Đức ái của Khiêm nhường

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1019 | Cập nhật lần cuối: 11/22/2018 6:27:16 PM | RSS

Bàn về chủ đề này, tôi hơi dè dặt. Vì đề tài có vẻ kém lôi cuốn so với những gì mà xã hội ngày nay quan tâm. Dù hạnh phúc là đích đến của mỗi con người trong mọi thời đại, nhưng không bao giờ có cùng một lối đi. Thậm chí, trong một cuộc đời, người ta có thể chuyển hướng nhiều lần theo thay đổi của nhận định trong từng thời điểm. Hôm nay tôi quan niệm hạnh phúc là có một người yêu mình. Ngày mai tôi lại thấy hạnh phúc là thoát khỏi cái người yêu ấy (?!). Cá nhân tôi không hiểu xã hội đã vận hành theo cách nào để đến ngày nay, nhiều bạn trẻ quan niệm hạnh phúc theo kiểu: có được những thứ mình muốn; sống không bị tổn thương, không bị thua thiệt... Cũng vậy, thành công là thỏa mãn những đòi hỏi của dư luận. Tất cả hầu như dẫn đến lối sống chai sạn, vị kỷ, phô trương...

Dù có chấp nhận hay không, chúng ta vẫn đang bị các xu hướng đó tác động. Hãy nghiêm chỉnh nhìn lại bản thân, để không phải rơi vào cái rỗng tuếch, hụt hẫng đằng sau hạnh phúc giả hiệu. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ mời bạn đến với một lối sống được xem là hạt mầm của thành công và hạnh phúc: Khiêm nhường.

BÀI HỌC VỀ KHIÊM NHƯỜNG

1/ Trong một buổi họp báo, khi trưởng khoa đến muộn, thầy trợ giảng Kevin đã đứng ra giải quyết mọi chuyện ổn thỏa với cánh phóng viên.

- Thầy trưởng khoa đang bận việc, quý vị có điều gì cứ trao đổi với tôi. Chi tiết buổi Hội thảo khoa học này tôi nắm rõ nhất!

Quả vậy, mọi việc từ đầu tới cuối đều do một tay thầy trợ giảng tổ chức. So với việc phỏng vấn trưởng khoa, thì phỏng vấn thầy trợ giảng sẽ nắm bắt được nhiều thông tin hơn.
Khi các phóng viên sắp rời đi thì trưởng khoa đến.

- Mong quý vị thứ lỗi, giữa đường bị kẹt xe nên tôi đến hơi muộn.

- Không sao đâu ạ! – Cánh phóng viên đồng thanh đáp – Thầy trợ giảng Kevin đã trao đổi với chúng tôi rất tường tận về buổi họp báo này...

2/ Jane tức tối nói với Micheal:

- Hôm nay anh thật làm em mất mặt!

- Anh và giám đốc sở bên anh đến tham quan công ty bên em, tại sao lại khiến em mất mặt? – Micheal ngớ người ra – Chính vì anh là người có năng lực trong cơ qua nên sếp mới yêu cầu anh tháp tùng chuyến đi này chứ? Hơn nữa, em thử nghĩ xem, giám đốc sở không đến tham quan công ty khác mà lại qua công ty em, chẳng phải cũng là do một phần tác động của anh sao? – Micheal cũng bắt đầu nóng lên – Công ty em nếu nhận được đơn đặt hàng bên anh, mọi người phải cám ơn chúng ta mới đúng, tại sao lại nói anh làm cho em mất mặt?
- Tất nhiên mất mặt! Khi các anh chưa đến, em đã nói với mọi người rằng anh là bạn cùng khoa với em, là một sinh viên tài năng và cũng là chuyên gia về lĩnh vực này...

- Em nói đâu có sai?

- Sai bét cả! Anh thì đứng bên giám đốc sở của anh, có ai hỏi gì thì anh cũng làm ra vẻ lúng túng, rõ ràng anh biết rất rõ chức năng của dòng máy đó và có thể giới thiệu cho sếp anh biết. Tại sao anh biết mà không nói, còn không ngừng hỏi ý kiến sếp anh nữa? Ông ta biết con khỉ gì!

- Ông ta biết con khỉ gì à? – Micheal đột nhiên dừng lại và phì cười – chuyên ngành ông ta là về cơ khí đấy! Tuy không còn theo kịp kỹ nghệ mới nhất nữa, nhưng ông ta vẫn là giám đốc sở của anh chứ!

Và đây là đoạn kết:

1/ Trợ giảng Kevin muốn thi nghiên cứu sinh vào viện nghiên cứu ở trường mình, nhưng lại không đạt, chịu không nổi dư luận trong khoa, anh đã đi du học tự túc.

2/ Công ty của Jane quả nhiên giành được đơn đặt hàng của sở, Micheal thì chẳng bao lâu đã được cất nhắc lên chức phó giám đốc sở.

Hai mẩu truyện trên có gợi lên trong bạn điều gì chưa?

