Niềm tin tôn giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 286 | Cập nhật lần cuối: 6/2/2020 8:42:18 AM | RSS

Đến bây giờ, vẫn còn chút băn khoăn nghi ngại về niềm tin tôn giáo. Phật Giáo, niềm tin đó, là sự thực hiện Trí Tuệ và Từ Bi, nhưng có cảm tưởng chủ quan thôi, là có vẻ ít mang tính cộng đồng. Những ngày thảm họa toàn cầu này, người Phật tử có dịp trở về trong im lặng nội tâm hơn, quán xét chính mình sâu xa hơn. Nhưng có lẽ phải là những người rất "xịn", bằng không, sẽ bị cuốn đi trong giòng chảy sợ hãi và hoảng loạn, khi "có chuyện".

Với Kitô giáo, những nghi ngại nhiều hơn. Sự thực hành và những tiến triển nội tâm lại quá lệ thuộc vào hình tướng, vào lễ nghi, vào con người, cụ thể là những người "mang chức thánh". Là cái thằng ngông nghênh kiêu mạn, thường vẫn không chịu nổi việc được tha tội phải qua một ông linh mục, việc được đón nhận ơn này ơn khác, phải qua Giáo Hội, cụ thể là ông giáo hoàng! Nửa đêm vừa qua, Phép Lành "Urbi et Orbi" từ giáo hoàng Roma gửi đến toàn thế giới. Toàn thể những tín hữu Kitô khắp thế giới khiêm cung vui mừng và hiệp nhất với nhau, đón nhận.

Quả là con người mong manh yếu ớt quá. Mong manh yếu ớt đến vô nghĩa giữa cuộc đời mênh mông và cả cuộc đời nhỏ bé li ti. Sấm sét thiên tai hoả hoạn lũ lụt đã vậy. Nay, một con virus hầu như vô hình, bỗng khuynh đảo cả nhân loại! Rõ ràng bây giờ, con người không thể tin vào sức mình, không thể cậy dựa vào chỉ những thứ khôn ngoan tài giỏi quyền năng của mình!

Tôn giáo là thứ làm cho cuộc đời con người có ý nghĩa, có giá trị, có hướng sống. Điều quan trọng nhất chăng, tôn giáo làm lớn dậy con người. Con người được vững vàng bình an ngay trong mọi đắp đổi vô thường biến động. Vững vàng bình an ngay trong cái chết. Hơn nữa, tôn giáo đích thực chẳng những củng cố lối sống hiện tại, mà còn phải hướng con người đến cái chết, chết cho những phù phiếm của bản ngã giả tạm, tiến vào Thường Hằng Phục Sinh. Tôn giáo nào coi thường con người, và không làm lớn dậy con người theo những nghĩa trên, đều có nguy cơ là tôn giáo giả. Tôn giáo, đều là cuộc Vượt Qua, cuộc Paramita.

Chẳng dám tham vọng gì. Chỉ tí ước mong thôi. Trước hết, ước mong mọi người đều có tí chất tôn giáo để "giắt lưng" trên hành trình dài vốn nhiều khó khăn mỏi mệt. Sau, là hai tôn giáo lớn của nhân loại hiểu nhau, gần nhau, bổ túc cho nhau. Cái Thánh Tính trong mỗi người, gọi là Phật Tính hay chất Con Thiên Chúa trong mình, ước mong được khai mở và lớn dậy mãi. Và con người, ui chao, rất cần những hình tướng, rất cần mối tương duyên liên đới với người khác. Nhưng mọi hình tướng, mọi con người, vừa vô cùng quan trọng, nhưng cũng vẫn là con đường, là "pháp", là "bí tích", dẫn về thăm thẳm nội tâm.

Tuần qua, cụ bà 98 tuổi, mẹ một người bạn, có một cái chết thật lạ. Cả gia đình vốn không tôn giáo nào. Hầu hết con cháu đều rất phức tạp. Buổi trưa, cụ bà lặng lẽ trốn con cháu, đi (?) mãi ra chiếc cầu, gieo mình xuống! Cả gia đình kinh hoàng hãi sợ. Nghĩ thầm thôi, phải chăng vì không có đời sống tôn giáo làm giá trị tinh thần để qui tụ và dẫn dắt?

Đặng San