Hoa trái từ triển lãm “Con người và Tôn giáo”
Cuộc Triển lãm “Con người và tôn giáo” đã được Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm và đại diện các tôn giáo bạn cắt băng khai mạc cùng ngày với cuộc hội Ngộ Liên tôn 27.10.2013. Trải qua hơn hai tháng mở cửa tiếp đón khách tham quan, Ban Tổ Chức triển lãm (BTC) nhìn lại… có những ghi nhận rất tâm linh nhưng cũng rất tâm huyết, như những dấu ấn nói lên sự hiện diện, chúc lành và tác động của Thiên Chúa Ba Ngôi đến tâm hồn và nhận thức người thiện tâm.
Hoạt động kép của Nhà Truyền Thống TGP
Quý IV năm 2013, Nhà Truyền Thống Tổng giáo phận có hai cuộc triển lãm: triển lãm tem ĐỨC TIN CÔNG GIÁO từ ngày 1.10.2013 đến ngày 15.1.2014, và triển lãm liên tôn CON NGƯỜI VÀ TÔN GIÁO từ ngày 27.10.2013 đến ngày 31.12.2014. Hai cuộc triển lãm khác nhau về vật phẩm, nhưng - không hẹn mà hò - lại trình bày một nội dung thống nhất mang tính mầu nhiệm. Số là triển lãm tem cho người tham quan một cái nhìn tóm gọn nhưng toàn cảnh về thời kỳ Tân Ước với ba chủ đề “Cuộc đời Chúa Giêsu”, “Theo dòng lịch sử Giáo Hội Công giáo” và “Kể về Mẹ Maria”. Hơn 900 con tem trình thuật khá chi tiết về lịch sử đồng hành của Thiên Chúa với nhân loại cùng những bước thăng trầm của Giáo hội Công giáo trong hai mươi thế kỷ qua. Người thưởng lãm Việt Nam dễ dàng nhận ra yếu tố quốc tế cùng những sự kiện mang tính hoàn vũ qua các ấn phẩm tem!
Triển lãm liên tôn “CON NGƯỜI VÀ TÔN GIÁO” xuất hiện sau ngày khai mạc trưng bày tem gần một tháng, nội dung cũng nói về Chúa Kitô và Giáo hội của Người, trong đó có Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội. Đây là điểm đồng quy tương ngộ giữa hai cuộc triển lãm.
Bởi lẽ, Chúa Giêsu Kitô hôm qua – hôm nay và mãi mãi vẫn là một, Chúa Giêsu luôn ngự giữa Việt Nam, Người hướng dẫn các môn đệ đi vào quỹ đạo yêu thương như Thiên Chúa muốn, và những giáo dân Việt đã không ngừng cố gắng bước theo Thầy, cùng nỗ lực thực hiện sứ mạng Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân, cụ thể qua các hoạt động Đối thoại liên tôn và Đối thoại Đại kết. Đó là nội dung chính của những bức ảnh được trưng bày trong triển lãm. Đây là yếu tố mang tính thời sự và nét đặc thù của Giáo hội Chúa Kitô tại Việt Nam. Nếu các con tem tường thuật những chuyện ở thì quá khứ và ở cấp độ thế giới, thì triển lãm liên tôn lại đang nói chuyện hiện tại của Giáo hội Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.
“Duyên lạ từ Trời” tạo nên sự hài hòa và tương hỗ của hai cuộc triển lãm đều làm chứng cho sự hiện diện của “hạt giống Ngôi Lời” Thiên Chúa trong các tôn giáo và các nền văn hóa nhân loại, khiến cho những người thiện tâm không khỏi cảm phục và tạ ơn CHÚA.
*
Đi vào xem triển lãm
Đứng từ cửa chính nhìn vào, dường như ai cũng bất ngờ với bức tượng gỗ “Thiền Nhân Giêsu”. Có người thốt lên: “Chúa ngồi ngộ quá!”, người khác nói: “gì mà bắt Chúa ngồi giống Phật vậy, tay Chúa lại còn bắt ấn nữa!”. Có người lại ta thán: “Sao để Chúa ngồi dưới đất!” Còn những người khác thì học theo gương Đức Mẹ Maria là “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” những gì nghe và thấy. Những thắc mắc của người xem dần dà cũng được người trong cuộc phản hồi đôi nét. Ví dụ như “Bạn thử hình dung Chúa ở trong hoang địa bốn mươi đêm ngày thì Chúa đứng, ngồi hay nằm? Và thiền định là một phương pháp đã có khoảng ngàn năm trước biến cố Giáng sinh, vậy nếu Chúa có ngồi theo kiểu tọa thiền thì đó là dấu chỉ sự nhập thế và nhập thể thực sự của Con Thiên Chúa vào thế giới và lịch sử đầy tương tác của loài người chúng ta.” Trao đổi với người khác “Bạn thấy Chúa ngồi ư? Trong Bữa Tiệc ly Chúa còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, làm xong Ngài bảo các con hãy rửa chân cho nhau, vậy Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng như thế, thì người Công giáo nên sống làm sao cho xứng là môn đệ của Người. Mặt khác, nếu nhìn kỹ nơi đặt tượng Chúa, thì bạn sẽ phát hiện ra rằng vị trí này trên bản đồ tương hợp với một trong các miền đất đầu tiên đón nhận Tin Mừng Kitô giáo đấy.” Về việc tay Chúa như bắt ấn, nếu quan sát kỹ ta sẽ nhận ra kiểu kết hợp các ngón tay của Người không giống bất cứ kiểu bắt ấn truyền thống: tay phải chỉ Trời chỉa thẳng hai ngón giữa lên, tay trái hạ xuống đầu gối chỉa ba ngón giữa xuống đất. Điêu khắc gia – tu sĩ Phanxicô tại Úc - không nói cho chúng tôi cũng như quý vị biết chủ ý của mình. Xin thử gợi hướng một cách giải thích: “tay phải có hai ngón chỉ lên chính là tóm gọn hai điều răn trọng nhất trong Kinh Thánh là Mến Chúa – Yêu người và số hai cũng chỉ cho chúng ta biết “Ai tin vào Ngôi Hai Thiên Chúa thì được cứu độ”. Còn ba ngón chỉ xuống trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi do chính Chúa bày tỏ cho nhân loại biết vào thời sau hết này và chúng ta cần thực hành ba nhân đức đối thần Tin – Cậy – Mến trong tương quan với Thiên Chúa.
Ở phía trước tượng Chúa có quả địa cầu to mang dòng chữ chủ đề ngày Hội ngộ liên tôn 2013 “HIỆP TÂM VUN ĐẮP AN HÒA”, đây chính là mong ước mà Ban Tổ Chức muốn gởi đến người tham quan. Vì khi thấm thía những ý nghĩa trên, thì việc ngắm những bức ảnh về hoạt động Đối thoại liên tôn (Đức Giáo hoàng gặp chức sắc các tôn giáo, Đức Hồng y hoặc Đức cha Phaolô hoặc ai khác gặp gỡ tay bắt mặt mừng với chức sắc tôn giáo bạn tại Việt Nam…) giúp người xem nhận thức rằng có những người thuộc nhiều niềm tin tôn giáo đã mở đường và khai quang lối đi đến sự hiệp tâm. Nếu ai đó còn ở trong nếp nghĩ theo kiểu độc tôn tôn giáo hoặc kỳ thị tín đồ tôn giáo khác… chắc hẳn được gọi mời mở lòng đến với mọi người đồng loại, theo cách hành xử của vị Mục tử nhân lành và là Đấng giàu lòng thương xót.
