Một linh mục lạ thường!

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 388 | Cập nhật lần cuối: 2/29/2020 6:38:40 AM | RSS

Giới thiệu: Một trong những vấn đề được bàn đến trong Thượng Hội Đồng vùng Amazon, và gây ra nhiều phản ứng khác nhau trong lòng Giáo Hội thời gian vừa qua, là câu hỏi: liệu có nên truyền chức linh mục cho một số người đã có gia đình và có đời sống đạo đức xứng hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu mục vụ cấp thiết của một số vùng xa xôi hẻo lánh trên thế giới? Những người bình dân thường diễn lại câu hỏi này cách khái quát và sai lạc, theo kiểu: Giáo Hội đang bàn coi liệu linh mục có được lấy vợ không! Thật ra, là linh mục rồi, nghĩa là đã là một người được thánh hiến cho Chúa rồi, dù là trong Giáo Hội Công Giáo Phương Tây hay Phương Đông, thì làm gì có chuyện “được phép lấy vợ” nữa, trừ trường hợp người ấy muốn từ bỏ con đường ơn gọi của mình!

Điều đang được cân nhắc ở đây là: trong những hoàn cảnh đặc biệt, liệu có thể truyền chức linh mục cho những người đã có gia đình (những người này đã lập gia đình với tư cách là giáo dân), có đời sống xứng hợp, vì nhu cầu của dân Chúa không? Luật độc thân trong đời sống linh mục của Giáo Hội Công Giáo Roma còn có giá trị đặc biệt gì không? Xin giới thiệu với quý vị độc giả bài chia sẻ và suy tư của một chứng nhân trực tiếp: Một linh mục Anh Giáo đã có gia đình, được ơn trở lại đạo và được làm Linh mục trong Giáo hội Công Giáo.

(Lời giới thiệu và tiêu đề là của người dịch)

MỘT LINH MỤC LẠ THƯỜNG

Vợ chồng tôi có bốn đứa con. Đứa lớn nhất chưa tới 7 tuổi. Gia đình tôi là một gia đình ồn ào, lúc nào cũng đầy tiếng chạy nhảy hét hò của trẻ con. Ý tôi muốn nói, đây là một gia đình đầy niềm vui và hạnh phúc. Mọi thứ cứ lớn dần và sinh sôi nảy nở theo thời gian.

Trong căn nhà nhỏ của mình, sở thích của tôi những lúc có thời gian rảnh là được lăn lê bò lết trên sàn nhà. Các bậc làm cha mẹ chắc hiểu ý tôi muốn nói gì. Tôi có một gia đình rất bình thường. À không, bình thường theo nghĩa tương đối thôi! Gia đình này vắt kiệt sức của tôi, nhưng cũng ban cho tôi nguồn năng lượng như vô tận. Tôi chẳng bao giờ đánh đổi gia đình mình với bất cứ điều gì, dù điều đó có quý giá đến đâu. Gia đình này là ân sủng đã đào luyện nên con người của tôi.

Nhưng đây là điều dị thường: tôi là một linh mục Công Giáo. Các bạn biết đó, linh mục Công Giáo là những người sống độc thân.

Để tôi dẫn các bạn vào câu chuyện của tôi.

ĐỘC THÂN HAY LẬP GIA ĐÌNH?

Luật độc thân linh mục khởi đầu từ một truyền thống lâu đời. Việc thực hành sống đời độc thân bắt nguồn từ rất xa xưa, từ buổi khởi đầu của Ki-tô giáo, với các vị đan sĩ và ẩn tu. Những người này chọn sống đời khổ hạnh trong các vùng sa mạc của Ai-cập và Sy-ria. Đối với các linh mục thuộc về Giáo Hội Công Giáo Tây Phương, độc thân trở thành một luật buộc bắt đầu từ thế kỷ thứ XII. Tuy nhiên, việc thực hành đời sống độc thân và việc yêu quý giá trị đời sống này thực ra đã có từ rất lâu. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ IV, thánh Am-brô-siô, Tổng Giám Mục thành Milan đã viết thế này: Các linh mục đã có gia đình là trường hợp chỉ gặp ở những vùng xa xôi hẻo lánh thôi, chứ không có ở Roma và Milan.

