Huấn luyện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3781 | Cập nhật lần cuối: 3/14/2019 11:05:32 AM | RSS

Đề tài 1: ƠN GỌI GIÁO DÂN

Dàn bài:

1. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta

2. Ơn gọi của giáo dân

3. Lời mời gọi giáo dận tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội

4. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khởi nguồn cho sứ mệnh của Giáo hội

5. Giáo hội: một cộng đoàn hiệp thông trong sứ mệnh :

5.1 Ý nghĩa của hiệp thông

5.2 Hiệp thông trong Giáo hội là sự hiệp thông sứ mệnh

1. Thiên Chúa gọi chúng ta:

Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn lên tiếng kêu gọi và con người đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã kêu gọi để hình thành một dân được tuyển chọn, các tổ phụ, các ngôn sứ. Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ, các môn đệ. Chúa Kitô Phục sinh đã kêu gọi mọi người cùng làm việc cho vườn nho của Chúa. Chính là để thế giới được biến đổi theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và hướng về vương quốc của Thiên Chúa được viên mãn trong ngày cánh chung. Và Thánh Thần trao ban cho các tín hữu những ân huệ khác nhau để xây dựng Thân Mình Chúa Kitô.

Ơn gọi căn bản được gửi đến cho tất cả những ai đi theo Chúa Giêsu, đó là “tất cả các Kitô hữu bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo; sự thánh thiện này cũng giúp phát huy một lối sống nhân bản hơn trong xã hội trần thế.” (Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, số 40). Một xác quyết căn bản này đã được công đồng Vatican II loan báo với sự khẩn cấp, và tiếp tục được diễn tả không chỉ qua giáo huấn của giáo hội, nhưng còn bằng nhiều cách khác nhau qua đời sống các Kitô hữu. Bởi vì lời mời gọi nên thánh là một đòi hỏi không thể từ chối đến từ chính mầu nhiệm giáo hội (Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, số 16).

Đề cập đến điều này, công đồng Vatican II cũng dạy: “trong những hình thức và trách vụ đa dạng của cuộc sống, sự thánh thiện duy nhất được vun trồng bởi những ai biết hành động nhờ Thần Khí Thiên Chúa... Vì thế, chính trong những trạng huống, phận vụ và hoàn cảnh của cuộc sống, và nhờ tất cả những điều đó, mọi Kitô hữu sẽ được thánh hóa mỗi ngày một hơn, nếu họ biết lãnh nhận tất cả mọi sự, với đức tin, từ tay Cha trên trời và cộng tác với thánh ý Thiên Chúa, bằng cách dùng chính sự phục vụ trần thế của mình để tỏ lộ trước mặt mọi người tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương thế gian.” (Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, số 41).

Huấn luyện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (1)

2. Ơn gọi của giáo dân

Mọi người nam và nữ nghe và đáp lời cho ơn gọi phổ quát là nên thánh ngay trong những bổn phận trần thế. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống tỏa sáng đức tin, đức cậy, đức mến. (Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, số 31).

3. Lời mời gọi giáo dân tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội:

Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Qua Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, giáo dân có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa.Thiên Chúa đã trao thế giới cho mọi người nam và nữ để họ tham dự vào công trình tạo dựng, để giải thoát tạo vật khỏi ảnh hưởng tội lỗi và thánh hóa chính họ trong đời sống hôn nhân hoặc độc thân, trong gia đình và nơi công sở, trong những hoạt động khác nhau của xã hội. Chính những công việc này là tham dự vào sứ mệnh của giáo hội.

Tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy được mời gọi cùng làm việc cộng tác vào việc biến đổi thế giới. Hầu hết đó là những công việc trong môi trường trần thế, một số công việc khác được thực hiện trong giáo hội và nhằm xây dựng sự hiệp thông giáo hội. Tham dự vào những trách vụ trong giáo hội được đặt nền trong Thánh Kinh và giáo huấn của giáo hội, từ thánh Phaolô đến công đồng Vatican II, cũng như trong những văn kiện gần đây, “bởi được tham dự vào chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Kitô, người giáo dân cũng giữ một vai trò tích cực trong đời sống và hoạt động của giáo hội. Nơi các cộng đoàn giáo hội, hoạt động của giáo dân thật cần thiết, đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không thể đât được kết quả trọn vẹn.” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 10).

Ngày nay trong các giáo xứ, giáo dân hiện diện và dấn thân trong nhiều tác vụ, chức vụ và trách vụ khác nhau. Giáo dân tham dự vào những tác vụ trong giáo hội bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, Tuy nhiên, cần lưu ý các tác vụ, chức vụ và trách vụ mà giáo dân có thể thi hành cách hợp pháp trong phụng vụ, trong việc truyền bá đức tin, và trong cơ cấu mục vụ của giáo hội, phải được thực hiện phù hợp với ơn gọi riêng của giáo dân, khác với ơn gọi của các thừa tác viên có chức thánh.” (Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 23). Giáo luật quy định: “nơi nào nhu cầu giáo hội đòi hỏi, và thiếu thừa tác viên, thì các giáo dân dù không có tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số công việc, như thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi cầu nguyện, ban phép Rửa tội và cho rước lễ theo những quy định của luật” (Giáo luật, điều 230, 3). Tuy nhiên việc thi hành một nhiệm vụ như thế không biến giáo dân thành người chủ chăn: trong thực tế, yếu tố chính của tác vụ không phải do chính hoạt động, nhưng do Bí tích Truyền chức mới trao phó cho thừa tác viên được thụ phong, được quyền tham dự đặc biệt vào chức vụ của Đức Kitô – Thủ lãnh và Mục tử, cũng như vào chức Tư tế vĩnh cửu của Ngài (Tông huấn Ki tô hữu Giáo dân, số 23).

Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo viết :“các giáo dân có thể cảm thấy mình được kêu gọi hay đã được kêu gọi để cộng tác với các mục tử trong việc phục vụ cộng đoàn hội thánh, để làm cho đời sống cộng đoàn được tăng trưởng và phong phú, khi họ thực thi những thừa tác vụ rất đa dạng, tùy theo ân sủng và các đặc sủng mà Chúa đã muốn rộng ban cho họ”. (câu 910).

4. Sứ mệnh của giáo hội bắt nguồn từ Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm Thiên Chúa là mầu nhiệm tình yêu, sự hiệp thông tình yêu giữa các ngôi vị. Tình yêu hiệp thông Ba Ngôi được mặc khải sứ mệnh Với ý định tự do và nhiệm mầu đầy khôn ngoan nhân lành, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng toàn thể vũ trụ. Ngài đã quyết định nâng con người lên để chia sẻ sự sống thần linh, và đã không bỏ mặc loài người xa ngã nơi nguyên tổ Adam, nhưng luôn giúp họ đón nhận ơn cứu rỗi nhờ Đức Kitô. Từ muôn thuở Chúa Cha đã kêu gọi và tiền định để họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài để Người Con Một trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Ngài quyết định quy tụ những ai tin vào Chúa Kitô thành một giáo hội thánh thiện, được tiên báo bằng hình ảnh biểu trưng ngay từ lúc khởi nguyên thế giới, được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian. (Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, số 2)

Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Vương quốc của thánh thiện, sự thật, tình yêu, công lý và bình an. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin Mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Chúa Kitô (Giáo lý của Hội thánh Công giáo, câu 2816). Chính Tin Mừng này mà giáo hội loan báo. Tham dự vào công việc của Thiên Chúa làm cho vương quốc này trở thành hiện thực là sứ mệnh của toàn thể giáo hội, Dân Thiên Chúa.

5. Giáo hội: một cộng đoàn hiệp thông trong sứ mệnh

5.1 Ý nghĩa của hiệp thông:

Tự căn bản, đó là sự hiệp thông với Thiên Chúa, qua trung gian Đức Giêsu, và trong Chúa Thánh Thần. Con người đạt được sự hiệp thông này nhờ Lời Chúa và các bí tích. Bí tích Rửa Tội là cửa ngõ và nền tảng của việc hiệp thông trong Giáo hội. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là cao điểm của toàn bộ đời sống Kitô giáo (Tông huấn Ki tô hữu giáo dân, số 19).

Sau khi bế mạc Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI ngỏ lời với các tín hữu như sau :“Giáo hội là một sự hiệp thông, từ ngữ hiệp thông ở đây có nghĩa là gì? Tôi muốn nhắc lại với anh chị em đoạn giáo lý nói về sự hiệp thông các thánh. Giáo hội có nghĩa là hiệp thông các thánh, và hiệp thông các thánh bao gồm hai cách tham dự vào sự sống: tháp nhập các Kitô hữu vào đời sống của Đức Kitô, và lưu chuyển cùng một đức ái trong toàn thể cộng đoàn tín hữu thuộc thế giới này cũng như thế giới bên kia. Hiệp nhất với Đức Kitô và trong Đức Kitô, và kiệp nhất giữa các Kitô hữu trong Giáo hội” (Đức Phaolô VI, huấn từ ngày thứ tư 08.06.1966).

5.2 Hiệp thông trong Giáo hội là sự hiệp thông sứ mạng:

Hình ảnh Thánh Kinh về cây nho và cành nho đưa chúng ta suy nghĩ về việc làm thế nào để đời sống Kitô hữu trổ sinh hoa trái. Trổ sinh hoa trái là đòi hỏi thiết yếu của đời sống trong Đức Kitô và trong Giáo hội. Những ai không sinh hoa trái là không ở lại trong sự hiệp thông, “vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Chính sự hiệp thông với Chúa Giêsu nâng đỡ các Kitô hữu hiệp thông với nhau. Hiệp thông với nhau là hoa trái rõ ràng nhất cho thấy cành cây dồi dào sức sống.

Hiệp thông với Chúa Giêsu trở thành hiệp thông trong sứ mệnh như Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Không phải anh em đã chọn Thày nhưng chính Thày đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của an hem tồn tại”. (Ga 15, 16)

Hiệp thông và sứ mệnh nối kết sâu xa với nhau. Hiệp thông là hiệp thông sứ mệnh, và mục đích của sứ mệnh là đưa mọi người đến hiệp thông với Chúa và với nhau.

Tự bản chất Giáo hội là truyền giáo. Trong Đức Kitô, Giáo hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người (Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, số 01). Mục đích của Giáo hội là làm cho mọi người nhận biết và sống sự hiệp thông mới mà Chúa Giêsu đem đến. thánh Gioan Tông đồ trong thư thứ nhất viết :“Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả an hem nữa, để chính an hem cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô con của Người.” (1Ga 1, 3). Trong bối cảnh truyền giáo Chúa Giêsu đã trao trách nhiệm cho người giáo dân tham dự vào sứ mệnh của Giáo hội, trong sự hiệp thông với tất cả các thành phần Dân Thiên Chúa./.

Tòa Tổng Giám mục TGP Tp.HCM