Gioan Thánh giá: Khát khao điều Chúa khao khát

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 853 | Cập nhật lần cuối: 2/18/2018 7:33:02 AM | RSS

Ngôn ngữ của những người Cát Minh thường rất táo bạo. Khi thánh Gioan Thánh Giá miêu tả về kết quả của một đời sống chiêm niệm, ngài thường nói về một sự biến đổi sâu xa đến độ chúng ta trở nên Thiên Chúa. Đối với thánh Gioan, việc chăm chú lắng nghe dõi theo sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong đời mỗi người, và một thái độ sẵn sàng để được biến đổi bởi tình yêu, dẫn đến tiến trình thần hóa.[1]

Thánh Gioan miêu tả mục tiêu của hành trình Kitô Hữu trong những từ ngữ đặc biệt trữ tình trong bài Ngọn Lửa Tình Yêu Sống Động, cả thơ và lời bình thơ. Ở đó ngài tìm kiếm ngôn từ diễn giải kinh nghiệm của mình trong việc kết hiệp với Thiên Chúa một tiến trình biến đổi đến mức mà ngài mô tả như được thần hóa, hay được hóa thân nên như Chúa (deification). Ngài diễn tả một mối giao tình thân thiết, cá biệt mạnh mẽ giữa linh hồn với Thiên Chúa, một mối hiệp nhất sâu xa nơi cốt lõi của hiện hữu của chính mình.

Nhiều lần đọc về Thánh Gioan Thánh Giá với ngôn ngữ về cái nada, tĩnh tại, và cô tịch, người ta có thể cho rằng đời sống chiêm niệm sẽ ngày càng rút lui vào bên trong và sẽ kết thúc trong cô quạnh. Cách nhìn này vừa vặn với một lối nhìn rập khuôn thường được nối kết với một thánh nhân hay một người thánh thiện. Một tác giả đã miêu tả thế này: bạn biết một người là thánh thiện khi ông ấy giữ thẳng đầu mình vào sáu giờ mười phút sáng, và trông như thể ông ta đã nhận một tin xấu mà chúng ta vẫn chưa được nghe.

Nhưng điều gì thật sự diễn ra khi chúng ta "trở thành Chúa"? Thật hữu ích để xem lại phân tích của thánh Gioan về khát khao của con người. Ngài đã nhận xét rằng những khát khao của lòng người không bao giờ ngơi, lôi chúng ta nay đây, mai đó. Những khát khao đó giống như những đứa trẻ con gào lên để gây chú ý, và sẽ chẳng ở yên được bao lâu. Ngài cũng lưu ý là ngay cả khi lòng ta đạt được điều gì đó mà nó khao khát sâu xa, nó cũng chỉ thỏa mãn được đôi chút, và rồi những khao khát lại bắt đầu lôi kéo lòng ta một lần nữa. Thánh Gioan so sánh điều này với tình trạng của một người yêu nao nức mong đợi một ngày đặc biệt với người yêu dấu, nhưng rồi lại hoá ra thất vọng sâu xa. Ngài kết luận rằng con người chúng ta luôn mang một niềm khao khát, một cơn đói, mà chỉ mình Thiên Chúa mới làm cho no thỏa được. Bất cứ nguồn dinh dưỡng nào khác hứa hẹn thỏa mãn hoàn toàn đều sẽ làm biến dạng cuộc sống chúng ta.

Nhưng khi con tim dò dẫm vươn tới một vị Chúa mà nó chẳng thể gọi tên, nó lại tiếp tục trao chính mình cho những thứ không phải là Thiên Chúa. Trong khi tìm đáp ứng những khát khao nơi mình, con tim liên tục yêu cầu những người khác, những dự án, hoàn cảnh, kế hoạch, cộng đoàn làm Chúa của nó, trở nên nguồn đáp ứng những khát khao sâu thẳm nhất nơi mình. Con tim thường yêu cầu một phần tạo vật của Chúa trở nên cùng đích, trở thành Chúa. Con tim tạo ra những ngẫu tượng, và trong cách trao chính mình cho những ngẫu tượng này, trong cách tập trung đời mình quanh những ngẫu tượng này như thể chúng đã là chính Thiên Chúa vậy, thì lúc đó con tim trở thành nô lệ. Đây chính là những dính bén, trong ngôn ngữ của thánh Gioan, nhưng ngài cũng gọi tình trạng đó là một con tim nô lệ. Trong cách thức trao ban chính mình cách hoàn toàn cho những thứ dính bén, những ngẫu tượng, con tim không còn tự do để đáp trả lại lời mời gọi của sự hiện diện từ nhân nơi trung tâm của nó nữa.

Thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh đến một lối giải thoát khổ hạnh cho con tim. Nhưng trong chính hoàn cảnh của mình, ngài thuật lại rằng ngài đã không thể nới lỏng cái cố bám vúi nơi mình, những thứ mà ngài dích bén vào vì nó quá thân thiết với cuộc sống ngài. Thánh Têrêsa Avial cũng thuật lại vấn đề tương tự. Ngài càng từ bỏ các ngẫu tượng của mình bao nhiêu, giải thoát chính mình khỏi trọng tâm sai quấy bao nhiêu, thì ngài lại càng vướng mắc vào nhiều hơn.

Thánh Gioan hiểu được là chỉ có tình yêu của Chúa mới có thể lôi kéo ngài ra khỏi những ngẫu tượng. Ngay tại nơi mà những khát khao của ngài đã mệt nhoài vì cố sức tìm kiếm cách thế để hoàn thiện mình, trong đêm tối của sự thất bại hiển nhiên nơi mình, thánh Gioan đã cảm nghiệm được một đốm lửa từ một tình yêu sâu sa hơn. Tình yêu này đã mời gọi ngài bỏ qua tình trạng sa đọa của mình; tình yêu sắp đặt lại trật tự của những thứ tình cảm khác nơi ngài; và nó cho phép ngài từ từ nới lỏng những bám vúi trong cuộc đời ngài và tin tưởng canh tân hành trình cuộc đời.

Tiến vào sâu hơn trong Thiên Chúa.

Bằng cách sử dụng một hình ảnh tương tự như cuộc hành trình vào lâu đài nội tâm của thánh Têrêsa, thánh Gioan miêu tả hành trình tâm linh như một hành trình hướng tới trọng tâm nơi Thiên Chúa đang ngự. Ngài viết: "Trung tâm của linh hồn là Thiên Chúa". Nhưng trung tâm này không phải là một trung tâm xa cách mà chỉ đạt đến sau một cuộc đời đầy nổ lực. Không, thánh Gioan nói rằng bất cứ ai dầu chỉ có một chút mức độ tình yêu thôi thì đều được ở trong trung tâm, ở trong Thiên Chúa. Đây là vấn đề mức độ. Ở mỗi cấp độ tình yêu linh hồn sẽ di chuyển sâu hơn vào trung tâm của mình, hay như khi thánh Gioan viết về linh hồn: "mặc dầu linh hồn đang ở trong trung tâm của mình, linh hồn chưa thực sự ở trong chính trung tâm sâu nhất của mình, vì linh hồn có thể tiến sâu hơn nữa trong Thiên Chúa."[2]

Tiến trình tiến sâu hơn nữa vào trong Thiên Chúa là một tiến trình thần hóa. Thánh Gioan viết, "… một khi đã đạt đến mức độ cuối cùng, tình yêu của Thiên Chúa đã đến mức đụng chạm tới linh hồn nơi trung tâm cuối cùng và sâu thẳm nhất của nó, hẳn phải soi sáng và biến đổi linh hồn nơi toàn bộ hiện hữu, tài năng và sức lực của nó, và tuỳ theo khả năng của nó, cho đến khi nó trở nên như Thiên Chúa.”[3]

Thánh Gioan kể lại một sự biến đổi phi thường của khao khát nơi con tim ngài như hiệu quả của hành trình đi sâu hơn vào trong Thiên Chúa. Khát khao nơi ngài và khát khao nơi Thiên Chúa giờ đây hoà hợp trong một hoà điệu của những khát khao. Ngài trình thuật lại cùng Chúa:

Những gì Ngài khao khát con cầu xin, con sẽ cầu xin; và những gì Ngài không khao khát, con sẽ không khát khao, con cũng không thể khát khao, ngay cả điều đó cũng không đi vào tâm trí con để con khát khao nó được. Thỉnh nguyện của con là giờ đây được trở nên đáng quý và đáng yêu hơn trước mặt Ngài, vì những thỉnh cầu của con đến từ Ngài, và Ngài khiến con thực hiện những thỉnh nguyện này, và con thực hiện những thỉnh nguyện này trong niềm hạnh phúc và vui sướng của Chúa Thánh Thần, quyết định của con giờ đây phát sinh từ sự tán thành của Ngài [Tv 17:2], đó là khi Ngài quý trọng và lắng nghe ý nguyện cầu của con.[4]

Trong tiến trình này thánh Gioan nói rằng đức tin lôi kéo trí năng của chúng ta hướng tới Thiên Chúa vượt xa bất cứ loài thụ tạo nào; và đức cậy sẽ giải thoát ký ức của chúng ta khỏi những vọng tưởng quá khứ cũng như những cảnh huống của tương lai, cho phép chúng ta sống trong niềm mong đợi thuần khiết; và ý chí của chúng ta sẽ càng ngày càng yêu với tình yêu của Thiên Chú.

Theo đó, trí năng của linh hồn này là trí năng của Thiên Chúa; ý chí của nó là ý chí của Thiên Chúa; ký ức của nó là ký ức về Thiên Chúa; và niềm hoan lạc của nó là niềm hoan lạc của Thiên Chúa; mặc dầu vậy bản thể của linh hồn này lại không phải là bản thể của Thiên Chúa, vì nó không thể trải qua một cuộc cải đổi bản thể vào trong Ngài được, linh hồn đã trở thành Thiên Chúa thông qua việc tham dự vào Thiên Chúa, được kết hiệp với Ngài và được hấp thụ trong Ngài, khi linh hồn ở trong giai đoạn này…. Linh hồn có thể lặp lại lời của thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi."[5]

Thánh Gioan tiếp tục nổ lực mô tả kinh nghiệm về tiến trình thần hóa: "Đây là niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn sâu xa của linh hồn: nên biết rằng linh hồn trao cho Thiên Chúa hơn tự bản thân nó xứng đáng trao cho Ngài, chính ánh sáng thần linh và hơi nóng thần linh được ban tặng cho linh hồn."[6]

Trong khi viết về những khoảnh khắc mãnh liệt trong cảm nghiệm hiệp nhất với Thiên Chúa qua Ngọn Lửa Tình Yêu Sống Động, thánh Gioan kể lại, "Bởi thế trong giai đoạn này linh hồn không thể thực hiện những hoạt động bởi vì Chúa Thánh Thần thực hiện tất cả và hướng linh hồn tới những hoạt động đó. Theo đó tất cả mọi hoạt động của linh hồn đều thiêng liêng… hoạt động của Thiên Chúa trong Thiên Chúa."[7]

Lại nữa, "bữa tiệc này diễn ra nơi bản thể của linh hồn…. Bởi đó tất cả mọi chuyển động của linh hồn này đều thiêng liêng. Mặc dầu vậy những chuyển động này thuộc về linh hồn, chúng thuộc về linh hồn bởi vì Thiên Chúa thực hiện chúng trong linh hồn và với linh hồn, vì linh hồn ước muốn và thỏa mãn với biến chuyển đó."[8]

Yêu mến với tình yêu của Chúa

Thánh Gioan lập biểu đồ sự thuần khiết của khao khát qua những đêm dày nơi giác quan và tinh thần. Ngài dường như đang nói rằng khi chúng ta yêu chỉ thuần trên bình diện cảm giác chúng ta đang yêu theo một phương cách mất trật tự, đang xoay chuyển mọi sự trở về lại với chúng ta và sự hoàn thành chính mình ngay tức khắc. Chúng ta yêu theo cách thế tìm kiến hạnh phúc của mình, tìm thoả mãn chính mình. Xuyên qua màn đêm giác quan, một trật tự được đem vào trong chính những khao khát và trong thái độ sống của chúng ta. Những khả năng cảm thụ và năng lực tinh thần giờ đây trở nên hoà hợp, và chúng ta yêu trong một thái độ đúng đắn và chính chắn hơn.

Giờ đây chúng ta không còn yêu đơn giản chỉ vì đối tượng của tình yêu thỏa mãn chúng ta nữa. Giờ đây chúng ta yêu vì chúng ta chủ tâm chọn yêu. Chúng ta yêu vì hiểu rằng chúng ta nên yêu. Ngoài những gì chúng ta nghĩ về tha nhân hay những gì chúng ta nhận lại từ tình yêu của mình,chúng ta yêu tha nhân vì Thiên Chúa đã ban cho họ một sự đáng yêu vô bờ cùng một nhân phẩm và chúng ta yêu họ như những thọ tạo của Thiên Chúa, những anh chị em của mình. Có thể chẳng có niềm hoan lạc hay sự thỏa mãn tức khắc nào cả, nhưng chúng ta chọn yêu bằng bất cứ giá nào vì đó là điều đáng làm. Chúng ta có thể chọn yêu ngay cả kẻ thù của mình, như Đức Giêsu đã dạy. Giờ đây tình yêu của chúng ta dường như có trật tự và định hướng phù hợp, và cuộc sống của chúng ta là một cuộc đời theo định hướng Tin Mừng.

Nhưng thánh Gioan có vẻ như thuật lại một sự biến đổi còn sâu xa hơn nữa. Xuyên qua những trải nghiệm mà ngài gọi là đêm dày của tinh thần, trong đó những năng lực tinh thần nơi trí tuệ, ký ức, và ý chí đã được thanh luyện hơn nữa, ý hướng cho tình yêu dường như vượt ra khỏi chúng ta và đi vào trong Thiên Chúa. Thực chất mà nói, chúng ta không còn có lý do nào cho tình yêu riêng mình. Ý hướng, động lực cho tình yêu của chúng ta giờ đây ở trong Thiên Chúa, và tất cả những gì chúng ta có thể làm được là yêu.

Người đó và Thiên Chúa được kết hiệp mật thiết, và có một sự hoà hợp nơi những khát khao đến thế, như thể Thiên Chúa đang yêu Thiên Chúa trong tình yêu của chúng ta, như thể Thiên Chúa đang yêu thế giới của Thiên Chúa trong tình yêu của chúng ta, và tất cả những gì chúng ta có thể làm là sống trong thế giới theo một cách thế thật đáng yêu. Thực tế mà nói, lý lẽ không còn nơi chúng ta nữa. Thánh Gioan viết: "…ở đây linh hồn yêu mến Thiên Chúa, không phải qua chính bản thân nó, nhưng qua chính Thiên Chúa."[9] Cuộc sống của chúng ta đã mặc lấy khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tinh thần của Chúa Kitô nơi chúng ta yêu mến Đấng Tạo Hóa và mọi loài thọ tạo.

Ở đây chúng ta có một chứng từ đáng lưu ý về tiềm năng của nhân loại. Có lẽ đó là lý do tại sao Evelyn Underhill gọi các nhà thần bí là "những người tiên phong của nhân loại." Họ đã khám phá những miền trong nhân tính của họ, những miền đang vẫy gọi trong tất cả chúng ta.

Sống vượt ra ngoài câu hỏi "Tại Sao"

Meister Eckhart có một nhận định thách thức về việc hoàn toàn không dính bén (phá chấp) được nhìn thấy nơi con người được thần hóa của Gioan. Eckhart, một su sĩ Dòng Đa Minh thế kỷ mười bốn, đã nói về sự phá chấp như nhân đức vĩ đại nhất trong các nhân đức. Đối với Eckhart, phá chấp tận căn là phải học để "sống vượt ra ngoài câu hỏi tại sao". Eckhart nói về một nơi chốn nội tâm, tương tự như bản thể của linh hồn nơi Gioan Thánh Giá, nơi mà "không gian của Thiên Chúa là không gian của tôi, không gian của tôi là không gian của Thiên Chúa… chính tại không gian nội tâm này mà bạn nên thực hiện tất cả những công việc của mình mà không hỏi, 'Tại sao?'"[10] Eckhart diễn tả xa hơn về cảm giác phá chấp căn bản của mình:

Chừng nào bạn còn thực hiện công việc của mình vì nước trời, hay vì Thiên Chúa, hoặc vì phúc lộc đời đời của bạn, và bạn làm những công việc đó nhưng không, bạn đang hoàn toàn lạc đường rồi…. Bất cứ ai đang kiếm tìm Thiên Chúa thông qua "những nẻo đường" thì chỉ tìm thấy " những nẻo đường" và đang đánh mất Thiên Chúa, Đấng ẩn núp trong những nẻo đường. Nhưng những ai tìm kiếm Thiên Chúa vượt ngoài những nẻo đường thì sẽ tìm thấy Ngài như Ngài ở trong chính mình, và người đó sẽ sống với Người Con, và Người Con là chính sự sống.

Nếu ai đó cứ tiếp tục hỏi về cuộc sống trong một ngàn năm: "Tại sao bạn đang sống?" Nếu cuộc sống đã có thể trả lời, nó đã nói: 'tôi sống để tôi có thể sống.' Đó là vì cuộc sống sống vượt lên trên chính mình và bật lên từ chính nguồn của nó, và vì thế nó sống mà không hỏi tại sao chính nó lại đang sống.

Nếu ai đó yêu cầu một con người chân thực trình bày về nền tảng của chính mình "Tại sao bạn đang thực hiện những công việc của mình?" và nếu người đó phải đưa ra một câu trả lời thẳng thắn, anh ta sẽ chỉ nói, "tôi làm việc để tôi có thể làm việc."[11]

Phải chăng người phá chấp và được thần hóa là một người máy? Phải chăng con người này không còn phải suy tư và thực hiện những quyết định bởi vì Chúa Thánh Thần đã làm việc đó? Chắc chắn là điều này không xảy ra để Gioan Thánh Giá trở nên người máy. Khả năng trí tuệ của ngài vẫn hoạt động, nhưng giờ đây trở nên thiêng liêng, và cũng thế đối với trí nhớ và ý chí của ngài. Sự kết hợp với Thiên Chúa có vẻ thân tình đến độ một con người đang hoạt động theo cách thức con người rất đẹp và cách thức hoạt động, cách thức hiểu biết và yêu mến mang tính nhân hoại đó, giờ đây trở nên hoàn toàn phù hợp với ý Chúa, với sự hiểu biết và yêu mến thế giới này của Thiên Chúa.

Hiển nhiên là giờ đây cách thức mà con người đó hiểu thế giới này và những mối tương giao lẫn nhau của thế giới phù hợp với cái nhìn của Thiên Chúa, những gì con người đó yêu mến và cách thức yêu mến giờ đây cũng phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng tất cả mọi khả năng cần để tiếp tục hoạt động, một cách tự nhiên những khả năng này dẫn đến một cuộc đời cộng tác với Nước Thiên Chúa. Con người đó giờ đây đang sống trong một phương cách phù hợp với thánh ý Thiên Chúa; đó là sự toàn mãn (well-being) của nhân loại. Giờ đây phương cách mà con người đó sống thúc đẩy một thế giới của tình thương, của công bằng, của bình an. Rất nhiều "lời lẽ" của con người đó giờ đây chỉ nói lên một "Lời", Đấng là Thiên Chúa.

Có nhiều người sống trong điều kiện thần hóa này chăng? Có bao nhiêu người thực sự sống vượt ra bên ngoài câu hỏi 'tại sao'? Eckhart cảnh báo rằng những người như thế rất khó nhận diện.

Bạn cần phải thật sự lưu ý, vì những người như thế rất khó nhận ra được. Khi người khác chay tịnh, họ ăn uống, khi người khác canh thức, họ ngủ, khi người khác cầu nguyện, họ giữ thinh lặng - nói tóm lại, tất cả mọi lời nói và hành động của họ lạ lẫm đối với những người khác; bởi vì bất cứ những gì mà những người tốt lành thực hành khi đang ở trên hành trình tiến về hạnh phúc muôn đời, tất cả những thứ đó rất xa lạ đối với những người hoàn thiện. Họ tuyệt đối chẳng cần gì, vì họ có quyền thừa hưởng nơi thành đô mà họ thật sự được sinh ra để hưởng.[12]

Việc chiêm niệm về Thiên Chúa nơi họ thì rất thường xuyên và chan hòa nơi những công việc của lòng mến.

Vậy thì rất nhiều người trong chúng ta phù hợp với diễn tả này. Khi những người khác giữ chay chúng ta lại ăn uống, khi họ canh thức chúng ta lại ngủ mê, và khi họ cầu nguyện chúng ta lại làm thinh. Hiển nhiên là một vài tiêu chuẩn khác phải được sử dụng để phân biệt những ai đang sống vượt ra bên ngoài câu hỏi "tại sao" với những người đang sống không có định hướng.

Sự Biến Đổi nơi Thánh Têrêsa

Thánh Têrêsa Avila đã cung cấp một trong những diễn tả chi tiết hơn về trạng thái này trong mối tình hiệp nhất mật thiết với Thiên Chúa, trạng thái mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là thần hóa. Trong khi bàn luận về trạng thái của ngài trong cư sở thứ bảy trong Lâu Đài Nội Tâm, trạng thái hôn ước linh thiêng, thánh Têrêsa diễn tả những thay đổi trong chính ngài.

Thánh Têrêsa tường thuật lại một sự kết hiệp gần gũi với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại không chiếm giữ ngài. Trong thực tế, thánh nhân kể rằng ngài được liên kết trong sứ vụ của mình tràn đầy hơn trước đó bởi vì sự kết hiệp này trong "cực điểm nội tâm". Khi thánh nữ qui hướng sự chú ý của mình về Chúa, Thiên Chúa đã ở ngay đó rồi. Trong khi nếm hưởng sự hiệp nhất mật thiết này với Chúa, thánh Têrêsa bị thu hút vào trong tất cả những bổn phận thực sự của công việc thiết lập những cộng đoàn mới trong tiến trình cải tổ của ngài.

Thánh Têrêsa cũng tường thuật lại là cuối cùng ngài đã có thể đơn giản là quên đi chính mình. Ngài học được rằng nếu ngài chăm lo công việc của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ chăm lo cho những việc của ngài. Một trong những nhận thức vĩ đại nhất trong cuộc đời thánh nhân là Thiên Chúa khao khát ngài (Têrêsa). Khi thánh Têrêsa đã có thể chấp nhận sự thật là Thiên Chúa khát khao ngài, bằng cách này hay cách khác ngài đã được giải thoát khỏi nhu cầu tiếp tục nài xin những điều khác nếu ngài đã có thể ước muốn.

Thánh Têrêsa vẫn luôn có một ước muốn chịu đau khổ lớn lao, nhưng ước muốn đó không còn gây phiền toái như trước đây nữa. Ngài viết: "Vì ước muốn còn lại trong những linh hồn này là thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi họ đạt đến độ chừng như cực đại đến nổi họ nghĩ rằng mọi sự Đấng Uy Nghi thực hiện đều tốt đẹp. Nếu Thiên Chúa ước muốn linh hồn chịu đau khổ, thật tốt thay; nếu không nó cũng không hủy hoại chính mình như nó đã từng làm."[13] Bởi vì ngài hòa hợp với Thiên Chúa hơn, nên thánh Têrêsa bớt ngờ vực chính mình. Khi ngài đang sống chủ yếu ở ngoại biên của toà lâu đài, cuộc sống của ngài vỡ vụn trong nhiều trọng tâm, ngài không thể tin vào những khao khát của mình. Vào lúc Têrêsa tường thuật lại những trải nghiệm nơi cư sở thứ bảy, giờ đây ngài "ước muốn điều Thiên Chúa ước muốn" và bớt nghi ngờ bản thân mình hơn.

Thực tế, thánh Têrêsa còn tường thuật là được giải thoát ngay cả với ước muốn chết và hoàn tất cuộc hành hương của mình. Tại cư sở thứ sáu có một nỗi khổ lớn lao vì ngài ý thức về sự tội lỗi nơi mình và sự xa cách Thiên Chúa của mình, cũng như những khát khao chưa được thực hiện quá lớn lao. Ngài muốn kết thúc cuộc hành trình và hoàn tất sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Tuy nhiên giờ đây nơi cư sở thứ bảy những gì Têrêsa muốn không còn là vấn đề nữa. Ngài nói ngài không còn ước muốn chết nữa, nhưng ước muốn sống và sống trong nhiều năm nếu Thiên Chúa được phục vụ. Nếu Thiên Chúa muốn ngài cứ sống và phục vụ, ngài sẽ sống lâu chừng nào mà Thiên Chúa muốn. Nếu Chúa gọi ngài về, ngài sẽ vui lòng ra đi. Giờ đây ngài thật sự tự do và chỉ ước muốn những gì Thiên Chúa mước muốn. Ngài luôn luôn dạy rằng, mục đích của cầu nguyện là trở nên phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Ngài còn viết, "Có rất ít người, vượt khỏi mọi vướng bận, để thật sự tìm vinh danh Thiên Chúa."[14]

Và đây, ngài còn tường thuật thêm về một niềm vui sâu xa khi bị ngược đãi, không còn có thái độ thù ngịch hay những ước muốn xấu dành cho kẻ ngược đãi mình. Thực tế, ngài còn có lòng thương cảm sâu xa dành cho họ và giúp đỡ họ nếu họ cần đến ngài.

Ngài nói rằng giờ đây ngài ước muốn hoặc là được ở một mình, hoặc là phục vụ các linh hồn. Ngịch lý lớn lao, và cả sự căng thẳng, của việc trở nên một ẩn sĩ trong cộng đoàn dường như đã tìm thấy một giải pháp trong ngài. Ngài đang sống ở một nơi mà hai người căn bản chỉ còn là một.

Ngài không còn cảm nghiệm sự khô khan trong cầu nguyện nữa, cũng như ngài không còn có những cảm nghiệm xuất thần nữa. (Ngài thừa nhận rằng chỉ thi thoảng mới có những trải nghiệm như vậy, nhưng rất hiếm khi xảy ra nơi công cộng). Hiển nhiên những thị kiến và những lời lẽ, cùng những trãi nghiệm phi thường khác, là kết quả của nhân tính của ngài được mở rộng và làm cho phù hợp với Đấng Thánh. Giống như một con tàu vũ trụ, sau cùng ngài cũng được lắng đọng trong bầu khí của môi trường mới, một môi trường linh thánh.

Con Người Được Thần Hóa

Sau khi nghe thánh Gioan Thánh Giá diễn tả về kinh nghiệm của ngài về tiến trình được thần hóa, khát khao được mài giũa, và sau khi lắng nghe diễn tả của thánh Têrêsa Avila về sự biến đổi nơi ngài, có thể nói gì về con người được thần hóa chăng? Con người đó giống như cái gì?

Người được thần hóa dường như là một con người thật sự sống động, những năng lực nơi họ đã được mang đến với cuộc sống, được hiện thực hóa. Con người đó sẽ không có những khả năng mà trước đó không có, nhưng người đó sẽ được tự do để sử dụng những ân điển mà mình đã lãnh nhận.

Toàn bộ con người đã được mang vào trong sự hòa hợp với trọng tâm của nó. Không còn chiến đấu chống lại chính mình nữa, hay vận hành theo một phương cách khác thường. Người đó được hợp nhất.

Có một sự bình tĩnh sâu lắng đến độ chấp nhận trao ban chính mình, một sự tự siêu thoát (a self-transcendence.)

Người được thần hóa được đặt nền hay bám rễ sâu trong lòng từ bi nhân hậu ở cốt lõi của nhân cách. Cuộc sống của người đó tự nhiên tỏ lộ thái độ chấp nhận, lòng trắc ẩn, lòng quãng đại, và cả tâm tình khiêm tốn. Tha nhân được quý trọng, và cộng đoàn lớn mạnh.

Vì người đó hiểu biết thế giới này với trí hiểu của Thiên Chúa, và yêu thế giới với tình thương mến của Thiên Chúa, người đó có thể yêu thế giới này, dấn thân vì nó, trở nên thiết tha về nó, mà không vồ vập và bám giữ, mà con tim không tan nát hay trở nên nô lệ, và cũng không làm méo mó thế giới này. Nói cách khác, con người này yêu với tự do của con tim, tự do trong tinh thần. Người ấy tự do trở nên thọ tạo mà Thiên Chúa muốn và tự do yêu thế giới như nó thật sự là và vì lợi ích của thế giới.

Liệu có nhiều người như thế chăng? Vậy hãy nhớ lời cảnh báo của Eckhart là thật khó nhận biết những người như thế, tôi vẫn nghĩ chúng ta hẳn phải nói rằng có rất nhiều người đạt đến tầm mức đó. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói một người sẽ ở ngay tại trung tâm dẫu chỉ với một cấp độ tình yêu, nhưng vẫn có những trọng tâm khác và người đó có thể tiến sâu hơn vào trong Thiên Chúa. Tôi có ý nói rằng thần hóa là một tiến trình, một cuộc hành trình với nhiều chặng đường, luôn luôn là một cuộc hành hương, nhưng là một cuộc hành hương tràn đầy ân sủng. Trọng tâm đã đến với chúng ta.

Rất có thể ngọn lửa tinh thần của chúng ta và ngọn lửa của Thần Khí Thiên Chúa vẫn chưa trở nên một, nhưng trong vũ điệu của mình hai ngọn lửa ấy đã chạm lẫn nhau, và lại tách ra, đôi ngọn lửa ánh lên trong nhau, và đôi khi đôi ngọn lửa ấy tan biến vào nhau. Thánh Gioan khuyên chúng ta mở lòng mình ra với vũ điệu này để đôi ngọn lửa ấy có thể trở nên một.

Mỗi tâm hồn đều đang học lấy cách thức để kể về câu chuyện làm người - đó là một câu chuyện gắn chặt vào cuộc đời và tự do bằng một tình yêu ở chính tại cốt lõi của chúng ta và cung cấp nhiên liệu cho hành trình của chúng ta. Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng chúng ta đang trở nên Chúa nhờ dự phần trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa mời gọi chúng ta trao chính mình cho ngọn lửa không sợ hãi, nhưng kiên gan, bền chí, và biết ơn.

Lm. John Welch, O.Carm.,Tiến Trình Thần Hóa của Nhân Loại

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Trần Thanh Trung, O.Carm

Nguồn: dongcatminh.org


[1] Cách đặc biệt, các thần học gia Hy Lạp tiên khởi đã phát triển chủ đề thần hóa, một sự dự phần vào trong đời sống của Thiên Chúa trong hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh rằng thọ tạo luôn luôn duy trì tình trạng thọ tạo, và không bao giờ trở thành bất thụ tạo được.

[2] Thánh Gioan Thánh Giá, Ngọn Lửa Tình Yêu Sống Động, trong Tổng Hợp Các Tác Phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá, bản dịch của Kieran Kavanaugh, O.C.D., và Otilio Rodriguez, O.C.D. (Washington, D.C.: Nhà Xuất Bản ICS, 1991), đoạn 1, số 12.

[3] Ibid., số 13.

[4] Ibid., số 36.

[5] Ibid., đoạn 2, số 34.

[6] Ibid., đoạn 3, số 80.

[7] Ibid., đoạn 1, số 4.

[8] Ibid., số 9.

[9] Ibid., đoạn 3, số 82.

[10] Edmund Colledge, O.S.A., và Bernard McGinn, dịch và giới thiệu., Meister Eckhart (New York: NXB Paulist, 1981), 183.

[11] Ibid., 183, 184.

[12] Richard Woods, O.P., Eckhart's Way (Wilmington, Delaware: Michael Glazier, 1986), 146, 147.

[13] Terêsa Avila, Lâu Đài Nội Tâm - Tổng Hợp Các Tác Phẩm của Thánh Têrêsa Avila, cuốn 2, bản dịch của Kieran Kavanaugh, O.C.D., và Otilio Rodriguez, O.C.D. (Washington, D.C.: Nhà Xuất Bản ICS, 1980), Cư Sở Thứ Bảy, chương 3, số 4.

[14] Ibid., số 6.