Cà phê Chúa nhật: "Ông Cố Quang" và giáo xứ Hiền Phước

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 407 | Cập nhật lần cuối: 12/14/2019 10:37:17 PM | RSS

Dịp vào giúp thường huấn cho các tác viên mục vụ gia đình tại giáo phận Bà Rịa vào giữa tháng 6 vừa qua, mình đã ghé thăm một giáo xứ do một "ông cố" khai sinh và ông đã qua đời một tuần trước đó. Ông đã an bình ra đi sau khi đã được nhìn thấy kết quả của công việc mình làm như phần thưởng mà Chúa đã dành cho ông là “giáo họ của ông” đã được giáo quyền và chính quyền nhìn nhận như một giáo xứ với tên gọi là Hiền Phước.

Mình biết gia đình ông vào đầu thiên niên kỷ mới này qua người con gái của ông là một nữ tu trực nhà khách khi mình đến giúp một khoá học tại Hội Dòng kia. Qua câu chuyện, mình hỏi thăm về gia đình của chị mà biết được địa chỉ, nên một lần trên đường về Vũng tàu thăm gia đình chú em, mình đã ghé đến gia đinh của ông cố đặc biệt này. Thật là ấn tượng khi đến ngôi nhà của ông, một mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo, gian giữa một chiếc bàn thô sơ, gian bên phải chỉ một chiếc giường tre, gian bên trái làm bếp có một tổ mối đất cao, nền đất lồi lõm, tuy nhiên, mình cũng đã trãi chiếu nằm nghỉ sau bữa cơm trưa với gia đình ông; phía bên bên trái có mấy cái "lu" chứa nước với vài lá dừa che làm "nhà tắm", sau nhà cách xa chừng mươi mét có một hố vệ sinh với hai thanh gỗ và mấy lá dừa che chắn. Thường ngày sinh hoạt chỉ có hai ông bà, vì 4 người con đã lập gia đình, 5 người đi tu, chỉ cậu út đi học xa nhà.

Điều đáng kể ra ở đây là chính ông ngay từ khi mới đến định cư ở vùng đất này, ông đã vận động bà con làm một ngôi nhà nguyện bằng cây lá rất thô sơ ngay trên đất nhà của ông để làm nơi hôm sớm đọc kinh chung, vì ở đây có đến cả hằng trăm gia đình công giáo nhưng xa nhà thờ. Dù trong hoàn cảnh khó khăn và nhiều lần chính quyền đòi dẹp bỏ nhà nguyện ấy, nhưng ông vẫn cương quyết giữ làm nơi thờ phượng cho bà con trong thôn xóm. Một ông công an khu vực nay đã về hưu cho biết và kể công là đã “bảo kê” cho ông, vì thấy việc tốt lành của ông mỗi khi cấp trên nhắc đến việc dẹp bỏ.

Sau khi viếng thăm gia đình ông lần đầu ấy và chứng kiến tận mắt cuộc sống của gia đình ông cũng như công việc mà ông đang làm cho “giáo họ”, mình đã đi tìm gặp cha sở để đề nghị với ngài và với sự hợp tác của nhà Dòng tìm cách giúp gia đình ông có được một ngôi nhà cấp bốn và làm lại ngôi nhà nguyện cho xứng hợp hơn theo nhu cầu của bà con. Cha sở đã chấp thuận và cho lại sườn sắt của nhà thờ cũ của giáo xứ để làm nhà nguyện mới cho “giáo họ chưa có tên” này ngay trên đất của nhà ông. Ngôi nhà nguyện này vừa làm kịp để cử hành lễ kỷ niệm 50 thành hôn của hai ông bà vào năm 2002, đồng thời cũng mừng ngôi nhà mới của ông với sự tham dự của đông đảo bà con và chị em trong các Hội Dòng.

