Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phao lô (Phần II)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 501 | Cập nhật lần cuối: 7/27/2021 9:24:26 AM | RSS

CANH TÂN ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO GƯƠNG THÁNH PHAO LÔ (Phần ll)

MỤC LỤC

BÀI MỘT: KHÍCH LỆ VÀ AN ỦI

I. Bối cảnh lịch sử

II. Bối cảnh văn chương

III. Bối cảnh giáo hội

IV. Những suy tư.

V. Kết

VI. Câu hỏi gợi ý:

BÀI HAI: CỦNG CỐ KHI YẾU ĐUỐI

I. Những bấp bênh của thế giới ngày nay

II. Phân định sáng suốt

1. Giá trị nội tâm đích thực

2. Giá trị nội tâm giả tạo.

III. Tác vụ ủi an

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BA: THỬ THÁCH VÀ NƯỚC MẮT CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

I. Thử thách thứ nhất là nước mắt

II. Thử thách thứ hai là hoàn cảnh bên ngoài

III. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BỐN: THUỘC TRỌN VỀ ĐỨC KITÔ

I. “Tôi đã phục vụ thiên chúa”

1. Giải thích bản văn

2. Suy niệm và chiêm niệm.

II. Gợi ý cho việc cầu nguyện cá nhân

BÀI NĂM: Ý THỨC TÔNG ĐỒ CỦA CHÚNG TA

I. “Và giờ đây tôi lên Giêrusalem”

II. “Mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó”.

III. “Tôi chỉ biết …”

IV. “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì”

V. Kết luận

VI. Câu hỏi gợi ý:

BÀI SÁU: ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO Ý THIÊN CHÚA

I. Những việc phục vụ đặc biệt (diaconies particulières)

II. Việc phục vụ của thánh Phaolô

III. Tôi biết rằng anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa

IV. Trách nhiệm của các kỳ mục

V. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BẢY: TỈNH THỨC

I. Các kỳ mục Êphêsô là ai?

II. Tỉnh thức trong Tân ước là gì?

III. Chúng ta tỉnh thức đề phòng những gì?

1. Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cá nhân cực đoan.

2. Kế đó, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cực đoan về thời gian.

3. Cuối cùng, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống hướng hạ, dành ưu tiên cho những sự đời này.

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI TÁM: GẮN BÓ VỚI ĐỨC KITÔ VÀ VỚI GIÁO HỘI

I. Các kỳ mục Êphêsô phải tỉnh thức lo cho ai?

II. Tại sao phải tỉnh thức?

III. Tỉnh thức đề phòng thế nào?

1. Tỉnh thức tuân giữ kỷ luật đời sống

2. Gắn bó với Đức Kitô và Giáo Hội.

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI CUỐI: MẦU NHIỆM GIÁO HỘI TRONG ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

I. “Tôi xin phó thác anh em cho Chúa”

II. “… Và cho lời ân sủng của Người”.

III. Quyền năng của ân sủng

IV. Khó nghèo phúc âm của linh mục

V. Mối phúc của sự cho đi nhưng không

VI. Ngài cầu nguyện với họ

VII. Mầu nhiệm giáo hội

VIII. Câu hỏi gợi ý

BÀI BA: THỬ THÁCH VÀ NƯỚC MẮT CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Lưu ý: Trước hết, cần nhắc lại 4 giai đoạn của việc đọc lời Chúa (lectio divina): đọc, suy niệm, chiêm niệm và an ủi (lectio, meditatio, contemplatio, consolatio). Việc thứ nhất là hiểu sâu bản văn nhờ việc đọc và tìm hiểu kỹ càng gọi là lectio. Lectio là làm nổi lên những yếu tố quan trọng, và so sánh với những bối cảnh xa xưa hơn hoặc gần cận hơn. Lectio dẫn đến suy niệm (meditatio). Suy niệm là cố gắng suy tư về những giá trị và sứ điệp hiện nay của đoạn văn, để nắm bắt ý nghĩa hiện tại cho chúng ta, cho Giáo Hội và cho xã hội. Suy niệm không dừng lại ở sự hiểu biết cá nhân chủ quan, mà là giai đoạn chuẩn bị cho chiêm niệm (contemplatio) là việc cầu nguyện đúng nghĩa nhất. Lúc này là lúc chúng ta đặt mình trước sự hiện diện của Đấng nói với chúng ta qua Lời Thánh Kinh, nghĩa là đối diện với Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Trong chiêm niệm, chúng ta sẵn sàng mở lòng đón nhận ân sủng và qui phục ý Chúa. Sau cùng là sự an ủi. Nó là hoa trái của sự khích lệ, củng cố. Dù vậy, chiêm niệm là lúc chính yếu mà Chúa Thánh Thần hiến dâng cho chúng ta như của ăn nội tâm, như dầu xoa dịu và tăng sức. Phải ý thức điều này nếu chúng ta không muốn xin ơn an ủi cách vô ích lúc chúng ta cảm thấy cần, hoặc dưới hình thức trực tiếp là niềm vui và bình an phát xuất từ tình cảm yêu mến Thiên Chúa; hoặc dưới cách thức ít nhạy cảm hơn, nhưng sâu xa và đích thực hơn, mà không có nguy có lẫn lộn ân ban với những tình cảm hoàn toàn con người.

