Gioan Phaolô II: Nhà truyền giáo vĩ đại trong thời đại chúng ta (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3884 | Cập nhật lần cuối: 2/29/2020 2:02:14 AM | RSS

Tổng kết các hoạt động của Đức Gioan-Phaolô II[1] nhân dịp mừng Ngân khánh Giáo hoàng của ngài (1978-2003), bình luận gia Tracy Wilkinson đã viết: “Phải tốn nhiều năm, các học giả mới có thể phân tích thấu đáo gia sản của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Ngài đã viết biết bao văn kiện và thông điệp, đã du hành hơn 725.000 dặm, tương đương với 29 lần vòng quanh trái đất, đã tuyên thánh cho hơn 400 vị, và như vậy quan niệm về sự thánh thiện được mở rộng. Ngài thật sự là vị Giáo hoàng đã thay đổi thế giới ngài sống và thay đổi Giáo Hội ngài dẫn dắt”[2]. Quả thế, toàn bộ đời sống và hoạt động của mục vụ của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đáng để chúng ta chiêm ngắm và học hỏi. Nhưng hiển nhiên là chúng ta không thể chiêm ngắm hết mọi khía cạnh được! Vì thế, qua bài viết này, chúng tôi chỉ xin hoạ lại đôi nét chính yếu về cuộc đời và hoạt động của Đức Gioan-Phaolô II qua bảy điểm sau đây. Hẳn là chúng ta sẽ tự hỏi: “Tại sao lại là bảy?” Thưa, bởi vì theo ý nghĩa biểu tượng của Kinh Thánh, con số bảy là con số chỉ sự trọn vẹn, tuyệt hảo[3]. Như thế, người viết muốn làm nổi bật gương mặt của “Nhà Truyền Giáo Vĩ Đại trong thời đại chúng ta: Gioan-Phaolô II”, vì “hoạt động mục vụ của Đức Thánh Cha quá sung mãn”[4].

1. NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐẦY CAN ĐẢM VÌ CHÚA KITÔ

Ngay trong buổi tiếp kiến đầu tiên sau khi đắc cử[5], tại bao lơn Đền Thờ Thánh Phêrô và trước đám đông đang tụ họp tại Vatican để đón chào vị Tân Giáo hoàng, Đức Gioan-Phaolô II đã phát biểu: “... Tôi run sợ khi phải nhận lãnh sự chọn lựa này, nhưng tôi chấp nhận trong tinh thần vâng phục và yêu mến Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô và trong tinh thần phó thác hoàn toàn cho Mẹ Người, là Đức Trinh Nữ Maria...”[6]. Rồi ngài nói tiếp: “... Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Hãy mở rộng mọi biên cương quốc gia, các hệ thống kinh tế và chính trị, những trường văn hoá, văn minh và phát triển quyền năng cứu độ của Chúa. Đừng sợ!”[7].

Thật thế, điều này đã được minh chứng rõ nét qua Thông điệp đầu tay của ngài: Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại)[8] được ban hành ngày 04/03/1979, chỉ sau chưa đầy 5 tháng trên ngôi vị Giáo hoàng. Thông điệp này nhìn nhận Đức Giêsu Kitô như một lời giải đáp duy nhất cho các vấn nạn của thế giới ngày nay. Theo Đức Gioan-Phaolô II, Giáo Hội trong mọi thời đại có nhiệm vụ “giúp con người quy hướng về mầu nhiệm Thiên Chúa”[9]. Và trong triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã đem Tin Mừng Chúa Giêsu đến cho mọi người, mọi thành phần trên khắp mọi miền thế giới. Chương trình hành động được vạch ra ngay trong Thông điệp đầu tiên này của ngài là làm cho mọi người được gặp gỡ Chúa Kitô để họ “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Đối với ngài, Đức Kitô trước hết và trên hết là Đấng Cứu Độ và là Đấng Cứu Độ duy nhất. Người là “Chúa của Giáo Hội và là Chúa của lịch sử nhân loại” (RH 22), nơi Người chúng ta mới tìm được những lời ban sự sống đời đời (x. RH 7). Với Thông điệp đầu tiên này, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II như muốn hoạch địch chương trình mục vụ của ngài, Thông điệp “có giá trị như bản đề cương”[10]. Và ba trong số 14 thông điệp của ngài đều có chữ “Redemptor” trong đầu đề: Redemptor Hominis, Redemptoris Mater[11], Redemptoris Missio[12] như muốn minh chứng điều đó.

2. NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI, ĐI KHẮP MỌI NƠI, KHÔNG MỎI MỆT

Nơi danh hiệu Gioan-Phaolô II, chúng ta thấy nổi bật lên khuôn mặt của Phaolô, vị Tông đồ của dân ngoại. Nếu như Đức Phaolô VI[13] là vị Giáo hoàng đầu tiên phá vỡ thế giam hãm vốn bao vây vị Nguyên thủ Giáo Hội Công giáo từ lâu[14] đến nỗi có thời người ta gọi Giáo hoàng là “người tù của Vatican”[15], thì Đức Gioan-Phaolô II đã tiếp nối lên đường không mỏi mệt qua những chuyến tông du mục vụ đến các quốc gia trên thế giới.

Trong hơn 26 năm trên ngôi vị Giáo hoàng, mặc dù bận rộn với biết bao công việc, Đức Gioan-Phaolô II luôn quan tâm đến những chuyến tông du mục vụ để rao giảng Tin Mừng và làm sứ giả hoà bình cho nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống ở những “điểm nóng” trên thế giới. Chính ngài đã giải thích tại sao ngài viếng thăm mục vụ nhiều như thế: “Chính từ ngày tôi được bầu làm Giám mục Rôma, ngày 16/10/1978, với sức mãnh liệt và khẩn cấp đặc biệt, tôi đã nghe tiếng vọng của mệnh lệnh Chúa Kitô: ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo’ (Mc 16,15). Như vậy, chúng ta cảm thấy có bổn phận bắt chước Tông đồ Phêrô, ngài đi đó đây giữa tất cả mọi người để khẳng định và củng cố sức sống của Giáo Hội trong lòng trung thành với Lời Chúa và phục vụ chân lý, để nói với mọi người rằng Giáo Hội yêu thương họ, Giáo hoàng yêu thương họ, và cũng tương tự để lãnh nhận từ họ sự khuyến khích và gương lành của họ, gương đức tin của họ”[16]. Và Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã thực hiện những chuyến đi không biên giới[17] và vượt thời gian. Ngài là vị Giáo hoàng đã cùng với thế giới bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Ngài đã mở ra những con đường đi từ “trái tim đến trái tim”, ngài đến những vùng đất xa xôi để tìm người quen và tìm làm quen, kết thân bất kể họ là ai, là đồng đạo hay khác niềm tin, là tín hữu hay vô thần. Ngài đã đi vượt thời gian, mọi cách ngăn biên giới để tìm đến những người anh em của Thầy Giêsu và cũng là anh em của chúng ta. Ngài đã đi đến với họ trước khi họ đến với ngài.

Image result for john Paul II and teresa Calcutta

3. NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐẶC BIỆT ĐẾN VỚI GIỚI TRẺ

Có thể nói rằng, trong suốt lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội, chưa có một vị Giáo hoàng nào có một sự lưu tâm đặc biệt dành cho giới trẻ như Đức Gioan-Phaolô II. Giới trẻ vốn là đối tượng thân thiết của đời sống và những lời dạy dỗ của ngài. Ngay từ khi còn là một sinh viên, ngài đã từng là Hội trưởng Hội cầu nguyện con Đức Mẹ, tham gia đạo diễn và diễn viên kịch nghệ. Đến thời chủng sinh, ngài vừa theo học chương trình đào tạo linh mục của “Chủng viện chui” vừa đi làm công nhân khuân vác tại hầm mỏ ở Zakrzówek, gần Kraków, ngài đã lưu tâm đến giới lao động trẻ. Trong thời gian này, ngài đã tích góp được nhiều kinh nghiệm mục vụ, những tâm tình, lòng yêu mến và sự quan tâm đặc biệt đối với họ trong vai trò Chủ chăn Giáo Hội sau này. Khi đã là linh mục, ngài cũng quan tâm đặc biệt đến giới trẻ: tổ chức những buổi cắm trại, những chuyến du ngoạn, thành lập các đội bóng chuyền và bóng đá... Qua đó, ngài giúp những người trẻ tiếp cận với những thực tại siêu nhiên, dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa, hướng tâm hồn họ về Chân-Thiện-Mỹ qua những giây phút cầu nguyện và lắng đọng tâm hồn[18].

Khi trở thành Giáo hoàng và tầm phục vụ của ngài là Giáo Hội toàn cầu, thì giới trẻ ngài phục vụ cũng là toàn cầu. Đức Gioan-Phaolô II là vị Giáo hoàng đầu tiên thiết lập Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Chúa nhật Lễ Lá 15/04/1984, nhân dịp kết thúc Năm Thánh Cứu Độ kỷ niệm 1950 năm Chúa Kitô chịu tử nạn và phục sinh, ngài gặp gỡ giới trẻ thế giới và đã nói các bạn trẻ hiện diện như sau: “Chúng con là niềm hy vọng của Cha, của Giáo Hội và của xã hội. Với sức mạnh của Đức Tin trẻ trung của chúng con, chúng con nâng đỡ cho niềm hy vọng về một thế giới được canh tân trong Chúa Kitô”[19]. Trong dịp này, ngài cũng trao cho các bạn trẻ Thánh Giá Cứu Độ Chúa Kitô với lời nhắn: “Các bạn trẻ thân mến của Cha, nhân dịp kết thúc Năm Thánh, Cha trao phó cho các con dấu hiệu của Năm Toàn Xá này: Thánh Giá của Chúa Kitô! Hãy mang nó đi khắp thế giới như biểu tượng của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta mới có thể tìm thấy sự cứu rỗi và ơn cứu chuộc”[20].

Tiếp sau đó là năm 1985 được Liên Hợp Quốc công bố là Năm Quốc Tế Giới Trẻ. Nhân dịp này, Đức Gioan-Phaolô II mời gọi các bạn trên thế giới về Rôma để cử hành Năm Quốc Tế Giới Trẻ với ngài, vào Chúa nhật Lễ Lá 31/03/1985. Và qua Tông thư Dilecti Amici[21], ngài loan báo quyết định thiết lập Ngày Quốc Tế Giới Trẻ mỗi năm một lần, luân phiên ở cấp giáo phận và quốc tế. Sau đó, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 1 cấp giáo phận đã được tổ chức tại Rôma, vào ngày Chúa nhật Lễ Lá 23/03/1986 với chủ đề: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15)[22].

Trong triều đại Giáo hoàng của mình, 19 lần tổ chức Đại hội Giới Trẻ Thế Giới là 19 lần Đức Gioan-Phaolô II hiện diện với họ[23] (chưa kể hai lần vào năm 1984 và 1985 như vừa nói trên). Ngài đã luôn đi bước trước đến với giới trẻ, lắng nghe những ưu tư của họ, để cho họ chất vấn, và rồi hướng dẫn họ một cách hiệu quả. Đã có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu bạn trẻ khắp nơi đến với ngài[24], bị hấp dẫn bởi cuộc sống và những lời dạy dỗ của ngài. Giới trẻ tìm thấy nơi ngài một vị Lãnh đạo tinh thần, một người Cha hiền có khả năng đáp lại những ước vọng của họ. Đức Gioan-Phaolô II luôn “mở cửa” cho người trẻ, đem lại cho giới trẻ niềm hy vọng Tin Mừng, làm vững đức tin của họ vào Chúa Kitô và vào Giáo Hội. Chính vì thế mà nhiều nhân vật đạo và đời không ngần ngại gọi: “Giới trẻ hôm nay là thế hệ của Gioan-Phaolô II”[25].

Image result for john Paul II and WYD

ĐGH và giới trẻ năm châu Ảnh: Lawrence Journal-World

(còn tiếp)

Ngọn đèn dầu


[1] Đức Gioan-Phaolô II tên thật là Karol Jósef Wojtyla, sinh năm 1920, Linh mục năm 1946, Giám mục năm 1958, Hồng y năm 1967. Ngày 16/10/1978, ngài được chọn làm Đấng kế vị thánh Phêrô, là Giáo hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công giáo hoàn vũ.

[2] Los Angeles Times, số tháng 10/2003, trích Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr. 91.

[3] Xavier Léon-Dufour (ed.), Vocabulaire de Théologie Biblique, (Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh), Cerf, Paris, 1971, bản dịch của Phân khoa Thần học, Giáo Hoàng Học Viên Thánh Piô X, Đà Lạt, 1976, quyển IV, tr. 391.

[4] Nhận xét của cha Vladimir Zielinski, một linh mục thi sĩ Chính Thống Nga.

[5] Vào lúc 17g15 chiều ngày 16/10/1978, sau vòng bầu phiếu thứ 8, Đức Hồng y Karol Jósef Wojtyla được bầu chọn làm Giáo hoàng. Và rồi đúng 18g18, sau khi vị Hồng y đại diện tuyên bố: “Habemus Papam!”, Đức Tân Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã có cuộc tiếp kiến đầu tiên với đám đông các tín hữu.

[6] Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, sđd, tr. 51.

[7] Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP, Những biến cố lớn trên hành trình cuộc đời, trong Tài liệu hội thảo “Ấn tượng Gioan-Phaolô II”, Toà Tổng Giám Mục TP.HCM, Lưu hành nội bộ, tháng 10/2003, tr. 59.

[8] Thông điệp Redemptor Hominis trình bày về mầu nhiệm cứu chuộc và việc con người được cứu chuộc trong thế giới hiện đại này. Thông điệp đề cập đến những vấn đề về nhân quyền, về phẩm giá con người, về tự do tôn giáo, việc tìm kiếm mục đích cuộc sống trong một thế giới kỹ thuật và khoa học hiện đại. Qua Thông điệp này, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trình bày vai trò thiết yếu của Đức Trinh Nữ Maria, ngài cũng đề cao và mời gọi tôn trọng đời sống độc thân linh mục như dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. (trong Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, sđd, tr. 55-56)

[9] Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, sđd, tr. 56.

