Lectio Divina - Tiếp cận Lời Chúa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2454 | Cập nhật lần cuối: 1/16/2017 1:46:54 PM | RSS

Mở đầu

Chúng ta muốn học biết cách đọc Kinh thánh và tìm xem đâu là bí quyết giúp chúng ta đọc Kinh thánh cho có hiệu quả. Có ba khía cạnh chúng ta cần để ý :

1. Đọc căn cứ vào thực tại chúng ta đang sống.

2. Đọc giữa cộng đoàn đức tin chúng ta đang là phần tử.

3. Đọc với thái độ và tâm tình trọng kính sâu xa bản văn Lời Chúa chúng ta đang đọc.

Cách đọc Kinh thánh như thế không phải là mới. Nó đã có từ nhiều thế kỷ trước và xuất phát từ sự kiện chính đức Giê-su giải thích Kinh thánh cho hai môn đệ đi làng Em-mau (x. Lc 24,13-15).

Ở đây, ta sẽ trở thành học trò của truyền thống cổ kính nhất trong Hội thánh, để ta có thể học được cách đọc Kinh thánh hiệu quả hơn và để càng ngày càng đi sâu vào mầu nhiệm giúp ta đọc cho có hiệu quả. Đó là cách thế được truyền thống quen gọi là “lectio divina”.

Lectio divina là một cách quan trọng trong việc đọc Kinh thánh. Đây là cách thế truyền thống nhất trong Hội thánh. Nó đã tái xuất hiện, không tên không tuổi, giữa lòng dân chúng đang lại bắt đầu đọc Kinh thánh giữa các cộng đoàn. Là tu sĩ nam nữ, khi thực hành việc đọc này, tức là lectio divina, ta lại tìm được nguồn mạch mà trong quá khứ vốn đã sản sinh ra đời tu, và trong hiện tại vẫn còn sản sinh và nuôi dưỡng sinh hoạt của các “cộng đoàn Hội thánh cơ bản”.

Sau khi nói qua sơ lược lịch sử và một vài nhận xét chung, ta sẽ phân tích bốn giai đoạn trong lectio divina: đọc, suy gẫm, nguyện ngắm và chiêm niệm (lecture, méditation, oraison, contemplation). Đó là bốn thì của việc đọc Kinh thánh cá nhân cũng như cộng đoàn. Đó cũng là những thái độ ta luôn phải có đối với Lời của Thiên Chúa. Ta sẽ tìm hiểu xem những thái độ đó hệ tại điều gì và những thái độ đó khi được nối kết với nhau có thể mở ra cho chúng ta một hướng đi khi chúng ta đọc Kinh thánh như thế nào.

1. Sơ lược lịch sử

Ban đầu, lectio divina chỉ là việc các ki-tô hữu đọc Kinh thánh nhằm nuôi dưỡng đức tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến của mình. Vì thế, lectio divina cũng cổ xưa như chính Hội thánh, một Hội thánh vốn sống nhờ Lời của Thiên Chúa, và lệ thuộc vào Lời của Thiên Chúa như nước với nguồn (Dei Verbum, ss. 7. 10. 21). Lectio divina là đọc Lời của Thiên Chúa với tâm tình tin tưởng và cầu nguyện, đặt nền tảng trên lòng tin vào đức Giêsu: “Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 14,16; 16,12). Tân Ước chẳng hạn, là kết quả của việc các Kitô hữu tiên khởi đọc Cựu Ước, khởi đi từ những điều đang làm họ quan tâm và nhờ ánh sáng mạc khải mới của Thiên Chúa trong cuộc phục sinh của đức Giê-su, Đấng đang sống giữa cộng đoàn.

Suốt dòng các thế kỷ, việc đọc Kinh thánh với tâm tình tin tưởng và cầu nguyện này đã nuôi dưỡng Hội thánh, các cộng đoàn và các ki-tô hữu. Tuy nhiên, lúc đầu, đây không phải là cách đọc có hệ thống, có phương pháp. Đây là truyền thống đích thực được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia nhờ việc dân Ki-tô giáo vẫn thực hành.

Kiểu nói “lectio divina” có từ thời giáo phụ Origène. Ông đã lưu ý rằng muốn đọc Kinh thánh một cách hữu ích, cần phải chú ý và kiên trì chăm chỉ. “Mỗi ngày chúng ta lại phải trở về nguồn mạch Kinh thánh”, và không phải chúng ta cứ nỗ lực thôi là được đâu! Vì thế phải cầu nguyện mà xin cho được ơn đó, vì “cầu nguyện là điều tuyệt đối cần để có thể hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa”. Ông Origène kết luận là “bằng cách này chúng ta có thể đạt tới chỗ kinh nghiệm điều chúng ta đang hy vọng và đang suy niệm”. Với những suy nghĩ ấy chúng ta đã có được một bản tóm tắt thế nào là lectio divina.

Như vậy, lectio divina trở thành cột sống của đời tu. Đời đan tu trong sa mạc đã phát triển và được tổ chức chung quanh Lời Thiên Chúa được lắng nghe, được suy niệm và cầu nguyện. Các cuộc canh tân và thay đổi liên tiếp đời tu luôn luôn lấy lectio divina làm sợi chỉ đỏ. Tu luật đan tu của thánh Pacôme, thánh Augustinô, thánh Basiliô và thánh Biển Đức đều lấy việc đọc Kinh thánh làm nền tảng cho đời tu, bên cạnh công việc lao động tay chân và phụng vụ.

