Những nhân đức đỡ nâng chúng ta trong thời khủng hoảng này

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 230 | Cập nhật lần cuối: 6/4/2020 2:15:08 PM | RSS

Thánh Carôlô Bôrômêô nhắc nhở chúng ta rằng, thời kỳ khủng hoảng là lúc để người Công giáo kết hợp thực sự với Chúa Kitô để chiếu sáng thế gian.

Trận đại dịch năm 1576 đã đe dọa thành phố Milan, phía bắc nước Ý, và cuối cùng cướp đi 25.000 sinh mạng. Chính quyền dân sự đã trốn khỏi thành phố vì sợ hãi. Tổng giám mục của Milan bấy giờ, thánh Carôlô Bôrômêô, đã tiếp quản và đảm bảo với dân thành rằng, ngài không bỏ rơi họ, và cùng với các linh mục từ các giáo xứ và dòng tu, bắt đầu quan tâm đến nhu cầu vật chất và tinh thần của dân chúng.

Ngài đã tổ chức các bệnh viện, chăm sóc trẻ mồ côi, và đem các bí tích cho những người bị cách ly trong nhà. Ngài đã nhờ các linh mục dâng thánh lễ tại các quảng trường công cộng và giữa đường phố, để mọi người có thể tham dự từ nhà của họ. Ngài đã bán đồ dùng cá nhân của mình và phần lớn ngân khố của giáo phận để nuôi người đói, lột bỏ những màn trướng để phủ che những người bất hạnh.

Là một mục tử nhân lành, ngài đã sẵn sàng liều mình để chăm sóc cả linh hồn và thể xác của những người được giao phó, và đã thuyết phục rất nhiều anh em linh mục cùng tham gia. Gợi lại cách Chúa Giêsu chết cho mỗi người trước, ngài nói với các anh em linh mục rằng: “Chúa Kitô không gửi tới, hay thậm chí là yêu cầu chúng ta sống cuộc sống đau thương này, nhưng chỉ vì chúng ta tự nguyện dâng hiến mạng sống mình trong sự hiểm nguy”. Ngài kêu mời anh em linh mục chú ý không chỉ vào những gì có thể giết chết cơ thể, như bệnh dịch hạch, mà còn cả những gì có thể gây hại cho linh hồn: “Những anh em chúng ta, với linh hồn sùng đạo, đang tiều tụy với khao khát về những điều thiêng liêng.”

Tuy nhiên, Ngài cũng lưu ý việc cung cấp những trợ thiêng liêng này không phải là việc dễ dàng: “Tôi cũng chắc rằng: nhiều người bệnh không cần sự trợ giúp thiêng liêng của chúng ta, sự giúp đỡ mà nếu không có, thì họ cũng sẽ không có niềm hy vọng của ơn cứu rỗi, nhưng thật sự các công việc phục vụ thiêng liêng của chúng ta là rất cần thiết... Bên cạnh đó, rõ ràng không thể chối cãi là tất cả chúng ta đều hiểu rằng [các bí tích] không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, mà còn cho người khỏe mạnh; và các bí tích không những mang lại sự ủi an phần xác, nhưng trên hết là cho phần rỗi linh hồn.”

Một hình ảnh tuyệt vời về thời điểm đó là cách ngài leo lên một ngọn núi xác chết, để giải tội và ban Của Ăn Đàng cho một người đàn ông đang thoi thóp, đã được người ta đặt trước ở trên đỉnh của đống xác chết ấy.

Lòng can đảm cùng với đức ái của ngài là mẫu gương cho Giáo hội và các nhà lãnh đạo Giáo hội trong mọi thời đại noi theo, đặc biệt là vào thời điểm khủng hoảng này. Khi tất cả chúng ta đang phải đối đầu với virus Corona, tất cả chúng ta đều có thể học được điều gì đó từ cách mà thánh Carôlô Bôrômêô đưa đức tin Công giáo vào trong hành động, trong những lúc khó khăn và nguy hiểm nhất.

Để trở nên can đảm như ngài, chúng ta cần có những nhân đức nào?

Tin

Nhân đức đầu tiên là đức tin, để nhận ra rằng Chúa Kitô, Đấng đã hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Hơn nữa, đức tin giúp chúng ta phó thác vào sự chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa. Có một sự cám dỗ, trong thời kỳ khủng hoảng, đó là cố gắng làm chủ ngay cả những thứ mà con người không thể làm chủ. Điều này đến từ một lối sống của chủ nghĩa vô thần thực tiễn, từ việc sống như thể Thiên Chúa không tồn tại hay không cần quan tâm. Đức tin truyền cảm hứng cho chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, nhưng bên cạnh đó, thay vì tách rời khỏi Thiên Chúa, thì chúng ta luôn ý thức rằng cuộc sống của chúng ta nằm trong bàn tay Thiên Chúa.