Tuy nhiên, dòng lịch sử của Giáo Hội cho thấy luôn có những luật trừ vì những lý do tốt lành, chẳng hạn như vì sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu. Đã có nhiều trường hợp các linh mục đã lập gia đình thuộc Giáo Hội Đông Phương trở lại và được làm linh mục trong Giáo Hội Tây Phương. Tôi cũng là một trường hợp ngoại lệ. Tôi đã là một linh mục thuộc Anh Giáo. Tôi trở lại Công Giáo, và được làm một linh mục Công Giáo. Ân huệ này là một ngoại lệ, đến từ “điều khoản mục vụ” được ban hành bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II vào năm 1980. Điều khoản này cho phép những người như tôi, những linh mục Anh giáo đã có gia đình, trở lại và được chịu chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Dĩ nhiên, những người này cần phải được miễn chuẩn giữ luật độc thân. Một thí dụ khác là việc Đức Giáo Hoàng Biển Đức ban hành sắc lệnh thành lập một Giáo Hạt tòng nhân cho những anh chị em Anh Giáo tại Mỹ năm 2012, hầu mở ra một con đường con các cộng đoàn Anh Giáo trở về với Công Giáo. Các linh mục Anh Giáo thuộc những cộng đoàn này cũng nhận được miễn chuẩn về việc giữ luật độc thân.

Nhưng như tôi đã nói, những ngoại lệ này đều hướng đến một mục đích cao cả hơn, là sự hợp nhất Giáo Hội. Đức Giêsu đã cầu nguyện để những kẻ tin mình luôn nên một. Những ngoại lệ như thế không phải là dấu hiệu rằng luật độc thân linh mục có từ lâu đời trong Giáo Hội Công Giáo đã bị sửa đổi.

LINH MỤC CÓ GIA ĐÌNH?

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi, một linh mục đã có gia đình, lên tiếng ủng hộ về luật độc thân của Giáo Hội Công Giáo. Nhiều linh mục đã có gia đình như tôi cũng nghĩ như vậy. Chúng tôi đều không cho rằng Giáo Hội Công Giáo nên thay đổi luật độc thân linh mục. Trường hợp của chúng tôi là trường hợp dị thường.

Nhiều khi người khác nhìn vào chúng tôi như thể họ đang xem một cuộc triển lãm lạ lùng. Tôi nhớ lại kỷ niệm mấy năm trước, khi tôi dâng lễ trong Đền Thờ Thánh Phê-rô ở Roma. Trên mình mặc đồ linh mục, tôi tự tay đẩy chiếc xe đẩy trong đó có đứa con trai đầu lòng của tôi. Cậu bé lúc ấy đang bị gãy chân, và vợ tôi thì đang bận bịu với đứa con nhỏ. Khi tôi đi trong Đền Thờ Thánh Phê-rô, mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt hình chữ O và khuôn miệng hình chữ A. Cũng hiểu được thôi, vì họ nhìn thấy một điều dị thường.

Trong Giáo xứ của tôi cũng vậy, mỗi lần có du khách đến viếng thăm, họ thường ngượng ngập nhìn tôi, rồi hỏi đầy tò mò và thắc mắc: “mấy nhóc này là con của Cha thiệt hả?”. Dĩ nhiên, họ hỏi bằng giọng thì thào thôi, như thể họ đang nhìn thấy điều gì đó kỳ dị và tai tiếng. Trong khi đó, mấy đứa nhóc con tôi thì cứ tung tăng chạy nhảy và trốn vào trong áo của tôi, như thể điều gì đó vô cùng bình thường và tự nhiên.

Tôi không lạ khi nhiều người nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ. Không sao. Quan trọng là tôi hạnh phúc với cuộc đời và ơn gọi của mình. Đó là cuộc sống của gia đình chúng tôi: tôi, linh mục Whitfield, và vợ tôi là Alli, và những đứa trẻ. Một gia đình Công Giáo hiện đại, bình thường, và đầy niềm vui.

