Đức hiếu đã động lòng trời (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 870 | Cập nhật lần cuối: 3/29/2019 9:34:23 PM | RSS

Cụ Phêrô Bùi Xuân Trữ (1897-1982)


Gốc cây

Sinh trưởng trong một gia đình Nho học, Ba chúng tôi là con trưởng của cụ Bùi Xuân Huyến, Quê ở Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sau đó định cư tại huyện Hường Trà, làng Triều Sơn Trung, tỉnh Thừa Thiên. Đây là quê hương thứ hai của dòng họ chúng tôi. Là một gia đình thanh bạch, mặc dù giữ nhiều chức vụ như Tổng đốc Bình Định, Phú Yên, cụ Huyến còn có uy tín nhờ phong độ nghiêm minh, trung chính. Tuy chỉ học đến cử nhân, nhưng cụ được trọng dụng, làm chánh chủ khảo cả ba cấp thi Hương, thi Hội và thi Đình.

Nhờ gia sản đó, Ba tôi (Bùi Xuân Trữ) được thấm nhuần tinh thần Nho giáo ngay từ lúc thiếu thời. Khi còn là sinh viên trường Quốc Tử Giám, Huế, Ba tôi vừa trau dồi Hán học, vừa tiếp thu ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Về khoa bảng, Ba tôi không may mắn như ông nội, chỉ đỗ tú tài, vào đời với chức vụ khiêm tốn: Lại Mục, Bang Tá, Tri Huyện. Nhưng cái chính là “văn dĩ tải đạo“, Ba tôi luôn chăm chú giáo dục con cái, kết hợp những nét đẹp của hai nền văn hóa Đông – Tây, tôn trọng quyền bình đẳng giữa nam nữ, áp dụng kỷ luật ở trường học cũng như tại gia, trọng thời giờ, tập thể thao, ăn uống tiết độ, đứng ngồi có nề nếp trang nhã, kể cả cách cầm bút, viết thư…

Ba tôi đã chuyển dịch gia phả của dòng họ từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Không chỉ dịch, ông còn chú trọng đến những chú thích về văn hóa Đông – Tây và thêm danh sách những chí sĩ Việt Nam nổi tiếng thời Pháp thuộc như: Thủ Khoa Huân, Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính, Mai Lão Bạng… như là phần nối tiếp dòng họ trong gia phả với một lời chú thích nổi bật: “Chúng ta học về văn minh phương Tây để mở mang trí tuệ chứ không phải để sống theo chủ nghĩa ngoại lai mà quên nguồn gốc con Hồng cháu Lạc“.

Với nhân cách và tâm tình như thế, ông Bùi Xuân Trữ đâu ngờ gia đình sẽ trải qua một thảm cảnh mà ông gọi là “gia biến” do chính những người con của mình gây nên.

Gia biến

Một ngày mùa thu năm 1946 trên mảnh đất cố đô Huế, khi tiếng súng bắt đầu rền vang dưới bầu trời miền Trung với cuộc kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi cũng trải qua một cơn “địa chấn“.

Năm ấy, tôi vừa tròn 18 tuổi và có 3 em nhỏ dưới 12 tuổi. Sau khi đỗ Trung học trường Đồng Khánh và tốt nghiệp khóa Sư phạm, tôi cảm thấy cần có một định hướng vững chắc trước khi bước vào đời, giữa chiến sự của đất nước. Ngay từ nhỏ, tôi luôn trăn trở băn khoăn về cái chết kết thúc cuộc sống mỗi người, tôi lần mò tìm hiểu và bị đánh động về cuộc đời của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tôi tìm cách tiếp xúc với các Linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Biển Đức và Đan viện Thiên An.

Nhưng hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vào trong gia đình chúng tôi là người anh thứ hai, anh Phaolô Bùi Xuân Bàng được hồng ân “tiên khởi” làm con Chúa vài năm trước. Với sự động viên và nâng đỡ của anh, tôi mạnh dạn xin phép Ba tôi (lúc ấy Mẹ tôi đi vắng) được nối gót theo anh trên con đường đức tin Kitô giáo.

Đối với Ba chúng tôi, đây là một cơn địa chấn: Gia phong nền tảng là Đạo Hiếu, là tôn kính Ông Bà, Tổ tiên mà đạo Công giáo lại cấm truyền thống cổ kính này và cho rằng “đạo Ông Bà” là một “tà đạo“! Ba chúng tôi tái mặt. Ông nhìn tôi, đứa con đứng đầu hàng ngũ bất hiếu, Ba tôi cương quyết: “Ba không thể cho phép con làm điều đó, con phải thề với Ba là không bao giờ theo đạo Gia Tô“. Phần tôi vẫn đứng yên, cầu nguyện rồi thưa: “Nếu Ba chưa bằng lòng thì con xin tuân theo ý Ba, nhưng con không dám thề, bao lâu Ba chưa cho phép thì con không làm trái ý Ba“. Nghe xong, Ba tôi đứng dậy nói: “Nếu con không thề thì một là con phải ra khỏi nhà này, hai là Ba phải đi“. Tôi chỉ biết đứng lặng, âm thầm dâng lên Đấng Cha siêu việt trên trời nỗi đau khổ mà người Cha ruột thịt đang tơi bời vì tiếng sét tôi đã gây ra. Những giây phút thiêng liêng khó tả, những cảm nghiệm rất đặc biệt của tôi lúc đó, vừa thắt ruột lại vừa cảm thấy bình an. Tôi có cảm giác sự bình an đó do một tác động của ơn trên, chứ không thể nào toát ra từ thảm kịch mà tôi là thủ phạm. Hình như Thiên Chúa hiện diện nơi đây và đón nhận tất cả âm vang của biến cố mà Ba tôi cho là một đại họa. Đúng như vậy, tôi đứng yên, không nhúc nhích một ly (vì nếu tôi bỏ nhà ra đi thì cái đại họa còn bi đát hơn). Ba tôi liền mặc áo chỉnh tề và cầm chiếc dù ra đi, thật là đau xót và tủi nhục cho người làm cha. Đây không phải như trong Tin Mừng Luca 15,11-30, đứa con bất hiếu bỏ nhà ra đi mà chính người cha phải ra đi vì đứa con bất hiếu! Mấy anh em chúng tôi lo sợ: “Ba đi đâu? Rồi Ba có trở về hay đi luôn? Mẹ thì vắng xa, các con sẽ mồ côi sao?…”.

Suốt hôm đó, mọi người trong gia đình không ai dám lên tiếng nói chuyện, tôi trăn trở: “Tại sao anh Bàng được Ba chấp nhận cho Rửa tội còn tôi là em gái mà lại làm Ba buồn lòng đến thế?” Tôi chợt hiểu ra hai nguyên do: khi anh tôi xin theo đạo Công giáo, Ba tôi nghĩ chỉ có một đứa con có ý muốn lạ đời thôi. Hơn nữa, anh Bàng vừa bị gãy tay nặng, sức khỏe yếu, cần được thông cảm nên Ba tôi không nỡ từ chối. Nhưng có ngờ đâu, đạo Gia Tô bắt đầu lan đến đứa con thứ hai. Đây là một nguy cơ đáng sợ, có khả năng làm đổ vỡ gia phong và hủy hoại tinh thần “Uống nước nhớ nguồn“, tôn thờ tiên tổ, cha mẹ là cái gốc thiêng liêng và là nhiệm vụ đạo đức hàng đầu.

Ba tôi đau buồn vì các con lớn lên, học hành kết quả lại “chui vào” một tôn giáo ngoại lai, dị ứng với truyền thống hiếu thảo nền tảng của gia đạo Việt Nam. Hôm nay, vì tôi bất hiếu nên Ba phải ra đi, anh em chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện tha thiết xin Cha trên trời xoa dịu nỗi đau này và trả Ba về cho chúng tôi. Trời đã tối, bóng Thân phụ càng biền biệt, mãi đến khuya, người đẩy cửa vào, nét mặt u sầu ảm đạm. Ba phải về vì Mẹ tôi đi vắng, biết giao 3 đứa con nhỏ cho ai? Thấy Ba trầm lặng bước vào nhà, chúng tôi hết sức xúc động và cảm phục tình phụ tử nhân hậu đã thắng được tự ái, đau buồn để có mặt bên các con. Suốt tuần đó, bầu khí gia đình thật tẻ nhạt, không ai dám lên tiếng. Ba chúng tôi dùng cơm một mình để khỏi đối diện với hai đứa con bất hiếu đang làm gương xấu cho các em.

Giờ phút hồng ân

Một tuần sau, Mẹ tôi trở về. Tôi còn nhớ mãi đêm đó, khi thấy các con đã yên giấc ngủ (riêng tôi còn thức và nằm yên cầu nguyện nên nghe Ba tâm sự với Mẹ): “Trong lúc mợ đi vắng, ở nhà đã xảy ra một gia biến. Con gái lớn của chúng ta bắt chước anh nó đòi theo đạo Công giáo!“. Rồi Ba tôi kể lại mọi chi tiết của tấm bi kịch cha con bất đồng quan điểm thế nào. Mẹ tôi vốn là người có nhiều trực giác tâm lý và khôn ngoan, liền trấn an Ba tôi: “Nếu nó nói là bao lâu Ba không bằng lòng thì con không cưỡng ý Ba, thế là nó biết tôn trọng ý cha và nó có hiếu đó“. Nhờ những lời nói trên, cơn bão dịu dần và bầu khí gia đình dễ thở hơn cho đến một năm sau, chiến trường sôi động, thành phố Huế được lệnh tản cư. Cha Mẹ tôi chuẩn bị đưa các em nhỏ lên cao nguyên lánh nạn, còn anh Bàng và tôi đã khôn lớn nên có thể tìm kế sinh nhai tự túc và tìm nơi nào thuận lợi hơn. Trước cảnh gia đình phân tán và thế sự bất an, tôi mạnh dạn xin Ba cho tôi được nhận phép Rửa tội trước khi di tản. Giờ ân sủng đã đến, trước cơn khói lửa và chia ly, Ba tôi thuận ý nhưng cho biết sẽ không dự lễ. Trong cơn ly loạn, tôi được hồng ân trở nên con Thiên Chúa, với sự hiện diện của anh tôi tại Dòng Chúa Cứu Thế.

Nếu hạt giống không chết đi

Chiến trường chống Pháp lan rộng tại miền Trung, không những Huế mà cả Quảng Bình, Quảng Trị đều bốc khói. Anh Bàng đang làm Hiệu trưởng một trường Trung học tại Hướng Phương, tỉnh Quảng Bình, do các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ủy nhiệm. Trong cơn khói lửa, nhiều Linh mục, Tu sĩ, và trí thức Công giáo bị chính quyền địa phương bắt giải lên núi. Anh Bàng vì sức yếu, không thể cùng đoàn binh chủng tiếp tục đi nên xin dừng bước vào một đêm của Tuần Thánh năm 1947, anh được vào Thiên quốc qua một cú nổ lựu đạn. Lời nói cuối cùng (do các bạn đồng hành thoát chết kể lại) của anh: “Vạn tuế Chúa Giêsu Kitô!“.

Hung tin này chúng tôi giữ bí mật trong gia đình để có thời giờ chuẩn bị cho Cha Mẹ tôi trước cái tang lớn này. Nhưng sau đám mây mù dày đặc, mặt trời vẫn luôn hiện diện. Được tin người em thân yêu ra đi vĩnh viễn, anh cả tôi thốt lên: “Em tôi ra đi như thế, ắt Chúa hiện hữu“. Không do dự, anh xin nghỉ dạy một tuần để chuẩn bị nhận phép Rửa tại trường Providence (Thiên Hựu) Huế. Không chỉ riêng anh mà cả vợ, hai con của anh và cả em gái Như Châu, nhân dịp này, cũng chen vào giữa gia đình anh để cùng lãnh ơn Tái sinh tập thể! Ba tôi chẳng được biết gì về “đại gia biến” này vì đang làm việc tại một tỉnh khác. Mẹ tôi có mặt tại buổi lễ, âm thầm hỗ trợ bước đường ân phúc của “Trưởng tử dấu yêu” theo lời âu yếm của bà. Linh mục ban phép Rửa cho 5 tân tòng hôm đó là Cha Larouche (Dòng Chúa Cứu Thế), Cha Lefas, Hiệu trưởng trường Thiên Hựu đỡ đầu. Một bầu khí thiêng liêng khôn tả bao trùm cả nguyện đường trường Thiên Hữu trong ngày ấn tượng ấy…

(còn tiếp)

Nữ tu Mai Thành, Hành trình Đức Tin - Hồng ân kỳ diệu, 2012, tr. 14-22.