Vài cảm nhận sau buổi chia sẻ về các Cộng Đoàn Kitô hữu nhỏ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2521 | Cập nhật lần cuối: 11/3/2021 8:52:28 PM | RSS

Vài cảm nhận sau buổi chia sẻ về các Cộng Đoàn Kitô hữu nhỏ

Do sự sắp xếp của Cha Giám Đốc TTMV, vào tiết học môn Thực hành Cầu nguyện Kitô Giáo thứ tư ngày 28.11.2018.

Chị Cora Mateo, nguyên cố vấn của Văn phòng Giáo dân và Gia đình (Office of Laity and Family –OLF) trực thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã đến thăm và chia sẻ với các học viên Lớp Tác viên Tin Mừng - IA

Tham dự buổi chia sẻ có các Cha Phêrô Nguyễn văn Hiền -Giám Đốc TTMV giảng viên môn Nhân bản Kitô Giáo- Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -Giám học - Giảng viên môn Thực hành Cầu nguyện Kitô giáo, và Cha Giuse Vương sĩ Tuấn-giảng viên môn Linh đạo Giáo dân và là linh mục đồng hành với lớp học, trong buổi chia sẻ tối nay, Cha Giuse phụ trách phiên dịch chính.

Chị Cora đã chia sẻ với lớp học 2 đề tài chính dưới đây:

I. Phương pháp:

Phương pháp 7 bước chia sẻ Tin mừng khi một nhóm hay một cộng đoàn cùng nhau cầu nguyện:

- Bước 1 : Một người trong nhóm trong tâm tình thân mật và bạn hữu mời Chúa Giêsu đến với nhóm (lời mời này để gây ý thức cho mỗi người về sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa cộng đoàn), như trong Thánh Kinh đã đề cập khi Chúa ghé thăm nhà ông Giakêu hay chị Mác-ta.

- Bước 2 : Đọc một đoạn Lời Chúa , nên chọn bài Tin Mừng của ngày chúa nhật sắp tới, đọc chậm rãi và tâm tình cầu nguyện

- Bước 3 : Mời gọi mỗi người trong nhóm chọn một câu ngắn hay một từ trong bản văn Tin Mừng , đọc lớn tiếng 3 lần trong khi các thành viên khác giữ thinh lặng. Chúng ta có thể chọn bất kỳ từ nào trong bản văn Tin Mừng vừa đọc.

- Bước 4 : Giữ thinh lặng ,thời gian thinh lặng, thường từ 3-4 phút tùy theo ý muốn của nhóm hay cộng đoàn.

- Bước 5: Các thành viên nhóm chia sẻ những trải nghiệm riêng tư của mình về sự đụng chạm và hiện diện của Chúa trong câu Thánh Kinh mà mình vừa đọc và suy niệm

- Bước 6 : Trong bước này chúng ta cố gắng tìm ra một nhiệm vụ, một công việc để cùng nhau làm, nhiệm vụ, công việc này không nhất thiết phải xuất phát từ bản văn Tin Mừng, thay vào đó có thể là tổ chức sinh nhật cho ai đó trong nhóm, hay đến viếng thăm một thành viên , gia đình nào đang gặp khó khăn. Trong bước này ,nhóm cũng có thể chọn ra một câu Lời Chúa để cùng nhau sống Lời Chúa trong suốt tuần. Lời Chúa là Lời đem lại sự sống (the Word of God is the Word of Life) vì thế không chỉ dừng lại trong cầu nguyện và thinh lặng nhưng còn để cho Lời Chúa tác động biến đổi và dẫn đến hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Lời Chúa giúp chúng ta cùng nhau vượt qua những khó khăn. Đây là điều đôi khi còn thiếu vắng trong đời sống kitô hữu trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, vì thế cộng đoàn nhỏ các Kitô hữu cùng nhau cầu nguyện với Lời Chúa và cùng nhau có những hành động cụ thể để vượt qua những thử thách trong đời sống đức tin.

- Bước 7: Vào bước cuối này mọi người cầu nguyện tự phát cho những ai họ muốn cầu nguyện cho , hay cầu nguyện cho những nhu cầu khác. Chúng ta sẽ kết thúc buổi gặp gỡ và cầu nguyện bằng một bài Thánh Ca tâm tình.

Trước đó chị Cora cũng đã chia sẻ với lớp ba lời khuyên khi đọc và cầu nguyện với Lời Chúa

1) Để Lời Chúa đánh động mình (Be touched by the WORD)

2) Để Lời Chúa truyền cảm hứng cho mình (Be inspired by the WORD)

3) Để Lời Chúa thúc đẩy mình (Moved by the WORD)

II. Cộng đoàn nhỏ các Kitô hữu nghĩa là gì? (Small Christian Community – SCC)

SCC là một biểu hiện cụ thể về một cách thế hiện diện của Giáo hội, qua đó các Kitô hữu sống tinh thần hiệp thông trong sứ vụ: hiệp thông với nhau, hiệp thông với giáo xứ, hiệp thông với Giám mục Giáo phận và hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Tất cả những tương quan hiệp thông này được xây dựng trước hết trên sự hiệp thông với Chúa Giêsu là trung tâm cho đời sống Kitô hữu hướng về, vì thế lắng nghe, cầu nguyện, thinh lặng, chia sẻ Lời Chúa là yếu tố cần thiết của cộng đoàn nhỏ các Kitô hữu, để rồi dấn thân trong sứ mạng.