TÔI ỦNG HỘ LUẬT ĐỘC THÂN LINH MỤC

Dĩ nhiên, đằng sau điều mà tôi gọi là đầy niềm vui và hạnh phúc, vẫn có bóng dáng của những thành kiến làm tôi buồn và đôi khi thấy thất vọng. Có một số ít người, may là ít thôi, từ chối chấp nhận tôi. Những người theo chủ nghĩa duy truyền thống cực đoan và cứng cỏi nhìn tôi như một trường hợp “dị giáo” và phản bội truyền thống của Giáo Hội. Họ cho rằng mình biết rõ về truyền thống Giáo Hội hơn ai khác, hơn cả truyền thống của Giáo Hội. Với những lời gièm pha và chỉ trích của họ, tôi chỉ có thể cười. Tôi thường nói với họ: nếu họ muốn tranh cãi thì nên tới mà nói với Đức Giáo Hoàng, chứ sao lại gây sự với tôi!

Cũng có nhiều người ủng hộ tôi. Họ nhìn tôi như là tác nhân của một cuộc đổi mới trong Giáo Hội, như là dấu hiệu tiên báo về một Giáo Hội mới, hiện đại hơn và sáng suốt hơn. Họ thường giả định rằng, tôi, một linh mục đã có gia đình, đương nhiên sẽ ủng hộ việc truyền chức linh mục cho những người đã có gia đình, và dĩ nhiên chắc tôi cũng sẽ mở đường cho những đổi mới và cải tổ khác! Chỉ là giả định thôi! Và những giả định này không đúng, không tốt!

Giáo dân, những người thường không hiểu hết đòi hỏi và khó khăn của đời sống linh mục, cũng giống như một số linh mục không hiểu hết những đòi hỏi và khó khăn của đời sống gia đình, cả hai có khi lại cho rằng bình thường hoá việc truyền chức linh mục cho những người đã có gia đình sẽ mang đến một thời đại mới và tốt hơn cho Giáo Hội! Thật ra đây là những giả định không có cơ sở. Thử nghĩ đến các Giáo Hội Tin Lành xem, họ vẫn thường ở trong tình trạng thiếu hụt các mục sư, mặc dù mục sư của họ là những người được phép có gia đình. Đâu chắc chuyện “cho phép lập gia đình” sẽ có thể làm cho các cộng đoàn và Giáo Hội phát triển và lớn lên!

Quan trọng hơn hết, những người đòi thay đổi luật độc thân linh mục thường quên mất điều mà Giáo Hội vẫn gọi là “những hoa trái thiêng liêng” của đời sống độc thân. Điều ấy nghe có vẻ khó hiểu trong thời đại tự do và thiên chiều về xác thịt như ngày nay. Nhưng dù sao đi nữa, đời sống độc thân vẫn là nguồn sống thiết yếu trong nhịp sống của Giáo Hội. Tôi không phủ nhận rằng việc làm một người có đời sống gia đình giúp cho tôi rất nhiều trong thiên chức linh mục. Trực giác, sự nhẫn nại và dễ thương của một người cha và người chồng trong gia đình đôi khi trở thành lợi điểm của tôi trong cách làm một ông Cha đạo. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là luật độc thân linh mục có vấn đề! Cũng đâu có nghĩa là những linh mục không lập gia đình thì sẽ không có được trực giác mục vụ hay sự dễ thương và lòng nhẫn nại! Với tôi, điều thật sự quan trọng chính là đời sống thánh thiện, chứ không phải việc lập gia đình hay sống độc thân.

Ngoài ra, người ta tranh luận đủ điều trong những trường hợp như của tôi, nhưng chừng như lại quên mất lý do thật sự của việc những người như tôi được trở thành linh mục Công Giáo, lý do mà Giáo Hội Công Giáo đôi khi cho phép những người đã có gia đình được chịu chức linh mục. Đó chính là sự hiệp nhất của Giáo Hội, sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu.

Khi các bạn nhìn thấy những linh mục như trường hợp của tôi, xin hãy nghĩ đến những hy sinh đằng sau chọn lựa của họ. Xin hãy nghĩ đến sự hiệp nhất trong đa dạng của các Ki-tô hữu. Đừng nghĩ đến sự thay đổi hay sửa đổi. Tôi thật sự ước mong người ta nghĩ được như thế khi nhìn vào gia đình của tôi. Chúng tôi trở lại đạo Công Giáo bởi vì tôi và vợ tôi đều tin rằng Giáo Hội Công Giáo là con đường đúng đắn và trọn vẹn nhất của Ki-tô Giáo. Bước theo niềm tin ấy có nghĩa là chúng tôi đã phải từ bỏ mọi thứ, từ bỏ cuộc đời mà chúng tôi đã vốn có, từ bỏ mọi điều mà tôi biết như là một tín hữu Anh Giáo. Khi chúng tôi quyết định trở lại đạo Công Giáo, lúc ấy vợ tôi chỉ vừa mới mang thai đứa con đầu lòng…

LINH MỤC CÓ GIA ĐÌNH VÀ VIỆC HIỆP NHẤT TRONG GIÁO HỘI

Vì giá trị hiệp nhất, Giáo Hội Công Giáo đôi khi cho phép có những luật trừ đối với những điều khoản luật lệ của mình. Trong trường hợp của tôi, ấy là luật độc thân. Chúng tôi không phải là những bài toán thử mà Vatican muốn thực hiện để xét xem chuyện linh mục có gia đình liệu có ổn không. Đúng hơn, chúng tôi là chứng nhân của lòng bao dung và khát mong hiệp nhất của Giáo hội. Đây mới thực là điều mà chúng tôi, những linh mục có gia đình, ước mong mọi người nghĩ đến khi nhìn vào chúng tôi. Hãy nhìn vào khát mong hiệp nhất và lòng bao dung của Giáo Hội, một Giáo Hội Công Giáo mà chúng tôi yêu mến và sẵn sàng hy sinh vì Giáo Hội ấy.

Các bạn thử nghĩ đến chuyện cả gia đình chúng tôi lúc nào cũng bận rộn với chuyện của giáo xứ. Chúng tôi bận rộn đến độ không thể nào bận rộn hơn. Có những lúc mệt và đuối vô cùng. Nhưng chúng tôi cũng hạnh phúc hơn lúc nào hết. Chúng tôi dính chùm với nhau trong nhịp xoay của công việc giáo xứ. Cuộc sống của chúng tôi đầy niềm vui. Thứ nhất, vì chúng tôi được phục vụ trong một giáo xứ đầy niềm vui. Thứ hai, vì chúng tôi thuộc về một Giáo Hội mà chúng tôi tin, chúng tôi yêu mến, chứ không phải một Giáo Hội mà chúng tôi muốn phải thay đổi.

Như thế, với lòng yêu mến Giáo Hội, tôi không thấy có gì mâu thuẫn giữa việc ngưỡng mộ và yêu mến truyền thống của Giáo Hội về luật độc thân linh mục với chuyện tôi là một linh mục có gia đình. Như Thánh Tô-ma Aquinô đã nói, Giáo Hội circumdata varietate, được bao bọc với những khác biệt, tôi thấy những khác biệt của Giáo Hội được bao bọc bởi đức ái và sự thật. Tôi tin rằng chỉ những người tín hữu thật sự mới có thể nhìn thấy Giáo Hội ấy cách rõ nét.

Giả như mai này Giáo Hội có thay đổi những khoản luật của mình, ngược lại với điều mà tôi đã viết, thì cũng không sao! Đơn giản lắm, vì tôi yêu mến Giáo Hội. Và tôi thật sự tin Giáo Hội có lý do để thay đổi. Tôi không muốn phán xét Giáo Hội dựa trên ý kiến của nhiều người hoặc chỉ dựa trên ý kiến của cá nhân tôi. Đúng hơn, tôi luôn muốn phán xét ý kiến của nhiều người và của chính cá nhân tôi dưới ánh sáng những giáo huấn của Giáo Hội. Điều tôi muốn dành cho Giáo Hội là sự vâng phục của chính tôi, điều nghe có vẻ lạ kỳ và khó hiểu với con người ngày nay.

Kết quả hình ảnh cho priest jesus

Vậy đó, đó là cuộc sống của tôi, gia đình ông cha Whitfield: ồn ào, phức tạp, nhưng là một gia đình Công Giáo hạnh phúc. Lâu lâu chúng tôi lại được (hoặc bị) báo chí nhắc tới. Cũng thường thôi. Bởi đó là cuộc sống và ơn gọi của chúng tôi. Đó là một cuộc sống đầy ý nghĩa. Đúng hơn, chính Giáo Hội Công Giáo làm cho cuộc sống ấy trở nên đầy ý nghĩa!

Joshua J. Whitfield

Lược dịch: Cao Gia An, S.J.

Nguồn: Reality

Trích đăng từ dongten.net