Chúng ta hãy khoan nói đến động cơ và tính chân thật trong cách hành xử của Kevin và Micheal, nhưng hãy nhìn vào kết quả mà đưa ra nhận định. Rõ ràng với sự khiêm nhường tế nhị, Micheal đã thành công. Còn kevin, vì tỏ ra “đúng với sự thật” anh đã vấp phải thất bại to lớn trên con đường sự nghiệp của mình. Giờ đây, chúng ta hãy đến với vấn đề đầu tiên:

ÍCH LỢI CỦA SỰ KHIÊM NHƯỜNG

Nếu không đọc chen ngang đoạn này, thì bạn vừa tìm được câu trả lời rồi đấy! Khiêm nhường là một lối sống khôn ngoan.

Ai cũng có cái tôi của mình để có thể bị động chạm, bị tổn thương. Ai cũng biết điều đó và ra sức bảo vệ nó bằng cách này hay cách khác; và nhiều cách trong số đó lại chạm đến cái tôi của người khác. Thất bại của Kevin và thành công của Micheal đều ở điểm chạm đến cái tôi của sếp. Kevin vô tình hạ giá nó còn Micheal thì đề cao nó. Bạn có hơi bất bình về vấn đề này không? Rõ ràng Kevin chỉ thể hiện đúng bản thân mình. Mọi trợ tá đều làm hết công việc của thủ trưởng để rồi danh dự thuộc về thủ trưởng. Bất công không? Về phía Micheal, anh thật tôn trọng cấp trên hay đó là một chiêu thức lấy lòng? Không ai biết được! Nhưng bạn ơi, bạn đang sống trong một xã hội như thế đấy! Công bằng (theo định nghĩa của bạn) không bao giờ được đáp thỏa. Hãy lấy điều này làm an ủi: Trưởng khoa của Kevin cũng từng làm trợ giảng và xử lý hết mọi công việc của sếp mình đó chứ. Và giám đốc của Micheal trước khi chuyển lên cấp quản lý cũng từng sành sỏi chuyên môn và chịu lu mờ bởi sếp mình. Biết đâu được?

Cổ nhân có dạy rằng: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống”. Bạn có nghĩ khiêm nhường là một thái độ biết mình? Tôi thì cho rằng đúng như thế. Ở đây tôi muốn nói đến sự khiêm nhường đích thực, không phải nhún nhường xu nịnh, khiêm nhường để được đề cao, cũng không phải tự ti mặc cảm... Khiêm nhường đích thực là trở về với thực tại của mình, lui khỏi đòi hỏi tâng bốc của tính tự ái. Sự ái kỷ như một bức tường chắn trước mắt, bạn phải lui một bước mới có thể thấy trời cao biển rộng, và biết được mình bé nhỏ dường nào.

Nói về mình, bộc lộ mình, thậm chí phô diễn mình, hầu như ai cũng có nhu cầu. Bạn nhớ nhé: “ai cũng có”. Tức là khi bạn có, người ta cũng có. Và khi bạn thỏa thích làm điều đó, thì người ta không vui đâu vì họ bị “mất đất diễn”. Tôi đang dùng những từ ngữ khá cường điệu để thu hút sự chú ý của bạn thôi. Thực tế không rành rành như vậy, cuộc sống nhập nhằng và phức tạp hơn nhiều. Hãy suy tư về điều này và tự trải nghiệm, bạn sẽ có những gặt hái bất ngờ.

Bạn có từng nghe người ta ví đức khiêm nhường như nền móng của một ngôi nhà? Nhà bạn xây có thể cao bao nhiêu rộng bao nhiêu đều hệ ở nền móng vững chắc bao nhiêu. Nhưng khi công trình hoàn tất, chả ai thấy cái móng của nó cả, người ta nhìn kiến trúc, nội thất... mà tán dương, còn toàn bộ nền móng thì đã bị chôn sâu dưới đất. Đức khiêm nhường quả là như vậy đấy. Lặng thầm làm việc mà không đòi trả công, không đòi đáp thỏa một tí lòng riêng có thể nói là đỉnh cao của đức khiêm nhường.

Tôi đã đưa bạn đi quá xa chiều hướng phát triển của xã hội đương đại. Bạn có cho là khiêm nhường kiểu đó thật dở hơi và ngu xuẩn không? Sao tự dưng lại dốc sức cách không không? Hãy nghĩ lại xem một con gà vì sao phải ấp lũ trứng của nó dưới cánh, để rồi trứng hay gà con đều bị lấy đi mà bản thân nó cũng có ngày lên thớt; một người mẹ vì sao phải tần tảo chăm lo con cái suốt đời, dù có bị chúng ngược đãi thế nào; một người vợ vì sao phải chịu đựng tính cờ bạc, rượu chè, trăng hoa của chồng mà không ký phứt tờ đơn ly hôn?...

