Sống Phụng vụ Mùa Vọng và Giáng sinh hôm nay (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2669 | Cập nhật lần cuối: 11/28/2014 1:23:31 PM | RSS

(tiếp theo)

MỘT SỐ VIỆC ĐẠO ĐỨC

Tĩnh tâm mùa Vọng

Các giáo xứ và hội đoàn ở Việt Nam có thói quen tổ chức tĩnh tâm mùa Vọng cho các tín hữu. Có nơi dành trọn một hay hai ngày cho việc tĩnh tâm. Cũng có nơi tổ chức tĩnh tâm vào mấy buổi chiều và tối để có được bầu khí và khung cảnh thuận lợi cũng như thích hợp cho việc chiêm niệm.

Việc đạo đức này nên được tổ chức vào các ngày đầu mùa Vọng để có thể giúp các tín hữu và cộng đoàn giáo xứ bước ngay vào bầu khí của mùa phụng vụ và thấu hiểu hơn ý nghĩa của mùa Vọng nhờ đó tham gia một cách trọn vẹn hơn ngay từ buổi đầu vào mầu nhiệm cứu độ được Hội Thánh tưởng nhớ và cử hành trong bốn tuần của mùa Vọng.

Có lẽ nên hiểu Tĩnh tâm như một việc đạo đức gắn với việc cử hành mùa phụng vụ: không phải chỉ là việc dọn mình xưng tội để được rước lễ ngày lễ Giáng sinh, cũng không phải là một lớp giáo lý giúp người tham dự có thêm kiến thức về mầu nhiệm Hội Thánh đang chuẩn bị cử hành, mà chính là thời gian để đi vào mầu nhiệm trong cầu nguyện, chiêm niệm, kết hiệp và sống mầu nhiệm cứu độ đã diễn ra và cũng đang diễn ra giữa loài người. Do đó, tĩnh tâm không thể không bao gồm việc đọc Thánh Kinh để gợi lại những gì Thiên Chúa đã làm, những khoảnh khắc thinh lặng để người tín hữu cầu nguyện và chiêm niệm mầu nhiệm đã hoàn tất, những việc đạo đức để đi vào mầu nhiệm đang diễn ra ngày hôm nay và ý thức về những việc phải làm để hướng về ngày hoàn tất mọi sự.

Tĩnh tâm mùa Vọng có thể là một dịp giúp người tín hữu và cộng đoàn kiểm điểm đời sống, nhận ra đâu là những giá trị mình đang theo đuổi trong cuộc sống thường ngày, trong gia đình, trong xã hội và nơi bản thân. Người tín hữu và cộng đoàn cũng cần được giúp đỡ để khám phá ra những giá trị đích thực, bền vững mà Tin Mừng, giáo huấn cũng như phụng vụ của Hội Thánh, đặc biệt là mầu nhiệm Giáng sinh, mời gọi và trông chờ người tín hữu và cộng đoàn thực hiện, nhất là trong một xã hội lễ Giáng sinh ngày càng bị thế tục hoá.

Bởi vậy, trong cuộc tĩnh tâm, cũng nên tổ chức một cuộc sám hối tập thể, tuy không thay thế việc xưng tội riêng, nhưng cũng sẽ giúp ích không ít cho việc trở lại của mỗi cá nhân và của cộng đoàn.

Làm máng cỏ

Việc các gia đình, khu đạo và giáo xứ làm hang đá, hay máng cỏ tại gia, tại nhà thờ, thậm chí ở nơi công cộng cũng có thể được xem như một việc đạo đức giúp nâng cao lòng đạo nhân một dịp lễ đặc biệt của năm phụng vụ, miễn là việc làm này không bị biến thành cơ hội để phô trương, lãng phí tiền bạc, của cải và thời gian, qua đó, trở thành dịp để người tín hữu và cộng đoàn ‘chia trí’, sao nhãng bài học đích thực của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đã chọn khung cảnh nghèo, giản dị của người dân bình thường để ra đời làm người.