Được biết hai ông bà thành hôn vào cuối năm 1952, thì chỉ hơn một năm sau đã phải di cư từ Bắc vào Nam qua biến cố chia đôi Đất Nước vào năm 1954. Lúc đầu vào định cư tại Qui Nhơn, nơi ông bà sinh được hai người con nhưng cả hai đều qua đời chỉ sau một tháng; năm 1956 ông bà vào Cam ranh, thuộc xứ Hoà Yên, giáo phận Nha Trang, và nơi đây ông bà sinh hạ được 10 người con, 5 trai, 5 gái; năm 1985 ông bà mới vào vùng đất Lòng Thành này, cách nhà thờ Hiền Hoà chừng 3km. Một năm sau, 1986, một cô con gái vào dòng, rồi 1992 một cậu con trai đi tu, và tiếp đến thêm ba người con khác cùng đi tu trong nhiều Hội Dòng khác nhau. Thế là một nửa con cái sống ơn gọi gia đình và một nửa sống ơn gọi đời thánh hiến, hiện có 1 linh mục, 1 phó tế và 3 nữ tu đã khấn trọn.

Vào ngày 8 tháng 9 năm 2008, một cậu con trai được thụ phong linh mục thuộc giáo phận Xuân Lộc, và một tuần sau gia đình ông bà đã thuê một chiếc xe 16 chỗ đưa tất cả 10 người con về quê như để trình làng và "vinh quy bái tổ", trong khi dâu rể và các cháu chắt phải ở nhà, vì chưa có điều kiện để đi cùng. Trên đường ra Quảng Bình, xe đã ghé Sơn Quả để đón mình đi theo giảng lễ tạ ơn. Quê quán của ông bà là Cồn Sẻ, Quảng Bình. Muốn đến đây phải qua một chuyến phà. Từ bên này sông, chúng tôi đã thấy có rất nhiều cờ Toà Thánh với hàng chục chiếc xe hai bánh đón rước khi phà cập bến để đưa xe chúng tôi về nhà thờ thêm mấy cây số nữa. Lúc bấy giờ giáo xứ này cũng chưa có cha sở, vậy mà giáo dân, đa số sống bằng nghề đi biển, đã xây dựng được một ngôi nhà thờ khá khang trang. Họ đóng góp bằng cách mỗi chiếc ghe đi biển về thì chia thêm một phần lợi tức cho việc xây dựng nhà thờ và cứ thế mà chỉ một thời gian sau hai năm họ làm xong nhà thờ. Chúng tôi đã ở lại đây ba ngày để bà con nội ngoại gặp gỡ trong niềm vui của tình yêu gia đình. Một chuyến đi đầy ý nghĩa và xúc động, nhất là đối với ông bà cố Quang và các con.

Trở lại chuyện giáo xứ Hiền Phước, những năm gần đây giáo dân thêm đông, cha quản nhiệm mới với lòng nhiệt thành và với sự quảng đại của giáo dân, đã mua thêm được mấy lô đất phía trước nhà nguyện, vì ngài muốn nới rộng mặt bằng để làm nhà thờ sau này. Vì thế, "ông cố Quang" đã sẵn sàng hy sinh luôn cả ngôi nhà của mình sát cạnh nhà nguyện hiện nay để có thể làm nơi ở tạm thời cho cha sở. Để đáp trả lòng quảng đại của ông cố, cha quản nhiệm và giáo dân đã xây cho gia đình ông cố một ngôi nhà khác khang trang hơn cũng ngay trên đất của gia đình ông.

Cà phê Chúa nhật:

Chính trong ngôi nhà mới này, ông đã sống được một thời gian và rồi ông đã ra đi cách an bình như ông Simeon xưa, vì mắt ông đã nhìn thấy "Ơn Cứu Độ". Ông đã mãn nguyện khi giáo phận đã nâng giáo họ này lên hàng giáo xứ với ngôi nhà thờ tạm mà chính "ông cố Quang" ngay từ đầu đã vận động bà con góp công sức xây dựng, nhất là ông đã mãn nguyện vì đã dâng hiến 5 người con cho Giáo hội, mà chính Giáo hội địa phương, qua hai Đức cha đã đến tận nhà viếng thăm chúc lành cho ông như để nhìn nhận công lao của ông ở đời này. Nguyện xin Chúa thưởng công vô cùng cho ông cố Phêro trong Nước Trời.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ về bài học Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của con người. Các môn đệ phàn nàn việc mình bỏ mọi sự theo Thầy thì được cái gì. Ngài đã trả lời cách rõ ràng cho các ông biết rằng ai theo Ngài không những sẽ nhận được gấp trăm ngay đời này, mà còn được hạnh phúc Nước Trời làm gia nghiệp.

Nhớ 100 ngày ông cố qua đời (14/9/2019)

Augustino Dụ