Các mối Phúc thật hôm nay (18): Những người sống với Đức Giêsu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2197 | Cập nhật lần cuối: 6/9/2017 4:46:35 PM | RSS

(Tiếp theo)

18. Những người sống với Đức Giêsu

Phải để riêng ra mối Phúc thật cuối cùng. Thoạt đầu mới nhìn, nó giống như các mối Phúc thật khác: đây là những người nam và nữ bị bạc đãi, bị đói khát, bị bắt bớ. Đúng là cùng một gia đình với những người nghèo và những người đói, họ thuộc thành phần của đám người bị khai trừ đủ loại.

Nhưng mối Phúc thật này rất khác. Những mối Phúc thật trên kia nói đến hoàn cảnh chung hiện đại: tất cả đám người bị khai trừ đang có đó hôm nay. Với ba ghi nhận: đấy là những người đau khổ, đấy là xúc phạm đến Thiên Chúa và đến sự công bằng của Ngài, nên Thiên Chúa sẽ không để yên cái hoàn cảnh đó.

Còn ở mối Phúc thật này, Chúa Giêsu nhìn về tương lai, một tương lai Ngài thấy khá gần, nhưng vẫn là tương lai, và Ngài nói lời tiên tri ấy, không phải cho toàn thể mọi người, Do Thái và dân ngoại, nhưng với một nhóm riêng biệt, đó là những người đã tin vào Ngài và sẽ bị bắt bớ vì Ngài. Trong mối Phúc trên đây, vấn đề liên can đến mọi người, hôm nay và mọi ngày, bị bắt bớ vì họ không tôn trọng qui luật cơ bản của việc khai trừ. Do đó, bản thân họ bị loại bỏ. Còn ở đây, vấn đề cũng là những cuộc bách hại ấy - con người không có nhiều sáng kiến trong lãnh vực này và luôn luôn cũng là những phương thức như nhau: vu khống, khai trừ, hành hung - nhưng do những người đã đi theo Chúa Giêsu gánh chịu, những người đã muốn cùng với Ngài, trong cuộc đời của họ, sống những mối Phúc thật như Ngài.

Có tất cả những ai, trong đời sống của họ, áp dụng cùng những mối Phúc thật ấy, vì danh dự con người hoặc vì những xác tín tôn giáo hay là chủ thuyết. Cuộc phán xét chung thật rõ ràng: mặc dầu không qui chiều vào Chúa Giêsu, họ cũng thuộc về hàng ngũ những kẻ được Abba ban phước.

Nhưng cũng như các Tông đồ nói với Chúa Giêsu: “Chúng con đã đi theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27)

Họ tự hỏi, có gì khác nhau giữa các người nghe Chúa Giêsu một cách lơ đãng và chúng con là những người sống bên cạnh Thầy, chắc chúng con đang được phần thưởng riêng biệt chứ? Các Tông đồ tuy họ mở lòng từ từ đón nhận ý nghĩ riêng Abba yêu thương mọi người và Ngài tự hiến mình cho mọi người không phân biệt, nhưng vẫn còn một câu hỏi quấy rối tâm hồn họ: phải chăng chúng ta, những người thợ từ giờ thứ nhất, đã bằng lòng đáp ứng tiếng gọi, chúng ta sẽ được đặt hoàn toàn ngang nhau, vào lúc phát phần thưởng, vào giờ “trả tiền công”, như các Tin Mừng nói đến nhiều lần, dù sao cũng cần phân biệt điều họ đòi hỏi là có phân biệt, có phần thưởng công và họ bám vào đó. Ngay chính lúc Chúa Giêsu loan báo với họ rằng: những người lãnh đạo và các ký lục “sẽ kết án tử hình cho Ngài, sẽ nộp Ngài cho dân ngoại, để họ chế diễu, đánh đòn và đóng đinh Ngài” (Mt 20,17-19), thì ngay lúc ấy mẹ con ông Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho hai đứa con ông Giêbêđê ngồi hai chỗ đầu tiên bên cạnh Chúa trong Nước của Ngài. Điều đó làm cho 10 ông kia tức giận và họ hè nhau chống lại hai anh em (Mt 20,20-24). Chúa Giêsu không trả lời theo yêu cầu của họ: Ngài nói đó là việc của Abba và người ta biết rằng có thể nói là Abba không ăn thứ bánh ấy. Nhưng Chúa lợi dụng việc đó, để nhắc lại các quan điểm vua Chúa, quan quyền vốn ưa thống trị, hành quyền, nhưng ngược lại: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, phải làm tôi tớ cho người khác”. Rồi Chúa Giêsu kết luận: cũng như Thầy chọn chỗ rốt để phục vụ mọi người.

Đó là một điểm tột cùng. Câu nói chủ chốt trong một bài giảng của cha Huvelin, đã làm đảo lộn tâm hồn Charles de Foucauld và đã đưa ông ta trở lại và đi vào nếp sống như ta đã biết, đó là: “Đức Giêsu Kitô đã chọn chỗ rốt cùng đến nỗi không bao giờ sẽ có ai hất được Ngài rời khỏi chỗ ấy”. Câu nói đã làm cho Foucauld choáng váng, vì ông đã làm người muốn chiếm đoạt chỗ nhất, khi còn chưa tin, nhờ một cuộc do thám độc nhất vô song ở Marốc, hoặc khi đã trở lại rồi, muốn đi hết sức xa tới tận chỗ cuối. Vì như thế cũng còn là một cách chiếm chỗ nhất, nhưng ở đây, ông vấp phải một giới hạn không thể nào vượt qua: đó là Chúa Giêsu là con người vô tội nhất, nghèo nhất, là con người đói khát Thiên Chúa hơn hết chưa bao giờ thấy, là Ngôi Lời làm người, “Ngài đã không giữ cho mình chỗ ngang hàng với Thiên Chúa” (Phil 2, 6), Ngài đã vĩnh viễn chiếm chỗ cuối cùng.

Sống bên cạnh Chúa Giêsu, cùng với Ngài, vì Ngài mà cởi bỏ một hình thức sống nào đó, và chịu thăng trầm trong lối sống của các mối Phúc thật. Điều đó bao hàm việc phải tin sâu sắc vào tình thương vô vị lợi của Thiên Chúa và bản thân mình phải trở nên vô vị lợi, không hành động vì phần thưởng. Thánh Têrêsa thành Lisiơ đã hiểu điều ấy, vì chị vẫn thiết tha hy vọng sẽ ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng, không tìm dựa vào công trạng của mình, để đòi hỏi Thiên Chúa phải ban cho mình phần thưởng, như một quyền lợi.

Trong mối Phúc thật cuối cùng đây, Chúa Giêsu trả lời một cách mơ hồ:

“Ngày đó anh em hãy hoan hỉ, hãy nhảy mừng, tiền công của anh em thật to lớn trên Trời” (Lc 6, 23), tất cả những mối Phúc thật khác tựu trung đều hứa cùng một phần thưởng như nhau: “Nước trời thuộc về anh em”.

Ta không hề thấy nhấn mạnh về phần thưởng riêng nào. Chính Chúa Giêsu, vào lúc Phán xét chung, sẽ quyết định việc gia nhập vào “Vương quốc” chắc là lúc bấy giờ Ngài sẽ đặc biệt công nhận những ai đã đi theo Ngài một cách đặc biệt và đích danh (“anh em sẽ bị người ta ghét vì cớ Danh Thầy” Mt 10, 22). Nhưng phần thưởng đó, tựu trung phải chăng chỉ là Chúa Giêsu công nhận cách rất đặc biệt, những con người đã công nhận Ngài trong đời sống của họ, vì đã chọn lựa quyết chí thực hành các mối Phúc thật.

Mối Phúc thật cuối cùng này làm dội lại những cuộc khai trừ và bắt bớ các Kitô hữu tiên khởi vì đức tin của họ, vả lại Chúa Giêsu đã cảnh cáo họ rồi:

“Đừng tin người đời: họ sẽ nộp chúng con cho Công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con trong các hội đường. Chúng con sẽ bị dẫn ra trước mặt vua chúa, quan quyền vì cớ Ta” (Mt 10,17-18)

Những Kitô hữu tiên khởi cũng biết Chúa Giêsu đã nói: “Đồ đệ không hơn Thầy” (Mt 10, 24) và họ đang kinh nghiệm những gì Chúa Giêsu đã trải qua trước tiên. Có một đà tiến hóa ta cần thấy rõ: ban đầu, các đồ đệ cương quyết từ chối không muốn nhìn nhận rằng Chúa Giêsu có thể là “người tôi tớ thống khổ”, Ngài phải ngang qua cái chết ô nhục. Chúa Giêsu đã đặt họ trước một sự việc đã rồi và sau lễ Hiện xuống, nhờ Chúa Giêsu trên đường Emmau và Chúa Thánh Thần, họ hiểu được ý nghĩa cuộc đóng đinh ngoại thành.

Bấy giờ họ bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Họ làm ngạc nhiên nhiều người khi họ tỏ ra rằng họ không muốn kiếm chuyện với người Do Thái và với dân ngoại đã lên án xử tử người bạn của họ và do đó, họ trung thành với sứ điệp riêng của Ngài.

