Sống chân thành

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 418 | Cập nhật lần cuối: 4/5/2020 6:16:45 AM | RSS

“Tôi thích sống chân thành”, câu nói mà chúng ta thường vẫn nói với nhau. Thế nhưng mấy ai sống chân thành được như lòng mong ước.

Theo Tự điển tiếng Việt: Chân thành là tấm lòng thành thật, lấy chân tình mà đối xử với nhau. Và trong giao tiếp người ta đôi khi kéo cả thế giới tâm linh vào, khi nói: “Tôi nói chân thành đấy! Ôi, có Trời chứng giám!”… Nói thế thôi, nhưng rất khó biết cái chân thành kia là gì, và liệu có vì Trời mà người ta giữ tấm lòng thành thật không.

Tuy việc sống chân thành là khó trong điều kiện sống phức tạp của ngày hôm nay, nhưng tôi vẫn tin tưởng chắc chắn vào sức mạnh giáo dục của sự chân thành, và tôi thấy dường như trẻ em dễ sống chân thành hơn thế giới người lớn.

Cụ thể, trên đường đến trường buổi sáng hàng ngày, khi chạy xe đến đầu ngõ tôi thường bắt gặp một em học sinh khá đặc biệt. Trong khi các bạn nhỏ khác được cha mẹ lo lắng chở đến trường học, thì em vẫn cứ cắm cúi đi sát lề đường, vai đeo cặp, một tay cầm bao nilon đựng đủ thứ như chai nhựa, vỏ bao bánh, lon nước, chai sữa… Nói chung, hễ gặp được thứ gì có thể bán ve chai được, em đều lượm vào. Quá tò mò về việc của em, tôi theo dõi xem hoàn cảnh của em thế nào. Lợi dụng có ngày em đi học trễ, tôi ghé lại, ngỏ ý cho em quá giang và thế là giữa chúng tôi đã có một kênh thông tin thân thiết.

Sau vài lần gặp gỡ, em hồn nhiên kể cho tôi nghe về gia cảnh. Ba mất vì bệnh tật, còn mẹ phải tất bật làm thuê mới có tiền nuôi hai chị em ăn học và chăm cho bà nội già yếu. Thấy mẹ vất vả em tìm cách góp phần mình bằng việc nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi để đổi lại thành dụng cụ học tập, quần áo cho cả hai chị em. Khi tôi hỏi em về phản ứng của các bạn và cảm tưởng của em khi bắt đầu làm công việc này, em nói: “Thưa cô, không biết học sinh ở trường cô thế nào, chứ các bạn trong lớp em dễ thương lắm!…” – giọng hơi chùng xuống, em nói tiếp: “thực thì không phải ngay từ đầu các bạn dễ thương như thế đâu! Mới đầu, thấy em nhặt những chai nước hay bao nhựa các bạn dùng xong, có mấy bạn lên tiếng chế giễu em. Có một hôm, một bạn nam đùa giỡn bằng cách đá cái chai vào thùng rác, rồi cười cợt và la lên: ‘Ê, nhặt đi, nhặt đi!’. Em nghiêm giọng nói: ‘Nếu bạn có lòng tốt, bạn hãy tươi cười đưa cho tớ cái chai mà bạn muốn giúp tớ. Tớ sẽ không quên ơn đâu. Tớ hãnh diện vì những hành động nhỏ mà tớ làm bởi sẽ giúp mẹ bớt được những lo toan. Các bạn có điều kiện đầy đủ chắc là khó có niềm vui như tớ. Tuy nhiên, nếu bạn có hành động coi thường như thế thì tớ không cần đâu’. Các bạn im phăng phắc sau câu nói của em. Từ đó, chẳng ai còn trêu chọc em nữa, trái lại, các bạn tự nguyện bỏ những chai nhựa, bọc nhựa, vỏ hộp sữa … vào trong cái bọc ở góc lớp. Thỉnh thoảng, có bạn còn đi nhặt ở lớp khác về cho em. Các bạn dễ thương lắm cô ạ! – giọng em reo vui – Cô biết không, lớp em bây giờ sạch hơn vì không có nhiều rác, và chúng em tế nhị hơn với nhau trong cư xử”.

Hình minh họa

Câu chuyện của em làm tôi hình dung ra một môi trường thân thiện, trong đó người ta không ngần ngại nói lên sự thật, và lòng tốt cũng được thi thố cách hồn nhiên. Và tôi cũng chợt nhận ra: Sự chân thành chỉ cư ngụ nơi tâm hồn và trong một cái đầu không ghen tị, không ganh ghét trước hạnh phúc của người khác. Hơn thế, chân thành chính là hành động đốt lên một ánh nến cho người khác nhìn thấy những nguy hiểm mà tránh; là đưa ra một cái bệ phóng cho người cần một đà đẩy; là biết chung vui với thành công của người khác; là dám vươn lên đạt đến mục tiêu mà không mang dấu ấn của tính toán lợi dụng. Trong cuộc đời này cần lắm những sự sẻ chia chân thành để những điều tốt đẹp sẽ lấn át thói lọc lừa.

Xuân Mai

Nguồn: Salediêng Việt Nam

Ảnh: Cặp lá yêu thương VTV24