Thinh lặng – Điểm Gặp gỡ (P.1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 482 | Cập nhật lần cuối: 5/4/2020 11:08:28 AM | RSS

Thinh lặng là khởi điểm của sự “lớn lên”. Là yếu tố cơ bản của tương giao, của gặp gỡ đích thật. Thinh lặng đưa con người tiến vào khám phá. Trong thinh lặng, khám phá sẽ đi vào chiều sâu, vì thế cũng đưa con người vào gặp gỡ sâu xa. Khám phá gần nhất mà con người có thể đạt được là khám phá chính bản thân. Trên căn bản đó sẽ giúp chúng ta khám phá tha nhân, khám phá môi trường,…và nhất là khám phá Thiên Chúa.

Thinh lặng là bước khởi đầu của ý thức. Trong thinh lặng, nhiều điều sẽ được sáng tỏ, như trong đêm thanh vắng, những âm thanh nhỏ sẽ được nghe và được phát hiện. Chính từ ý thức sẽ đưa đến thay đổi, nên có thể nói rằng: Thinh lặng cũng là khởi điểm của đời sống siêu nhiên, đời sống tu trì hay đời sống tâm linh.

Những bước đi vào chiều sâu của thinh lặng thường đi đôi với sự phát triển đời sống nội tâm và siêu thoát, như một bậc thầy chân tu đã giải thích cho môn đệ mình rằng:

“Ngồi im lặng bậc thứ nhất sẽ thấy mình quên dần mọi ham muốn dục vọng. Ngồi im lặng tiếp ở bậc thứ hai sẽ hết ưu phiền hay oán giận. Cứ thế, ngồi cho đến bậc thứ chín sẽ hoàn toàn thoát tục, tâm hồn có thể thoát ra ngoài thể xác đi tìm chân lý trong cõi giới vô hình, quyền năng tuyệt đối, vô biên…”[1]

Mức độ đạt đến sự thinh lặng nội tâm sẽ:

“Tùy thuộc vào tâm đức và sự thông tuệ của mỗi người. Bí quyết đắc đạo chỉ đơn giản là sự im lặng tuyệt đối…”[2]

Thật vậy:

“Khi con người đạt đến chỗ im lặng về thân xác, sẽ im lặng về tư tưởng, nhưng vì vô ý thức học đã để cho nó hao tán. Quyền năng hao tán là động, còn tập trung lại là tĩnh, khi tập trung mọi tư tưởng vào một trung tâm sinh lực duy nhất, tâm hồn con người thoát ra khỏi thể xác, hòa nhập vào cõi giới vô hình, biến thành quyền năng thiêng liêng”[3].

Minh triết cũng được phát sinh từ thinh lặng. Khi một người muốn hoàn thiện bản thân hay một bậc tu hành thành tâm trong tĩnh lặng, người ấy sẽ hòa hợp tư tưởng với các thần linh và ảnh hưởng này chỉ có thể nhận được khi lòng ta hoàn toàn vắng lặng. Tâm đã tĩnh chúng ta mới có thể tự phân tích mình, trau dồi đạo hạnh, đón nhận những tín hiệu tư tưởng lóe lên đột ngột trong cõi giới vô hình. Chỉ trong im lặng, con người mới ý thức được năng lực bí mật tiềm ẩn trong mình và thế giới xung quanh.

“Tâm có an thì việc bên ngoài mới không vọng động, dục vọng nhờ đó mới chịu ngủ yên. Con người cần khám phá hạnh phúc ở trong tâm mình, thay vì chạy theo, đuổi theo cái hạnh phúc nhất thời ở bên ngoài. Có giải thoát được mọi cái ồn ào, náo nhiệt ngoài đời sống, con người mới kịp thời đón nhận các hòa âm tuyệt diệu từ cõi vô biên sâu thẳm ngay trong tâm linh, tuệ giác của mình.”[4]

Nt. M. Thécla

Nguồn: dòng Nữ Kinh sĩ thánh Âu-Tinh

Ảnh: DesiringGod

------------------------------------------

1] x. Truyện ngắn Đạo Sĩ và rắn độc. http://vanhoc.quehuong.org/viewtruyen.php?ID=7967&cat=13

[2] ibid

[3] ibid

[4] ibid