Lectio Divina - Tiếp cận Lời Chúa (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2225 | Cập nhật lần cuối: 1/14/2017 8:08:54 PM | RSS

(tiếp theo)

2. Những nhận xét chung

Chúng ta nghe xem Kinh thánh nói gì: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14). “Trong miệng” là đọc, “trong lòng” là suy niệm và cầu nguyện, “đem ra thực hành” là chiêm niệm.

Mục đích của lectio divina là chính Kinh thánh: “Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào đức Kitô Giêsu” (2 Tm 3,15). “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3,16-17). ”...Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). “Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học cho chúng ta, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta” (x. 1 Cr 10,6-10).

Lectio divina giả thiết một số nguyên tắc vẫn luôn hiện diện trong việc đọc Kinh thánh của người Kitô hữu :

a) Sự thống nhất của Kinh thánh

Kinh thánh là một thể thống nhất vĩ đại, trong đó mỗi cuốn sách, mỗi câu đều có vị trí và chức năng riêng nhằm mạc khải cho chúng ta biết kế hoạch của Thiên Chúa. Những phần khác nhau ví được như những viên gạch xây nên bức tường: các phần đó phác họa nên kế hoạch của Thiên Chúa. Theo nguyên tắc về sự thống nhất của Kinh thánh thì phải tránh cô lập các bản văn, tức là bứng bản văn ra khỏi văn mạch và lặp lại như là những chân lý riêng lẻ và tuyệt đối. Với một viên gạch mà thôi ta chẳng thể xây lên được bức tường. Một nét cọ mà thôi không làm nên được bức họa. Kinh thánh không phải là một xe gạch, nhưng là một căn nhà người ta có thể cư ngụ được.

b) Tính hiện tại hoặc Lời nhập thể

Là những Kitô hữu, khi đọc Kinh thánh chúng ta không được quên cuộc đời, nhưng phải mang lấy cuộc đời vào nội tâm chúng ta. Khi để ý đến cuộc đời, chúng ta có thể khám phá thấy trong Kinh thánh tia sáng phản chiếu những gì chính con người chúng ta đang sống. Kinh thánh thành tấm gương phản chiếu những gì đang xảy ra trong cuộc đời và trong tâm hồn mọi người. Chúng ta sẽ khám phá thấy rằng Lời của Thiên Chúa không chỉ nhập thể vào những thời đại quá khứ, mà cả ngày hôm nay nữa, để ở với chúng ta hầu giúp chúng ta đương đầu với những khó khăn và giúp cho những gì chúng ta hy vọng được thành tựu: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95,8).

c) Lòng tin vào đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống giữa cộng đoàn.

Chúng ta đọc Kinh thánh khởi đi từ lòng tin của chúng ta vào đức Giêsu Kitô, Đấng đã phục sinh và đang sống giữa chúng ta. Đức Giêsu chính là chìa khóa chính yếu giúp ta đọc Kinh thánh. Lòng tin vào đức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhận ra rõ hơn sự hiện diện của Người trong cuộc đời. Nhờ đọc Kinh thánh trong cộng đoàn, Truyền thống và cuộc đời đan kết với nhau làm thành một thể thống nhất sống động.

Lectio divina khởi đầu rất đơn giản với những phương pháp giản dị, theo cấp độ bình dân:

a. đọc đi đọc lại cho đến khi ta hiểu rõ điều đã được viết ra.

b. lặp đi lặp lại thuộc lòng những gì đã được viết ra và đã hiểu, và làm lại cho đến khi những gì đọc trong miệng và ở trong trí óc đi vào lòng và vào chính nhịp sống.

c. đáp lại Thiên Chúa bằng cầu nguyện và xin Người giúp chúng ta thực hành những gì Lời Người đòi hỏi chúng ta.

d. kết quả là một tia sáng mới soi cho ta để ta thưởng nếm Lời Thiên Chúa và nhìn thế giới một cách mới. Nhờ tia sáng này, ta bắt đầu đọc, lặp đi lặp lại, đáp lại Thiên Chúa một cách mới, và cứ như thế tiếp theo. Một tiến trình không bao gì kết thúc nhưng không bao gì nhàm chán vì lặp đi lặp lại.

