Lịch sử cứu độ (7)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3292 | Cập nhật lần cuối: 5/26/2015 2:31:42 PM | RSS

(tiếp theo)


Lịch sử cứu độ (7)Isaia và Mica (* đọc Is ch. 5: bài ca vườn nho, ch. 6: Isaia được kêu gọi. ch. 7-12: sách Samuel, ch. 33-39: Êzêkia và Sennakêrib. * Cũng hãy đọc Mica ch. 1-7)

Isaia cùng Mica đều cùng chung một bối cảnh. Cả hai đều là người miền Nam của nước Yuđa, sứ mệnh của họ bắt đầu vào lúc Amos và Hôsê chấm dứt sứ mệnh của mình. Một số sứ điệp của họ nhằm vào vương quốc miền Bắc, trước khi nước này bị suy đổ năm 722 trước Thiên Chúa giáng sinh. Tuy nhiên, mối quan tâm chính của họ là những hoàn cảnh trong vương quốc Yuđa. Họ hoàn toàn thành công trong sứ mạng này, chính là vì ông vua lên cầm quyền ở miền Nam vài năm trước (hay sau, các học giả không nhất trí) sự sụp đổ của Israel, là một trong ba vị vua anh minh (hai vị kia là Đavít và Yôsia) của triều đại. Nhất là Isaia là một cố vấn thân mật của vua Êzêkia, vua này đã nhờ rất nhiều ở những lời khuyên nhủ của ông.


Thời kỳ của Isaia và Mica là một thời kỳ rối loạn, chính trị rối ren, bị quân Assyri đe dọa và tấn công họ có lực lượng mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ. Yuđa được thoát khỏi nạn diệt vong nhưIsraelnăm 722, nhưng bàn tay của Assyri vẫn siết chặt Yuđa, trong quyền lực của mình mặc dầu chúng chưa bóp nát nó. Sau khi Sargon, người đã chinh phục Israel, bị ám sát năm 705 trước Thiên Chúa giáng sinh, Sennacherib lên kế vị và bắt đầu một cuộc xâm lăng Yuđa năm 701. Ông đã hoàn toàn thành công mặc dầu ông không chiếm lấy thành Yêrusalem. Trong dịp này, hoặc trong một dịp tương trợ, chừng mười năm sau đó (khó xác định niên biểu) quân lính của ông đã vây thành Yêrusalem và trông có vẻ chắc chắn chinh phục được thành ấy, nhưng đã bị tan vỡ vì một thứ bệnh giống như ôn dịch. Đây là một sự cứu thoát thần thánh đối với người Yuđa, một sự cứu thoát đã được ca tụng trong sách Isaia 37,36-38 và trong sách Các Vua IV ch. 19,35-36. Đọc Isaia và Mica nên nhớ đến bối cảnh chính trị và quân sự này.

Người ta biết rất ít về con người và đời sống của Mica. Môsêret, quê nhà của ông, cách Yêrusalem về phía Tây Nam độ 20 dặm. Ngôn ngữ đơn sơ và không chải chuốt của ông cho thấy rằng ông xuất thân từ một địa vị xã hội khiêm tốn. Ông và Amos giống nhau ở điểm này và cũng như Amos, ông là một người quan tâm sâu xa đến vấn đề công bình xã hội. Chúng ta không rõ ông thì hành sứ mệnh của ông trong bao lâu, cũng không rõ ông mất lúc nào và trong trường hợp nào. Tuy nhiên, chúng ta đọc trong sách Yêrêmia rằng ít nhất cũng có một lần trong lời sấm của ông đã đem lại sự cải cách hữu ích ở Yuđa.

Mica người Môsêret, làm tiên tri vào thời Êzêkia vua Yuđa, đã nói với toàn dân Yuđa rằng: “Yavê các cơ binh phán thế này: Sion sẽ thành ruộng cày, Yêrusalem hóa ra đống vụn, núi của nhà, một gò rừng hoang. Phải chăng vua Êzêkia vua Yuđa và toàn thể Yuđa đã xử tử ông ấy? Lại không phải là vua đã kính sợ Yavê và đã vỗ về nhan Yavê và Yavê đã hối lại sự dữ Ngài đã phán trên họ ư? (Yêrêmia 26,18-19)