Cánh tả phòng triển lãm
Bên này trưng bày khoảng hai mươi tượng Đức Mẹ, người xem sẽ thấy chẳng Đức Mẹ nào giống Đức Mẹ nào! Xuất xứ của tượng là ở những quốc gia khác nhau như Việt Nam, Campuchia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Mông Cổ… Có người nói: “Ồ! Bộ sưu tập tượng Đức Mẹ của Đức Hồng y phong phú quá!” Người khác lại bảo: “Con rất thích nhưng thật đáng buồn khi thấy Đức Mẹ bị phân hóa theo từng dân tộc… không biết Mẹ của người thiểu số Châu Phi sẽ như thế nào? Và con cháu sau này có hiểu chính xác về Đức Mẹ hay không?” Tạ ơn Đức Mẹ vì những tâm tình đạo đức của con thảo thương Mẹ Thánh. Ban Tổ Chức không phải thanh minh, vì đã có ý kiến của những người am hiểu về việc hội nhập Tin Mừng vào văn hóa trả lời: “Những bức tranh, ảnh, tượng làm cho con hiểu biết bản sắc tôn giáo trong dân tộc của con người Việt Nam và các quốc gia, vùng miền khác nhau. Niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng hòa quyện vào đời sống con người…” Người khác thêm rằng: “Tin Mừng Chúa Giêsu không bị đóng khung văn hóa, nhưng có thể hội nhập và thăng hoa mọi nền văn hóa”. Có người bày tỏ: “Qua bộ sưu tầm này, người ta có thể thấy Kitô giáo là một tôn giáo có khả năng tiếp biến vô cùng linh hoạt trong những môi trường văn hóa khác nhau. Các tôn giáo khác nhau tuy không cùng giáo lý nhưng đều truyền giảng lòng yêu thương con người và hướng đến sự hòa hợp.” Đi dọc bên trái vào trong, ta còn thấy những tượng Đức Mẹ bằng các chất liệu đồng, gỗ, nhựa, đá… Mỗi bức điêu khắc đều mang nét đặc sắc và khơi gợi những tâm tình đạo đức.
Ngắm số tượng Đức Mẹ được triển lãm - đa số là của Đức Hồng y Gioan Baotixita - chúng tôi nhận ra hầu hết các tượng xuất xứ tại các nước Châu Á. Dù vị chủ chăn Công giáo Tp. HCM từng du học tại ngoại quốc và là “Hoàng tử của Giáo hội” (cách gọi các hồng y trong Giáo hội Công giáo) nhưng lối nhìn và tâm tình của người mục tử này mang đậm nét Đông Phương”. Thực vậy, kho tàng văn hóa Phương Đông hàm chứa những giá trị gần gũi với Kinh Thánh Do thái giáo và Kitô giáo. Đức Hồng y rất quan tâm đến công cuộc hội nhập Tin Mừng vào văn hóa và khơi dậy những giá trị văn hóa mang Hạt giống Lời Chúa. Ai từng nghe ngài chia sẻ ắt hẳn sẽ đồng tình với cảm nhận của chúng tôi.
*
Cánh hữu phòng triển lãm
Một chiếc trống gỗ mặt bọc da trâu to khác thường gây ấn tượng cho khách tham quan, ngắm nghía một lúc họ cúi xuống cầm cái mõ trâu lắc lắc… âm thanh nghe dòn tai và là lạ. Nhìn sang bên cạnh họ chạm đến những tượng Phật cổ bằng gỗ và trầm trồ vì dấu ấn thời gian đã ghi dấu vô thường trên tượng với những lỗ lõm do sâu đục khoét hay bị nước bào mất phần nào đó của tượng (hao mòn do được chôn giấu trong lòng đất hoặc bị ngập nước lâu ngày…) Quý khách không phải xót xa nhiều vì họ đi tiếp để ngắm những bức tượng Phật, thần linh thuộc tín ngưỡng Ấn độ hay Chămpa, toàn bằng đá và đất nung. Cái hay của những bức điêu khắc này là dẫu bằng đá, nhưng người xưa đã khéo khắc họa những khuôn mặt và dáng vẻ của thần Phật thật nhẹ nhàng và gần gũi với con người, nên khách tham quan càng xem càng cảm thấy tâm bình lặng thư thái. Đi tiếp vào trong là bàn hương án với bộ lư cổ bằng sứ rất đẹp, bộ lư này đặt gần với tượng Chúa Giêsu, giá mà có làn trầm nhè nhẹ vấn vương bay lên từ bộ lư thì chắc nhiều người sẽ muốn ở lại với Thầy Chí Thánh lắm đa!