Suy nghĩ cuối cùng về hiệu quả và mục đích của lectio divina :

Lời nói trước hết là phương tiện truyền thông tư tưởng. Các lời nói của chúng ta cũng như của Kinh thánh trước tiên hướng về lý trí, là quan năng có thể lĩnh hội được các ý tưởng. Nhưng lời nói không chỉ truyền tải ý tưởng, mà còn có nhiều chiều kích khác nữa. Chẳng hạn lời nói có sức mạnh của thi ca (thi ca tiếng Hy-lạp là poiein có nghĩa là làm, hành động). Lời nói không chỉ nói lên một điều gì mà thôi, nhưng còn hành động, làm nữa. Khi học hỏi Kinh thánh, thường ta chỉ lo một điều là khám phá ra ý tưởng mà Kinh thánh muốn thông truyền, tức là sứ điệp do Lời của Thiên Chúa đem đến. Còn lectio divina lại bao gồm nhiều chiều kích khác, nên kết quả của lectio divina rộng hơn.

3. Bốn thì của lectio divina

Lectio Divina - Tiếp cận Lời Chúa (2)Bốn thì hay bốn giai đoạn của lectio divina là: đọc, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm. Phân biệt bốn giai đoạn này không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng. Chẳng hạn cái người này cho là đọc thì người khác lại cho là suy gẫm... Như thế có sự thiếu rõ ràng trong bản chất của lectio divina. Đó là tiến trình đọc Sách Thánh năng động, các giai đoạn khác nhau thúc đẩy, sinh ra nhau, giống như đêm chuyển sang ngày. Lúc bình minh, người thì bảo là hãy còn tối, người lại nói là ngày đã bắt đầu. Hơn nữa, đó là bốn thái độ lúc nào cũng phải có. Chẳng hạn, việc đọc kéo dài suốt tiến trình của lectio divina, nhưng cường độ khác nhau tùy ta đang ở trong giai đoạn nào. Ở đây điều quan trọng là nêu lên những nét chính yếu của mỗi thì, giai đoạn. Tất cả các thì, giai đoạn làm thành lectio divina.

ĐỌC: làm cho Lời Chúa thành lời của mình, kính trọng và đặt Lời Chúa vào bối cảnh

Đọc là giai đoạn đầu tiên trong tiến trình đưa Lời Thiên Chúa làm sở hữu của mình: đọc, đọc và đọc! Đọc đi đọc lại để quen thuộc với Kinh thánh, hầu Kinh thánh trở thành lời của chúng ta, có thể diễn tả cuộc sống và lịch sử của chúng ta, bởi vì Kinh thánh “đã được chép lại để răn dạy chúng ta là những người đang sống trong thời sau hết này” (1 Cr 10, 11). Việc làm cho Lời Chúa thấm nhập vào mình này đã được thực hiện trong những cộng đoàn cơ bản.

Đọc là hoạt động đơn giản nhất: đọc, đọc rõ từng lời, nếu có thể thì đọc lớn tiếng. Giai đoạn này rất quan trọng và không được bỏ qua. Cũng không được đọc cho qua lần chiếu lệ.

Khi đọc Kinh thánh, chúng ta đến với Kinh thánh như thể ta đi thăm một người bạn. Giữa việc sống với con người và sống với Kinh thánh có một sự tương đồng rất lớn. Cả hai đòi phải chú ý tối đa, tôn trọng, thân hữu, hy sinh bản thân, thinh lặng và chú ý tối đa. Cả con người lẫn Kinh thánh đều không tự bảo vệ được khi bị tấn công hay bị lèo lái, nhưng lại chiến thắng được kẻ xâm lược vì nó mỏi mệt. Việc đọc Kinh thánh tạo nên nơi chúng ta những con mắt thích hợp dể đọc cuộc đời con người và ngược lại.

Đọc Kinh thánh cũng như việc chung sống với dân nghèo không thể lệ thuộc vào tính khí vui buồn, hứng khởi nhất thời nhưng cả hai đòi một sự nhất định kiên bền và liên tục. Phải đọc kiên trì và hằng ngày. Việc đọc này đòi phải khắc khổ và kỷ luật, phải đọc một cách vô vị lợi, nhưng không, hướng tới Nước Thiên Chúa và phục vụ lợi ích của con người.

Đọc là khởi điểm chứ không phải đích điểm. Đọc ví như việc làm cho người đọc đứng trên mảnh đất vững vàng. Đọc chuẩn bị người đọc và bản văn để đi vào đối thoại trong suy niệm. Muốn suy niệm không phải là kết quả của trí tưởng tượng không thực tế, nhưng có nền tảng trong bản văn và trong thực tại, cần phải đọc một cách chăm chú và tôn trọng một số những tiêu chuẩn. Nói theo đan sĩ Guigo là “học hỏi chăm chỉ trong tinh thần chú ý”. Việc đọc bản văn với thái độ không thiên lệch, cố gắng tìm ra ý nghĩa của chính bản văn giúp cho bản văn không bị lèo lái và không bị giản lược vào vòng chật hẹp của tư tưởng chúng ta. Việc đọc giúp cho bản văn trở nên độc lập trong cuộc đối thoại giữa chúng ta với Thiên Chúa. Việc đọc thiết lập ý nghĩa mà chính bản văn có, độc lập với chúng ta. Chính vì thế, việc đọc tạo nên nơi người đọc một thái độ có phê phán, cân nhắc và trọng kính đối với Kinh thánh. Chính ở đây, trong việc đọc, cần sự góp phần của khoa chú giải nhằm làm cho lectio divina được vận hành đúng hướng.

Việc đọc xét như là một sự nghiên cứu có phê bình giúp người đọc phân tích bản văn và đặt lại bản văn vào văn mạch nguyên thủy. Việc nghiên cứu này được thực hiện ở ba cấp độ:

A. Cấp độ văn chương: xem kỹ bản văn và phân tích chức năng của bản văn theo những câu hỏi đơn giản: Ai? Cái gì? Ở đâu? Tại sao? Khi nào? Bằng phương tiện nào? Bản văn phù hợp với văn mạch văn chương của cuốn sách trong đó có bản văn như thế nào?

B. Cấp độ lịch sử: nhờ nghiên cứu bản văn, tiếp cận văn mạch lịch sử trong đó bản văn được viết ra hoặc sự kiện được tường thuật. Phân tích văn mạch này theo bốn phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, ý thức hệ. Khám phá ra những xung đột ở nền tảng của bản văn hoặc phản ánh trong bản văn.

C. Cấp độ thần học: khám phá ra sứ điệp của bản văn gửi đến những người sống trong hoàn cảnh lịch sử thời đó. Tìm xem tại sao bản văn lại được đặt giữa những xung đột ấy. Tìm xem Thiên Chúa muốn gì nơi dân, xem Người tỏ mình ra thế nào, dân đón nhận Người thế nào và sống sứ điệp này ra sao...

Nghiên cứu bản văn một cách khoa học không phải là mục đích của việc đọc, nhưng chỉ là một phương tiện. Tầm quan trọng của việc sử dụng khoa chú giải trong lectio divina không tùy thuộc vào nhà chú giải, nhưng tùy thuộc những đòi hỏi và những hoàn cảnh của người đọc. Muốn chọc thủng bức tường này, người ta phải dùng mũi khoan mạnh hơn mũi khoan người ta dùng để chọc thủng bức tường kia. Nhưng mục đích vẫn là một: chọc thủng bức tường. Nếu bức tường bằng cẩm thạch, ta không dùng mũi khoan vẫn được dùng để chọc thủng bức tường bằng ván ép!