Lectio divina được hệ thống hóa thành bốn giai đoạn từ thế kỷ XII. Khoảng năm 1150, một đan sĩ Chartreux tên là Guigo có viết một cuốn sách nhan đề “cái thang của các đan sĩ” (Scala Monachorum). Trong phần mở đầu, trước khi trình bày lý thuyết về bốn giai đoạn, ông ngỏ lời với “Gervais, người anh em thân mến” rằng: “Tôi muốn chia sẻ với anh một vài suy nghĩ của tôi về đời sống thiêng liêng của các đan sĩ. Thế mà anh lại đã biết đời sống thiêng liêng này bằng kinh nghiệm rồi, trong khi tôi chỉ biết nhờ nghiên cứu lý thuyết. Nên xin anh làm ơn làm quan tòa và làm người kiểm duyệt cho những tư tưởng của tôi”. Guigo muốn rằng lý thuyết về lectio divina phải được đánh giá và sửa chữa nhờ kinh nghiệm của các đan sĩ đồng bạn của mình.

Tiếp theo, ông giới thiệu bốn giai đoạn: “Một ngày kia, đang lúc lao động chân tay, tôi suy nghĩ về hoạt động tinh thần của con người. Bỗng nhiên cái thang gồm bốn bậc thiêng liêng hiện lên trong trí tôi: đọc, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm. Đó là cái thang các đan sĩ dùng mà leo từ đất lên trời. Cái thang này chỉ có vài bậc, nhưng chiều cao thì vô cùng vô tận. Chân thang đặt tựa vào đất, đầu thang xuyên qua các tầng mây và xuyên đến tận các mầu nhiệm trên trời”. Rồi Guigo chứng minh mỗi bậc có đặc tính riêng, làm phát sinh một hiệu quả riêng nơi người đọc Kinh thánh.

Lectio Divina - Tiếp cận Lời Chúa

Tiếp theo nữa, ông tóm tắt lại như sau: “Đọc là chăm chú tìm hiểu Kinh thánh với một tinh thần chăm chỉ ý tứ. Suy gẫm là hoạt động cần mẫn của tinh thần, với sự trợ giúp của lý trí, tìm cách hiểu chân lý còn đang được ẩn giấu. Cầu nguyện là hoạt động tha thiết của trái tim hướng về Thiên Chúa. Cầu nguyện để xin Thiên Chúa cất bớt những sự dữ và thương ban cho những ơn lành. Chiêm niệm là nâng tâm trí lên và hướng thẳng vào Thiên Chúa. Chiêm niệm giúp thưởng nếm những niềm vui của sự ngọt ngào vĩnh cửu”. Khi trình bày bốn giai đoạn như thế, Guigo tổng hợp truyền thống của một thời đại cổ xưa và biến đổi thành một phương thế đọc Kinh thánh nhằm giới thiệu với những người trẻ đang muốn gia nhập đời sống đan tu.

Đến thế kỷ XIII, các tu sĩ hành khất ra sức sáng tạo một kiểu đời tu mới, tập trung nhiều hơn cả vào sự hiện diện giữa những người “nhỏ bé”, tức là những người nghèo. Các tu sĩ này lấy lectio divina làm nguồn cảm hứng cho phong trào canh tân, như ta thấy rõ trong cuộc đời và tác phẩm của các tu sĩ tiên khởi dòng Phan Sinh, Đa Minh, dòng Tôi Tớ, Cát Minh và các tu sĩ hành khất khác. Họ tìm cách áp dụng lectio divina để phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội ở thời họ.

Sau đó, một thời gian dài lectio divina bị quên lãng. Đọc Kinh thánh chỉ còn là điều khuyên làm, thậm chí nơi các nam nữ tu sĩ. Đó là hậu quả đáng buồn của thái độ chống lại phong trào Cải Cách. Chẳng hạn thánh Têrêxa Avila không được đọc trọn vẹn Cựu Ước. Người ta nhấn mạnh nhiều đến việc đọc và hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Sợ phong trào Cải Cách khiến cho cắt đứt với nguồn mạch !

Công đồng Vaticanô II trở lại với truyền thống cổ xưa và tha thiết khuyên nhủ thực hành lectio divina trong Hiến chế Dei Verbum (s. 25). Bấy giờ, lectio divina tái xuất hiện, một cách mới mẻ, nhưng không được gọi bằng một danh xưng đặc biệt, trong các cộng đoàn nơi những người nghèo lại bắt đầu đọc Lời Thiên Chúa. Cuồi cùng, lectio divina lại được cổ võ và được học hỏi rõ ràng nơi các tu sĩ nam nữ. Là những tu sĩ nam nữ, chúng ta cũng nên khiêm tốn như Guigo và nói với dân chúng trong các cộng đoàn ki-tô hữu rằng: “Chúng tôi chia sẻ với anh chị em một vài suy nghĩ của chúng tôi về đời sống thiêng liêng. Nhưng anh chị em đã biết đời sống thiêng liêng này bằng kinh nghiệm, còn chúng tôi lại biết nhiều hơn về lý thuyết. Vì thế, xin anh chị em làm quan tòa và làm người kiểm duyệt cho những suy nghĩ của chúng tôi”.

(còn tiếp)

“Lectio Divina, coeur de la vie religieuse”, trong Bulletin Dei Verbum, ss. 22, 23 -
Fédération Biblique Catholique.

Chuyển ngữ: Tất Nguyễn

Thời sự Thần học, Số 20 (Tháng 6/2000)

Nguồn: tsthdm.blogspot.com