Làm máng cỏ trong gia đình không đơn thuần là việc trang trí nhà cửa, việc bầy ra một máng cỏ, một hang đá có sẵn hay được mua tại tiệm sách đạo, nhưng có thể là dịp để gia đình thông hiệp với mầu nhiệm Giáng sinh ngày hôm nay và cùng với các thành viên của gia đình. Việc làm máng cỏ này cũng có thể là một dịp để cha mẹ giáo dục con cái một cách cụ thể về bài học của Giáng sinh, một cơ hội để giảng dạy, qua bộ tượng các nhân vật của máng cỏ, về vai trò của Đức Maria, của thánh Giuse, các mục đồng, của ba nhà đạo sĩ... Chẳng hạn, mỗi tuần của mùa Vọng có một buổi tối cả gia đình cùng tụm lại để làm máng cỏ, và người lớn tuổi sẵn sàng giải thích cặn kẽ từng câu hỏi của các bé nêu lên khi cầm tượng các nhân vật của hang đá. Các trẻ trong gia đình cũng có thể mời bạn bè, hang xóm tới cùng làm hang đá. Việc làm hang đá hay máng cỏ này có thể kéo dài suốt mùa Vọng, tượng các nhân vật lần lượt được đặt ra theo hành trình của Đức Maria và thánh Giuse trên đường tới Bêlem và tới hang đá như được mô tả trong hai sách Tin Mừng Matthêu và Luca, đoạn 1 và 2. Mỗi chặng đường của cuộc hành trình có thể là một dịp để gia đình đọc một đoạn sách Thánh và cầu nguyện với Thánh gia.

CỬ HÀNH BÍ TÍCH TRONG MÙA VỌNG

Bí tích Thánh Tẩy

Mùa Vọng chuẩn bị lễ Giáng sinh là thời gian thích hợp để gợi lại bí tích Thánh Tẩy người tín hữu đã lãnh nhận, để giáo huấn và cử hành bí tích Thánh Tẩy cho người trưởng thành cũng như trẻ mới sinh, vì mùa chuẩn bị lễ Giáng sinh đầy ắp những biểu tượng: Như Đức Maria chờ đợi mọi sự diễn ra theo Lời Chúa (Lc1, 38), người chầu nhưng cũng chờ đợi bí tích Thánh Tẩy để được sinh ra với sự sống mới. Mùa Vọng cũng là mùa chuẩn bị cho ánh sáng chiếu rạng trong đêm Giáng sinh: “Đêm hầu tàn, ngày sắp đến. Vậy ta hãy vất bỏ những việc tối tăm, và hãy mặc lấy khí giới sự sáng” (Rm 13, 12)...

Các bài đọc về thánh Gioan Tẩy giả khiến chúa nhật thứ hai và thứ ba mùa Vọng thành thời gian đặc biệt thích hợp cho việc cử hành bí tích Thánh Tẩy trong bối cảnh của phụng vụ chúa nhật. Nghi thức rửa tội trẻ em cũng có nhiều quy chiếu về việc Chúa đến lại lần thứ hai như việc trao cây nến thắp sáng cho trẻ với lời kèm theo: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô. Anh chị em là những bậc làm cha mẹ và người đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho trẻ nhỏ này đã được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng được ra nghênh đón Người với toàn thể các thánh trên trời”.

Với những ai được tái sinh với Đức Kitô trong bí tích Thánh Tẩy, thời kỳ chuẩn bị Đấng cứu chuộc ra đời cũng mang màu sắc thanh tẩy. Như Đức Giêsu sinh ra từ cung lòng Đức Maria, cũng vậy, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa. Trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta nhận được lời mời gọi chuẩn bị đường cho Chúa đến bằng các công việc của lòng bác ái và công bình. Các bài đọc của chúng ta trong suốt mùa này cũng nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của kẻ thấp bé và nghèo khổ.

Nghi thức sám hối

Mùa Vọng được thiết lập, khởi đầu, như một mùa sám hối chuẩn bị cho cuộc phán xét cuối cùng và người Công giáo theo truyền thống dùng mùa Vọng để dọn lòng xưng tội mừng lễ Chúa Giáng sinh. Các bài đọc và lời cầu nguyện của mùa Vọng phản ánh hai tính chất của mùa Vọng: dọn mình xứng đáng tiếp đón Chúa; qua việc sám hối, chúng ta trở nên sẵn sàng trong tâm trí trước việc Chúa đến.

