Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu Hiệp nhất: Ngày III (20.1.2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 7600 | Cập nhật lần cuối: 1/21/2016 4:39:42 AM | RSS

LỜI CHỨNG CỦA TÌNH BẰNG HỮU

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến,

Bước sang ngày thứ ba của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, cộng đoàn (giáo xứ) chúng ta cùng hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ cầu nguyện cho mỗi Kitô hữu được trở nên chứng nhân cho sự hiệp nhất trong đời sống huynh đệvà tình bằng hữu nơi mỗi chúng ta.

II. DẪN VÀO BUỔI CẦU NGUYỆN

Anh chị em thân mến,

Trong buổi tối thứ ba của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, xin mời anh chị em cùng nhau suy niệm và cầu nguyện với chủ đề: “Lời chứng của tình bằng hữu.” Chính Thiên Chúa đã thương xót mỗi người chúng ta, đã cho chúng ta trở thành một dân để cùng nhau loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi đáp lại lời Người qua việc sống tình bằng hữu trong sự hiệp nhất, bởi vì chính sự hiệp nhất này là lời minh chứng sống động cho người khác về “Kitô giáo là Đạo Yêu Thương”.

1. Mở đầu

Chủ sự: X Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

CĐ: Amen.

2. Lời nguyện với Chúa Thánh Thần

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần là suối nguồn tình yêu Thiên Chúa, xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa kính mến Chúa, để chúng con cũng biết yêu mến anh chị em như Chúa đã yêu thương chúng con.

CĐ: Lạy Ngài xin đến…

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài chính là quà tặng mà Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại qua Chúa Giêsu, xin Ngài ngự vào lòng chúng con và chỉ bảo chúng con luôn biết thực thi thánh ý Chúa.

CĐ: Lạy Ngài xin đến…

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho chúng con một tấm lòng trắc ẩn, để chúng con biết mạnh dạn dấn bước trên đường phục vụ và sẵn sàng đưa tay giúp đỡ anh chị em trước những khó khăn và nhu cầu cần thiết của họ.

CĐ: Lạy Ngài xin đến…

3. Lời nguyện giao hoà

Chủ sự: Để để lãnh ơn giao hoà và làm trổ sinh hoa trái của tình hiệp nhất trong đời sống, chúng ta cùng nhau sám hối về những lỗi phạm trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta đối với Chúa và đối với anh chị em. (Thinh lặng)

Xướng: Lạy Chúa, Chúa đã đến để liên kết tất cả chúng con vào trong gia đình của Chúa. Xin Chúa thứ tha cho chúng con vì chúng con chưa biết cùng cộng tác với nhau để kiến tạo nền văn minh tình thương và sự sống.

CĐ: Kyrie, Kyrie, eleison!…

Xướng: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã cứu chuộc chúng con bằng giá Máu Châu Báu. Xin Chúa thứ tha cho chúng con, vì lẽ ra chúng con phải là những người xoa dịu nỗi đau của người khác, nhưng ngược lại, chúng con lại gây ra những mối bất hoà giữa anh chị em với nhau.

CĐ: Kyrie, Kyrie, eleison!…

Xướng: Lạy Chúa, Chúa là Đường đưa nhân loại đến bình an và chân lý. Xin Chúa thứ tha cho chúng con vì chúng con đã sống nghi kỵ, gian dối và thiếu cảm thông với những người sống bên cạnh mình.

CĐ: Kyrie, Kyrie, eleison!…

Chủ sự: Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin thương xót và đổ tràn ân sủng của Chúa vào lòng chúng con, để chúng con có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống chúng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CĐ: Amen.

4. Lời Chúa

Gr 31,10-13: “Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Xion.”

Tv 122: “Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình rằng: chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt.”

1Ga 4,16b-21: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.”

Ga 17,20-23: “Để họ được hoàn toàn nên một, như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con.”

¤ Hát: LỜI HẰNG SỐNG

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và nói rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con. Phần Con, Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con.”

Đó là lời Chúa.

5. Lời gợi ý

Cách nay hơn mười năm, ở tại đất nước Latvia nhỏ bé, một nơi từng là chiến trường tôn giáo và chính trị cho nhiều thế lực quốc gia và giáo phái quá khích, một cộng đồng Công giáo quốc tế với ơn gọi hiệp nhất mang tên Chemin Neuf (Hành Trình Mới) đã được lập nên. Các thành viên của cộng đồng này bao gồm cả tín hữu Công giáo lẫn anh em Tin lành. Họ có chung niềm vui đến từ tình bằng hữu trong Chúa Kitô cũng như cùng chia sẻ nỗi đau về sự chia cắt giữa các Kitô hữu, vốn đã trở nên như những đám sương mù dày đặc gây trở ngại cho việc loan báo Tin Mừng.

Thế nhưng chúng ta thất rằng nỗi thao thức về sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu đâu phải chỉ mới diễn ra gần đây, mà lời kêu gọi này đã có ngay từ thời Giáo hội sơ khai. Vang vọng trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, lời Chúa Giêsu nguyện xin tha thiết cho môn đệ của Người được nên một như Chúa Cha và Chúa Con là một. Nên một ở đây được hiểu là nên một trong tình yêu, như Chúa Cha yêu thương Con Một mình và Chúa Con cũng yêu thương Chúa Cha như vậy; và như Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhân loại thế nào thì nhân loại cũng được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau như vậy. Nên một chính là thánh ý Cha qua Người Con Một của Ngài và cũng là lệnh truyền mà Chúa Kitô trao lại cho các môn đệ Người thực thi. Nên một trong tình yêu, nên một trong ý chí, nên một trong tư tưởng, nên một trong hành động! Sự nên một này chẳng những không làm cho chúng ta bị đánh mất chính mình nhưng càng làm cho phẩm giá chúng ta được nâng cao, càng thể hiện được mối tương quan liên vị và sự hiệp thông trong đức ái của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức ái này thúc đẩy chúng ta tìm mọi nỗ lực, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, để thể hiện sự hiệp nhất trong tình bằng hữu yêu thương để Nước Cha được hiển trị.

Lời Thư thứ nhất thánh Gioan Tông Đồ cho biết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20). Làm sao người khác có thể gọi chúng ta là môn đệ Chúa Kitô, hay gọi Kitô giáo là Đạo Yêu Thương, trong khi tình yêu mà chúng ta dành cho người đồng loại không trọn vẹn, và sờ sờ trước mắt họ là sự chia rẽ của những anh em Kitô hữu? Và rồi họ cũng sẽ không thể tin vào lời rao giảng của chúng ta về sự yêu thương khi nó chỉ là những ngôn từ sáo rỗng trên môi miệng. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã lưu tâm đến phận vụ của những sứ giả Tin Mừng trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi – Loan Báo Tin Mừng: “Con người ngày nay lắng nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy. Và nếu họ lắng nghe thầy dạy, đó là vị các thầy dạy này là những chứng nhân” (số 41).

Vâng, không nơi nào diễn tả rõ nét sự hiệp nhất của cộng đoàn bằng nơi cử hành Bí tích Thánh Thể. Ở nơi ấy, các tín hữu thú nhận tội lỗi và xin ơn tha thứ của Chúa cũng như làm hoà với anh em trước khi dâng của lễ. Cũng vậy, không thể trao nhau bình an là cử chỉ của hiệp thông mà lại không hướng về người đối diện, và đỉnh cao của sự hiệp nhất được thể hiện bằng việc rước lễ, dân Chúa cùng ăn một Bánh và uống chung một Chén. Vì thế, trước mầu nhiệm cao cả này, thánh Augustinô đã thốt lên: “Ôi Bí tích Tình Yêu! Dấu chỉ hiệp nhất! Mối dây bác ái!”

Như vậy, thật là một nỗi đau cho các tín hữu Kitô khi chưa cùng nhau cử hành Bữa tiệc Thánh Thể ngay tại trần gian này. Càng đau khổ vì sự chia rẽ trong Hội Thánh thì chúng ta càng thấy lời Chúa cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất trở nên khẩn thiết hơn.

6. Lời mời gọi hồi tâm

- Lời chứng của tình bằng hữu cần dựa trên sự tôn trọng nhau để có thể đi đến hiệp nhất như thánh Augustinô diễn tả: “Thống nhất trong những điều chính yếu, tự do trong những điều tuỳ phụ; và trên hết mọi điều, phải có đức ái.” Tôi cần làm thế nào để hàn gắn những chia rẽ, sứt mẻ trong tình cảm bạn bè, láng giềng mà có khi tôi là người đã gây ra, hoặc lúc khác, tôi chỉ là nạn nhân của sự hiểu lầm?

- Khi đối thoại với những người khác quan điểm, hay trước những giáo thuyết của các giáo hội anh em, tôi cần có thái độ nào để nhận ra những điểm hay, điểm mạnh, hầu bổ sung cho những bất toàn nơi mình vì biết rằng Chúa Thánh Thần cũng hoạt động nơi họ để dẫn đưa mọi người tới sự hiệp nhất?

¤ Hát suy niệm:

LỜI KINH CUỘC ĐỜI - Quang Ánh

7. Lời nguyện cậy trông

Chủ sự: Trong đêm trước lúc chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất và yêu thương giữa các môn đệ của Người. Hôm nay, chúng ta cũng xin Thiên Chúa giáng phúc cho nỗ lực hiệp nhất Kitô giáo mà mỗi chi thể của Giáo hội đang vun đắp.

Xướng: Chúa Giêsu hằng cầu nguyện cùng Chúa Cha cho những ai nhờ nghe Lời Tin Mừng mà tin vào Người. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết ý thức trở nên chứng nhân của Lời Chúa khi chính mình là người chủ động xây đắp tình hiệp nhất cộng đoàn, để nhờ đó, giúp cho anh chị em mình đến được với Chúa và liên kết với nhau.

CĐ: Xin giải thoát chúng con…

Xướng: Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết quý trọng những người bạn, người láng giềng như là quà tặng của Thiên Chúa ban cho, để cùng nâng đỡ nhau trong hành trình tiến về Quê Trời.

CĐ: Xin giải thoát chúng con…

Xướng: Nơi nào Chúa Thánh Thần hoạt động, nơi ấy có hoà thuận, yêu thương. Xin Chúa tiếp tục ban ơn Thánh Linh dồi dào để chúng ta thay vì dựng nên những bức tường ngăn cách, thì biết dấn thân xây dựng cộng đoàn (giáo xứ) chúng ta trở nên như nhịp cầu hiệp nhất liên kết mọi người với nhau trong tình thương của Chúa.

CĐ: Xin giải thoát chúng con…

8. Lời kinh Lạy Cha

CĐ: Lạy Cha chúng con…

9. Lời nguyện kết

Chủ sự:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu nguyện để tất cả chúng con được nên một, chúng con cầu xin Chúa cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được theo như ý Chúa muốn, và theo cách Chúa định. Xin Thánh Thần của Chúa cho chúng con có khả năng để cảm nhận nỗi đau khổ do chia rẽ gây ra, để nhận ra tội lỗi chúng con và để hy vọng vượt lên trên tất cả. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

CĐ: Amen.

10. Lời chúc lành kết thúc

Chủ sự: Chúa ở cùng anh chị em.

CĐ: Và ở cùng cha.

Chủ sự:

“Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5).

Xin Thiên Chúa là X Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.

CĐ: Amen.

Chủ sự: Chúc anh chị em ra về trong bình an của Đức Kitô.

CĐ: Tạ ơn Chúa.

11. Lời ca dâng Mẹ

DÂNG MẸ - Mi Trầm

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn

Nguồn: tgpsaigon.net