Như đã nói trong phần dẫn nhập, tĩnh tâm cho phép chúng ta tiến trên con đường lectio divina cá nhân – một con đường trên đó, chúng ta hãy hết sức cố gắng dấn thân vào. Chắc chắn, công việc này không giới hạn cứng ngắc vào thời điểm suy niệm, nhưng nó phải kéo dài suốt ngày và hợp nhất mọi hoạt động của chúng ta. Thực vậy, đối với người thực hành lectio divina, sự an ủi đến từ Thiên Chúa - rất quan trọng để lấp đầy khoảng trống cô tịch của mục tử - có thể đến vào những giờ phút khác: ví dụ, trong lễ nghi phụng vụ, lúc thư giãn ngoài trời hoặc khi lần chuỗi. Nên nhớ lectio divina là phương tiện thông thường để trải nghiệm sự hiệp thông mầu nhiệm với Chúa Thánh Thần, một ân huệ củng cố mà Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần đã được ban cho chúng ta.

***

"Anh em biết, từ ngày đầu tiên đặt chân đến Axia, tôi đã luôn luôn cư xử với anh em thế nào. Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Dothái. Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. Tôi đã khuyến cáo cả người Do thái lẫn người Hy lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta”.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu và suy tư về những hoàn cảnh khó khăn của thánh Phao-lô, qua đó, cho thấy nhiệt tình phụng sự Chúa của ngài ra sao.

I. Thử thách thứ nhất là nước mắt

Trước hết, hãy suy tư về thử thách thứ nhất là nước mắt. Đây là đề tài chúng ta không quen thuộc mấy, nhưng đối với các thánh thì đó lại là đề tài rất quen thuộc. Trong diễn từ Milêtô, thánh Phaolô nói về nước mắt 2 lần ở câu 19 & 31: “Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ”. Dường như Phaolô nhấn mạnh trên điểm này. Nước mắt cũng được nêu lên nhiều lần trong các thư của ngài. Ví dụ trong thư thứ hai Côrintô (2, 4), thánh Tông đồ ám chỉ đến lá thư trước được viết trong phiền muộn, và con tim thổn thức, giữa bao nhiêu nước mắt. Trong thư gởi tín hữu Philípphê (3, 18), ngài nói tới nước mắt của sứ vụ ngài đảm nhận: Vì, như tôi nói với anh em nhiều lần và hôm nay tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô.

Do đó, không phải là không có lý do để chúng ta tự hỏi tại sao thánh Phaolô dành cho nước mắt một tầm quan trọng đến thế và nó có ý nghĩa gì. Hiển nhiên, nước mắt hoàn toàn trái ngược với niềm vui của người mục tử. Niềm vui là thái độ nền tảng của linh mục, giám mục, như được nói trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thessalonica: “Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta?” (3, 9). Một mục tử đích thực luôn cảm nhận một niềm vui lớn lao khi được là người đứng đầu một cộng đoàn sốt sắng và đầy đức tin. Người mục tử đó cũng tràn ngập hạnh phúc khi tìm được một con chiên lạc và gặp được đứa con phung phá đang quay gót về nhà. Nước mắt diễn tả nỗi khổ đau đối với một cộng đoàn đang chao đảo, đòi hỏi nhiều nỗ lực củng cố; nước mắt tượng trưng cho sự đau đớn gây ra bởi những người còn bị xa cách, lo âu đối với con chiên lạc mất, lo sợ đối với những người nhiệt tình lúc bắt đầu nhưng chẳng mấy chốc lại chán nản bỏ cuộc. Sự đau khổ của người mục tử có nhiều lý do; và mặc dù nước mắt của chúng ta không phải lúc nào cũng nhìn thấy được, thì sâu thẳm trong con tim của người mục tử luôn bị vây hãm bởi những câu hỏi, những mệt nhọc và khắc khoải. Trách nhiệm đối với người khác càng lớn thì kinh nghiệm về niềm vui và nỗi khổ càng gia tăng. Ai không phải là mục tử, nhưng chỉ là người làm thuê sẽ không thể có tình yêu đích thực đối với đàn chiên, người đó không cảm thấy niềm vui khi đàn chiên khoẻ mạnh và không chảy nước mắt khi sói xuất hiện. Kẻ làm thuê có những đặc điểm của “một viên chức hành chánh” không hoà mình vào những bổn phận được trao.

Tại sao thánh Phaolô nói nhiều đến nước mắt và tại sao câu chuyện của Luca lại nhấn mạnh nhiều đến phương diện này, một phương diện ít được ưa chuộng? Chúng ta có thể nghĩ rằng trong diễn từ Milêtô, nước mắt được đề cập đến nhiều bởi vì nó diễn tả nhiệt huyết phục vụ, sự âu yếm, trìu mến, sự dấn thân vô điều kiện hơn mọi cách diễn tả khác. Chỉ bằng một từ “nước mắt” thôi, vị Tông Đồ đã nêu ra toàn bộ những tương quan trìu mến được nối kết trong một vài năm; đó là thế giới của những trao đổi tình bạn, của tình cảm sâu xa, đích thực tiến triển giữa thánh Phaolô và các tín hữu. Bây giờ, chúng ta sẽ đưa ra hai kết luận có liên quan đến chúng ta và giúp chúng ta đi từ đọc hiểu sang suy gẫm.

1. Những đau khổ của người mục tử không phải là điều xấu và chúng ta đừng lấy làm lạ. Khi chịu trách nhiệm về người khác, nhất là khi nói về canh thức và phát triển sự tự do, chúng ta luôn gặp nguy cơ bị từ chối. Trong trường hợp bị từ chối, người mục tử đau khổ không phải vì thất bại, nhưng vì người ta đã không đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Nước mắt không diễn tả nỗi cay đắng của người mục tử trước thất bại; trái lại, những giọt nước mắt đó biểu lộ lòng trìu mến dành cho những người đã được trao phó cho ngài và họ đã không hiểu lời mời gọi của Chúa; những giọt nước mắt đó là chứng nhân của sự đau khổ nơi người mục tử vì tình yêu Thiên Chúa đã không được đón nhận.

Trong những lần đi thăm mục vụ, tôi thường nghe lời phàn nàn của những người có trách nhiệm: thanh thiếu niên không đến nhà thờ nữa, những trẻ em biến mất sau thêm sức, gia đình vẫn đứng bên lề … Tôi có cảm tưởng là những lời than phiền trên không liên quan gì đến nước mắt. Chúng thường diễn tả sự cay đắng hoặc hằn học và không đem lại lợi ích gì. Về những than trách của chúng ta, chúng thường là thói quen tự buộc tội, hoặc là đổ tội cho người khác: giáo dân không quan tâm gì hết, họ không biết gì hết, họ luôn do dự trên con đường theo Chúa, v.v.

Đúng ra, trước hết, chúng ta phải khóc than vì người ta đã không đáp lại lời mời gọi của Chúa, vì tình yêu đã không được yêu lại và vì Thiên Chúa, tình yêu vô biên, đã không được nhận biết. Những giọt nước mắt đó mới có tính Tin Mừng, tích cực, và thanh tẩy; chúng xoa dịu những cay đắng cá nhân và những xúc phạm chúng ta gặp phải; chúng giúp làm chủ lại tình thế. Nơi thánh Phaolô, chúng ta không bao giờ gặp những lời đả kích vô ích, nhưng là những phiền trách đầy trìu mến, tin tưởng và khích lệ.

2. Chúng ta không biết những giọt nước mắt của thánh Phaolô có liên quan đến tội lỗi của ngài không. Nhưng dù sao, các thánh đã khóc tội lỗi của các ngài. Những giọt nước mắt này có ý nghĩa tích cực, bởi vì chúng diễn tả sự thống hối về những nhỏ mọn, những uể oải và những yếu đuối của đời sống sứ vụ và mục tử của chúng ta. Lòng thống hối chân thành sẽ biến thành lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con; xin thương xót con; xin giúp con và cứu con”. Mỗi người chúng ta có thể kéo dài lời cầu nguyện này trong suy niệm và thờ lạy.

