lo việc sùng bái phóng túng cho thần ấy. Bà giết hại các tiên tri của Thiên Chúa. Một mình Êlia đã thoát khỏi bàn tay sát nhân của bà. Bởi đó tại Samari, vương quốc của sự tội đã lấn át nhờ sự hận thù.

Lịch sử Cứu độ (6)Tiên tri Êlia

Chương 18 trong các “Các Vua III” đã mô tả một cách linh động cuộc tranh chấp nổi tiếng trên đỉnh núi Karmel, giữa những pháp sư của Baal và một mình Êlia. Đó là một cuộc chạm trán tay đôi giữa quyền lực Baal và quyền lực Thiên Chúa. Cả hai bên đều trưng bày những thú vật tế lễ. Các pháp sư của Baal cầu kinh suốt buổi sáng để xin lửa xuống thiêu hủy lễ vật nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Bị Êlia thối thúc một cách chế giễu, họ lại tiếp tục cầu kinh suốt buổi chiều. Êlia lại cười nhạo: “Phải kêu lớn hơn nữa! Vì ngài là thần linh: ngài đang bận suy tính hay mắc trở việc vàn; có khi ngài đang đi vắng; có lẽ ngài đã thiếp ngủ, ngài sẽ thức dậy” (câu 27). Vẫn không có gì xảy ra. Rồi Êlia cho tưới nước ngập những lễ vật; ông cầu xin và có lửa xuống thiêu hủy lễ vật. Cuộc tranh chấp kết liễu bằng cuộc xử tử pháp sư của Baal.

Nhưng Izabel vẫn còn sống và mạng sống của Êlia lúc nào cũng bị đe dọa. Ông đã phản đối xong sự bái sùng ngẫu tượng đang thịnh hành trong vương quốc của Akhab. Nhiệm vụ kế tiếp của ông là phản đối nhà vua về một bất công xã hội rất đê hèn mà cả nhà vua và hoàng hậu đều liên can. Đó là vấn đề vườn nho của Nabót ở thành Yzrơel. Vườn nho này ở sát cạnh cơ sở của nhà vua và ông này rất thèm muốn nó. Nhưng Nabót không chịu bán vì đó là cơ nghiệp của tổ tiên. Nhà vua buồn rầu, tuyệt vọng. Nhưng Izabel lại có phản ứng khác hẳn. Bà chỉ có việc làm cho Nabót bị đưa ra xét xử về những lời vu cáo rằng ông ta đã nguyền rủa đến Thiên Chúa và nhà vua. Bị kết án là có tội, Nabót bị đưa ra ném đá chết, và nhà vua được vườn nho. Bấy giờ vị tiên tri bước vào sân khấu:

Bấy giờ lời Đức Chúa đến với Êlia… rằng: “Hãy chỗi dậy, xuống gặp Akhab vua Israel, đóng đô ở Samari. Này nó đang ở vườn nho của Nabót: nó đã xuống đó để tịch thu vườn ấy. Ngươi sẽ nói với nó rằng: Đức Chúa phán thế này: Há ngươi đã giết người, ngươi lại tịch thu của nữa sao? Đoạn ngươi nói với nó rằng: Đức Chúa phán thề này: Chính nơi chó đã liếm máu Nabót, chó cũng sẽ liếm máu ngươi, cả ngươi nưa… Và Yavê cũng đã phán về Izabel nữa, chó sẽ ăn thịt Izabel bên tường lũy Yzrơel. (III V 21,17-19, 23)

Hai trường hợp trên đây của Êlia chống lại sự bái sùng ngẫu tượng và sự bất công xã hội là điển hình cho sứ mệnh tất cả các tiên triIsrael. Họ mang đến sứ điệp của Thiên Chúa, họ thức tỉnh lương tâm của những người làm điều xấu, họ phô bày ý nghĩa của lời giao ước Thiên Chúa đối với dân Người và sự sa đọa của vua cũng như dân trong đời sống luân lý của họ. Vương quốc của sự tội mạnh mẽ đến cực độ. Chính các vị tiên tri, với sự trợ lực của Thiên Chúa hạn chế được một phần nào.