Vậy mục đích việc đọc là thế này: chọc thủng bức tường ngăn cách giữa bản văn được viết ngày xưa với cuộc sống chúng ta hiện nay, ngõ hầu có thể đi vào đối thoại với Thiên Chúa trong suy niệm. Đâu là dụng cụ thích ứng để làm công việc này? Một đàng, đó là “việc nghiên cứu chăm chỉ trong tinh thần chú ý” (Guigo). Đàng khác, đó là “kinh nghiệm riêng có được về cuộc sống” (Cassiano). Đức Phao-lô VI nói rằng ta phải “thủ đắc một sự đồng tính (connaturalité) nào đó, một sự liên hệ nào đó giữa điều ta quan tâm trong hiện tại (ngày nay) với những biến cố của bản văn (ngày xưa) để có thể sẵn sàng lắng nghe (đối thoại) (25.9.1970). Nói cách khác, có thể mô tả “mũi khoan” như sau: đào sâu đồng thời bản văn của quá khứ và kinh nghiệm của chúng ta hiện nay. Đôi khi, lectio divina không sinh ra một hiệu quả nào và bản văn chẳng nói gì, không phải do thiếu nghiên cứu, mà do thiếu đào sâu một cách có phê phán kinh nghiệm của chúng ta về cuộc đời, ngày hôm nay, ở đây, chỗ này.

Một khi đi đúng hướng, việc đọc giúp vượt qua thái độ bảo thủ (fondamentalisme). Ngược lại, thái độ ấy tăng lên. Thái độ của chủ trương bảo thủ là một cám dỗ lớn luôn có nơi nhiều người. Chủ trương này tách bản văn ra khỏi cuộc sống và lịch sử của dân chúng và coi bản văn tuyệt đối là việc biểu lộ Lời của Thiên Chúa mà thôi, còn cuộc sống, lịch sử của dân và cộng đoàn chẳng có gì để nói về Thiên Chúa và về thánh ý của Người.

Chủ trương bảo thủ không đếm xỉa gì đến hoạt động của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống. Hoàn toàn không có chuyện đọc một cách phê bình. Chủ trương này vặn vẹo ý nghĩa của Kinh thánh và nuôi dưỡng luân lý, chủ trương cá nhân và duy linh trong cách giải thích Kinh thánh. Đó là quan điểm bị biến chất, vong thân, được những người áp bức ưa chuộng, vì nó ngăn không cho những người bị áp bức ý thức về hệ thống bất công do những người có quyền thế thiết lập và duy trì. Chỉ có thể vượt qua chủ trương bảo thủ tùy theo người đọc, nhờ việc đọc mà đạt tới chỗ đặt bản văn vào trong văn mạch xuất xứ và đồng thời nhận ra ở đó tình trạng xung đột, tình trạng lộn xộn, tranh luận mà con người chúng ta đang sống.

Khi nào thì chuyển từ đọc sang suy niệm?

Khó xác định chính xác lúc nào là lúc mùa xuân chuyển sang mùa hè. Mỗi năm mỗi khác, mỗi nước mỗi khác. Tuy nhiên, có một vài tiêu chuẩn. Mục đích của việc đọc là đọc và nghiên cứu bản văn cho tới khi bản văn, tuy vẫn giữ được tính độc lập của nó, nhưng đã trở thành tấm gương phản chiếu chính chúng ta và phản chiếu một cái gì đó trong kinh nghiệm sống của chúng ta. Việc đọc làm cho chúng ta quen bản văn đến độ bản văn trở thành lời của chúng ta. Cassianô nói: “Một khi đã thấm nhuần chính những tâm tình đã được viết ra trong bản văn, có thể nói chúng ta trở thành tác giả”. Chính khi đó, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn dùng phương thế này để nói với chúng ta và bảo ban chúng ta một điều gì. Đến lúc này, chúng ta cúi đầu, chúng ta lặng thinh và chúng ta chuẩn bị lắng nghe. “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán” (Tv 84, 9). Đó chính là lúc việc đọc trở thành suy gẫm và mở ra giai đoạn hai trong tiến trình của lectio divina.

Lectio Divina - Tiếp cận Lời Chúa (2)

SUY GẪM: nghiền ngẫm, đối thoại, hiện tại hóa

Việc đọc trả lời câu hỏi này: 'Bản văn nói gì?” Còn suy gẫm sẽ trả lời câu hỏi: “Bản văn muốn nói gì với tôi?” Qua bản văn này, Thiên Chúa muốn nói gì với chúng tôi, những tu sĩ đang sống ở đây và bây giờ, bởi vì chúng tôi đã dâng hiến cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và dân chúng, theo tiếng gọi của Tin mừng? Suy gẫm chỉ cho thấy nỗ lực phải có để hiện tại hóa bản văn và đặt bản văn vào thực tại chúng ta đang sống, cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội. Bản văn đã được viết cho chúng tôi cũng phải nói cho chúng tôi một điều gì đó. Trong tính năng động của lectio divina, suy gẫm chiếm vị trí chính yếu.

