Như một tiếng nói nội tâm

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 711 | Cập nhật lần cuối: 6/30/2018 11:26:55 PM | RSS

Như một tiếng nói nội tâmĐể cầu nguyện, Thiên Chúa không đòi hỏi những việc phi thường hay lạ lùng, cũng chẳng đòi hỏi những cố gắng siêu phàm. Trong lịch sử các Kitô hữu, biết bao tín hữu đã sống tận nguồn đức tin qua một sự cầu nguyện nhiều khi rất nghèo nàn về ngôn từ.

Bạn có cảm thấy như bất lực đứng trước thực tại của sự cầu nguyện, một thực tại mà lúc đầu như vượt quá khả năng bạn? Thời đầu Giáo hội cũng thế thôi. Tông đồ Phaolô đã viết: “Chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào…” Người viết tiếp: “… nhưng Thần Khí đến cứu giúp sự bất lực của chúng ta và cầu nguyện trong ta”. Tâm hồn bạn khó khăn lắm mới hiểu được, nhưng Thần Khí Chúa luôn luôn hoạt động bên trong bạn.

Bạn khao khát cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng bạn lại có cảm tưởng như Người vắng mặt. Cách đây bảy trăm năm, một người Kitô hữu có tên là thầy Eckhart nhắc nhở điều này: “Hướng về Thiên Chúa… không có nghĩa là luôn luôn nghĩ về Thiên Chúa. Suy nghĩ luôn luôn về Thiên Chúa là điều không thể thực hiện được đối với bản tính con người, đàng khác, như vậy là tốt hơn. Hữu thể con người không thể chỉ bằng lòng với một Thiên Chúa mà nó suy nghĩ tới. Bởi vì nếu thế, thì khi tư tưởng biến mất, Thiên Chúa cũng biến luôn… Nhưng Thiên Chúa ở bên kia tư tưởng của con người. Thực tại Thiên Chúa không bao giờ biến mất”.

Một lời cầu nguyện đơn sơ, tựa như tiếng thở dài nhè nhẹ, tựa như lời cầu nguyện của trẻ thơ, giữ bạn tỉnh thức. Thiên Chúa đã chẳng mạc khải cho những kẻ bé mọn, những người nghèo của Đức Kitô, điều mà những kẻ quyền thế trong thế gian này khó lòng hiểu nổi?

Đối với một số người, việc cầu nguyện đòi hỏi rất nhiều lời để diễn tả được những gì đầy ắp trong tâm hồn. Nhưng phải chăng tốt hơn là nói lên trong cô độc? Diễn tả trước sự hiện diện của người khác, phải chăng là bắt buộc họ nghe điều mà đáng lẽ chỉ dành cho một mình Thiên Chúa nghe, trong sự kín đáo và tình thân mật?

Khi thánh tông đồ Phaolô mời gọi "cầu nguyện không ngừng”, điều đó không chỉ có nghĩa là cầu nguyện bằng lời nói. Sự cầu nguyện có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều! Lời nói chỉ là một phần nhỏ. Sự cầu nguyện có nhiều cách diễn tả, nhiều cử chỉ, chẳng hạn như làm dấu thánh giá, các kinh đọc, như kinh dâng mình; hay là như trong Tin Mừng của thánh Luca kể lại, sau khi Chúa Kitô về trời, các môn đệ phủ phục, sấp mình xuống đất.

Chúng ta chẳng biết rằng, một vài lối diễn tả lặp đi lặp lại, đã có thể nâng đỡ một đời sống nội tâm một cách tuyệt vời đó sao? Chẳng hạn như lời nguyện không ngừng gọi danh Chúa Giêsu, hay câu “Kinh mừng Maria đầy ơn phúc”. Có thể những lời đó có vẻ không tự phát, nhưng một ngày nào đó, những suối nguồn dạt dào sẽ phát sinh từ đấy.

Những thực tại Tin Mừng có thể thấm nhập vào trong bạn qua những bài ca đơn sơ, được hát đi hát lại: “Lạy Chúa Giêsu Kitô. Ánh sáng nội tâm, xin cho con được đón nhận tình yêu Chúa”. Khi bạn làm việc, khi bạn nghỉ ngơi, những tiếng hát đó vẫn vang lên trong lòng bạn.

Đôi khi cầu nguyện là một cuộc chiến đấu nội tâm, đôi khi cầu nguyện là một sự từ bỏ, phó thác trọn vẹn. Và vào một lúc nào đó, nó trở thành một sự nghỉ ngơi trong Chúa, trong sự im lặng, thế thôi. Và đó có lẽ lại là một trong những đỉnh cao của cầu nguyện đấy.

Lạy Chúa Giêsu, trong chúng con vọng lên một tiếng nói nội tâm, và tiếng nói ấy đã là lời cầu nguyện của chúng con. Nếu môi chúng con giữ im lặng, thì im chúng con nghe Chúa nói, và tim chúng con nói với Chúa. Đôi khi chúng con thật bất ngờ khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong chúng con, một sự hiện diện huyền diệu. Và Chúa, Đấng Phục sinh, Chúa nói với mỗi người: hãy phó thác hoàn toàn, giản dị thế thôi, cho sự sống của Thần Khí của Thầy trong con, chỉ cần một chút xíu lòng tin của con là đủ, Thầy sẽ không bỏ con bao giờ đâu, không bao giờ.

Sư huynh Roger

Mẹ Têrêxa – Sư Huynh Roger
Thiện Cẩm OP
(chuyển dịch)
Trích “Cầu nguyện: Dòng suối mát trong”, tr. 33-35