Tượng thánh Giuse cao to, điềm đạm đứng giữa người xem và những trang kinh Phật hoặc của Thiên Chúa giáo hay bộ tứ thư của Trung quốc… viết bằng ngôn ngữ chữ Phạn, chữ Hán, chữ Quốc Ngữ cổ… điểm đặc biệt khiến người xem bị cuốn hút là ở chất liệu, nào là sách bằng sắt có đóng gáy bằng sắt rất nặng, rồi bằng lá buông ghép lại như một chùm thẻ (sách cổ mà không bị hư mới tài!), rồi sách bằng da, mộc bản để in kinh, rồi có sách bằng giấy nữa. Ban Tổ Chức đã ghi nhận được những ý kiến đồng cảm của khách tham quan như sau: “Sau buổi hôm nay tôi ấn tượng nhất với những quyển sách cổ vô giá. Nó chứa đựng lịch sử, văn hóa và những giá trị của tâm hồn con người…” hoặc có người ghi: “Nơi đây đã cho tôi mở rộng tầm mắt về liên tôn. Những vật vô cùng giá trị mà tôi ngỡ rằng không bao giờ có (…) các cổ tượng và kinh sách xưa và nay… tất cả đều tinh tế và đẹp về hình thức và nội dung. Có lẽ chúng con phải học hỏi để phát triển vẻ đẹp đó, để thế giới ngày càng tốt đẹp hơn…”.
Ước vọng đọng lại
Đi một vòng tham quan triển lãm, có người dừng ở chỗ tượng lâu, có người ngắm Chúa nhiều, có người xăm soi đồ cổ kỹ… mỗi người đều nhận được những giá trị tích cực tùy ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Điểm chung của những ân sủng đó đã được ghi nhận từ cảm tưởng của người tham quan như sau:
“Ước mong mọi người không phân biệt tôn giáo, luôn yêu thương, cảm thông và cùng nhau phục vụ cho hạnh phúc mọi người.”
“Xin chung tâm cầu nguyện cho chúng ta – mọi tín đồ trong các tôn giáo siết tay thực hiện bình an dưới thế cho người thiện tâm và vinh quang Thiên Chúa trên các tầng trời.”
“Chữ hòa cao quý làm sao
Mọi người ai cũng ước ao sum vầy.”
“Triển lãm đã cho tôi thấy một thế giới hòa bình đoàn kết. Mọi người dù ở tôn giáo nào thì cũng đều mang danh là “con người”
“Cảm nhận duy nhất của tôi ở đây là có đầy đủ năng lực của hộ pháp thần hộ trì và tôi muốn biết hộ pháp thần theo Công giáo là gì?”
“Xin chân thành cảm ơn Ban Liên tôn của Giáo phận đã cho chúng tôi cảm nhận những tương giao đầy thiêng liêng trong từng tôn giáo… Có những gì đang rất hiệp tâm để vun đắp an hòa trong cuộc sống này. Xin chúc những gì chúng ta đang cố gắng xây dựng luôn đẹp và sáng trong lòng mọi người.”
Và còn nhiều nhiều tâm tình khác nữa.
Khép mà mở
Cuộc triển lãm được Đức cha Phêrô khai mạc, Đức cha Stephanô – Đặc trách Đối thoại liên tôn của Hội Đồng Giám mục Việt Nam - viết dòng cảm tưởng đầu tiên trong Sổ Lưu Niệm. Thành phần tham quan thật đa diện: từ Đức Ông, quý linh mục, Đại chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân trong và ngoài Giáo phận, đến các đoàn tham quan thuộc những tôn giáo bạn, một số người ngoại quốc, nhà nghiên cứu, nhà báo, sinh viên học sinh… Họ đến thưởng lãm, ngắm nhìn… cảm nhận… rồi bộc bạch cảm tưởng qua những dòng lưu bút mà Ban Tổ Chức đón nhận như những quà tặng tinh thần.
Xin Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cảm ơn quý ân nhân, anh chị em cộng tác viên đã hiệp sức góp vật phẩm hay thời gian xây dựng nên cuộc biểu hiện nét đẹp tâm linh và văn hóa này.
Xin mượn cảm nhận một người trong cuộc để kết bài tường thuật.
Cánh cửa thời gian của cuộc triển lãm “Con người và tôn giáo” đã khép lại, nhưng một “Suối nguồn tình yêu” thực sự khai mở ra, với những con người mới, tri thức mới, con tim mới muốn hiệp tâm vun đắp an hòa.
Nguồn: nhipcautamgiao.net