II. Thử thách thứ hai là hoàn cảnh bên ngoài

Thánh Phaolô đề cập đến những thử thách thứ hai là hoàn cảnh bên ngoài. Trong quãng thời gian ba năm ở Êphêsô, người ta đã muốn làm hại ngài, tấn công ngài, bôi nhọ và chỉ trích ngài đủ cách. Những sự kiện đó báo cho chúng ta rằng đừng lấy làm lạ, khi thi hành sứ vụ, chúng ta gặp những người chống đối, vu khống, thư nặc danh, v.v. . Những thử thách này không nhất thiết là tiêu cực: trước thánh Phaolô, chính Chúa Giêsu đã không chịu như vậy sao? Dù sao đi nữa, kinh nghiệm của thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ rằng không được lầm lẫn những thử thách trên với những mưu đồ ám hại: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Dothái”. Những mưu đồ đó thì xấu xa và đáng kinh tởm. Thánh Phaolô chống lại chúng vì ngài có thể phân biệt giữa những hành vi cá nhân (gây ra nơi ngài sự phẫn nộ, tức giận, kinh tởm và đánh trả) và sự hiện diện của Chúa khi Người thử thách thánh nhân và quan tâm che chở thánh nhân bằng tình yêu của Người, trên con đường thập giá. Nhờ ơn Chúa, thánh Phaolô đã có thể phân định ra rằng bàn tay Thiên Chúa dùng những mưu mô loài người: điều đó giúp ngài đối diện với nó, sống với nó một cách thanh thản và tự do, để không bị nó huỷ diệt.

III. Câu hỏi gợi ý:

1. “Nước mắt” của tôi biểu lộ sự cay đắng, hằn học, đổ tội cho giáo dân, cho người khác hay biểu lộ sự đau khổ vì người ta đã không đáp lại tình yêu Thiên Chúa?

2. Tôi đã trải qua những thử thách nào trong đời mục tử, đời kitô hữu? Và tôi có coi đó là những phương cách để tôi hiệp thông với đau khổ thập giá của Đức Kitô không?

3. Tôi có biết dùng những “nước mắt” và thử thách để lớn lên trong đời sống thiêng liêng và mục vụ không?

-*-

BÀI BỐN: THUỘC TRỌN VỀ ĐỨC KITÔ

Bây giờ chúng ta quay trở lại đoạn diễn tả ngắn về những hoạt động của thánh Phaolô trong phần thứ nhất của diễn từ Milêtô (c. 18-21). Chắc chắn rằng, suốt ba năm ở Êphêsô, thánh Phaolô đã làm nhiều việc; tuy nhiên, ngài chỉ nhắc lại những gì đối với ngài hay đối với người khác là quan trọng: Tôi đã phục vụ Chúa, tôi đã rao giảng, dạy dỗ và khích lệ. Những hoạt động này đi đôi với những thái độ nội tâm (tôi đã phục vụ hết sức khiêm tốn và đã rao giảng tất cả và không bỏ qua điều gì). Những thái độ nội tâm chúng ta sẽ suy tư sau. Còn bây giờ, chúng ta xem xét những hoạt động tiêu biểu cho sứ vụ của thánh Phaolô ở Asia.

I. “Tôi đã phục vụ thiên chúa”

1. Giải thích bản văn

Câu này nhấn mạnh đến đặc tính chính yếu của những việc thánh Phaolô thực hiện. Điều lạ là sự phục vụ này không được diễn tả bằng từ ngữ “diaconie”, mà bằng từ “douleuo” (phục vụ như người nô lệ).

a. Ở đây, chúng ta có thể kể ra những từ ngữ thánh Phao-lô đã sử dụng để nói lên đặc tính sứ mạng của ngài. Ví dụ, ngài dùng từ diakonia, và từ diakonoi. Từ “diaconia” (phục vụ) nói lên bản chất của việc phục vụ, và từ diakonoi (thừa tác viên, tông đồ) nói lên nguồn gốc của việc phục vụ. Các thư quan trọng (1 và 2 Côrintô, Êphêsô, Colosê, 1 và 2 Timôthêô) đều bắt đầu bằng: Phaolô người được Đức Kitô Giêsu sai đi (tông đồ).

