Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu - Ngày I

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 12350 | Cập nhật lần cuối: 1/20/2015 9:05:02 PM | RSS

NGÀY THỨ NHẤT: CÔNG BỐ

Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri (Ga 4, 4)

St 24,10-33 Ông Áp-ra-ham và bà Rê-bêc-ca bên bờ giếng.

Tv 42 Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong.

2 Cr 8,1-7 Lòng quảng đại của các giáo đoàn tại Ma-kê-đô-ni-a.

Ga 4,1-4 Người phải băng qua Sa-ma-ri.

Gợi ý

Đức Giêsu và các môn đệ đi từ Giuđêa đến Ga-li-lê. Sa-ma-ri nằm giữa hai vùng đất này. Luôn có một thành kiến chống lại vùng đất Sa-ma-ri và những con người ở đây. Vùng đất Sa-ma-ri mang tiếng xấu vì sự lai tạp về chủng tộc và tôn giáo của nó. Việc tìm một con đường thay thế để tránh đặt chân vào vùng đất Sa-ma-ri cũng là điều không có gì bất thường.

Tin Mừng của thánh Gioan muốn diễn tả điều gì khi nói rằng: “Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri”? Vượt trên những vấn đề về mặt địa lý, đây chính là sự chọn lựa của Đức Giê-su: “băng qua Sa-ma-ri” mang ý nghĩa Người phải gặp người khác, một người mà thường bị xem là mối đe dọa.

Mâu thuẫn giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri đã là quá khứ. Vương quyền của miền nam đã đòi hỏi tập trung việc thờ phượng Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem (1 V 12), và cha ông của người Sa-ma-ri đã phá vỡ điều đó. Sau này, khi người A-sy-ri xâm chiếm vùng đất Sa-ma-ri và trục xuất rất nhiều dân cư tại đây, họ đã mang đến vùng đất này vô số những dân tộc ngoại bang, mỗi dân tộc với những thần minh của họ (2 V 17,24-34). Đối với người Do Thái, người Sa-ma-ri trở thành một thứ dân “lai tạp và ô uế”. Sau này trong Tin Mừng Gio-an, khi người Do Thái muốn hạ thấp uy tín của Đức Giêsu, họ đã buộc tội Ngài rằng: “Chúng tôi bảo ông là người Sa-ma-ri và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?” (Ga 8,48)

Đến lượt mình, người Sa-ma-ri cũng khó chấp nhận người Do Thái (Ga 4, 8). Nỗi đau của quá khứ đã trở nên sâu đậm hơn, khi vào khoảng năm 128 TCN, thủ lãnh của người Do Thái, là Gio-an Hyrcanus, đã phá hủy ngôi đền thờ được xây dựng bởi người Sa-ma-ri, nơi thờ phượng của họ tại đỉnh núi Gerizin. Ít nhất môt lần, Tin Mừng Luca đã tường thuật lại việc Đức Giê-su không được tiếp đón tại một thành phố thuộc miền Sa-ma-ri, chỉ đơn giản vì Người đang trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9,52). Vì thế, sự đối kháng này xuất phát từ cả hai phía.

Gioan đã làm rõ việc Đức Giêsu “băng qua Sa-ma-ri” chính là sự lựa chọn của Người; Người vươn ra khỏi dân tộc của Người. Với hành động này, Người đang chỉ cho chúng ta thấy việc chúng ta tự tách bản thân khỏi những người khác biệt với ta và chỉ tương quan với những người giống chúng ta là chúng ta đang tự làm nghèo nàn chính bản thân mình. Việc đối thoại với những người khác biệt sẽ giúp ta lớn lên.

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu - Ngày I

Câu hỏi

Việc “phải băng qua Sa-ma-ri” có ý nghĩa gì cho tôi và cho cộng đoàn đức tin của tôi?

Đâu là những bước mà giáo hội của tôi đã thực hiện để gắp gỡ với các giáo hội khác, và các giáo hội đã học hỏi từ nhau được những gì?

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa muôn dân,

xin dạy chúng con biết băng qua Sa-ma-ri để đến gặp anh chị em của chúng con ỡ những giáo hội khác.

Xin cho chúng con đến đó với một con tim RỘNG MỞ

để chúng con có thể học được nhiều điều từ mỗi giáo hội và mỗi nền văn hóa.

Chúng con tuyên xưng Ngài là nguồn mạch của sự hiệp nhất

Xin ban cho chúng con sự hiệp nhất mà Đức Ki-tô đã muốn cho chúng con. Amen

Hội đồng Tòa Thánh cổ võ hiệp nhất Kitô hữu

Chuyển ngữ: ĐCV Thánh Giuse