Về Isaia thì chúng ta biết được nhiều hơn, mặc dù vẫn chưa đầy đủ như chúng ta mong muốn. Ngôn ngữ Hípri chải chuốt của ông đã cho thấy ông là một con người có học thức và sự ông đi lại dễ dàng với vua Akhaz và hoàng tử của ông ấy là vua Êzêkia, cho thấy rằng ông đã quen giao thiệp với hạng quyền quý. Ông có vợ và ít nhất có hai người con. Cả hai đều được đặt những tên có ý nghĩa tượng trưng, người con thứ nhất là Shear-jashub ‘một kẻ sống sót sẽ trở về’ và người con thứ hai là Maher-shalalhashbaz ‘của trộm cắp thì vội vàng, nạn nhân thì hối hả’. Ơn kêu gọi bước vào cuộc đời tiên tri của ông xảy ra, theo lời ông thuật lại ở ch. 6, 1 ‘vào năm Ôsia chết, tức là vào khoảng 740 trước Thiên Chúa giáng sinh, độ 18 năm trước khi Israel bị tiêu diệt. Chúng ta cũng biết rằng ông đã giúp cho Êzêkia lúc bị Sennakêrib xâm lăng và khoảng 700 trước Thiên Chúa giáng sinh. Nhưng không rõ ông kết liễu cuộc đời ra sao. Theo lời truyền không được chắc chắn, thì ông đã bị vua Manassê cưa làm hai, vua này là đứa con phản nghịch của Êzêkia nhưng không có một sử liệu nào để xác nhận điều này.

Vì chức nghiệp của hai vị tiên tri này khá lâu, đặc biệt là Isai, nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy có những điểm cực đoan trong các điều họ viết. Có những đoạn yên ủi và lên án, bởi vì họ phải đấu tranh không những với vị vua anh minh Êzêkia, mà còn phải đấu tranh với ông vua xấu khét tiếng, là Akhaz, cha của Êzêkia. Akhaz có ít niềm tin ở Yavê và có lúc dường như để rơi mất luôn niềm tin ít ỏi đó. Chúng ta biết rằng vua ấy đã có lần dâng những đứa con trai của mình để làm lễ tế thần tà giáo. Vào lúc gần cuối đời, vua lại đi xa hơn nữa bằng cách dựng một bàn thờ ngoại giáo ở trong đền thờ Yêrusalem. Ngay cả thời kỳ cải cách của Êzêkia cũng không phải là hoàn toàn thành công. Tội lỗi vẫn còn đầy dẫy, khiến cho Isaia và Mica phải lên tiếng đả kích.


Lịch sử cứu độ (7)Sứ điệp của tiên tri Isaia và Mica

Hai vị tiên tri đồng thời này đều đề cập đến nhiều điểm tương đồng, nên chúng ta có thể khảo sát họ cùng một lúc. Vậy 39 chương đầu trong sách Isaia thì có thể được chấp nhận là chính vị tiên tri này viết. Còn những chương sau của sách Isaia được viết trong thời kỳ lưu đày ở Babylon, khoảng 150 năm về sau.

Một Thiên Chúa duy nhất. đó là điểm cả hai vị tiên tri đều nhấn mạnh. Isaia diễn tả điều này bằng cách nêu lên quyền cai trị tối thượng của Thiên Chúa đối với ngay cả những nước ngoại giáo xa xôi.

Người phất cờ ra hiệu cho một nước từ phương xa lại, người huýt gọi nó lại từ mút cùng trái đất, và này chúng vội đến lanh chai. (Is 5, 26)

Về phương diện tiêu cực, thì cả hai đều lên tiếng đả kích mạnh mẽ sự bái sùng ngẫu tượng ở thời họ. Đó là tội nặng nhất của Israel, và chính nó đã buộc Thiên Chúa phải đoán xử phân minh.

Phù phép, ta sẽ vất phăng đi khỏi tay ngươi, và những thầy chiêm bốc sẽ không còn có nơi ngươi. Các thần tượng của ngươi, Ta sẽ hủy phăng đi và những bài vị của ngươi Ta sẽ cất khỏi giữa ngươi. Ngươi sẽ không còn phục lạy công trình tay ngươi, các nêu thờ của ngươi, Ta sẽ nhổ đi khỏi giữa ngươi, các ảnh tượng của ngươi Ta sẽ hủy diệt. (Mica 5,11-13)

Điểm quan trọng thứ hai là sự công bình xã hội. Ở đây cả hai vị tiên tri này đều nhất trí với vị tiên tri trước họ là Amos. Những lời bóng bẩy, chua cay mà Mica đã dùng, quả thật là một lối nói hết sức mạnh mẽ.

