Cà phê Chúa nhật: "PHIÊU"

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 712 | Cập nhật lần cuối: 11/29/2018 8:33:38 AM | RSS

Nhân bài Tin Mừng CN 30 TN (Mc 10, 46-52).

Nghĩ chơi về sự phiêu linh.

Khi còn mù, anh Bartimê lê lết ngồi xệt trên vệ đường, khư khư ôm chặt manh áo choàng cũ rách đầy bụi bẩn, như mỗi người vẫn ôm chặt cái tôi đủ thứ yêu ghét buồn vui mơ ước. Người Ấy đi qua. Gọi tên anh, làm anh sáng mắt. Anh đứng phắt dậy, đi theo. Cuộc đi này là cuộc "phiêu", lang bạt, không chỗ ngồi, không ngai toà, không vị trí. Như gió. Đi là đi. Về Không. Về cõi chết. Về sự tiêu tán thân tâm. Không chỗ về. Và ôm lấy tất cả trong tim mình.

Mấy hôm nay hay nghĩ ngợi về những ngai, những toà, những vỏ ốc, những vị trí, những võng lọng. Thường ai cũng kiếm tìm những thứ đó, nhất là những kẻ nhà tu. Không có những ngai toà cụ thể bên ngoài, thì những ngai toà hay vỏ ốc bên trong, là thái độ, lối nhìn, lối cư xử... Những thứ ấy lắm khi rất cao cả lớn lao. Buông xuống thì lấy gì mà sống, lại còn có thể là rơi vào sự tầm thường xấu xa!

Ông hoà thượng trên núi. Đến, ngồi xệt cha xuống đất, lê la cả ngày với đám khách khứa lạ hoắc lạ hơ. Thường các vị sư ông như thế, khách phải dập đầu lạy thấy cha thấy mẹ. Đón tiếp sư ông đến ban "pháp nhũ", thường phải có hương, có hoa, có lọng, có chuông rước ngài lên pháp toà. Đệ tử của ông, như cơn gió, chạy đó chạy đây, nấu nước pha trà, hì hục nấu cơm chay đãi khách.

Cung cách của mấy "thằng đệ" như thế này thì có thật "phiêu" chăng ? Tháng trước, lên Đà Lạt. Trời tối. Tưởng được vào nhà hàng rồi café riu riu sang trọng. Không! Tụi nó lôi ra bờ hồ như những tên du thủ, từ 8g tối đến 1g sáng, ngồi nghe nhạc ăn bắp nướng uống đậu nành. Hôm sau, lôi ông già lên đỉnh Lang Biang, ngồi trong cái chòi ọp ẹp đón mênh mông gió lộng. Thế thôi. Mà toàn là các "sư" không nhé. Cha đại sư, cha trung sư, cha tiểu sư, và có cả sự tham gia của mấy tiên sư. Tiên sư cha đủ cả!

Lần đi núi hôm kia cũng thế. Lẽ ra phải "phân định" thế đứng, vị trí, lập trường cho rõ ràng. Mấy cô Phật tử. Mấy ông trùm giáo xứ và các bậc giáo dân nghiêm túc. Các vị linh văn mục ngời ngời. Ông tiến sĩ ông kỹ sư cô nhà báo cô giảng viên cô sinh viên anh linh mục thì cũng lăn vào bếp, thì cũng coi nhau như bạn bè anh em. Giỡn đùa chọc ghẹo tưng chí mẹt, chẳng nhân danh gì, chẳng mưu cầu gì. Có sao thì sống thật với nhau. Cho dzui. Chao ôi. Chỉ cần sống với nhau sao cho dzui, thế thôi!

Như thế nên gọi là "phiêu", phiêu lãng phiêu linh như cơn gió. Tỳ kheo, du tăng khất sĩ, trong tinh thần có nghĩa là không bám trụ vào đâu, không trú dưới một mái nhà quá hai đêm. Đaminh, là dòng lang thang khất thực. Tính di động, tính "phiêu" của Dòng, trong tinh thần, là chẳng bao giờ khẳng định mình, chẳng xây hang ổ tinh thần cho mình. Cứ lên đường, cứ trên đường mãi thôi. "Cáo có hang, chim trời có tổ... ".

Thực ra thì càng phiêu, càng trên đường và lên đường, rất phiêu lãng phất phơ, vô trụ, thì trong tim, càng bừng bừng ngọn lửa. Cười cợt giỡn đùa và chẳng bao giờ khẳng định mình là thế này thế nọ, thì tim càng phải đầy lửa. Không có lửa thì chẳng bao giờ thực sự phiêu lãng thênh thang. "Gió muốn thổi đâu thì thổi".

Sáng nay, viết những dòng này, đặc biệt để tạ ơn thầy Thiện Sáng và cô Thích Nữ Hạnh Duyên. Không thấy hai thầy trò là những người "khác đạo", nhưng thực sự là những người đồng hành. Viết những dòng này, còn để cám ơn tiến sĩ Nguyễn Minh Cảnh, kỹ sư Đỗ Đăng, thạc sĩ Quách Thuyên Nhã Uyên, và tiểu cô nương Song Phương. Những vị này, vốn uy nghiêm lộng lẫy, nhưng đã rất chân thành thân ái xuống núi đi vào chút gió cát phiêu linh. Riêng đám Phiêu, nếu còn những manh giáp ẩn nấp nào, còn vỏ bọc bộ dạng khệnh khạng nào, còn dáng vẻ cha chú long trọng nào, thì xin Giêsu và Thánh Linh ngài đến, đập vỡ bố nó hết đi, tước manh áo choàng rách hôi rình cho tung vào gió lốc đi. "Áo thầy rách đã bao năm. Gió tung từng mảnh bay vồng lên mây".

Đặng San