Một chuyến theo chân Đức Hồng Y

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1470 | Cập nhật lần cuối: 12/23/2018 6:47:38 AM | RSS

Nhân năm kỷ niệm 25 năm Giám mục của Đức Hồng y Gioan Baotixita (1993-2018), BBT xin gửi đến bạn đọc bài tường thuật của một bà mẹ Công giáo, chuyến về quê hương Cà Mau của vị chủ chăn Giáo phận năm 2004.

MỘT CHUYẾN THEO CHÂN ĐỨC HỒNG Y

Được sự chấp thuận của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Cha Tổng Giám đốc Các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG) đã tạo điều kiện cho Ban Chấp hành CBMCG Tổng Giáo phận TP HCM tháp tùng Ngài về Cà Mau. Được tin nhắn chúng tôi vội thu xếp hành trang để có mặt tại Tòa Tổng Giám Mục sáng sớm ngày thứ Tư 4.2.2004.

Cùng đi với ĐHY về thăm quê hương trong chuyến này, Giáo phận TP HCM gồm có Đức Cha Phụ tá, Cha Tổng Đại diện, Cha Đặc trách Giáo dân, Cha Trưởng Ban Truyền giáo, Cha Hạt trưởng Phú Thọ, Cha Phụ trách Trung tâm Công giáo, Cha Dòng Đaminh, Cha xứ Hiển Linh, các nữ tu đại diện Dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, Tân Lập, Thủ Đức, Thủ Thiêm và Đại diện Các BMCG.

Đoàn xe bắt đầu lăn bánh rời Tòa Tổng Giám Mục lúc 6 giờ sáng để khởi đầu cho một chuyến đi đầy thú vị và ý nghĩa.

15giờ xe đã đến miền đất Cà Mau, Đoàn được Cha xứ Quản Long, Phaolô Nguyễn Văn Vinh, tiếp đón rất vui vẻ và tận tình.

17 giờ Thánh Lễ Tạ Ơn gồm ĐHY, Đức Cha Phụ tá cùng 18 Cha thuộc TPHCM và TP Cà Mau dâng lễ. Thánh lễ càng trang trọng hơn bởi Ca Đoàn của Giáo xứ hát lễ nhiều bè thật hay, không thua gì một dàn hợp xướng.

Đại diện HĐGX xứ Quản Long đâng hoa lên ĐHY và Đức Cha Phụ tá cùng chúc mừng Phái đoàn đã đến thăm Giáo xứ. Đến phần ban huấn từ ĐHY đã có những lời nói khiêm nhường nhưng không kém phần dí dỏm nhân dịp về thăm lại quê hương.

Sáng sớm ngày thứ Năm 05.02.2004 các BMCG cùng các Soeur và một số khách mời cũng như thân nhân của ĐHY tập trung tại bến sông Giáo xứ Bảo Lộc để xuống vỏ lãi đi vào giáo xứ U Minh, nơi em ruột ĐHY là cha Marcô Phạm Minh Thủy phụ trách dự Lễ giỗ (cải táng) ông bà cố của ngài. Chúng tôi yên vị trong lòng thuyền, nhận thức ăn điểm tâm và nước uống do Cha Thủy lo liệu thật chu đáo.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ chạy trên sông nước, đoàn chúng tôi đã đến Giáo xứ U Minh. Vừa kịp chỉnh trang y phục để vào Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ.

Bước vào Nhà Thờ, chúng tôi choáng ngợp bởi sự hoành tráng của cung thánh. Tượng Chúa khải hoàn ở giữa trên cao, bên dưới là Nhà Tạm mang hình Trái tim Lửa mến. Hai bên là bốn cuốn Kinh Thánh vĩ đại mang ký hiệu Mt, Mc, Lc, Ga nằm giữa hoa văn họa tiết thật là đẹp mắt.

Thánh lễ hôm nay gồm ĐHY, Đức Cha Phụ tá cùng 25 linh mục thuộc GP Sài Gòn và GP Cần Thơ đồng tế mang những ý nghĩa như sau:

1. Lễ giỗ 2 linh hồn Phêrô và Maria là song thân của Đức Hồng Y.

2. Cầu bình an cho Họ đạo U Minh.

3. Tạ ơn Chúa đã ban cho Việt Nam nói chung và cho GP Cà Mau nói riêng một vị Hồng y.

4. Chúc mừng Đức Hồng Y thọ 70 tuổi.

Cùng hiệp lời cầu xin với các ý trên, chị em chúng tôi xem lễ thật là sốt sắng. Cuối lễ ông chủ tịch HĐGX đọc lời chúc mừng ĐHY, Đức Cha Phụ tá, Quý Cha, Quý Tu sĩ, Thân nhân ĐHY và quý khách xa gần cùng dâng hoa lên hai Đức Cha. ĐHY rất cảm động, khi ban huấn từ Ngài đã nói: “Chức Hồng y cũng là quà tặng của Chúa, nhưng còn một thứ quà tặng cao trọng nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta, đó là Chúa tặng sự sống, sự sống làm người và được làm con cái Chúa ”.

Sau Thánh Lễ là phần tiệc mừng gồm 65 bàn do hai nhóm nấu ăn để đãi khách phương xa và địa phương. Dịp vui này có đầy đủ 6 anh em của ĐHY và bà con thân thuộc ở các nơi tụ họp về.

Chương trình tiếp theo là các Soeur và các BMCG xuống vỏ lãi để đi sang Nhà Thờ Cái Rắn nơi ngày trước ông bà nội và ông bà cố ĐHY đã sinh sống tại đó. Đến ấp Rạch Lùm A thì mọi người phải xuống hết để “vỏ lãi qua cầu” thì ra một bên là nước mặn, một bên là nước ngọt nên mới phải đắp bờ mà ngăn hai dòng nước, vì thế thuyền bè đều phải lên “cầu kéo” để sang bên kia. Lần đầu tiên chúng tôi được thấy sáng kiến của người dân U Minh. Thật đúng câu: “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Chúng tôi vào thị trấn và ghé thăm Giáo xứ Sông Đốc. Một gian nhà lá cũ kỹ trên nóc là Cây Thánh giá đơn sơ, đó là ngôi Nhà Thờ mà 1200 giáo dân ở nơi đây đã tụ họp bao năm nay, giờ đây Cha Phaolô Chánh xứ Quản Long đang xúc tiến việc xây nhà thờ ở bên cạnh, đây là ngôi Thánh đường thứ 5 mà trong 18 năm linh mục ngài đã phụ trách xây cất. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho Ngài để Ngài hoàn thành công việc nhà Chúa.

Chúng tôi còn được gặp Cha Giuse Nam, Trưởng ban Truyền giáo Hạt Cà Mau, hiện Cha đang trông coi Nhà thờ Bàu Sen và điều bất ngờ Cha cho biết là tại đây 27 năm nay chưa có điện nên mọi sinh hoạt đều rất là khó khăn, người dân lại nghèo nên rất là eo hẹp. Chị em chúng tôi tận mắt nhìn thấy những khó khăn của các Ngài và tự nhủ rằng, về thành phố sẽ kêu gọi mọi người rộng tay đóng góp để cánh đồng truyền giáo ngày càng phát triển và tươi tốt hơn.

Đoàn tiếp tục đến nhà thờ Cái Rắn. Thật bất ngờ khi biết đây là giang sơn của Cha Pio Ngô Công Hậu. Chị em chúng tôi đa số đã từng được đọc những bài văn hay, những cuốn sách độc đáo của cha, do đó các BMCG rủ nhau đi “xem mắt” người mình hằng ngưỡng mộ mà lâu nay chỉ nghe danh chứ “bất kiến kỳ hình” và thật là mãn nguyện khi cha tặng cho mỗi người một cuốn “Viết cho em” kèm theo chữ ký tặng của tác giả. Tối đến cha Piô còn cho chúng tôi một bữa cơm đặc sản tôm cá, vừa ăn vừa nhịp chân rộn rã (chả là muỗi Cà Mau sáp lá cà nếu không nhịp chân khua muỗi là “hiến máu nhân đạo” ngay).

Sau khi cơm nước xong, ĐHY dẫn nhóm chị em chúng tôi đến nơi ở của Ông Bà Nội và Cha Mẹ của Ngài, trong Đoàn có một cháu gái nhỏ tung tăng khoác tay Ngài đi trước, đơn sơ giản dị như 2 ông cháu dẫn đường cho chúng tôi. Đứng trước Nhà thờ Cái Rắn ngay tại con kinh dài 3000m do ông Cố của ĐHY đứng ra thuê người đào để cho người dân đi lại bằng ghe xuồng được dễ dàng thuận lợi. Ngài kể lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu, như một người cha thân mật với đàn con, cách nói chuyện dí dỏm, vui tính tạo nên sự gần gũi thân thương, dáng Ngài cao lớn, chúng tôi vây quanh Ngài với cảm giác được che chở thương yêu. Cha hào hứng kể chuyện, con say sưa lắng nghe; về đến sân Nhà Thờ rồi mà Cha con không nỡ rời nhau, lại ghé vào băng ghế đá trò chuyện tiếp, khi được hỏi về Bà Cố của Ngài, ĐHY ngậm ngùi nói:

Ngài có hai ấn tượng không thể quên về người mẹ của mình, một là lúc Ngài còn nhỏ đã có lần Ngài bị té xuống kinh, mẹ Ngài đã kịp thời vớt Ngài lên và Ngài thoát chết, hai là trong tiềm thức của Ngài khi nhớ về mẹ thì thấy rằng không hề bị bà cố lớn tiếng gắt gỏng hay la mắng bao giờ. Cảm động nhất khi Ngài kể đến điều này là từ khi ngài dâng mình cho Chúa thì bà nội và mẹ ngài ngày nào cũng đọc một chuỗi mân côi cầu nguyện cho Ngài và điều đó đã giúp ĐHY vững bước theo Chúa đến cùng.

ĐHY khuyên các bà mẹ siêng năng lần chuỗi Mân côi và cầu nguyện thật nhiều cho con cái của mình. Ngài nói với chị em chúng tôi về tấm ảnh có đôi bàn tay chắp lại cầu nguyện với ý nghĩa: “Tin tưởng và cầu nguyện thì có thể làm được những điều không có thể”. Hãy vững lòng tin vào Thiên Chúa và cầu nguyện luôn mãi.

Một buổi tối thật ngọt ngào và đầm ấm, thế mới biết ai cũng có 1 thời để nhớ, và cái thời để nhớ mang nhiều kỷ niệm vui buồn nhất bao giờ cũng là thời thơ ấu của chúng ta. Qua buổi tối “ ôn cố tri tân” với những câu chuyện ngày xưa của ĐHY các bà mẹ chúng tôi đã có được các bài học thật bổ ích.

Ngài trò chuyện đấy nhưng cũng là lời khuyên bảo đấy, ĐHY lấy chuyện của bản thân và gia đình Ngài mà cho chúng tôi những bài học sâu sắc, cầm thông.

Trời đã tối lắm rồi, chị em chúng tôi đành luyến tiếc chia tay để Ngài về nghỉ vì cả ngày ngồi ghe xuồng đi trên sông nước nên các chị em ai cũng có một giấc ngủ ngon lành. Riêng tôi, với cảm xúc dạt dào nên trằn trọc không sao ngủ được, không ngờ trong đơi tôi lại có hhững giờ phút được ở bên ĐHY trong tình cha con thật gần gũi và thân thương như vậy. Niềm hạnh phúc này là 1 dấu ấn khó quên và sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời...

Sáng thứ sáu 06.02.2004 tham dự Thánh Lễ xong đoàn từ giã Nhà Thờ Cái Rắn để chuẩn bị xuống “Hôbo” ( Ca nô chất lượng cao ) để đi tiếp cuộc hành trình. Đoàn đi 4 ca nô mỗi chiếc đều có Cha của xứ Cà Mau ngồi chung để dẫn đường. Các bà mẹ chưa đi ca nô bao giờ nên ai cũng chuẩn bị uống thuốc say sóng và bao bì. Nhưng thật là thú vị khi được lướt trên mặt nước để ngắm cảnh 2 bên bờ sông của Huyện Cái Nước. Với những hàng Cây Mắm bạt ngàn, đặc trưng của địa phương

Nắng bắt đầu lên. Anh lái tàu thương các bà các chị ở TP nên dừng canô lại kéo mui lên che nắng, thật là tấm lòng ưu ái và hiếu khách của dân nam bộ miệt sông nước. :

9h15 đến vùng Năm Căn đi vào cửa lớn ra biển. Với tốc độ 60 km/giờ mà phải mất 2 tiếng mới đến Mũi Cà Mau. Một cảm giác lâng lâng khó tả khi được đứng trên dải đất tận cùng của đất nước Việt Nam sau khi tham quan và chụp ảnh kỷ niệm, Đoàn lên canô đi tiếp.

Đúng ngọ Đoàn đến Họ đạo Kinh Nước Lên của Cha ĐaMinh Nguyễn Đức Mười, Cộng đoàn Giáo dân kéo chuông mừng đón ĐHY và Phái đoàn. Sau khi viếng Nhà Thờ Tạm ( vì Nhà Thờ đang xây dở dang ), Cha xứ mời Đoàn dùng cơm toàn là hải sản cao cấp do người dân tại đây nuôi và đánh bắt được. Cha con vui vẻ bên nhau trong bữa ăn ngon nhưng vội vàng vì còn phải về cho kịp. Chúng tôi lại lên canô. Trôi được một mẻ cười bể bụng khi một Cha phát giác ra mình cầm túi xách giống hệt mà lại là... của người khác. Thế là một cuộc truy tìm túi xách giữa các canô, may thay một thầy đang cầm túi xách của Cha mà cứ đinh ninh là của mình. Trao đổi xong, Ngài về lại canô của chúng tôi và chúng tôi lại được những trận cười vui vẻ. Trên đường về, đoàn ghé vào Nhà Thờ Kinh 3 là nơi dân Nam Định Bùi Chu từ bắc vào sinh sống với nghề nuôi tôm. Họ đạo mới thành lập hơn một năm nhưng đã thấy có được nề nếp. Canô còn đưa chúng tôi đi ngang nhà thờ Ao Kho, Đất Mới và đến thăm các xứ Hòa Trung, Hòa Thành là nơi chôn nhau cắt rốn của ĐHY.

4 giờ chiều Đoàn rời sông nước lên xe tại sân nhà thờ Bảo Lộc và từ giã TP Cà Mau để trở về. Lên xe ai cũng mệt nhừ nhưng vẫn cười nói vui vẻ vì đã được trải qua chuyến du lịch có một không hai này. Chị Hội trưởng còn ân cần tiếp tế nước uống và bánh kẹo cho mọi người bớt mệt mỏi sau mấy ngày chu du trên mặt nước mênh mông.

12 giờ đêm xe từ từ tiến vào sân nhà thờ Tân Định để Cha Tổng Giám đốc và các BMCG xuống xe. Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi được hít thở lại không khí quen thuộc của đất Sài Gòn.

Đêm yên tĩnh trôi qua cũng đã trôi đi những âu lo mệt nhọc của 3 ngày sống trên sông nước, nhưng chắc chắn là không ai trong chúng tôi lại không nhớ đến sự hiền hòa và lòng hiếu khách của những người Giáo dân Cà Mau. Và sẽ giữ cho mình những kỷ niệm hiếm có trong đời qua chuyến đi độc nhất vô nhị này.

Tạ ơn Chúa đã cho chúng con đi đến nơi về đến chốn bình an.

Têrêsa ĐÔ MAI PHÚC