Êlisa là phụ tá của Êlia và khi biến khỏi mặt đất thì Êlia để lại áo choàng của mình (tượng trưng cho sứ mệnh của ông) cho Êlisa. Câu chuyện Êlisa cũng là một chuyện chống đối lực lượng sự ác trong vương quốc miền Bắc. Nhưng ông được mô tả trong sách Các Vua III và IV như là một người hay làm phép lạ. Ông đã làm cho con trai của một người Shunem đã chết được sống lại (IV V 4,25-37), đã làm cho bánh mì hóa ra nhiều để đủ cho nhiều người ăn (IV V ch. 5). Trong những trường hợp này, ta thấy rõ quyền lực các tiên tri của Thiên Chúa đối với sự chết và bệnh tật là hai đặc điểm của vương quốc Satan. Qua tất cả những điều đó, Êlisa thật là một người tiền hô của Đức Kitô, vị tiên tri vĩ đại, Ngài cũng sẽ hành động như thế.

Amos và Hôsê (đọc Amos các ch. 1-9); Hôsê các ch. 1-14, nhất là các ch. 1-3, ch. 11 và ch. 14)

Đây là hai vị tiên tri đã viết lần đầu tiên, nghĩa là hai vị tiên tri đã để lại những lời sấm và giáo huấn của họ bằng những quyển sách có chữ viết mang tên của họ. Cả hai vị tiên tri này có nhiều điểm giống nhau, bởi vì sứ mệnh của họ đều ở vương quốc Israel vào khoảng 750 trước Thiên Chúa giáng sinh. Lúc đó Israel đang phồn vinh dưới triều đại của Yơrôbôam II, một người khôn lanh việc trần thế. Nhưng về tính tình và về tầm quan trọng thì hai vị khác nhau rõ ràng:

Amos là một người miền Namvà là một người nhà quê, cả hai sự kiện này có ảnh hưởng đến cách thức trình bày sứ điệp của ông. Là một người miềnNam, ông không thích những vấn đề ông gặp ở miền Bắc nên ông nêu chúng ra và tố cáo. Là một người nhà quê, ông lấy làm chướng tai gai mắt trước cái cảnh phồn vinh của hai thành Bêthel và Samari. Những sự phồn vinh và sung túc như thế là một cái gì thật xa lạ đối với ông. Ngay từ đầu ông đã có thành kiến. Ông lại càng lấy làm chướng tai gai mắt hơn nữa trước cảnh mâu thuẫn giữa “kẻ có và người không”, giữa nếp sống xa hoa của người giàu có và túng cực thấp hèn của người nghèo đã bị người giàu bóc lột. Chúng ta đã thấy một số những điều ông nêu ra về sự bất công xã hội và có thể nhớ lại lối nói thô chướng của ông. Ta có thể hình dung rõ ràng sự phẫn nộ cũa những người giàu sang khi bị Amos tố cáo cách cay nghiệt. Ông gọi họ là bò cái.


“Hãy nghe lời này, hỡi những bò cái Bashan trên núi Samari, quân áp bức kẻ hèn, hành hạ kẻ khó, những kẻ nói với các đức ông của chúng: ‘Đem lại đây uống nào’. Đức Chúa đã lấy thánh đức của Người mà thề: Quả thế, này sẽ đến trên các ngươi những ngày, người ta sẽ lấy câu liêm lôi các ngươi đi và hậu duệ các ngươi bằng lao đánh cá. Ngang qua tường đổ, các ngươi sẽ ra, mỗi người thẳng trước mặt mình, các ngươi sẽ bị quăng xa vào chỗ bùn lầy. Sấm của Yavê”. (Amos 4,1-3)

Thật vậy, cách nói ấy rất là mộc mạc, khó được cảm tình với thính giả và khó lôi cuốn họ. Nhưng Amos cho rằng chỉ có cách đó mới vạch rõ được sự tuyệt vọng của tình trạng lúc bấy giờ. Mà tuyệt vọng thật, bởi vì sự sùng bái ngẫu tượng cũng đang thịnh hành nữa.

“Áo cầm đợ, chúng trải ra nằm bạnh các tế đàn; tiền phạt, chúng dùng uống rượu trong nhà Thiên Chúa của chúng…” (Amos 2, 8)

Nếu sự bất công xã hội này và sự sùng bái ngẫu tượng không chấm dứt ngay việc làm thối nát xứ sở thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt quốc gia. Ngày sẽ là ngày của Đức Chúa, ngày thẩm phán. Không phải là một ngày thưởng công và thắng trận đầy hạnh phúc, như dân Israel mong đợi, song là một ngày mà sự nhơ nhớp của tội lỗi Israel sẽ tự nó kéo xuống sự công bình nghiêm khắc của Thiên Chúa.