Giảng dạy là một chuyện, hành động lại là chuyện khác. Nhưng chẳng bao lâu, họ cũng bị đối xử như Chúa Giêsu: bị lăng nhục, bị khai trừ như Ngài đã bị, và cũng bị kết án tử hình như Ngài, Chúa như một người bị ruồng bỏ.

Bấy giờ ở giữa các đau khổ thực sự vốn tự nó là một tai ác, họ vẫn cảm nghiệm được thế nào là số phận của người bạn đồng hành với Chúa Giêsu, thế nào là tình liên đới sâu xa với chính cái Ngài đã sống. Họ không tìm điều đó. Vì thánh Phaolô đã trốn tránh những người bắt bớ ông cũng như Chúa Giêsu đã nhiều lần thoát khỏi những người tìm cách giết Ngài. Không phải là sở thích bệnh hoạn và muốn tự sát, nhưng một cung cách sống những cảnh tù ngục, tra tấn kết án, khi những điều đó xảy ra, sống những cảnh cùng với Chúa Giêsu. Như thế, hạnh phúc của họ là nghiệm biết được số phận của Ngài. Đó là một niềm vui rất sâu xa được nếm số phận của Chúa và bấy giờ ta gặp được ở đó phần thưởng của mình: Chúa Giêsu nói: “Chỉ cần đồ đệ được như Thầy là đủ rồi” (Mt 10, 25)

Các đau khổ đồ đệ gặp đây, không phải tự nó là mục đích. Thánh Phêrô, trong thư thứ nhất của ngài, sẽ chú giải đúng về mối Phúc thật cuối cùng này. Ngài nói đến các cơn bắt bớ và trước tiên Ngài cho đó là chuyện bình thường: “Anh em thân mến, anh em lấy làm lạ về đám cháy đang xảy ra cho anh em, để thử luyện anh em, đừng coi đó như một việc xảy đến lạ thường” (1 Ph 4, 12).

“Tùy theo anh em được dự phần vào những đau khổ của Đức Kitô, anh em hãy hân hoan để khi vinh quang Ngài tỏ hiện, anh em sẽ hân hoan nhảy mừng. Nếu người ta làm sỉ nhục cho anh em vì Đức Kitô, thì phúc cho anh em, bởi vì thần khí quang vinh và thần khí Thiên Chúa đang đậu trên anh em” (13, 14)

Thánh Phêrô sẽ nói rằng:

Chia sẻ khổ đau chính là “để biết Ngài tức bản thân Ngài và quyền năng Phục Sinh của Ngài” (Phil 3, 10)

Mục tiêu, đó là Phục Sinh:

“Tôi đang chạy thăng bằng tới đích, tới phần thưởng Thiên Chúa kêu gọi tôi đến lãnh trên ấy, trong Đức Giêsu Kitô” (Phi 3, 14)

Giá cả, tiền công, phần thưởng, đó là sự sống thường sinh, ta lãnh được ngay từ bây giờ, khi dám liều mất sự sống đời này, sự sống theo qui luật căn bản là loại trừ tha nhân. Bởi vì sự sống đời đời đã khởi sự ngay từ dưới đất. Trong các thư của mình, thánh Gioan sẽ lặp lại điều ấy cho những ai từ ngay bây giờ, đã loại bỏ qui luật ấy, vốn biến những con người thành những người còn sống mà như đã chết, vì đã đi vào lối sống của mối Phúc thật.

Người ta không thể phục vụ hai ông chủ, hoặc đi theo con đường hạnh phúc qua những cái ‘phân biệt’, tức là đặt mình lên trên người khác và Chúa Giêsu nói đó là sống mà như đã chết rồi, hoặc đi theo con đường Chúa Giêsu chỉ cho: con đường này không có bông hoa, không có những vinh dự và phần thưởng thông thường. Tuy nhiên có nhiều niềm vui, một thứ hạnh phúc khác hẳn, một hương vị mặn nồng của những mối tương quan thật là huynh đệ:

“Anh em sẽ sống vất vả, còn thế gian sẽ sung sướng. Nhưng sầu tang của anh em sẽ được đổi thành niềm vui vui (…) lòng anh sẽ hân hoan và niềm vui của anh em, không ai sẽ có thể cất đi khỏi anh em” (Ga 16,20-22).

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 239-247

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)

Các mối Phúc thật hôm nay (8)

Các mối Phúc thật hôm nay (9)

Các mối Phúc thật hôm nay (10)

Các mối Phúc thật hôm nay (11)

Các mối Phúc thật hôm nay (12)

Các mối Phúc thật hôm nay (13)

Các mối Phúc thật hôm nay (14)

Các mối Phúc thật hôm nay (15)

Các mối Phúc thật hôm nay (16)

Các mối Phúc thật hôm nay (17)