Guigo nói: “Suy gẫm là hoạt động chuyên cần của trí năng với sự trợ giúp của lý trí, nhằm tìm cách hiểu chân lý đang được giấu ẩn”. Nhờ việc ĐỌC, chúng ta sẽ khám phá ra tại sao bản văn lại phù hợp với bối cảnh thời bấy giờ, bản văn có vị trí nào trước những xung đột, bản văn đem sứ điệp gì cho các tín hữu. Từ lúc đó cho đến bây giờ, hoàn cảnh đã thay đổi, bối cảnh cũng không còn giống như nhau, các cuộc xung đột cũng khác nhau. Tuy nhiên, đức tin cho ta hay rằng bản văn này, cho dầu xuất phát từ một thời đại khác, một bối cảnh khác, vẫn nói với chúng ta một điều gì đó ngày hôm nay. Có một giá trị thường hằng trong bản văn này, giá trị này ngày hôm nay vẫn đang lôi kéo theo cùng một việc hoán cải hoặc biến đổi như nó đã tạo ra thời xưa vậy. Bây giờ chân lý đang được giấu ẩn mà đan sĩ Guigo nói đến là một giá trị thường hằng, một sứ điệp vẫn dành cho bối cảnh ngày nay và cần được khám phá và hiện tại hoá nhờ suy niệm. Nhưng tiến hành việc suy niệm như thế nào?

1. Cách thứ nhất để thực hiện việc suy niệm, theo lời gợi ý của Guigo là: “Cần phải sử dụng trí năng và lý trí để có thể khám phá ra ‘chân lý đang được ẩn giấu’”. Ta đi vào cuộc đối thoại với bản văn, với Thiên Chúa, bằng cách đặt ra những câu hỏi buộc phải sử dụng lý trí và tìm cách đưa bản văn đi vào cuộc sống của chúng ta. Ta suy niệm bằng cách suy nghĩ, tự hỏi: “Giữa hoàn cảnh của bản văn và hoàn cảnh của chúng ta hiện nay có những nét nào giống nhau và khác nhau? Những xung đột ngày hôm qua và vẫn còn trong ngày hôm nay là những xung đột nào? Bản văn muốn nói sứ điệp gì cho hoàn cảnh chúng tôi hiện nay? Và tôi cần phải thay đổi lối sống như thế nào, trong môi trường tôi đang sống ngày nay, cho phù hợp với sứ điệp ấy? Rồi đối với chúng tôi, những tu sĩ, sứ điệp ấy an ủi hoặc kết án chúng tôi ở điểm nào? Sứ điệp ấy muốn làm cho điều gì lớn lên ở nơi tôi, ở nơi chúng tôi...?

2. Một cách khác để thực hành việc suy niệm, đó là lặp đi lặp lại bản văn, nghiền ngẫm cho đến khi tìm thấy điều bản văn muốn nói với chúng ta. Đó chính là điều đức Maria đã làm khi người lưu giữ mọi biến cố trong tâm hồn (Lc 2,19.51). Đó chính là điều tác giả thánh vịnh khuyên người công chính năng thi hành: “Người vui thú với Lề Luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1, 2). Đó chính là điều ngôn sứ Isaia đã xác định thật rõ ràng: “Lạy Chúa, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài” (Is 26, 8). Sau khi ĐỌC và tìm ra ý nghĩa, ta phải gắng tóm tắt ý nghĩa đó vào trong một câu, một câu được ta ưu tiên chọn trong chính bản văn Kinh thánh, để nhớ câu đó và nhẩm đi nhẩm lại, nghiền ngẫm suốt ngày cho đến khi câu đó hòa lẫn với chính con người với sự sống của đời ta.