“Khốn cho những kẻ ước mong ngày của Đức Chúa là gì vậy, ngày của Yavê đối với các ngươi? Tối tăm đó, chẳng phải sáng. Ấy cũng như người nọ vừa chạy thoát sư tử, thì gấu bất thần gặp được và khi vừa đến nhà vừa chống tay vách tường, thì rắn cắn đi. Lại không phải tối tăm đó sao, ngày của , thì gấu bất thần gặp được và khi vừa đến nhà vừa chống tay vách tường, thì rắn cắn đi. Lại không phải tối tăm đó sao, ngày của Đức Chúa, chứ không phải sáng? Phải, mù mịt đó, chứ không lóe được chút quang minh!” (Amos 5,18-20)

Và tuy vậy, ngay cả trong ngày thẩm phán, một nhóm ít linh hồn trung tín, “số sót” sẽ khỏi bị tiêu diệt.

“Đức Chúa phán thế này với nhà Israel. Thành xuất quân 1000, sẽ chỉ còn sót lại 100. Thành xuất quân 100, sẽ chỉ còn sót lại được 10”. (Amos 5, 3)

Một ít dẫn chứng trên đây đầy đủ cho ta thấy sứ điệp của Amos. Đó là một tiếng gào thét phản đối sự bất công và sự bái sùng ngẫu tượng, đồng thời cũng là một lời cảnh cáo nghiêm nghị báo trước ngày thẩm phán hãi hùng trước mắt, lúc đó chỉ một nhóm ít người (kẻ lành) khỏi bị phạt mà thôi. Nhưng công trình của Amos không có kết quả. Sau một thời gian độ vài ba tháng thi hành sứ mệnh, ông rút lui về cuộc sống đơn giản của ông trên đồi xứ Yuđêa về phíaNam. Ở đó ông viết những điều cảm nghĩ của ông thành sách có mang tên ông để truyền lại cho chúng ta ngày nay. Ông đã chiến đấu vì những lý tưởng lời Giao ước của Thiên Chúa với Israel, nhưng ông đã thất bại. Tuy nhiên, những lời giáo huấn của ông, những tiếng gào thét đòi hỏi công bình và từ bi cũng như những lời cảnh cáo của ông về ngày kinh hãi của Thiên Chúa đã trở nên phổ thông nơi các tiên tri kế tiếp của ông. Ông đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ về sau của Israel, và để lại một sứ điệp quan trọng. ngay cả cho chúng ta, những kẻ đang sống trong thời đại xa ông rất nhiều, nhưng không khác xa thời ấy bao nhiêu.

Lịch sử Cứu độ (6)

Tiên tri Hôsê


Hôsê cũng lên tiếng nói với chính những hạng người mà Amos đã tố cáo, nhưng giọng điệu của ông khác hẳn. Dù sao, Hôsê cũng là người miền Bắc, nói với dân chúng của mình. Giọng điệu của ông dịu dàng hơn Amos, tuy lời chỉ trích cùa ông rất đúng và mạnh mẽ, nhưng được nói lên với lòng yêu thương và cảm tình rõ rệt.


Điều độc đáo nơi Hôsê là ông đã sống cái sứ điệp của ông trước rồi mới rao giảng. Xin giải thích rõ hơn: Hôsê đã cưới Gôme, một người vợ thất trung, đã sớm bỏ chồng để sống cuộc đời gái điếm, cũng có thể là thứ gái điếm trong những nghi lễ tế tà thần. Nhưng Hôsê vẫn yêu cô ấy. Ông đã tìm kiếm cô và đưa cô trở về nhà. Đó là cái thảm kịch trong đời tư của Hôsê và mối tình sâu xa của ông đối với người vợ thất trung.

Hôsê rao giảng cái kiểu thảm kịch đó và cái kiểu tình yêu sâu xa đó nhưng trên một bình diện siêu nhiên. Sự bất hạnh của ông đã giúp ông nhận thức rõ ràng cái thảm kịch Israel từ bỏ Thiên Chúa, và tình yêu không thể tưởng tượng của Thiên Chúa đối vớiIsrael. Theo lời của Hôsê, Israel là bạn trăm năm của Thiên Chúa, hợp nhất với Ngài bằng những dây thân ái còn chặt chẽ hơn là hôn nhân. Tuy nhiên, Israel đã thất trung, đã hăm hở chạy theo tà thần ngoại giáo. Càng ngày, Israel càng đi sâu hơn vào tội ngoại tình thiêng liêng. Dù thế, Thiên Chúa vẫn luôn tìm kiếm, cứu vớt và đem Israel trở về với Ngài. Mối quan hệ giữa Thiên Chúa với Israel, trên bình diện siêu nhiên chẳng khác gì mối quan hệ giữa Hôsê và Gôme trên bình diện phàm nhân.

Làm sao giải thích được mối tình của Hôsê đối với Gôme? Thật là khó. Tình yêu không thể giải thích được nhất là mối tình chân thật được minh chứng bằng sự hy sinh anh dũng. Làm sao giải thích được tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel? Vài lời của vị tiên tri này nói lên cho chúng ta tất cả những gì chúng ta có thể biết được.

“Không, Ta sẽ không thi hành hỏa hào khí nộ. Ta sẽ không hủy diệt Ephraim (Israel) vì Ta là Thiên Chúa, không phải phàm nhân. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thành” (Hôsê 11, 9)

“Ta là Thiên Chúa không phải phàm nhân:, đó là lối giải thích độc nhất có thể được. Thiên Chúa bền vững trong tình yêu của Ngài, bởi vì như lời một tác giả thiên khải về sau đã viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (I Yn 4, 16). Thiên Chúa thương yêu vì chính Ngài là tình yêu. Đó là điều sâu xa nhất Hôsê đã hé màn cho chúng ta thấy. Điều này lại càng được thấy rõ hơn nữa khi tình yêu của Thiên Chúa được chứng minh bằng sự nhập thể (của Ngôi Lời) để đem lại ơn cứu độ cho loài người.

Bởi đó, chính Hôsê đã đưa vào Thánh Kinh hình bóng “cuộc hôn nhân của Thiên Chúa với Israel”. Hình bóng đó được nhiều vị tiên tri về sau chấp nhận và chính Đức Kitô cũng dùng hình ảnh đó để mô tả sự liên hệ giữa Ngài với Israel mới, tức Giáo hội. Và hình ảnh đó được khai triển đầy đủ nhất trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô 5,22-23.

Hôsê lại còn để cho chúng ta một chân lý sâu xa nữa khi ông nói:

“Vì Ta muốn tín nghĩa, chứ không phải tế tự, và nhận biết Thiên Chúa hơn là thượng hiến” (Hôsê 6, 6)

Qua những lời trên đây, Hôsê chỉ trích thứ tôn giáo chỉ vụ hìn thức bên ngoài ở thời ông, thứ đạo đức giả hiệu chỉ đặt hy vọng vào những nghi lễ bên ngoài, gia tăng hình thức nghi lễ thay vì những hành vi vâng phục và yêu mến. Điều Thiên Chúa đòi hỏi là lòng từ bi, sự trung tín và hợp nhất với Ngài để rõ biết Ngài như thế nào. Nghi lễ bên ngoài chỉ có giá trị khi nào nó thể hiện sự sùng kính bên trong. Đức Kitô cũng dùng những lời tương tự, như Hôsê khi nói về những người giả hình đạo đức thời Ngài. (Mt 9, 13; 12, 7)


SỰ HỦY DIỆT VƯƠNG QUỐC ISRAEL Ở MIỀN BẮC (đọc IV V ch. 17)


Amos và Hôsê đều rao giảng tại vương quốc miền Bắc vào khoảng 750 trước Thiên Chúa giáng sinh. Họ là những sứ giả cuối cùng Thiên Chúa đã gửi đến cho một dân tộc đang quay lưng với Ngài. Amos dùng những lời nảy lửa và đanh thép. Hôsê thì dùng những lời lẽ đầy yêu thương. Các vua, các tư tế và dân chúng đã bịt tai không chịu lắng nghe một vị tiên tri nào cả. Và do đó, đã giáng xuống vương quốc miền Bắc cái “ngày của Thiên Chúa”, ngày tối tăm chứ không phải sáng, ngày mù mịt không lóa được chút quang minh (Amos 5, 20). Dụng cụ để thi hành công lý của Thiên Chúa là đế quốc lớn trên thế giới. Nó nắm quyền kiểm soát thế giới Mêsêpôtamia trong vòng gần 300 năm, khoảng từ 900 đến 600 trước Thiên Chúa giáng sinh.

