Lời sống tháng 11/ 2015: “Xin cho tất cả nên một”

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 11244 | Cập nhật lần cuối: 11/4/2015 7:52:40 AM | RSS

“Xin cho tất cả nên một” (Ga 17, 21)

Đây là lời khẩn khoản Đức Giêsu thưa với Chúa Cha. Người biết xin điều Chúa Cha mong muốn nhất. Thực vậy Thiên Chúa đã dựng nên nhân loại như gia đình của mình, Người chia sẻ mọi sự, chia sẻ chính sự sống thần linh của mình với họ. Các cha mẹ ước mơ điều gì cho con cái, nếu không phải là chúng thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, sống hợp nhất với nhau? Và đâu là điều làm đau lòng cha mẹ nhất, nếu không phải là nhìn thấy con cái chia rẽ vì ghen tị, vì lợi lộc kinh tế, đến chỗ không còn nói chuyện với nhau nữa? Từ đời đời Thiên Chúa cũng mơ ước gia đình của mình được hợp nhất trong sự hiệp thông yêu thương giữa các con cái với Người và giữa họ với nhau.

Câu chuyện bi thảm lúc khởi nguyên nói với chúng ta về tội lỗi và về sự tan rã càng ngày càng tăng của gia đình nhân loại: như chúng ta đọc trong sách Khởi nguyên người nam tố cáo người nữ, Ca-in giết em mình, La-méc vênh vang về sự báo thù quá đáng của mình, tháp Ba-ben gây ra sự hiểu lầm và phân tán của các dân tộc… Dự án của Thiên Chúa xem ra thất bại.

Dầu vậy Người không chịu đầu hàng và cương quyết theo đuổi công việc thống nhất lại gia đình của mình. Lịch sử lại bắt đầu với ông No-ê, với việc tuyển chọn ông A-bram, với việc nảy sinh ra dân tuyển chọn; và tiếp theo cho đến khi Người quyết định sai con mình đến trần gian, trao phó cho Con sứ mạng quan trọng là tụ tập lại một gia đình duy nhất những người con bị phân tán, thu thập những con cừu lạc lối về một đoàn chiên duy nhất, bạt đổ những bức tường chia cách và những hận thù giữa các dân tộc để tạo nên một dân mới duy nhất (cf. Ep 2, 14-16).

Thiên Chúa không ngừng mơ ước sự hiệp nhất, vì thế Đức Giêsu đã xin Người điều đó chính là hồng ân lớn nhất mà Người có thể nài xin cho tất cả chúng ta: Lạy Cha, con xin Cha:

“Xin cho tất cả nên một”

Mỗi gia đình đều mang dấu ấn của cha mẹ, gia đình được Thiên Chúa dựng nên cũng thế. Thiên Chúa là Tình Yêu không phải chỉ vì Người yêu thương thụ tạo của mình, mà vì Người là chính Tình Yêu, trong tính hỗ tương của hồng ân và của sự hiệp thông, từ phía mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa đối với nhau.

Vậy khi dựng nên nhân loại, Thiên Chúa đã nắn đúc họ theo hình ảnh giống mình và in vào đó chính khả năng quan hệ của mình, để mỗi người sống trong việc hiến chính mình cho người khác. Toàn thể câu trong lời cầu xin của Đức Giêsu mà chúng ta muốn đem ra sống tháng này thực sự nói: “Để tất cả nên một; như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng nên một trong chúng ta”. Mẫu gương cho sự hiệp nhất của chúng ta không là gì hơn ngoài sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Đức Giêsu. Xem ra sự hiệp nhất này không thể thực hiện được, vì nó rất sâu xa. Dầu sao sự hiệp nhất đó nên khả thi do từ như, từ này cũng có nghĩa là bởi vì: chúng ta có thể hiệp nhất như Chúa Cha và Đức Giêsu, chính bởi vì các Ngài lôi kéo chúng ta vào chính sự hiệp nhất của các Ngài, được ban tặng cho chúng ta.

Lời sống tháng 11/ 2015: “Xin cho tất cả nên một”

“Xin cho tất cả nên một”

Đó chính là công trình của Đức Giêsu, là làm cho tất cả chúng ta nên một, như Người với Chúa Cha, một gia đình duy nhất, một dân tộc duy nhất. Vì thế người trở nên một người trong chúng ta, nhận lấy những chia rẽ của chúng ta và những tội lỗi của ta bằng cách đóng đinh chúng trên thập giá.

Chính Người đã chỉ cho chúng ta con đường Người sẽ theo để đưa chúng ta đến hiệp nhất: “Khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Như vị thượng tế đã nói trước, “Người phải chết (…) để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi” (Ga 11, 52). Trong mầu nhiệm sự chết và sống lại, Người lại quy tụ tất cả nơi mình (cf. Ep 1, 10), tạo dựng lại sự hiệp nhất đã bị tội lỗi phá tan, làm lại gia đình chung quanh Chúa Cha và làm cho chúng ta lại nên anh chị em với nhau.

Sứ mạng của mình, Đức Giêsu đã chu toàn. Bây giờ còn lại phần của chúng ta, sự tuân phục của chúng ta, lời thưa “vâng” đáp lại lời cầu xin của Người:

“Xin cho tất cả nên một”

Đâu là sự đóng góp của chúng ta vào việc thực hiện lời cầu xin này?

Trước hết là nhận lấy lời đó làm của mình. Chúng ta có thể cho Đức Giêsu mượn môi miệng và cõi lòng, để Người tiếp tục thưa những lời này với Chúa Cha và mỗi ngày tin tưởng lặp lại lời cầu xin của Người. Hiệp nhất là một hồng ân từ trên cao, phải xin với niềm tin, và không bao giờ được nản lòng.

Hơn nữa lời cầu xin này phải liên tiếp ở trên đỉnh mọi tư tưởng và ước ao của chúng ta. Nếu đó là mơ ước của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng muốn đó là mơ ước của chúng ta. Thỉnh thoảng, trước mỗi quyết định, mỗi chọn lựa, mỗi hành động, chúng ta có thể tự hỏi: điều này có ích cho việc xây dựng hiệp nhất không, có phải là điều tốt hơn cả cho sự hiệp nhất không?

Sau cùng chúng ta phải chạy đến nơi nào có những bất hòa tỏ tường nhất và nhận lấy chúng làm của mình, như Đức Giêsu đã làm. Đó có thể là những va chạm trong gia đình hay giữa những người ta quen biết, những căng thẳng của những người sống trong khu xóm, những bất hòa trong môi trường làm việc, trong xứ đạo, giữa các Giáo hội. Đừng chạy trốn những bất đồng và việc không hiểu nhau, đừng dửng dưng, mà đưa vào đó lòng thương yêu của mình bằng cách lắng nghe, chú ý đến người khác, chia sẻ nỗi đau khổ nẩy sinh từ sự xâu xé ấy.

Và nhất là sống hiệp nhất với những người sẵn sàng chia sẻ lý tưởng của Đức Giêsu và lời cầu xin của Người, mà không để ý đến những hiểu lầm hoặc những khác biệt về tư tưởng, vui lòng với sự “kém hoàn hảo trong hiệp nhất hơn là hoàn hảo hơn trong chia rẽ”, bằng cách vui vẻ chấp nhận những khác biệt, hơn thế bằng cách coi chúng là sự phong phú cho hiệp nhất, điều không bao giờ là bắt phải đồng nhất.

Phải, nhiều khi việc này treo chúng ta lên thập giá, nhưng đó chính là con đường mà Đức Kitô đã chọn để lập lại sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, con đường mà chúng ta cũng muốn cùng Người đi qua.

Fabio Ciardi