Hãy nghe đây, hỡi các đầu mục của Yacob, và các chức sắc nhà Israel, biết công lý lại không phải là việc của các ngươi sao? Các ngươi, những kẻ ghét lành chọn dữ. Chúng ăn thịt dân Ta và lóc da mình họ, cùng kho đục xương tủy họ. Chúng phanh mảnh họ như thịt trong nồi, như nạc trong niêu. (Mica 3,1-3)

Sự thánh thiện trong tâm hồn. Trái nghịch với sự chuộng hình thức bên ngoài, là một điều mà hai vị tiên tri cũng đều rao giảng. Điều này cho thấy cách đặc biệt sự tiến dẫn đến mặc khải mà Đức Giêsu sẽ nhấn mạnh khi Ngài nói rằng ơn cứu độ là do sự thờ phượng Thiên Chúa trong tâm hồn và trong chân lý. Nếu những lễ tế bên ngoài không phải là dấu hiệu bày tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không sá kể.

Ích gì cho Ta, lễ tế vô vàn của các ngươi? Đức Chúa phán: Ta đã chán ngấy thượng hiến cừu tơ và mỡ thú vật béo nẩy. Huyết bò tơ với chiên con cùng dê đực, Ta cũng không màng. Khi các ngươi vào yết nhan Ta, nào ai đòi các ngươi làm thế: dẵm lên các tiền đình của Ta? Các ngươi đừng đem lại lễ cúng tào lao: hương hoa với Ta là đồ tởm…

Ngày sóc và lễ bái của các ngươi, hồn Ta đã ghét: chúng là gánh nặng cho Ta, Ta đã ngán rồi không chịu nổi.

Các ngươi giang tay lên, Ta sẽ bịt mắt Ta với các ngươi. Các ngươi có gia tăng nguyện cầu, Ta cũng không nghe: tay các ngươi vấy đầy những máu! Hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy mình đi. Hãy cất khỏi mắt Ta, sự dữ của việc làm các ngươi. Hãy thôi làm dữ! Hãy học làm lành, hãy theo dõi công minh, hãy đỡ đần người bị áp bức, hãy xử cho kẻ mồ côi, hãy bênh đỡ người góa bụa. (Is 1,11-17)

Một nhóm ít NGƯỜI SỐNG SÓT vẫn trung thành với Thiên Chúa giữa một quốc gia tội lỗi và cũng chính nhóm ít người sống sót này sẽ được tồn tại sau những ngày thẩm phán trước mắt, đó là một điểm khác nữa mà Isaia và Mica cũng như Amos đều rao giảng. Tất cả đều tưởng tượng rằng nhóm ít người này sẽ là những người tiếp đón lời hứa của Thiên Chúa và sự cứu độ sẽ đến với họ và qua họ.

Trong ngày ấy, Đức Chúa các cơ binh sẽ là triều thiên trang điểm, là tràng hoa huy hoàng cho so bột của dân người. (Is 28, 5)


Một chân lý càng quan trọng hơn nữa được gặp thấy trong những sách ấy, đó là tính cách phổ bác của ơn cứu độ, nghĩa là ơn cứu độ được mở rộng bằng cách nào đó ngay các dân ngoại. Chân lý này nhắc cho chúng ta một lần nữa lời hứa thứ ba của Thiên Chúa với Abraham. Thời lời hứa ấy, các dân ngoại cũng sẽ được chúc phúc qua Abraham và gia đình ông. Trải qua bao nhiêu thế kỷ, lời hứa này đã hóa nên xa lạ đối với dân Israel và dường như bị quên lãng. Chính các tiên tri đã đưa nó ra ánh sáng, và như thế, các vị ấy chuẩn bị cho vương quốc phổ bác và công giáo của Đức Kitô sẽ đến.


Vào những ngày sau hết, núi nhà Đức Chúa sẽ nên kiên vững trên đỉnh đầu các núi non, và nó sẽ được nhắc cao quá gò nổng. Các dân sẽ tuôn về đó. Và đông đảo chư quốc sẽ đổ về. Họ nói: “Nào ta hãy lên núi Đức Chúa, đến nhà của Thiên Chúa Giabob thờ, để Ngài dạy ta đường lối của Người, để theo nẻo đi của Ngài, ta tiến bước vì từ Sion, thánh chỉ ban ra và lời Đức Chúa phán tự Yêrusalem. (Mica 4,1-2; Is 2,2-3)