Vị vua cuối cùng của Israel tên là Hôso (không phải là tiên tri Hôsê), lên ngôi vào khoảng năm 730 trước Thiên Chúa giáng sinh. Bị thua, quân Assuyri, dưới sự lãnh đạo của Shalmaneser, vua Hôso đã phải nộp những lễ vật triều cống nặng nề cho quân xâm lăng. Ông quay sang cầu cứu nước Ai Cập. Ai Cập hứa giúp đỡ, nhưng không bao giờ thực hiện lúcIsraelbị tấn công, và Assyri đã tấn côngIsrael. Thủ đô của Israel là Samari bị bao vây trong vòng ba năm trời, trong lúc đó Shalmaneser chết và Sargon lên kế vị. Ông này là một người nổi tiếng, đã sáng lập một triều đại Assyri mạnh mẽ nhất. Năm 722 trước Thiên Chúa giáng sinh, ông đã hoàn toàn tiêu diệt vương quốc miền Bắc, lưu đày dân Israel và đưa các người ngoại bang từ “Babylon, Kuta, Av-va, Khamat và Sơpharvaim” vào nước Israel (IV V 17, 24). Những người này định cư ở phía bắc Phalệtinh, họ dựng vợ gả chồng với bất cứ gia đình nào của Israel còn sống sót, họ lượm lặt chút ít điều họ hiểu biết về tôn giáo Môsê, và biến nó dần dần thành tôn giáo của người Samari, là những người mà dân Do Thái thời Đức Kitô thù ghét nhất.

Những ký sự đầy vẻ phô trương tự đắc của Sargon đã mô tả sự cáo chung của Israel như sau:

Trong năm thứ nhất triều đại của tôi, tôi đã chinh phục Samari. Tôi đưa đi lưu đày 27.000 người. Tôi lấy các xe của họ để cho quân đội tôi dùng, tôi bắt họ nộp triều cống. Dân chúng trong xứ là những nạn nhân trong tay tôi, tôi bắt chúng sống nơi khác, và tôi đặt quan lại của tôi để cai trị họ, và họ phải nộp thuế như những người dân thuộc quyền cai trị của tôi (1).

Tất cả những điều này phù hợp với câu chuyện thê thảm Thánh Kinh thuật lại cho chúng ta. Sargon cũng bày ra những khổ hình bi thảm để bắt những người ông đưa đi lưu đày phải chịu. Họ bị sắp thành hàng dài, trói lại với nhau bằng những dây thừng buộc ở cổ hoặc cổ tay của họ, hoặc buộc vào những vòng đâm xuyên qua mũi hay môi của họ. Dân Israel bị đưa đến Haran ở phía Bắc, hoặc những xứ thuộc miền Mêsôpôtamia ở phía Đông. Không bao giờ họ trở về nữa và dần dần họ sẽ bị đồng hóa với các dân tộc nơi họ bị lưu đày.

Sự đã xảy ra vì con cái Israel đã phạm tội nghịch với Đức Chúa Thiên Chúa của chúng, Đấng đã đem họ lên từ đất Ai Cập, từ bàn tay của Pharaô, vua Ai Cập, và vì họ đã kính các thần khác. Chúng đã đi theo thói tục của các nước Yavê đã đánh bại khỏi trước mặt con cái Israel, những thói tục mà các vua họ đã tạo lấy. Con cái Israel đã thốt ra những điều chẳng phải, phạm đến Đức Chúa Thiên Chúa của họ. Họ đã xây cho mình cao đàn trong các thành của họ từ tháp canh cao cho đến đồn lũy, họ đã dựng bài vị và nêu thờ trên mọi đồi cao và dưới mọi cây cối sum suê. Trên đó, trên mọi cao đàn, họ đã huân yên, như các nước Đức Chúa đã đày khỏi mặt họ… Họ đã bỏ tất cả các lệnh truyền của Đức Chúa Thiên Chúa của họ, và đã tạo cho mình tượng đúc là hai con bê; họ đã làm nêu thờ và thờ lạy tất cả các cơ binh trên trời và đã phụng sự Baal. Họ đã chuyền con trai con gái họ qua lửa; họ đã học đòi bói quẻ, yêu thuật; họ đã bán mình làm sự dữ trước mặt Yavê để khiêu cơn nghĩa nộ của Ngài. Cho nên Đức Chúa đã chẩn nộ bừng bừng trên Israel và Ngài đã xua họ xa khỏi nhan Ngài. Vỏn vẹn chỉ còn một mình chi tộc Yuđa. (IV V ch. 17)

Trong chương trình cứu độ, chỉ một mình Yuđa còn sót lại. Nơi chi tộc Yuđa và các vua của họ thuộc dòng dõi Đavít, được đặt tất cả niềm hy vọng cứu độ cho Israel và cho tất cả các nước.

