Suy niệm BĐ1 - CN XXVIII TN năm B - Kn 7, 7-11 - Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 36 | Cật nhập lần cuối: 10/25/2024 8:18:30 AM | RSS

"Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không".

Trích sách Khôn Ngoan (Kn 7, 7-11)

7 Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.
Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.

8 Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng
còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.
Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan.

9 Đối với tôi, trân châu bảo ngọc
chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan,
cũng chỉ là cát bụi,
và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.

10 Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp,
đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng,
vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.

11 Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.

Nhân loại không chờ đến Thánh Kinh và đạo của Thiên Chúa Ítraen mới khám phá rằng những của cải từ đức khôn ngoan, sự thông minh và nhất là tấm lòng còn quý hơn vàng bạc trân châu bảo ngọc trên đời. Gần như tất cả bài chúng ta vừa đọc, có thể do nhà hiền triết Hy Lạp ngoại giáo viết ra. «Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi». Thế nhưng nói là một chuyện, còn thực hiện lại là một điều khác nữa. Chúng ta còn nhiều điều để phải học hỏi từ chương này của bài đọc.

Nhưng điều lợi ích của bài này ở chỗ khác. Không phải để cho chúng ta một bài học sống tử tế, mặc dù không phải là thừa khi lặp lại những điều hiển nhiên này cho chúng ta. Nội dung thật sự quan trọng hơn nhiều, vì người thốt lên những lời này là từ một vị vua, vua Salômon. Sách Khôn Ngoan được viết khoảng năm 50 trước công nguyên. Rất lâu sau thời vua Salômon, bởi vì ngài trị vì vào năm 950 trước CN. Nhưng sách này suy ngẫm về vua Salômon và đề nghị như một mẫu gương cho người thời đại. Đây là một giai đoạn trong cuộc đời vua Salômon mà chúng ta đọc trong bài này:

Chúng ta đang ở những năm đầu tiên của triều đại. Sau những mánh khoé chính trị ghê tởm, những thanh toán bằng bạo lực, Salômon lên ngôi, tất cả những kẻ thù chính trị bị loại trừ. Sau này ông sẽ xây lại đền thờ, nhưng lúc ấy ông tổ chức một buổi lễ vĩ đại đầu tiên khởi đầu triều đại tại Gabaon, cách Giêrusalem về phía Bắc mười hai cây số. Trong lễ toàn thiêu, Salômon dự định dâng một ngàn súc vật, vì thế phải mất một thời gian. Có lẽ ông ngủ đêm lại đó vì ban đêm trong giấc ngủ ông thấy một cơn mộng bất hủ. Chúa hiện ra và nói với ông: «Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.» (1V 3, 5). Salômon trả lời: «Mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” (1V 3, 7-9)

Câu trả lời ấy làm Chúa vui lòng, Ngài phán: «Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp. Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi.» (1V 3,11-13)

900 năm sau, sách Khôn Ngoan nhắc lại câu chuyện ấy cho người đương thời. Sách triển khai đề tài này trong nhiều chương. Khi sách nhắc lại lời vua Salômon: «Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi», có lẽ là muốn ám chỉ thẳng vào những người uy quyền thời ấy. Các nhà chính trị mọi thời đều có khuynh hướng cho rằng họ có sự khôn ngoan bẩm sinh… và độc quyền nữa! Bài này đến với họ để nói, ngay cả một vị vua vĩ đại như Salômon, có tiếng là khôn ngoan, ngài cũng còn biết rằng đó là ơn lãnh nhận từ Thiên Chúa, với lòng khiêm nhường ngài đã cầu xin Thiên Chúa.

Chúng ta có thể hiểu xa hơn lời châm biếm các nhà chính trị để dẫn tới một mặc khải thật sự. Một lần nữa chúng ta nhận ra Thánh Kinh, một đàng giống các sách văn chương cùng đề tài như thế nào, nhưng mặt khác cũng hoàn toàn khác biệt với các loại sách ấy. Chính trong sự khác biệt chúng ta nhận ra điều Chúa mặc khải. Trong các dân tộc khác, đặc biệt bên Ai Cập, mọi người tin rằng vua là một nhân vật đặc biệt, từ bẩm sinh có sự khôn ngoan thiêng liêng. (Dĩ nhiên các nghi lễ đều để làm chứng cho lòng tin ấy). Trái hẳn lại, Thánh Kinh trình bày ở đây một vị vua thế lực, lừng danh, không ai chối cãi từ sự cao quý, những thành tích và của cải châu báu của nhân vật này, nhưng ông nhìn nhận rằng mình chỉ là một con người: «Nhưng tôi vẫn hiểu rằng: Đức Khôn Ngoan, tôi không thể có được, nếu Thiên Chúa chẳng ban cho tôi.» (Kn 8, 21)

Và cũng vua Salômon ấy khẳng định rằng: «Phần tôi, tôi cũng chỉ là một con người phải chết, giống như mọi con người. Tôi thuộc dòng dõi của con người đầu tiên đã được nắn ra từ bụi đất. Suốt chín tháng trời nơi dạ mẫu thân, thân xác tôi đã thành hình trong máu huyết, kết tụ bởi tinh khí nam nhân, và khoái lạc đi liền với giấc ngủ. Ngày tôi chào đời, tôi hít thở chung một bầu khí. Tôi rơi trên đất, chịu chung thân phận với mọi người. Tôi cất tiếng khóc, tiếng đầu đời của bất cứ một ai. Tôi được quấn tã và dưỡng nuôi chăm sóc. Không vị vua nào không khởi sự cuộc đời như thế: Ai cũng như ai khi sinh ra và lúc lìa đời. Vua Sa-lô-môn ca ngợi Đức Khôn Ngoan.» (7, 1-6)

Và ông nói tiếp: «Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết», kế tiếp là bài chúng ta vừa đọc hôm nay.

Bài học thứ hai của bài đọc hôm nay là các vua cũng là con người sẽ phải chết, không khác gì mọi người. Chỉ có Thiên Chúa là Chúa, vua không phải là Chúa mà cũng chẳng là thần linh. Bài học thứ hai là mọi sự hiểu biết đều đến từ Thiên Chúa, là món quà của Ngài. Không ai trên đời có thể khẳng định rằng tự mình có sự hiểu biết. Sách Khôn Ngoan còn đào sâu hơn, và đó là nội dung không nói thẳng ra trong bài đọc của chúng ta. Các câu sau quả quyết rằng kho tàng của sự Khôn Ngoan cũng có thể được trao ban cho bất cứ người nào, giống như sự hiểu biết đã được ban cho các vua, vì các vị cũng chỉ là người phàm như mọi người. Chỉ cần xin qua cầu nguyện. Như đoạn sau trong chương này: «Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người.» (7, 27) Có nghĩa là toàn nhân loại có thể chia sẻ sự khôn ngoan của vua Salômon.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...