Một yếu tố rõ rệt sau cùng trong sứ điệp của hai vị tiên tri này là sự nhấn mạnh vị cứu thế có vương quyền và vai trò vinh hiển của vị đế vương thuộc dòng dõi Đavít sẽ đến. Isaia nhấn mạnh đặc biệt “một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con, và sẽ gọi tên là Emmanuel” (Is 7, 14). Trong những chương kế tiếp, ông tả rõ thêm vị đế vương này sẽ đem đến sự hiện diện của Thiên Chúa (Emmanuel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Ông tả vị ấy như là một chồi xuất từ gốc Isai (11, 1). Do đó, thuộc dòng dõi Đavít con của Isai. Ở đây sự cứu độ được tập trung vào một cá nhân, một vị vua con của Đavít. Ở một đoạn khác, Isaia nói thẳng về người con trai vua Đavít và về vương quốc vĩnh cửu và phổ bác đã hứa với người qua miệng tiên tri Natan. Ông mô tả bằng nhiều từ ngữ phấn khởi đến nỗi những độc giả trong các thế hệ tương lai chuẩn bị đón tiếp một vị đế vương siêu phàm xuất chúng.


Vì một trẻ đã sinh ra cho ta, một con trai được ban xuống cho ta; vai Ngài đỡ lấy quyền bính và thiên hạ hô tước hiệu Ngài: Mưu sự sự lạ, Thần anh dũng, Cha đời đời, Vua bình an, quyền bính bao la, bình an vô tận trên ngai Đavít, trên nước của ông, cho nước được bền vững, kiên cố, nhờ công minh đức nghĩa, từ nay cho đến muôn đời. (Is 9,5-6)


Mica cũng nói về vị đế vương thuộc dòng dõi Đavít mà mọi người chờ mong, về vương quốc phổ quát của Ngài và về thân mẫu Ngài.


Phần ngươi, hỡi Bêlem-Ephrata, nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Yuđa. Chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho ta, vị có mệnh thống lĩnh sơn hà Israel.


Nguồn gốc của Ngài lên đến trước xa, lên tới những ngày thuở xưa.


Cho nên người sẽ phó nộp chúng cho đến thời “Đẻ” sẽ sinh con và số sót anh em Ngài sẽ về với con cái Israel.


Ngài sẽ bền vững, Ngài sẽ chăn dắt, dựa vào quyền lực Đức Chúa, nhờ uy danh của Đức Chúa, Thiên Chúa của Ngài.


Và chúng sẽ được an cư, vì bấy giờ, Ngài sẽ nên lớn lao cho đến mút cùng trái đất.


Chính Ngài là sự bình an. (Mica 5,1-4)


Cũng nên lưu ý rằng những lời trích dẫn trên đây mô tả vị cai trị Israel trong tương lai như là một kẻ chăn chiên “Đế vương chăn chiên”, một lối mô tả lạ thường, nhưng nó sẽ trở thành chính xác nhất khi tới ngày nó được ứng nghiệm.


Cả hai vị tiên tri đều cố ý nhằm hai mục đích: vạch ra những tội lỗi thông thường dân chúng thời đại các Ngài thường ngã phạm và hướng tư tưởng của họ về những ngày vinh quang trước mắt trong tương lai. Các ngài khuyên giới: Giờ đây hãy phụng sự Thiên Chúa, hãy kính trọng đồng loại và như thế để chuẩn bị cho những ngày vị đế vương sẽ đến. Vị đế vương này sẽ đem lại ơn cứu độ và sẽ mở ra một thời đại hòa bình mà loài người sẽ là bạn của Thiên Chúa và bạn với nhau.


Triều đại của Manassê: con trai của vua Êzêkia tốt lành (quãng cách giữa Isaia và Yêrêmia)


Manassê được 12 tuổi khi lên làm vua. Ông đã trị vì ở Yêrusalem 55 năm. Tên mẹ là Khephxi-Bah. Ông đã làm sự dữ trước mắtĐức Chúa, như những điều ghê tởm các dân ngoại đã làm, những dân Đức Chúa đã đánh bạt khỏi trước mặt con cái Israel. Ông đã xây lại những cao đàn, Êzêkia cha ông đã phá, ông đã dựng những tế đàn kính Baal, và tạc một Ashêrah như Akhaz vua Israel đã làm; ông đã thờ lạy tất cả cơ binh trên trời và phụng sự chúng. Ông đã xây những tế đán trong nhà Đức Chúa…