[10] ĐGH Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, n. 4.

[11] Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Thế) được ra đời ngày 25/03/1987. Qua đó, Đức Gioan-Phaolô II viết: “Đức Maria có mối liên hệ mật thiết trong mầu nhiệm của Chúa Kitô, cũng như mầu nhiệm của Giáo Hội kể từ lúc khởi đầu công trình của Chúa Kitô và từ khi Giáo Hội được thành lập”. Sự hiện diện của Mẹ qua công cuộc rao giảng của Chúa Kitô, nơi một Giáo Hội lữ hành và Mẹ chính là gương mẫu sáng lạng của đức tin. (trong Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, sđd, tr. 57)

[12] Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế) được ban hành ngày 07/12/1990. Qua đó, Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh đến nhu cầu thiết yếu của việc truyền giáo, rao giảng Tin Mừng đến cho các dân tộc và những vùng đất mới, cũng như việc tái truyền giáo. (trong Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, sđd, tr. 57)

[13] Đức Phaolô VI sinh ngày 26/09/1897, làm Giáo hoàng 21/06/1963, qua đời 06/08/1978. Ngài được bầu lên kế vị Đức Gioan XXIII, người đã khai mạc Công Đồng chung Vaticanô II (11/10/1962). Chính Đức Phaolô VI đã tiếp tục và dẫn dắt Công Đồng chung Vaticanô II đến chỗ hoàn thành (08/12/1965).

[14] Năm 1964, hành hương đến Đất Thánh, rồi đến Ấn Độ dịp Đại hội Thánh Thể Thế Giới. Năm 1965, thăm Liên Hợp Quốc (Hoa Kỳ). Năm 1967, hành hương Fatima (Bồ Đào Nha) dịp kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima. Cũng năm 1967, đến Istanbul, Êphêsô và Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ), đồng thời gặp Đức Thượng phụ Athenagoras của Constantinopolis. Năm 1968, đến Colombia (châu Mỹ Latinh). Năm 1969, thăm Genève (Thuỵ Sĩ) dịp kỷ niệm 50 năm của Tổ chức Lao Động Quốc Tế, và đến Uganda (châu Phi). Năm 1970, đi đến các quốc gia ở Đông Á và châu Đại Dương (x. http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/travels/index.htm).

[15] Gm. Giuse Vũ Duy Thống, Danh xưng Gioan-Phaolô II, trong Tài liệu hội thảo “Ấn tượng Gioan-Phaolô II”, sđd, tr. 7.

[16] Nt. Anna Nguyễn Thị Thanh, Bề trên Tổng Quyền dòng MTG Gò Vấp, Những chuyến công du mục vụ không mệt mỏi của Đức Gioan-Phaolô II, trong Tài liệu hội thảo “Ấn tượng Gioan-Phaolô II”, sđd, tr. 79.

[17] Trên lãnh vực toàn cầu, Đức Gioan-Phaolô II đã thực hiện 104 chuyến tông du, viếng thăm 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Người ta ước tính quãng đường của những chuyến tông du này dài đến 1.247.613 cây số, gấp 3,24 lần quãng đường từ Trái Đất lên Mặt Trăng. Với những chuyến tông du như thế, thời gian ngài vắng mặt khỏi Rôma là 822 ngày. (trong Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, sđd, tr. 82)

[18] x. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, sđd, tr. 21-39.

[20] ĐGH Gioan-Phaolô II, Remarks to young people, to whom he entrusts the Cross of the Jubilee Year of Redemption, (Phát biểu với Giới Trẻ khi ngài trao cho họ Thánh Giá của Năm Thánh Cứu Độ): “My dear young people, at the conclusion of the Holy Year, I entrust to you the sign of this Jubilee Year: the Cross of Christ! Carry it throughout the world as a symbol of Christ’s love for humanity, and announce to everyone that only in the death and resurrection of Christ we can find salvation and redemption”, Chúa nhật 22/04/1984, Libreria Editrice Vaticana,

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/1984/april/documents/hf_jp-ii_spe_19840422_cross-youth_en.html.

[24] Dịp Đại hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 10 diễn ra tại Manila, Philippines từ 10 đến 15/01/1995, đã quy tụ khoảng 5 triệu bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Sự kiện này được xem là đông nhất của lịch sử Đại hội Giới Trẻ Thế Giới.

[25] Trích báo Le Figaro, số ra ngày 03/04/2005, bài “La génération JMJ se sent orpheline”.