Đức ái của Khiêm nhường

Nếu mọi đáp án quyền lợi đều không có, thì chỉ còn tình yêu. Tình yêu là nguồn động lực dai dẳng nhất để chúng ta duy trì mọi việc cách hết sức có thể. Khi đầu óc bị chiếm trọn bởi tình yêu, mọi hành xử được điều khiển theo bản năng, không còn chỗ cho tính toán được mất xen vào. Khi đó bạn cũng không thấy vất vả lắm đâu.

Bạn có nhớ câu chuyện một chị nữ tu đến gặp cha thánh Francois de Sale hỏi về đức khiêm nhường và tình yêu? Cha đã nói thế này: “Con muốn đạt tình yêu bằng khiêm nhường ư? Phần cha, cha lại nghĩ đạt khiêm nhường bằng tình yêu”. Nói đến đây lại phát sinh một vấn đề nữa:

THẾ NÀO LÀ TÌNH YÊU?

Trong tác phẩm Con đường chẳng mấy ai đi, bác sĩ tâm lý Morgan Scott Peck đã định nghĩa tương đối tình yêu như sau: “Tình yêu là ý chí mở rộng bản ngã ra để cho chính mình hay người khác được trưởng thành hơn về mặt tinh thần”. Đừng đặt câu hỏi đúng hay sai cho khái niệm về tình yêu của Morgan, hãy chỉ nhìn nó dưới góc độ tham khảo, tức là thử chấp nhận để khám phá ra thông điệp của nó.

Trong khi tình yêu thường được hiểu như những rung cảm sâu xa nhất của trái tim thì bác sĩ Morgan lại đưa nó lên tầm ý chí của não bộ. Ông phân biệt có cơ sở khoa học giữa tình yêu với ước muốn yêu, phải lòng, dục cảm, ảo tưởng yêu... Bản chất tình yêu là một sự vận động thăng tiến không ngừng. Tình yêu không bao hàm sự thất bại trong đó. Trái lại, tình yêu luôn có sức an ủi, và luôn chiến thắng trong mọi hoàn cảnh.

Lấy ví dụ về biểu tượng tình yêu vĩ đại nhất mà tôi được biết: Thập giá Chúa Kitô. Một số triết gia ngoại giáo hay vô thần đều xem đó là một sự thất bại thảm hại kỳ lạ. Cái chết ô nhục ấy có gì đáng sùng bái? Bỏ qua việc họ không hiểu gì về sự Phục Sinh, chỉ dừng lại ở cuộc Tử Nạn thôi cũng chưa ai khám phá trọn vẹn Mầu nhiệm Tình yêu ẩn sâu trong đó. Đức Kitô đã trút hơi trên thập giá, nhưng tình yêu lại chiến thắng. Bằng chứng là đây: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 43)

Nếu bạn từng có trải nghiệm yêu, và cảm thấy chán nản, thất vọng hay tổn thương vì không được đáp thỏa, hãy nhìn lại thứ “tình yêu” đó. Có chăng tồn tại một sự nhầm lẫn khiến bạn trượt dài trên con đường tìm kiếm hạnh phúc vô vọng?

Về điểm này, thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu đã ứng dụng triệt để. Trong tình yêu với Chúa Giêsu, chị thánh đã sung sướng vì không được an ủi vỗ về, và khuyên chúng ta đừng dính bén với những ơn như thế, để chỉ gắn bó với một mình Chúa thôi. Vì chị phát hiện ra rằng: trong tình yêu khả giác (dễ dàng cảm nhận được bằng ngọt ngào âu yếm) thường có lẫn tự ái. Tự ái là yêu mình, và theo chị: “Khi người ta bắt đầu tìm kiếm mình, thì người ta hết yêu”.

Tóm lại, tình yêu được ví như hạt giống trổ sinh mọi nhân đức, như thần dược phục hồi mọi tổn thương, như nguồn lực đánh tan mọi yếu đuối. Tình yêu phủ trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống. Khi làm việc gì vắng bóng tình yêu, sớm muộn bạn sẽ gánh chịu hậu quả do nó mang lại.
Mối dây liên kết giữa tình yêu và đức khiêm nhường chính là sự nhận biết mình, để bản thân được trưởng thành và mọi hệ lụy được thăng tiến.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao nặng nề. Nhưng một đêm kia trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng!”. Tôi choàng tỉnh giấc, ngẫm nghĩ về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. “Đừng tự xem mình là quan trọng!”. Và thực sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng”.

Mỗi chúng ta đều đang trên đường hướng tới bậc trọn hảo. Vì thế, xin thứ lỗi cho tôi, tôi không thể nói hơn được nữa. Mọi phân tích, nghị luận về tình yêu thật như trêu đùa với mầu nhiệm; mọi cố gắng biểu đạt, chứng minh về đức khiêm nhường sẽ trở nên lố bịch nếu tôi tiếp tục dài dòng vượt quá thực tại của tôi. Và mối liên kết huyền diệu giữa Tình yêu và Khiêm nhường, xin dành lại cho bạn tự khám phá.

Thu Anh