Để kính tất cả các cơ binh trên trời, ông đã xây những tế đàn trong hai tiền đình của nhà Yavê. Ông chuyền qua lửa con trai ông và đã chiêm tinh làm yêu thuật, lập ra nào đồng bóng, pháp sư; và làm lắm điều dữ trước mắt Đức Chúa để chọc tức Ngài. Tượng Ashêrah ông đã tạc, ông đặt trong nhà mà Yavê đã phán với Đavít và với con là Salômon: “Nơi nhà này và tại Yêrusalem, Ta đã chọn giữa các chi tộc Israel, Ta sẽ đặt Danh Ta mãi mãi. Và Ta sẽ không để chân Israel phiêu bạt khỏi thửa đất mà Ta đã ban cho ca ông chúng, miễn là chúng tuân giữ làm theo mọi điều Ta đã truyền cho chúng theo tất cả lề luật Môsê tôi tớ của Ta đã truyền dạy chúng”. Nhưng chúng đã không nghe, và Manssê đã làm chúng lạc đường, khiến chúng làm sự dữ còn hơn dân ngoại.


Đức Chúa đã hủy diệt trước mặt con cái Israel.


Đức Chúa mới phán ngang qua các tôi tớ Ngài là các tiên tri rằng: “Nhân vì Manassê vua Yuđa đã làm các điều ghê tởm ấy, vì nó đã làm bậy hơn cả dân Amori có trước nó đã làm, và nó cũng đã làm cho cả Yuđa phạm tội vì các xu thần của nó, vì thế, Yavê Thiên Chúa của Israel đã phán: Này đây Ta sẽ giáng xuống trên Yêrusalem và Yuđa một tai họa và mọi kẻ nghe đến sẽ ù cả hai tai… Ta sẽ chùi Yêrusalem đi như người ta chùi cái bát, rồi thì úp mặt nó xuống. Ta sẽ bỏ mặc cơ Nghiệp Ta sót lại và phó nộp nó cho các địch thù của chúng và chúng sẽ làm mồi cho các địch thù tha hồ cướp bóc hôi của, vì chúng đã làm sự dữ trước mắt Ta và chúng hằng khiêu giận Ta từ ngày tổ tiên chúng ra khỏi Ai Cập cho đến nay.


Manassê cũng đã đổ máu vô tội, nhiều đến nỗi ông đã làm Yêrusalem này vấy đầy máu từ đầu thành đến cuối thành, đó là không kể các tội ông đã nên cớ cho Yuđa phạm, là làm sự dữ trước nhan Đức Chúa. (IV V 21,1-16)


Đoạn văn mô tả ngắn gọn này cho thấy rõ rằng hiệu quả công trình tốt đẹp do vua Êzêkia và hai tiên tri Isaia và Mica đã thực hiện được, không còn tồn tại bao lâu, Manassê, con trai Êzêkia, đã hoàn toàn làm tiêu tán công trình ấy.


Ông phá hoại tôn giáo của Yuđa đến mức độ khó tưởng tượng được. Ông xây cất tế đàn ngoại giáo ngay cả trong Đền Thờ: nếu Israel vì phạm nhiều tội mà đã phải hủy diệt, thì liệu Yuđa có khỏi bị trừng phạt nặng nề như thế chăng?


Vào khoảng cuối triều đại của ông vua sấu xa khét tiếng này, có lẽ lối 650 trước Thiên Chúa giáng sinh, một đứa trẻ tên là Yêrêmia ra chào đời tại một thành nhỏ Anatốt, cách Yêrusalem về phía Đông Bắc chừng vài dặm. Thân sinh ông là Kêloia, người thuộc hàng tư tế. Thuở còn bé, Yêrêmia đã sống trải qua một thời kỳ mục nát, đồi bại trong tôn giáo do Manassê tiếp tay. Cả vua cũng như dân không ai để ý đến bài học mà sự hủy diệt vương quốc miền Bắc để lại. Họ tiếp tục hành động như thể là Đức Chúa không hiện hữu, hoặc Ngài có hiện hữu, thì Ngài cũng không quan hệ gì tới hạnh kiểm, đạo đức của Dân Ngài. Bàn tay của Thiên Chúa đã sẵn sàng giáng xuống hình phạt cho nước Yuđa lúc Yêrêmia hãy còn thơ ấu.

(còn tiếp)

Neam M. Flanagan, CSM

Nguyên tác: Salvation History, 1964

Trích “Lịch sử Cứu độ”, tr. 88-98.

----------------------------------------

* Bài liên quan:

Lịch sử Cứu độ (1)

Lịch sử Cứu độ (2)

Lịch sử Cứu độ (3)

Lịch sử Cứu độ (4)

Lịch sử Cứu độ (5)

Lịch sử Cứu độ (6)