Chăm sóc mục vụ cho kẻ liệt

Mặc dù mùa Vọng là một thời gian bận rộn, tuy nhiên, cộng đoàn giáo xứ và đặc biệt các linh mục, giáo sĩ phụ trách và phục vụ giáo xứ cũng không nên quên những người bệnh, những người đau yếu không còn khả năng thể xác để tham dự các cử hành phụng vụ trong mùa Vọng. Hơn ai hết, họ là những người chờ đợi Chúa đến với họ trong những giờ phút thử thách của bệnh tật này, do đó, cộng đoàn giáo xứ nên tổ chức viếng thăm, đưa Mình Thánh Chúa...những người bệnh không thể tới nhà thờ cử hành phụng vụ với cộng đoàn.

Sống Phụng vụ Mùa Vọng và Giáng sinh hôm nay (2)

Ý NGHĨA MÙA GIÁNG SINH

Mùa Giáng sinh là mùa thi vị nhất của năm phụng vụ. Các bài ca ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong ký ức người Kitô hữu là các bài ca Giáng sinh. Những Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Cao cung lên, Đêm thánh vô cùng...Và những đĩa nhạc Noel ngoại quốc hàng năm nghe đi nghe lại vẫn thấy hay.

Nhưng Giáng sinh không phải chỉ là ngày lễ của những ký ức xa xôi từ thuở nào và của thời hiện tại. Phụng vụ Giáng sinh đưa chúng ta đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa khi nhắc nhở cộng đoàn Giáng sinh chính là “ngày lễ của sự cứu độ chúng ta” (collecta, lễ đêm), sự khởi đầu của việc cứu chuộc chúng ta” (lời nguyện dâng lễ, lể Đêm). Giáng sinh là sự khôi phục trật tự của vũ trụ khi Thiên Chúa và nhân loại lại kết hợp làm một qua việc làm con của Chúa Giêsu Kitô: “...” (Lời nguyện dâng lễ, lễ Đêm).

Giáng sinh là một lễ của ánh sáng. Ánh sáng chiếu trong đêm tối. Ánh sáng không chỉ chiếu trên chúng ta mà trong chúng ta.

Giáng sinh không phải là thời để hoài cổ mà kêu gọi chúng ta tham gia tích cực vào mầu nhiệm, một kế đồ đã bắt đầu được triển khai với mầu nhiệm Nhập thể: Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta để cứu độ chúng ta. Giáng sinh như vậy không phải là ký ức về một sự kiện đã diễn ra tại Bêlem, vào một đêm nọ, cách nay trên hai ngàn năm, mà còn là và nhất là sự kiện của hôm nay và tại đây. Cái ‘hôm nay’ của Đức Mẹ Maria, của thánh Giuse, của các người mục đồng cũng là cái ‘hôm nay’ của chính chúng ta.

Các hoàn cảnh lịch sử nhất định đã có ảnh hưởng trên sự phát triển các điểm nhấn của lễ và mùa Giáng sinh. Tin Mừng Giáng sinh được viết sau cùng. Sang thế kỷ IV, trước trào lưu mang tên Arius, phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu, tại Công đồng Nixêa (325), Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giêsu là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật...Làm một với Thiên Chúa Cha” (Kinh Tin kính của công đồng Nixêa). Như vậy, Chúa Giêsu không chỉ thuần tuý là một tạo vật thánh thiêng của Thiên Chúa, mà Người là Thiên Chúa toàn năng, ở cùng Thiên Chúa từ nguyên thuỷ, “được sinh ra mà không phải tạo thành” (ibid).

