Câu chuyện gia đình: Không nên áp đặt cho con cái tôn giáo của mình?

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 663 | Cập nhật lần cuối: 3/20/2020 7:14:47 PM | RSS

Một chị bạn Công giáo của tôi sống ở ngoại quốc đã gặp cảnh đổ vỡ trong gia đình và chia sẻ là sau này nếu các con của chị ấy lấy vợ lấy chồng thì sẽ không cho làm bí tích hôn phối. Như vậy con của chị ấy sẽ không bị "mắc kẹt" như chị ấy bây giờ, có nghĩa là sẽ không "lỗi đạo" nếu phải đi đến chỗ ly dị, vì các con của chị thì cũng đã "bị" chị đem đi rửa tội rồi. Nếu dựa trên con số thống kê ngày càng tăng tốc về tình trạng ly dị, thì chị tính là đến thế hệ con của chị sẽ có 9 trên 10 cặp vợ chồng bỏ nhau, và thường thì không phải chỉ một lần. Cũng vì nghĩ như vậy nên chị cương quyết không để cháu nội ngoại của mình lãnh nhận bí tích Rửa Tội từ nhỏ để không áp đặt cho chúng một tôn giáo với những luật lệ mà có thể chúng sẽ không theo được hoặc không muốn theo khi có ý thức. Do đó, cũng vì muốn cho các cháu của mình được hạnh phúc, không bị ràng buộc bởi đạo mà chị muốn để cho chúng có thể tự do lựa chọn tôn giáo cho mình khi trưởng thành.

Khi sinh ra một đứa bé cho đến khi nó trưởng thành, có cha mẹ nào lại không ép con ăn thức này uống thức kia mà chúng ta nghĩ là sẽ giúp nó tăng trưởng tốt để sống khỏe mạnh? Chúng ta còn hạn chế hay cấm đoán hẳn nó ăn uống những thức không tốt hoặc có hại cho sức khỏe. Hoặc chúng ta khuyến khích nó hay cấm đoán nó đọc loại sách này loại sách kia hay chơi môn thể thao này môn thể thao kia, chơi với bạn này bạn kia, v.v... Nói chung là chúng ta có khuyến khích hay cấm đoán nó làm cái này cái kia cũng chỉ vì muốn đứa bé được phát triển thật tốt về tinh thần lẫn thể xác. Vậy mà chúng ta lại thấy không cần khuyến khích nó theo một tôn giáo nào? Điều này còn có thể hiểu nơi một người vô thần cách này hay cách khác, ý thức hay không ý thức. Nhưng nếu chúng ta đã thấy tôn giáo có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc đời mình, mà chúng ta lại không muốn trang bị cho con mình về mặt tâm linh là chúng ta đã thiếu bổn phận với con mình rồi, vì con người không chỉ có đời sống vật chất, đời sống tinh thần mà còn có cả đời sống tâm linh nữa.

Nhiều người trong chúng ta tuy đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội và tin có Thiên Chúa, nhưng chỉ như tin có một Đấng Vô Hình tạo dựng trời đất, cũng như mọi người thuộc tôn giáo khác tin có Ông Trời, Thượng Đế, Ơn Trên hay Đấng Tối Cao. Vì được dạy Chúa là Đấng Toàn Năng và yêu thương con người, nên thường khi không có chuyện gì khẩn thiết phải cầu xin Chúa đặc biệt thì chúng ta cũng vẫn giữ quan hệ với Chúa bằng cách xin Chúa phù hộ cho mình cùng gia đình, được chăng hay chớ. Khi nào gặp chuyện gì mình mong muốn được xảy ra như ý mình thì năng chạy đến với Chúa và tha thiết cầu xin hơn, may ra Chúa thương thì ban cho nhưng mình cũng không tin cho lắm, vì biết bao lần mình cũng nài xin Chúa mà có được xảy ra như ý mình đâu. Nhưng đôi khi Chúa cũng đoái thương nhậm lời ban cho mình điều đã xin thì mình cũng biết chạy đến cám ơn Chúa. Rồi mình cứ tiếp tục giữ quan hệ như thế với Chúa cho đến khi cuộc đời mình nói chung được khá yên ổn tốt đẹp, mình cũng chẳng thấy cần phải nhờ Chúa gì nữa. Thôi thì cứ cho phải đạo, Giáo Hội buộc đi lễ ngày chủ nhật thì mình cũng vác xác tới dự nhưng hồn thì còn nghĩ đến những cuộc vui chơi sau khi tan lễ, buộc xưng tội một năm một lần mình cũng canh những buổi giải tội tập thể vào trước Lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh để đến dự. Thế là yên chí lớn rồi, còn hơn những người đã bỏ hẳn không đi đến nhà thờ nữa.

Những người như vậy chưa có được một đời sống tâm linh đúng nghĩa thì làm sao họ có thể quan tâm đến việc chăm sóc đời sống tâm linh của con cái mình được. Chỉ người nào đã thiết lập được một tương quan Cha-con với Thiên Chúa mới có một đời sống tâm linh thật sự và thấy đời sống này là quý giá và muốn truyền đạt lại cho những người thân yêu của mình. Chừng nào chưa đi đến được mối tương quan này thì tôn giáo chỉ là những nghi thức và giáo điều khô khan, cứng nhắc.

ULTD & ltd