Tuy nhiên, có những lúc thánh Phaolô coi mình là doulos (nô lệ). Chúng ta gặp từ này ở đầu thư gởi tín hữu Rôma. Thư này đầy tình cảm trìu mến và hi vọng đối với cộng đoàn Rôma: Phaolô, tôi tớ (nô lệ) của Đức Kitô Giêsu. Như vậy, có những lúc, nhất là những giờ phút quan trọng, thánh nhân không dùng từ chỉ bản chất (diakonia), hoặc từ chỉ nhiệm vụ (diakonoi: apôtre), nhưng dùng từ sống động hơn, đó là từ nô lệ (doulos), giúp nắm rõ đời sống nội tâm của ngài hơn.

b. Chắc chắn, từ “nô lệ” gợi lên ý thức hoàn toàn lệ thuộc một người khác. Cha J. Dupont cắt nghĩa rất đúng khi nói rằng “nô lệ” ở đây không có ý nói đến tình cảm lệ thuộc hèn hạ hay nhục nhã, nhưng là một tương quan trọn vẹn: “Tôi hoàn toàn thuộc về Chúa”; tôi không chỉ là một trong những người được sai đi hay một trong những thừa tác viên của Ngài, bởi vì tôi thuộc trọn về Ngài trong toàn bộ con người tôi”. Đó là điều thánh Phao-lô cho chúng ta thấy khi ngài gợi lên những nguồn gốc thâm sâu của sứ vụ ngài.

2. Suy niệm và chiêm niệm

Bây giờ chúng ta bước sang suy niệm và kế đó là cầu nguyện chiêm niệm. Ở đây, thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta chiêm niệm về đoạn Tin Mừng của thánh Gioan về người Mục Tử Nhân Lành (Ga 10). Chúa Giêsu, người Mục Tử Nhân Lành, trình bày cho chúng ta 3 điểm căn bản trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

a. Trước hết, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta dù chúng ta là người thế nào đi nữa. Điều đó có nghĩa là dù chúng ta tội lỗi, yếu đuối, mỏng dòn, bất lực. Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta, Ngài là mục tử của tôi, Ngài săn sóc tôi và cuộc sống của tôi, Ngài không ngừng phục hồi nơi tôi ý nghĩa cuộc đời, Ngài đem đến ý nghĩa cho các hoạt động tản mác, rời rạc và đôi khi xấu xa của tôi.

b. Kế đó, Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong Con của Ngài. Chúa Giêsu, Người Mục Tử Nhân Lành, liều mạng sống và hiến dâng mạng sống cho đàn chiên. Tình yêu Thiên Chúa không được diễn dịch bằng một sự chiều lòng nào đó; mà là muốn hiến dâng trọn vẹn.

c. Sau cùng, ơn Chúa thì không bao giờ thay đổi: quá khứ, hiện tại, tương lai luôn vẫn vậy.

Từ đó, chúng ta hiểu ý nghĩa câu trả lời của thánh Phaolô: Con là nô lệ (tôi tớ) của Ngài, lạy Chúa. Ở Damas, ngài đã nhận ra rằng Thiên Chúa là một Đấng đảo ngược tất cả. Thiên Chúa luôn đứng về phía ngài cho đến chết, dù ngài tội lỗi và phạm thượng. Thiên Chúa là Đấng làm phát sinh nơi lòng người kitô hữu khát mong thuộc trọn về Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta phải loại bỏ mọi thứ “chủ quan tính” (subjectivisme) có nguy cơ phát triển một cách sai trái và cuối cùng là khép kín chỉ nghĩ đến mình và những tình cảm của mình. Điều quan trọng là nhận biết rằng, trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa ở bên tôi và Ngài kêu gọi tôi thuộc trọn về Ngài. Ngài cho tôi biết rằng tôi đã được cứu độ và đang đi trên con đường ngay chính.