- Các thành viên củng cố lẫn nhau trong đức Tin

- Họ giúp đỡ người khác trong đời sống hàng ngày.

- Họ mang Chúa đến cho những người khác

- Họ lắng nghe Lời Chúa.

- Họ cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa.

Bốn yếu tố căn bản của một SCC

1/ Các thành viên của SCC là những người hàng xóm láng giềng, thân cận với nhau , không kể giàu nghèo, già ,trẻ, sống độc thân hay có gia đình, họ sống chung trong một khu vực địa lý như giáo khu, giáo họ , nơi có cùng điều kiện sống, và họ có thể luân phiên tụ họp với nhau hàng tuần, hàng tháng.

2/ SCC thực hiện việc chia sẻ Lời Chúa trong các cuộc gặp gỡ của họ theo phương pháp 7 bước để chia sẻ Lời Chúa như đề cập bên trên. SCC thường sử dụng những bản văn Tin Mừng của ngày Lễ Chúa nhật sắp tới để cầu nguyện và chia sẻ

3/ SCC cùng nhau hành động hay làm một việc gì để thể hiện đức Tin. Họ có thể đề ra những công việc trong các tuần tiếp theo, hay những việc Giáo Hội cần làm trong khu vực này, những việc làm ấy có thể là cầu nguyện cảm tạ Chúa, tha thứ , giúp đỡ người khác , chuẩn bị Lễ Chúa nhật, chuẩn bị cho các em rước lễ lần đầu, lãnh Bí Tích Thêm sức v.v.

4/ SCC phải được liên kết với Giáo Hội hoàn vũ, đặc điểm thứ 4 này là SCC phải liên kết với các Kitô hữu khác, các thành viên của SCC không thể thuộc về Đức Kitô nếu họ chối từ sự liên kết với các anh chị em Kitô hữu khác. Bằng sự liên kết này SCC sẽ trở thành sự hiệp thông của các cộng đoàn (communion of communities) và là cách thế mới về sự hiện diện của Giáo Hội (A new way of being Church) liên kết với Giáo Hội hoàn vũ trong cùng một đức Tin và sứ mạng mang đem tình yêu Chúa đến cho mọi người.

Trong khi chia sẻ, Chị Cora cũng đã đặt ra một số câu hỏi cho lớp để mọi người cùng nhau suy nghĩ và trao đổi chẳng hạn như: theo anh (chị) Lời Chúa là gì? đoạn Lời Chúa nào mà anh (chị) tâm đắc nhất? vì sao ? các dấu hiệu nhận biết một SCC, nếu thiếu một trong bốn yếu tố căn bản trên có thể là SCC hay không?...

Vài cảm nhận sau buổi chia sẻ về các Cộng Đoàn Kitô hữu nhỏ

III. Kết thúc

Cuối buổi chia sẻ cũng đã có câu hỏi lớp dành cho chị Cora: làm thế nào để khởi đầu xây dựng một SCC trong điều kiện tại Việt Nam? để trả lời câu hỏi, diễn giả đã phác thảo ra những bước đi trong quá trình hình thành và xây dựng một SCC, nêu lên vai trò của linh mục chánh xứ trong việc hình thành một SCC, vai trò của người lãnh đạo theo tinh thần Tin Mừng: lãnh đạo phục vụ, sự cần thiết của việc hướng dẫn và đào tạo về kiến thức cũng như tâm linh của người lãnh đạo.

- Cha Phêrô Giám Đốc TTMV đúc kết buổi chia sẻ với lớp: nội dung chia sẻ của diễn giả về SCC đã gợi hứng cho tất cả mọi người cùng suy nghĩ và chuẩn bị về mô hình SCC, Cha Giám Đốc cũng nêu lên với diễn giả về tình hình sinh hoạt các giáo xứ tại Việt Nam hiện nay, nơi mà hầu hết đều đã có các khu giáo, xóm giáo, cùng các đoàn thể Công giáo tiến hành khác đang sinh hoạt và có các hoạt động cầu nguyện, thăm viếng v.v. trên một địa bàn giáo xứ, thì việc hình thành nên một SCC có “quá tải” chăng? Tiếc rằng thời gian hạn chế nên hy vọng sẽ có dịp trao đổi và thảo luận sâu hơn về vấn đề trên vào một dịp khác?

- Có một chi tiết thú vị , và cũng hãnh diện cho người Công Giáo VN là khi giới thiệu khái quát về FABC và Văn phòng Giáo Dân và Gia Đình (OLF) diễn giả đã nhắc đến Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nay đã là Đấng Đáng Kính. Vào năm 1971 ngài đã có sáng kiến và thúc đẩy FABC thành lập văn phòng Giáo dân và Gia đình, và rồi Ngài trở thành chủ tịch văn phòng này của FABC cho đến năm 1975.

Chúng con xin cảm ơn Cha Giám Đốc, Cha Giám Học và Cha Linh hướng Giuse đã tổ chức cho lớp Tác viên Tin Mừng một buổi chia sẻ với nhiều thông tin hữu ích và cần thiết cho các học viên. Chúng con hy vọng sẽ có nhiều buổi chia sẻ, về các đề tài, nội dung cần thiết cho sứ vụ như vậy trong tương lai.

Đaminh Vũ văn Trực

Học viên lớp Tác viên Tin Mừng - IA