Một hoàn cảnh lịch sử khác cũng có ảnh hưởng trên sự phát triển của lễ Giáng sinh hay đúng hơn, cho việc mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25/12. Đó là vào năm 274, hoàng đế Aurelius đã quyết định ngày 25/12 – ngày đông chí là ngày dâng kính Natale Solis Invicti, một ngày lễ của lương dân kính “Thần Mặt Trời vô địch”. Vì có nhiều đoạn Thánh Kinh khẳng định Đức Kitô là ánh sáng, ánh sáng của thế giới, nên cũng dễ hiểu khi Giáo Hội ‘rửa tội’ cho ngày lễ này của người lương, và biến việc kính mặt trời thành việc kính Mặt Trời công chính.

Một lý do khác nữa của việc lễ Giáng sinh được mừng vào ngày 25/12: các Kitô hữu tiên khởi cho rằng Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25/12. “Vào buổi đầu thế kỷ thứ ba, các nhà thần học Kitô giáo đã tính toán về ngày sinh của Đức Giêsu vốn không được ghi trong các sách Tin Mừng. Biểu tượng Chúa Kitô Mặt Trời cắm rễ sâu trong ý thức của người Kitô hữu khiến họ có sự quan tâm đặc biệt tới các thời điểm phân và điểm chí” (Năm phụng vụ, trg. 123). Và hậu quả là sự kiện ông Gioan Tẩy giả ra đời được đặt vào ngày hạ chí (“Tôi phải bé đi”, Ga 3, 30), và Chúa Giêsu ra đời sáu tháng sau, vào đông chí “Và Người phải lớn lên”, ibid.). Đối với những con người có cuộc sống gắn với mặt trời, mặt trăng và các mùa hơn chúng ta, những thời gian này có ý nghĩa rất đặc biệt. Các Kitô hữu tiên khởi có thể đã coi sự Nhập thể của Chúa – ra đời, chết và sống lại – được khắc ghi trong vũ trụ.

Giáng sinh là một ngày lễ trọng thể như ngày lễ Phục sinh, quá lớn để chỉ được mừng trong một ngày duy nhất: Giáo Hội đã dành một thời gian dài để suy nhiệm về mầu nhiệm trọng đại này. Tuần bát nhật lễ Giáng sinh được cử hành một cách đặc biệt trọng thể. Ngày Chúa nhật trong tuần bát nhật, chúng ta tiếp tục mừng sự nhập thể của Đức Kitô, từ một nhãn giới khác với lễ kính Thánh Gia của Đức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Tuần bát nhật kết thúc với lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vào ngày 1/1, ngày lễ trọng thể đầu tiên kính Đức Mẹ Maria, kết quả của Công đồng Êphêsô.

Mùa Giáng sinh tiếp tục với lễ trọng thể sự Hiển Linh của Chúa, mừng việc Chúa Kitô “tỏ mình” ra. Hiển Linh trong truyền thống thường được mừng ngày thứ mười hai sau lễ Giáng sinh (6/1), và là một ngày lễ nghỉ. Nhưng tại những nơi lễ Hiển Linh không phải là lễ nghỉ, thì được dời vào ngày Chúa nhật. Mùa Giáng sinh kết thúc với lễ kính Chúa Giêsu chịu phép Thánh Tẩy. Với việc Chúa Giêsu chịu Thánh tẩy, kết thúc thời kỳ ẩn dật của Chúa Giêsu và bắt đầu thời kỳ sứ vụ công khai của Người. Các mùa và ngày lễ tiếp theo của năm Phụng vụ sẽ cho chúng ta được đi tiếp với Đức Kitô trong những đoạn đường tiếp theo của sứ vụ của Người.

KẾT LUẬN

Như vậy, năm Phụng vụ Giáo Hội vừa mở đầu, với những mùa, những ngày lễ, với những bài đọc, lời kinh, câu hát đã được ấn định, chính là lời mời gọi các cộng đoàn và từng người tín hữu ý thức và tích cực sống trong sự hiệp thông với công cuộc cứu độ Thiên Chúa đang thực hiện giữa cộng đoàn phụng vụ.

Vương Nghi và Giuse Nguyễn

(Trích Hiệp Thông, số 85)
Nguồn: hdgmvietnam.org

----------------------
Bài liên quan:

Sống Phụng vụ Mùa Vọng và Giáng sinh hôm nay (1)