Khi nghiền ngẫm như thế, chúng ta để cho Lời Thiên Chúa phán xét và để cho Lời Thiên Chúa như thanh gươm hai lưỡi xuyên thấu con người chúng ta (x. Dt 4, 12). Vì như nước chảy đá mòn, “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13). Chúng ta, những tu sĩ, chúng ta hay giấu đằng sau những mặt nạ và những ngẫu tượng các ý thức hệ, các ước lệ, các học thuyết càm ràm và các truyền thống của phàm nhân (x. Mc 7,8-13). Nhờ suy gẫm, Lời Thiên Chúa dần dần thấm nhập, cất đi những mặt nạ, bộc lộ và phá tan sự vong thân của chúng ta đang ẩn núp trong đó để chúng ta tìm lại được cách diễn tả sống động Lời Chúa chúng ta đã nghe, đã nghiền ngẫm và đã suy niệm.

3. Cassianô còn đưa tới một khía cạnh quan trọng khác trong việc suy niệm, đó là hậu kết của việc nghiền ngẫm này. Ông bảo: “Một khi đã được những gì chính chúng ta cảm thấy dạy dỗ, chúng ta không còn nhận thức bản văn như một cái gì chúng ta chỉ nghe suông, mà như là một điều chúng ta kinh nghiệm và đụng chạm được, không phải như một câu chuyện xa lạ chưa nghe bao giờ, nhưng như là cái chúng ta làm vọt lên từ cõi lòng sâu thẳm của chúng ta, giống như những tâm tình vốn là một phần của chính con người chúng ta. Xin nhấn mạnh rằng: đó không phải là việc đọc giúp chúng ta thấu triệt ý nghĩa của các lời lẽ, nhưng là kinh nghiệm của chúng ta, kinh nghiệm chúng ta đã thủ đắc được trước, trong cuộc sống hằng ngày” (Collationes, X, 11). Lúc ấy dường như giữa Kinh thánh với cuộc đời, giữa Lời của Thiên Chúa với lời của chúng ta chẳng còn gì khác biệt nữa. Nói theo Cassianô đây là lúc trong “sự dường như đồng nhất" với Lời của Kinh thánh, có bí quyết giúp hiểu ý nghĩa Kinh thánh muốn nói với chúng ta. Cassianô bảo rằng không phải nghiên cứu giúp lĩnh hội ý nghĩa bản văn, mà là kinh nghiệm trong cuộc đời chúng ta. Ta lấy một so sánh trong lĩnh vực điện khí: nghiên cứu ví như kéo đường dây, kinh nghiệm đã thủ đắc tựa như năng lượng, suy niệm là bật công-tắc để năng lượng chạy vào đường dây, làm ngọn đèn, ví tựa bản văn, chiếu sáng. Cả đường dây lẫn năng lượng đều cần để có ánh sáng. Cuộc sống chiếu sáng bản văn, bản văn lại chiếu soi cuộc sống.

Suy niệm cũng đào sâu chiều kích cá vị của Lời Thiên Chúa. Lời nói có giá trị không chỉ vì nó mang đến một ý tưởng, nhưng còn vì chính con người đã nói lên lời đó và cách người ấy nói. Trong Kinh thánh cũng thế, Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta. Và Người dẫn dắt chúng ta với lòng yêu thương vô hạn. Một lời nói yêu thương làm tăng thêm sức mạnh, giải phóng những năng lực, tái tạo lại con người. Khi suy niệm Lời của Thiên Chúa, tâm hồn con người được nâng lên và đạt tới chính chiều kích Thiên Chúa, Đấng nói lên Lời của Người. Đó chính là nơi xuất phát chiều kích thần bí của lectio divina. Một công nhân ở Pernambuco bảo : “Tôi cả quyết rằng ai để cho Lời của Thiên Chúa thấm nhập vào mình, người ấy sẽ thấy mình được thánh hóa. Chính như thế, Lời thấm nhập vào anh, và ta không thể phân ra cái này là do từ Thiên Chúa, cái kia là từ chúng ta. Cũng chẳng thể bảo cái này là Lời của Thiên Chúa, lời kia là lời của tôi. Kinh thánh đã tạo nên chuyện ấy trong tôi” (Por tras da Palavra, số 46, 1988, tr.28).

