Cám dỗ - Mạnh mẽ - Chiến thắng: Suy niệm TM CN I Mùa Chay

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 366 | Cập nhật lần cuối: 6/13/2020 12:45:09 PM | RSS

Cám dỗ không là tội. Trái lại, khi rơi vào cám dỗ mà hết sức chống trả bằng cầu nguyện, cậy dựa vào ơn Chúa và nghị lực bản thân, sẽ càng nên thánh, càng chứng minh lòng trung tín với Thiên Chúa, càng mạnh mẽ trong linh hồn.

Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Cơn cám dỗ đầu tiên đánh sập lòng trung thành dành cho Thiên Chúa của nguyên tổ.

Nguyên tổ thất bại, kéo theo thất bại hết lần này đến lần khác của con cháu. Vì thế, tội lỗi cứ triền miên, ngày càng tinh vi, ghê gớm. Sự tàn bạo, độc ác của kẻ dấn thân vào tội trong thế giới loài người, nhiều lần cho thấy, không phải cấp số nhân, nhưng hình như cấp lũy thừa.

Chúa Giêsu, một khi đã làm người, Người nếm trải đầy đủ mọi kinh nghiệm của thân phận làm người, kể cả cám dỗ, ngoại trừ tội lỗi.

Ba cơn cám dỗ của Chúa mà Tin Mừng hôm nay cho biết, là đại diện của mọi thứ cám dỗ của đời người.

1. Cám dỗ về vật chất:

Ăn chay thì phải đói. Vì thế cần lương thực, cần bánh ăn. Thế là xuất hiện lời dụ dỗ ngọt ngào, hợp thời, hợp lý: “Hãy biến đá này thành bánh mà ăn đi”.

Cơn cám dỗ đầy thực tiễn: Cứ đói, cho bánh; Nghèo, phải làm mọi cách để thoát nghèo, bất chấp lương thiện hay không. Thiếu vắng hạnh phúc, phải mau chóng đòi bằng được hạnh phúc cá nhân mình…

Một cơn cám dỗ thực tiễn đến nỗi thực dụng như thế dễ đánh ngã chúng ta, vì nó đụng trực tiếp vào chính sự sống của mình.

2. Cám dỗ tập trung vào quyền lực.

Ai cũng ham muốn quyền lực, muốn mình hơn người khác, cho nên cơn cám dỗ quyền lực là xoáy đúng chỗ yếu của con người: “Tôi sẽ cho ông quyền thống trị cả thế giới này, nếu ông quỳ xuống mà lạy tôi”.

Hấp dẫn quá. Chỉ một cái lạy, một thái độ khuất phục, chịu lụy, không mất một công sức nào, không mất một xu lẻ, trong nháy mắt, mọi quyền hành nằm trong tay mình.

Xưa tổ tông ham muốn quyền hành đến nỗi dù ảo tưởng vẫn ham muốn: đòi bằng Đấng Tạo Hóa. Tổ tông đã chìu theo sự dữ. Tổ tông đã phải cúi đầu nô lệ sự dữ.

Bạn và tôi không bao giờ được phép quên một sự thật: khi lụy phục ai, kẻ nắm quyền chính là người được lụy phục.

Còn kẻ có chút quyền, dẫu quyền ấy chỉ do nô lệ mà có, dễ lạm quyền, dễ hành xử theo quyền hành, dễ đi đến tàn bạo, hóng hách, phủi bỏ sự hiện diện của người bên cạnh. Bởi phải thao túng quyền mới có thể khẳng định cái uy, cái mạnh của bản thân.

Thao túng quyền hành còn là nhu cầu để che lấp tình trạng tưởng là quyền, nhưng thực chất là nô lệ của mình.

Bởi thế, một khi đã nghe theo sự dữ, đã để mình lệ thuộc sự dữ, sự dữ sẽ thống trị lòng mình. Một khi sự dữ đã có cơ hội tác oai, sự tàn bạo của lòng người khó lường.

Bởi đó, quyền lực dễ làm người ta đánh mất tính người, bỏ rơi tình người. Càng có quyền bao nhiêu, sẽ càng sử dụng quyền để thống trị người khác bấy nhiêu.

3. Cám dỗ về danh vọng.

Cũng giống như quyền lực, địa vị, ai cũng hám danh, thích trọng vọng. Đôi khi đó chỉ là danh ảo, vẫn ham hố. Vì dẫu có ảo, vẫn tìm được sự nổi nan, tiếng tăm, ảnh hưởng và thế giá nào đó. Dẫu có ảo, vẫn được biết đến, vẫn nhận được sự tôn vinh nào đó, cho dù chỉ là tôn vinh hình thức.

Nếu Chúa Giêsu chiều theo lời cám dỗ đầy ham hố danh vọng: “Ông hãy nhảy từ trên núi cao xuống, vì Thiên Chúa sẽ truyền cho các thiên thần gìn giữ ông”, thì sau đó Chúa nhận được gì?

Cứ thử tưởng tượng, nếu Chúa sa chước cám dỗ thật, nếu đúng là Chúa nhảy từ trên núi xuống, nhờ các thiên thần gìn giữ cho được bình yên vô sự, chắc chắn ngay lập tức, Chúa nổi như cồn. Và chắc chắn, Người không cần bôn ba rao giảng chi cho cực lòng. Thiên hạ sẽ ào ạt kéo theo vị thầy thuộc hàng siêu nhân.

Như thế, sự thành công cuối cùng chẳng thuộc về Chúa, lại thuộc về ma quỷ, vì thực chất, người ta theo Chúa, nhưng đàng sau đó thực quyền lại chính là ma quỷ.

Chỉ tưởng tượng thôi, ta đã phát rùng mình khiếp sợ. Vì hôm nay, trên danh nghĩa là bước theo Chúa Giêsu, nhưng đúng hơn, ta cùng với Chúa của mình nô lệ ma quỷ.

Nhưng đó chỉ là tưởng tượng.

Qua cơn cám dỗ của mình, Chúa Giêsu để lại cho ta tấm gương tuyên chiến với ma quỷ: quyết liệt, mạnh mẽ, bất khoan nhượng.

Chúa còn để lại bài học của người biết sống Lời Chúa, biết đặt niềm tin vào Lời Chúa, lấy Lời Chúa làm nghị lực, làm sức mạnh vượt lên trên mọi cám dỗ, dẫu là cám dỗ căn bản của cuộc đời mỗi người.

Qua bài học chay tịnh và cám dỗ của Chúa Giêsu cho thấy mùa Chay là mùa của sa mạc, của thử thách và cám dỗ.

Nhưng đừng quên, đó cũng là mùa của ân sủng, của dịp thuận tiện để người thiện chí bước vào trong cõi tâm của mình khám phá lại mình, làm mới mình, chỉnh sửa chỗ chưa đúng, phát huy cái hay, cái đúng.

Đó cũng là mùa nêu cao và sống tình thương, sự bác ái, lòng vị tha, gạt bỏ ganh ghét, hận thù, hiềm khích, đi tới gắn kết, đại lượng, hiệp nhất, thân tình.

Trên hết, đó là mùa nhắc nhở ta luôn kết hiệp mật thiết với Chúa trong siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận bí tích, nhất là bí tích giao hòa, nhằm đạt tới lý tưởng của ơn phục sinh mà Chúa Giêsu đã đi trước và mời gọi.

Lm. G.B Nguyễn Minh Hùng