“Tôi đã phục vụ Chúa”: đó là câu giàu ý nghĩa. Thánh Phaolô không ngừng phục vụ Chúa cách công khai vì ngài ý thức sống mối tương quan với Thiên Chúa theo cách thức này, không phải vì những công lao của ngài, nhưng nhờ ân sủng: Đức Kitô Giêsu đã chiếm đoạt tôi (Pl 3, 12). Ngài khám phá ra rằng Thiên Chúa tìm ngài, yêu thương ngài, và không ngừng lắng nghe ngài. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Một khi đã hiểu việc phục vụ Chúa là nền tảng kinh nghiệm mục vụ của thánh Phaolô, chúng ta sẽ dễ hiểu những phương diện khác trong tác vụ của ngài: rao giảng, dạy dỗ công khai và riêng tư, khích lệ. Tất cả những hoạt động này đều nhắm tới sự hoán cải trở về với Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu Kitô. Các hoạt động này đều bắt nguồn trong kinh nghiệm của vị Tông Đồ bởi vì chúng phát xuất từ ý thức thuộc trọn về Đấng đã yêu ngài cho đến chết.

II. Gợi ý cho việc cầu nguyện cá nhân

Giờ đây, chúng ta hãy cầu nguyện:

1. Lạy Chúa, đâu là điều cốt yếu trong tác vụ linh mục con đã lãnh nhận? Những đặc điểm của sứ vụ thánh Phaolô có phải là nền tảng cho sứ vụ của con? Việc bảo ban, dạy dỗ mang lại niềm vui, nỗi buồn, sự mệt nhọc nào? Những an ủi và khích lệ có là đối tượng con khẩn cầu và đem lại niềm vui cho con không? Linh mục là người sống những thực tại này. Linh mục lớn lên trong đức ái và hệ quả là lớn lên trong đời sống thiêng liêng, nhờ thi hành tác vụ đã lãnh nhận. Mọi hoạt động của linh mục đều dựa trên chọn lựa Đức Kitô là Chúa duy nhất. Linh mục đã quyết định dâng hiến cho Chúa trọn vẹn và gắn bó với Chúa trọn đời, lúc sống cũng như khi chết. Con có phục vụ Chúa với niềm vui được thuộc trọn về Ngài không? Không phải những mệt nhọc, những nặng nề, những thất vọng đánh dấu từng ngày đời con là hậu quả của sự yếu kém trong việc dấn thân theo Chúa trọn vẹn đó sao?

2. Ngày nay, khi nói: loan báo, giải thích, làm chứng là muốn nói gì? Chắc chắn sống một đời sống kitô hữu không phải là dễ dàng. Như thánh Phaolô, các hoạt động mục vụ của chúng ta sẽ là suối nguồn niềm vui khi các hoạt động đó thông truyền kinh nghiệm nền tảng của chúng ta cho người khác. Kinh nghiệm nền tảng đó là gì, nếu không phải là sự hiến dâng và thuộc trọn về Đức Kitô! Trái lại, con đường chúng ta đi sẽ bấp bênh khi chúng ta không ở trên “tần số đúng” đó. Lúc ấy, chúng ta sẽ bị tràn ngập các vấn đề chúng ta nghĩ là những vấn đề mục vụ, nhưng thực ra, nghĩ như vậy là giả tạo bởi vì vấn đề chính là chúng ta đã không sống như là người thuộc trọn về Đức Kitô. Chính đời sống thiêng liêng, mục vụ của chúng ta phải phát sinh từ sự hoán cải, từ sự gắn bó toàn thể con người ta với tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Chúa thường dùng sự chán nản, sự thất vọng để giúp chúng ta hiểu rằng mình đang đi sai đường. Trong trường hợp đó, chúng ta luôn có thể trở về với Ngài trong thống hối và cầu nguyện.

754 Priest Confession Stock Photos, Pictures & Royalty-Free Images - iStock

3. Trong hoạt động mục vụ khích lệ và an ủi, chúng ta có biết sửa đổi người khác với tình yêu thương, như Thiên Chúa đã làm đối với chúng ta và như thánh Phaolô đã thực hiện điều đó cách tốt đẹp không?

Trong niềm vui và khiêm tốn, chúng ta cầu xin Đức Nữ Trinh ơn biết an ủi và khích lệ. Nhờ gương sáng của thánh Phao-lô khơi gợi, chúng ta có thể tái lập nơi mình những gì xa rời tấm gương đó, để như ngài, chúng ta phó thác trọn vẹn cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

(Còn tiếp)

Linh mục Mỹ Sơn

Gp. Long Xuyên
Soạn từ sách: After Some Years: Reflections on the Ministry of the Priest của Đức Hồng y Carlo Maria Martini

Nguồn: giaophanlongxuyen.org