Đọc là đến gần cái vỏ chữ viết và cố gắng đập vỡ để tìm cái nhân, tức là hoa trái của Thần Khí, trong việc suy niệm, “vì chữ kiết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6). Thần Khí hoạt động trong Kinh thánh (x.2 Tm 3,16). Nhờ suy niệm, Thần Khí chuyện trò với chúng ta, gợi hứng cho chúng ta, tạo nên nơi chúng ta tâm tình của đức Giêsu Kitô (x. Pl 2,5). Người giúp chúng ta đạt tới chân lý trọn vẹn về đức Giêsu (x. Ga 16,13). Người cho chúng ta nghiệm thấy rằng chúng ta chẳng làm được gì ngoài đức Giêsu (x. Ga 15,5). Người chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả và tạo nên trong chúng ta sự tự do (x. 2 Cr 3,17). Chính Thần Khí là Đấng ngập tràn cõi đất (x. Kn 1,7). Ngày xưa, Thần Khí đã thúc đẩy các Thủ lãnh và các Ngôn sứ. Ngày nay, Người vẫn đang giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng, tức là ý nghĩa mà Thần Khí của Thiên Chúa hôm nay đang muốn ngỏ cùng Hội thánh qua bản văn Kinh thánh.

Suy niệm là hoạt động cá nhân và cũng là hoạt động cộng đoàn. Chia sẻ những gì mỗi người cảm nghiệm, khám phá và đảm nhận khi giao tiếp với Lời của Thiên Chúa là điều đáng kể hơn là chia sẻ những gì do lời nói của con người mình. Cùng nhau tìm kiếm sẽ giúp cho ý nghĩa của Kinh thánh về Giáo Hội hiện lên và giúp cho cảm thức về đức tin của mọi người càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, đọc, suy niệm, học hỏi và cầu nguyện với Kinh thánh là điều vô cùng quan trọng, không chỉ đối với cá nhân, mà còn và nhất là trong cộng đoàn. Kinh thánh vốn và vẫn là cuốn sch của Hội thánh, của cộng đoàn.

Lúc nào thì chuyển từ suy niệm sang cầu nguyện? Nói chính xác lúc nào thì một người chuyển từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành là điều không dễ. Nhưng cũng có một số tiêu chuẩn. Suy niệm giúp bản văn trở thành hiện thực cho đến khi nhận thấy Thiên Chúa đang đòi hỏi chính chúng ta điều gì, chúng ta những tu sĩ đang sống ở đây và lúc này. Khi đã nhận thấy rõ điều Thiên Chúa đòi hỏi, tức thì đến lúc ta phải đặt câu hỏi: “Thế bây giờ, tôi sắp nói với Thiên Chúa điều gì đây? Tôi có dám cáng đáng hay không?” Khi đã rõ điều Thiên Chúa đòi hỏi, cũng là lúc sự bất lực và yếu đuối của chúng ta hiện lên rõ rệt. Đó chính là lúc để khẩn cầu: “Lạy Thiên Chúa, xin đứng lên phù giúp” (Tv 44,27). Khi đã nhận ra Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta nơi người anh em bị khai thác, bóc lột, nơi người anh em nghèo, khi đã nhận ra Thiên Chúa đang nghe tiếng những người nghèo kêu cứu, đó là lúc phải liên kết lời của chúng ta với tiếng kêu cứu của những người nghèo để xin Thiên Chúa lắng nghe tiếng họ kêu van và đến giải thoát dân Người. Nói cách khác, suy niệm là gieo vãi lời cầu nguyện. Cứ việc suy niệm và tự nó suy niệm sẽ chuyển sang cầu nguyện.

(còn tiếp)

“Lectio Divina, coeur de la vie religieuse”, trong Bulletin Dei Verbum, ss. 22, 23 -

Fédération Biblique Catholique.

Chuyển ngữ: Tất Nguyễn - Thời sự Thần học, Số 20 (Tháng 6/2000)

Nguồn: tsthdm.blogspot.com

---------------------------

Lectio Divina - Tiếp cận Lời Chúa (1)