Từ khi quốc gia bị chia rẽ sau cái chết của vua Salômôn, trước đó độ 200, Yuđa ở miền Nam đã vững mạnh hơn Israel ở miền Bắc. Lý do chính là vì ở miền Bắc, kẻ nào đủ sức mạnh cướp ngôi (thường bằng sự sát nhân) thì được lên làm vua, đang khi đó ở miền Nam, quyền lên ngôi chỉ thuộc về một gia đình mà thôi. Đó là gia đình Đavít. Sự kiện duy nhất này đã làm cho quốc gia tồn tại và bền vững. Dưới mắt của những công dân miền Nam, thì vua của họ phải thuộc về dòng dõi Đavít, bởi vì Thiên Chúa đã quyết định như thế qua miệng tiên tri Natan (II V ch. 7). Thiên Chúa cũng đã khẳng định rằng bằng cách nào đó và vào lúc nào đó, vương quốc này sẽ trở nên vừa phổ bác vừa vĩnh cửu. Người Yuđa biết tất cả các điều này, họ rất lấy làm hãnh diện và ỷ lại. Họ không bao giờ nghĩ rằng chính những tội ác đã đưa Israel đến chỗ cáo chung thê thảm, cũng có thể làm cho Yuđa bị tiêu tán như thế. Không, họ không thể bị tiêu vong, nhất định họ phải tồn tại vì vương quốc của họ là vĩnh cửu.

Nhưng một sự loạn lạc nghiêm trọng đã hiện ra trước mắt. Ngay cả một người quan sát tình cờ sân khấu chính trị và xã hội ở Yuđa, cũng thấy được rằng những tội lỗi đã làm cho vương quốc Israel bị tiêu diệt cũng chính là những tội lỗi của Yuđa. Tuy chưa rõ ràng như thế, song cũng đã hiện diện và đang bành trướng. Cũng đã có sự chuộng hình thức bên ngoài như thế, dựa trên sự tin tưởng hão huyền rằng nhiều lễ tế và lễ vật có thể thay thế cho lòng yêu mến và vâng phục mà Thiên Chúa đòi hỏi. Cũng có những bất công xã hội như thế lợi dụng người đồng loại một cách vô nhân đạo để mưu ích cho bản thân, bất công đối với kẻ nghèo, coi rẻ nhân phẩm mà mọi người đều có trước mặt Thiên Chúa.

Và cũng có sự bái thờ ngẫu tượng như thế: Yuđa cũng chạy theo tà thần ngoại giáo. Vào lúc Israel bị đi lưu đày thì vua Akhaz của Yuđa “đã chuyền qua lửa ngay cả người con trai của ông, theo những điều gở các dân ngoại đã làm, dân Đức Chúa đã đánh bạt khỏi trước mặt con cái Israel” (IV V 16, 3). Nếu Yuđa cứ tiếp tục làm những điều vô luân như thế, thì ngày của Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên nó. Để giữ gìn Yuđa xứng đáng là người bạn trăm năm trinh trắng của Thiên Chúa, nhiều vị tiên tri thời bấy giờ đã đấu tranh kịch liệt như tiên tri Isaia, Mica và một thế kỷ sau đó, tiên tri Yêrêmia.

(còn tiếp)

Neam M. Flanagan, CSM

Nguyên tác: Salvation History, 1964

Trích “Lịch sử Cứu độ”, tr 76-87


Chú thích:

(1) Daniel-Rops: “Israel và thế giới thời cổ” (Israel and the Ancient World);London, Lyre and Spottiewoode, 1948, p. 192.

* Bài liên quan:

Lịch sử Cứu độ (1)

Lịch sử Cứu độ (2)

Lịch sử Cứu độ (3)

Lịch sử Cứu độ (4)

Lịch sử Cứu độ (5)