Khôn ngoan

Nhân đức thứ hai là khôn ngoan, giúp chúng ta phân định điều gì là tốt, trong từng hoàn cảnh, giữa muôn vàn điều tốt khác – nhằm chọn lựa những phương thế phù hợp để đạt được điều tốt đó. Sự khôn ngoan giúp chúng ta đặt ra một quy tắc hoặc biện pháp phù hợp, một điều gì đó tối cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng, khi những điều tốt nhất định có thể được nhấn mạnh quá mức, còn những điều tốt khác có thể bị lãng quên. Ông Aristotle và thánh Tôma Aquinô đã dạy rằng, nhân đức là điểm trung dung giữa hai thái cực, bất cập và thái quá. Chẳng hạn, lòng trắc ẩn nghĩa là điểm trung dung giữa sự vô cảm và đa cảm. Sự can đảm được tìm thấy giữa hai thái cực của sự hèn nhát và liều lĩnh.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự khôn ngoan giúp chúng ta thấy rằng “một sự đề phòng quá mức” không phải là nhân đức mà là một tật xấu. Sự khôn ngoan tập trung vào các biện pháp đề phòng chính đáng. Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể bỏ qua bổn phận nuôi dưỡng linh hồn chính mình và người khác. Sự khôn ngoan đỡ nâng lòng can đảm trong việc giúp mọi người biết cách chấp nhận những hiểm nguy cách chính đáng.

Bác ái

Nhân đức thứ ba là bác ái, giúp chúng ta hy sinh bản thân mình vì lợi ích của người khác. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đức ái thúc đẩy chúng ta dám chấp nhận rủi ro, thậm chí là những mối nguy hiểm, để bảo vệ và đem lại lợi ích cho những người chúng ta thương yêu. Các bậc cha mẹ, ngay cả những người có tính nhát đảm và những mâu thuẫn bất đồng, theo bản năng vẫn bảo vệ con cái của họ khi đối diện với các tay súng, bom đạn và bão tố. Tình yêu càng lớn, sự táo bạo càng lớn. Can đảm không có nghĩa là không sợ hãi, nhưng làm những gì chúng ta phải làm, cho dù sợ hãi, và tình yêu mang lại cho chúng ta sức mạnh, để vượt qua nỗi sợ hãi và làm những gì tình yêu đòi hỏi.

Kiên nhẫn

Nhân đức thứ tư là kiên nhẫn. Kiên nhẫn không có nghĩa là khả năng chờ đợi (theo nghĩa thụ động), nhưng là khả năng chịu đựng (theo nghĩa chủ động). Từ “kiên nhẫn - patience”, tiếng La Tinh là “patior”, nghĩa là “chịu đựng”. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi bệnh nhân trong các bệnh viện là “patients – những người chịu đựng”. Sự can đảm đòi hỏi chúng ta không sợ hãi quá mức trước nỗi đau, và cuối cùng làm phát sinh nỗi sợ hãi cái chết.

Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả chúng ta nên làm mọi thứ hợp lý để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta không nên gây ra dịch bệnh sợ hãi, như thể nhiễm phải COVID-19 là dính phải một bản án tử hình tự động.

Trong tác phẩm Gương Chúa Giêsu, tu sĩ Thomas à Kempis, đã khuyên chúng ta rằng, cách dễ nhất để vượt qua nỗi sợ hãi cái chết là: hãy suy ngẫm về cái chết mỗi ngày. “Trong mọi hành động và mọi tư tưởng, hãy thi hành như thể bạn sẽ chết vào ngày hôm nay”.

Khi chúng ta bắt đầu làm điều đó, chúng ta khởi đầu mỗi ngày cách nghiêm túc hơn: Chúng ta không trì hoãn để nói với các thành viên gia đình và bạn bè rằng, chúng ta yêu họ. Chúng ta xin Chúa và những người mà chúng ta đối xử bất công với họ tha thứ cho chúng ta, đang khi chúng ta vẫn còn thời gian. Chúng ta hãy loại bỏ những thứ mà xét cho cùng chẳng quan trọng gì nhiều, để bắt đầu hiểu đúng về những điều ưu tiên thực sự của mình.

Khi chúng ta cầu nguyện mỗi ngày với những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46), chúng ta trở nên dũng cảm, giống như Chúa Giêsu, không để cuộc sống của chúng ta bị lấy đi, nhưng là tự ý hy sinh mạng sống mình (Ga 10,18). Khi chúng ta không sợ chết vì đã chuẩn bị cho cái chết của chúng ta hằng ngày bằng lời cầu nguyện, thì chúng ta sẽ sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của chúng ta mà không sợ hãi bất cứ điều gì.

Những cuộc khủng hoảng, giống như hoàn cảnh hiện tại của virus Corona, là thời gian để người Công giáo kết hợp thực sự với Chúa Kitô để chiếu sáng thế gian. Như muối, ánh sáng và men, người Công giáo được kêu gọi để giúp người khác trở nên can đảm khi đối mặt với các mối đe dọa, sẵn sàng hành động để giúp đỡ người khác và cứu mạng sống họ, và chỉ cho mọi người cách kết hợp những hoàn cảnh đau khổ của họ với Thiên Chúa.

Đã đến lúc những người Công giáo chứng tỏ rằng chúng ta thực sự tin vào lời Chúa Giêsu: “Can đảm lên, Chính Thầy đây, đừng sợ! (Mc 6, 50), và giống như hàng hàng lớp lớp các vị thánh tông đồ và các vị tử đạo qua bao thế hệ, như thánh Carôlô Bôrômêô, can đảm hướng dẫn mọi người, không chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất, mà quan trọng hơn là quan tâm đến nhu cầu tinh thần của họ.

Lạy thánh Carôlô Bôrômêô, xin cầu cho chúng con và toàn thế giới!

Linh mục Roger Landry
Hướng Dương chuyển ngữ từ ncregister.com

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN