Vinh quang của Thiên Chúa: SNTM Lễ Chúa Hiển Linh (C)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 706 | Cập nhật lần cuối: 3/5/2019 3:29:54 PM | RSS

I. Dẫn vào phụng vụ

Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh đều là những biến cố tỏ bày VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA. Trước hết là với dân riêng Ít-ra-en. Kế đến là với các dân tộc khác mà chúng ta thường gọi là dân ngoại hay chư dân. Thật ra thì không có dân tộc nào là ở ngoài Lòng Yêu Thương bao la và vĩnh cửu của Thiên Chúa cả, vì đối với Thiên Chúa thì không có cảnh “người ở trong”, “kẻ ở ngoài” mà tất cả đều là người trong nhà cả. Sự khác biệt chỉ là về thời gian mà mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn mà thôi. Đó chính là ý nghĩa của Lễ Hiển Linh hôm nay. Các bài đọc Thánh Kinh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều ấy!

II. Lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh

1. Bài đọc 1 (Is 60, 1- 6): “Vinh quang Chúa xuất hiện ngươi”

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.

Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.

Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.

Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và E-pha; tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

2. Bài đọc 2 (Ep 3, 2- 3a. 5-6): "Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa"

3. Bài Tin Mừng (Mt 2, 1-12): “Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua”

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giu-đa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hê-rô-đê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

III. Khám phá sứ điệp Lời Chúa

1. Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)

a. Bài đọc 1 (Is 60,1-6) là những lời tiên tri của ngôn sứ Isaia nói về cảnh huy hoàng của thành Giêrusalem trong ngày Thiên Chúa tỏ mình ra với dân. Cảnh huy hoàng phải được hiểu theo nghĩa tôn giáo và tâm linh nên chỉ bằng con mắt đức tin, chúng ta mới nhìn thấy được vẻ huy hoàng ấy. Chúng ta phải đặt lời sấm ngôn của Isaia vào bối cảnh dân Ít-ra-en đang sống cảnh lưu đầy Babylon mới thấy hết tầm vóc của lời sấm!

Trong đoạn Is 60,1-6 trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương Dân riêng của Người như thế nào khi Người có cả một kế hoạch tuyệt vời từ đời đời để biến Giêrusalem thành trung tâm của cuộc tập họp của các dân, các nước trong vui mừng hân hoan không sao tả hết. Thành Giêrusalem tượng trưng cho Dân Chúa (là Ít-ra-en cũ và mới) và cho từng tâm hồn, từng cộng đoàn tôn thờ Thiên Chúa.

b. Bài đọc 2 (Ep 3,2-3a.5-6) là những dòng tuyệt vời của Thánh Phaolô Tông đồ, về kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa là mạc khải từng bước Chương Trình Cứu Độ của Người, trong đó dân ngoại được cùng thừa kế Mầu Nhiệm Nước Trời với người Do Thái. Đây quả là quả bom gây chấn động trong thế giới Do Thái giáo và là niềm vui cho các dân tộc ngoài Do Thái.

Qua đoạn thư trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa có Tình Yêu bao la và là Đấng Quan Phòng kỳ diệu. Thiên Chúa biết con người có nhiều giới hạn về không gian, thời gian, về trình độ văn hóa và tâm linh, nên Ngài tỏ mình ra cách tiệm tiến và có tiến trình đàng hoàng cho phù hợp với trình độ tiếp nhận của con người.

c. Bài Tin Mừng (Mt 2, 1-12) là tường thuật về một biến cố “rất quan trọng” đã xẩy ra trong những ngày đầu đời của Chúa Giêsu. Biến cố này có thể nói là khởi điểm và trọng tâm của Mầu Nhiệm Nhập Thể: Thiên Chúa mạc khải mình cho dân ngoại.

Thật vậy, qua đoạn Phúc Âm Mt 2,1-12 này, Thiên Chúa là Thiên Chúa không chỉ của riêng dân tộc Do-thái mà Người là Thiên Chúa của hết mọi dân tộc trên mặt địa cầu này. Các nhà chiêm tinh Phương Đông được mạc khải và nhìn nhận Hài Nhi Giêsu chẳng những là Vua dân Do-thái mà còn là Vua của mọi dân tộc khác trên trái đất này.

2. Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có ba ý: ý thứ nhất là giáo lý, hai ý sau là thực hành:

(1) Vua Dân Do-thái cũng là Vua các Dân Ngoại (tức Vua muôn dân) đã sinh ra tại Bê-lem. Đó là Hài Nhi Giêsu, con Đức Ma-ri-a. Ngài xuất hiện trong thân phận trẻ thơ, yếu ớt, mỏng manh, vô hại. Thế mà Ngài lại bị người đời (là quyền lực trần gian) tìm cách giết hại. Ngay từ những ngày đầu tiên đời sống trần thế, Chúa Giêsu đã bị kết án và mãi sau này bản án ấy mới được gắn trên đầu Ngài khi Ngài bị treo trên Thập Giá: “Giêsu Vua Dân Do-thái” (Mt 27, 37).

(2) Thiên Chúa mời gọi hết mọi người tìm đến với Đức Giêsu và nhìn nhận thờ lạy Ngài là Con Thiên Chúa và dâng tiến lễ vật quý giá nhất cho Ngài như các nhà chiêm tinh Phương Đông. Điều quan trọng là mỗi người nhận ra những ngôi sao dẫn đường của riêng mình. Đó có thể là một con người, một cuốn sách, một cuốn phim, một biến cố, một lời nói mà Thiên Chúa gửi đến cho mỗi người chúng ta.

(3) Thiên Chúa đã dùng những ngôi sao lạ để dẫn đường các nhà chiêm tinh Phương Đông tìm kiếm Chúa Giêsu. Thiên Chúa cũng dùng mỗi người chúng ta làm đèn sáng, làm ngôi sao, làm bảng chỉ đường cho người khác tìm đến Chúa.

Vinh quang của Thiên Chúa: SNTM Lễ Chúa Hiển Linh (C)

IV. Sống với Chúa và thực thi sứ điệp của Người

1. Sống với Thiên Chúa là Đấng thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại nơi Ngôi Lời Nhập Thể là Đức Giêsu con Đức Ma-ri-a. Sống với Chúa Giêsu Ki-tô là Đấng đã xuống thế làm người để thực thi Ý Cha. Sống với Chúa Thánh Thần là Đấng đồng hành và cộng tác với Chúa Giêsu Ki-tô trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc!

2. Thực thi sứ điệp Lời Chúa

Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi “kiểm điểm” mình xem:

(1) Tôi tìm kiếm, nhìn nhận và suy phục Chúa Giêsu Cứu Thế như thế nào? (Tìm kiếm, nhìn nhận và suy phục không phải chỉ một lần mà là nhiều lần và liên tục trong cuộc sống của tôi).

(2) Tôi nhậy cảm như thế nào với các “tín hiệu” mà Chúa gửi cho tôi, để tôi nhận ra Dung Mạo, Tấm Lòng và Thánh Ý của Chúa mà yêu mến và thi hành?

(3) Tôi ý thức như thế nào về việc Thiên Chúa dùng tôi như các dấu hiệu hay các bảng chỉ đường, để giúp người khác tìm kiếm, nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa?

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội