Tin và làm chứng cho Đấng Phục sinh: SNTM CN Phục Sinh (C)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 548 | Cập nhật lần cuối: 7/30/2019 1:40:35 PM | RSS

"Ông đã thấy và đã tin”

“Phúc cho người không thấy mà tin”

I. Dẩn vào Phụng vụ

Cuộc đời của Đức Giêsu Na-da-rét không kết thúc với cái chết vì sau khi chết được ba ngày Người đã phục sinh và mở ra một trang sử mới cho nhân lọai nói chung, cho Giáo Hội Công Giáo nói riêng. Vì thế sự Phục Sinh của Đức Giêsu Na-da-rét có ý nghĩa rất quyết định cho đức tin của các Kitô hữu và được lưu truyền từ thế hệ môn đễ đầu tiên cho tới ngày nay. Tông đồ Gioan dã thấy và đã tin. Giáo Hội tiên khởi ở Giê-ru-sa-lem và Pa-lét-tin đã thấy và đã tin. Các thế hệ môn đệ kế tiếp dù không thấy những vẫn tin, đúng như lời Chúa Giêsu đã tuyên bố: ”Phúc cho người không thấy mà tin”

II. Lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng (Ga 20,1-9)

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." 3 Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.”

III. Suy niệm và tìm hiểu Lời Chúa trong Tin Mừng

Chúng ta hãy chiêm ngắm và suy niệm về các nhân vật có mặt bên mộ Chúa vào sáng ngày thứ nhất trong tuần:

1. Bà Maria Mácđala: người nữ môn đệ đặc biêt của Chúa Giêsu. Bà đã hết lòng, hết sức với Người khi Người còn sống và khi Người đã chết. Bà là người đầu tiên đến ngôi mộ sau khi ngày nghỉ sabát chấm dứt. Bà đã chứng kiến cảnh ngôi mộ mở toang, xác Chúa không có ở đó, chỉ có mấy tấm khăn…. Bà chạy đi tỉm Phêrô Trưởng Nhóm Mười Hai. Bà gặp Phêrô cùng với Gioan là môn đệ Chúa yêu.

2. Ông Simon Phêrô với tư cách là Trưởng Nhóm Mười Hai sau khi đã nghe được báo cáo về sự việc: “xác Đức Giêsu không còn ở trong mồ” đã hành động ngay. Ông Gioan với tư cách là môn đệ được Thầy yêu mến nhất cũng được nghe báo cáo tin ấy, nên cùng hành động với Phêrô. Hai ông cùng hối hả chạy đến mồ. Gioan trẻ trung hơn nên chạy nhanh hơn và đã đến nơi trước. Nhưng vì tôn trọng Si-mon Phêrô là Trưởng Nhóm nên Gioan đã đứng đợi ở cửa hang, chờ củng vào.

3. Gioan đã thấy và đã tin vì ông nhạy bén hơn Phêrô. Điều mà Gioan thấy và Phêrô cũng thấy không phải là Đức Giêsu Phục Sinh mà chỉ là những tấm khăn vải và khăn che đầu Đức Giêsu (là những dấu chứng sự hiện diện của Người ở đó ngày hôm trước). Cái mà Gioan thấy là những Lời Chúa Giêsu đã nói về sự phục sinh của Người khi Người chưa chịu cuộc Thương Khó. “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.” Nhưng lúc này họ đã hiều!

IV. Sống sứ điệp Lời Chúa trong Tin Mừng

1. Không ai trong chúng ta đã thấy Chúa Giêsu Phục Sinh nhưng chúng ta tin là Chúa Giêsu đã Phục Sinh, vì niềm tin Phục Sinh được truyền lại cho chúng ta từ các Tông đồ và các môn đệ trước chúng ta. Niềm tin Phục Sinh ấy được củng cố và lớn lên trong chúng ta nhờ Thánh Thần Thiên Chúa.

2. Chúng ta có nhiệm vụ phải thể hiện hay làm chứng niềm tin ấy bằng lời nói và nhất là bằng việc làm để giúp người khác tin rằng Chúa Giêsu đã Phục Sinh. Thời đại ngày nay con người cần các chứng nhân hơn là các thầy dậy. Vì thế mổi Kitô hữu phải trở thành chứng nhân của Chúa Phục Sinh, trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của mình.

Tin và làm chứng cho Đấng Phục sinh: SNTM CN Phục Sinh (C)

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội