Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phao lô (Phần III)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 579 | Cập nhật lần cuối: 7/29/2021 11:01:30 PM | RSS

CANH TÂN ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO GƯƠNG THÁNH PHAO LÔ (Phần lll)

MỤC LỤC

BÀI MỘT: KHÍCH LỆ VÀ AN ỦI

I. Bối cảnh lịch sử

II. Bối cảnh văn chương

III. Bối cảnh giáo hội

IV. Những suy tư.

V. Kết

VI. Câu hỏi gợi ý:

BÀI HAI: CỦNG CỐ KHI YẾU ĐUỐI

I. Những bấp bênh của thế giới ngày nay

II. Phân định sáng suốt

1. Giá trị nội tâm đích thực

2. Giá trị nội tâm giả tạo.

III. Tác vụ ủi an

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BA: THỬ THÁCH VÀ NƯỚC MẮT CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

I. Thử thách thứ nhất là nước mắt

II. Thử thách thứ hai là hoàn cảnh bên ngoài

III. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BỐN: THUỘC TRỌN VỀ ĐỨC KITÔ

I. “Tôi đã phục vụ thiên chúa”

1. Giải thích bản văn

2. Suy niệm và chiêm niệm.

II. Gợi ý cho việc cầu nguyện cá nhân

BÀI NĂM: Ý THỨC TÔNG ĐỒ CỦA CHÚNG TA

I. “Và giờ đây tôi lên Giêrusalem”

II. “Mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó”.

III. “Tôi chỉ biết …”

IV. “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì”

V. Kết luận

VI. Câu hỏi gợi ý:

BÀI SÁU: ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO Ý THIÊN CHÚA

I. Những việc phục vụ đặc biệt (diaconies particulières)

II. Việc phục vụ của thánh Phaolô

III. Tôi biết rằng anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa

IV. Trách nhiệm của các kỳ mục

V. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BẢY: TỈNH THỨC

I. Các kỳ mục Êphêsô là ai?

II. Tỉnh thức trong Tân ước là gì?

III. Chúng ta tỉnh thức đề phòng những gì?

1. Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cá nhân cực đoan.

2. Kế đó, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cực đoan về thời gian.

3. Cuối cùng, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống hướng hạ, dành ưu tiên cho những sự đời này.

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI TÁM: GẮN BÓ VỚI ĐỨC KITÔ VÀ VỚI GIÁO HỘI

I. Các kỳ mục Êphêsô phải tỉnh thức lo cho ai?

II. Tại sao phải tỉnh thức?

III. Tỉnh thức đề phòng thế nào?

1. Tỉnh thức tuân giữ kỷ luật đời sống

2. Gắn bó với Đức Kitô và Giáo Hội.

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI CUỐI: MẦU NHIỆM GIÁO HỘI TRONG ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

I. “Tôi xin phó thác anh em cho Chúa”

II. “… Và cho lời ân sủng của Người”.

III. Quyền năng của ân sủng

IV. Khó nghèo phúc âm của linh mục

V. Mối phúc của sự cho đi nhưng không

VI. Ngài cầu nguyện với họ

VII. Mầu nhiệm giáo hội

VIII. Câu hỏi gợi ý

BÀI NĂM: Ý THỨC TÔNG ĐỒ CỦA CHÚNG TA

Chúng ta bắt đầu suy gẫm từ câu 22 về “ý thức tông đồ” của thánh Phaolô. Chúng ta sẽ theo sát bản văn và tìm hiểu từng câu nói của ngài để hiểu rõ ơn gọi và sự dấn thân không mệt mỏi, không so đo tính toán của ngài. Có những đoạn, những câu cho thấy thánh Phaolô để tình cảm và những xúc động trong lòng lôi cuốn một cách rất tự nhiên.

I. “Và giờ đây tôi lên Giêrusalem”

Chúng ta cùng nghe: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi” (Cv 20, 22-23).

- Và giờ đây …những từ này diễn tả ý thức của thánh Tông Đồ về những gì ngài đang sống ở đây và lúc này (hic et nunc). Nó cũng gợi lên một điều chắc chắc sắp xảy ra.

- Bị Thần Khí trói buộc …Lời này rất mạnh mẽ cho thấy thánh Tông Đồ bị tình cảm xâm chiếm. Ngài lên Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xảy ra, vì thế, ngài lo lắng và sợ hãi. Tuy vậy, ngài vẫn ý thức chắc chắn mình có bổn phận phải hoàn thành ở đó. Đây là đặc tính tự do làm nên những ơn gọi lớn của những người dấn thân trọn đời: sau khi đã phân định, chúng ta chọn lựa và hành động dù gặp những trở ngại và những xáo trộn. Ý thức này không đơn giản chỉ là ý thức của người thi hành mệnh lệnh bề trên, mà còn một điều gì đó sâu xa hơn. Kinh nghiệm cho thấy những chọn lựa nền tảng của cuộc đời không đến từ tính thất thường hoặc do cảm xúc nhất thời thúc đẩy, mà là một khơi gợi nội tâm biết chắc mình được Chúa mời gọi. Những chọn lựa này sau đó có thể đưa đến ơn gọi tu trì hoặc ơn gọi sống giữa đời. Tuy nhiên, khởi đầu của những ơn gọi này bao giờ cũng do ý thức về lời mời gọi. Ví dụ gần nhất về những diễn tả của thánh Phaolô là chuyện thánh Maximilianô Kolbe đã chết thay cho một người tù trong trại tập trung Quốc xã Đức. Chắc chắn, hành động đó làm cha Kolbe sợ hãi, nhưng ngài cảm thấy được mời gọi hiến dâng như vậy và ý thức rằng mình phải thay thế cho người tù kia.

- Bị Thần Khí trói buộc: Câu này còn có ý nói thánh Tông Đồ thuộc trọn về Chúa, lệ thuộc hoàn toàn vào Đấng đã chết trên thập giá vì ngài; ngài là nô lệ của Chúa Giêsu. Ngài có thể viện ra nhiều lý do để không lên Giêrusalem, nhưng ngài cảm thấy được Thần Khí lôi kéo mạnh mẽ. Chúng ta thấy một cảm nhận sâu xa về ơn gọi là một ơn huệ Chúa ban, bởi vì, nếu để tự ý, chúng ta không thể trung thành với lời hứa của mình. Phải được tình yêu Chúa chinh phục mới có thể “được trói buộc”. Thông thường, chúng ta không thể tự trói, nếu làm vậy, nút trói không bao lâu sẽ lỏng ra. Chính Đấng khác cột chúng ta lại. Ở đây, chính Chúa Giêsu đã trói buộc thánh Phaolô. Từ kinh nghiệm chọn lựa tự do của thánh Tông Đồ, chúng ta suy nghĩ về tự do của mình. Trong ơn gọi, không ai ép buộc chúng ta chọn lựa. Trái lại, chính chúng ta cảm thấy mình bị trói buộc vào Chúa bởi Thần Khí. Khi chọn lựa bước theo Chúa dù gặp gian khổ, thử thách, chúng ta như gặp lại chính mình, bởi vì con người chúng ta được tạo nên để hiến dâng chính mình cách tự do. Ơn huệ này không hời hợt, nó cho thấy chúng ta là ai. Nếu từ bỏ nó, chúng ta đánh mất chính mình.

- Tôi lên Giêrusalem: Thánh Phaolô hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Chúa qua cuộc đi lên Giêrusalem. Chuyến đi đầy nguy cơ, nhưng ngài chấp nhận vì Đức Kitô. Đó còn là chuyến đi của đức bác ái, vì ngài dấn thân bởi tình yêu, để thi hành việc “phục vụ”. Ngài đã quyên tiền để giúp các anh em ở Giêrusalem. Chuyến đi này cho phép ngài tôn vinh Giáo Hội của Phêrô và Giacôbê là Giáo Hội truyền thống và đầu tiên. Đây cũng là dịp ngài biểu lộ sự hiệp thông với các tông đồ. Qua đó, ngài chứng tỏ rằng mình không phải là người rao giảng đơn độc, không phải là người lập một tôn giáo mới. Sau cùng, chuyến di này cũng cho thấy ngài đang theo bước Đức Kitô vì chính Chúa cũng đã cương quyết lên Giêrusalem khi đến ngày Người được rước lên trời (Luca 9, 51).

II. “Mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó”.

Ở đây, thánh Phaolô ý thức về sự bấp bênh và những đe dọa: Liệu tôi có được đón tiếp không? Anh em ở Giêrusalem có chấp nhận số tiền quyên góp vì lòng bác ái của các Giáo Hội khác không? Người Do Thái sẽ đón nhận ngài thế nào? Sứ mạng của ngài có mang lại lợi ích gì không?

Nên lưu ý là thánh Tông Đồ bắt đầu chuyến đi đầy nguy cơ ở độ tuổi mà ngài có thể nghỉ ngơi bình an trong sự kính trọng của mọi người (*Lúc đó, có lẽ ngài 56 hoặc 57 tuổi, độ tuổi vào thời đó là khá cao vì tuổi thọ thấp). Hành động đầy can đảm của ngài làm gương cho chúng ta. Hành động đó cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức thực sự bởi vì chúng ta đang sống trong một nền văn hóa với một não trạng tìm kiếm an toàn và chỗ dựa. Khi nhận một trách vụ ví dụ ở một giáo xứ, chúng ta thường hỏi: Tôi ở vị trí nào? Những việc tôi phải làm trong giáo xứ là gì? Hơn nữa, ngày nay, chúng ta thường sợ những nhiệm vụ mới và không xác định rõ ràng. Người thời nay sợ phải vạch ra những con đường mới.

Chắc chắn, đòi hỏi biết rõ nhiệm vụ là điều chính đáng. Nhưng nó cũng biểu lộ tính mỏng dòn của xã hội ngày nay, một xã hội thoái hóa thành xã hội “chức năng” (fonctionnalisme). Các chức năng ngày càng nhiều (trong kinh tế, quốc gia, quân đội, gia đình, v.v.); những chức năng đó sản sinh ra những nhiệm vụ được chia nhỏ thành vô số những phận vụ. Những phận vụ này có những luật riêng của nó và chúng ít liên hệ với nhau. Bởi đó, ai cũng dành ưu tiên để học “luật chơi” nhằm bảo vệ quyền lợi và đặc quyền của mình tốt hơn. Không ai nhận ra rằng xã hội ngày càng phức tạp hơn, và những nguyên tắc lớn về đạo đức biến mất nhường chỗ cho những chức năng vận hành của xã hội. Ai cũng ưu tư làm sao để biết vai trò của mình một cách tỉ mỉ và dự tính cho tương lai. Dĩ nhiên, não trạng đó cũng ảnh hưởng trên linh mục chúng ta. Nó làm chúng ta quên rằng ơn gọi dấn thân trọn vẹn không thể được định nghĩa theo những trách nhiệm rất rõ ràng vì như vậy sẽ có nguy cơ bóp nghẹt con người và ý nghĩa của việc phục vụ Chúa. Chúng ta đừng dập tắt Chúa Thánh Thần nhờ những “lý lẽ” hời hợt bề ngoài. Biết nhiệm vụ chính xác của mình là gì và biết người khác chờ đợi gì nơi chúng ta tới từng chi tiết, có phải là cấp bách thực sự không? (Ví dụ: khi nhiệm vụ hoặc công tác đã được phân chia rõ ràng, chi tiết, chúng ta thường chỉ lo làm xong nhiệm vụ đã được chia. Việc ai nấy làm. Nhà ai nấy lo. Khi làm xong, chúng ta yên trí mình đã hoàn thành nhiệm vụ, mình có quyền nghỉ ngơi, hoặc lo những chuyện riêng của mình. Những việc chung không được phân công, những việc làm mà tình liên đới, hoặc tinh thần dấn thân, phục vụ đòi hỏi, nhiều khi chúng ta không làm vì không được phân công). Suy nghĩ và sống như vậy nên chúng ta dễ đưa ra những lý do na ná như những lý do mà các vị khách được mời đã đưa ra để từ chối trong dụ ngôn Tiệc Cưới Nước Trời. Không phải Chúa Giêsu đã phê phán thái độ từ chối đó sao? Các tương quan của chúng ta với nhiệm vụ phải nhường chỗ cho tính sáng tạo hay sự can đảm hơn là cho những giới hạn chặt chẽ của nhiệm vụ đã được phân công. Sống trong văn hoá xã hội tìm kiếm sự an ổn như xã hội hiện tại, chúng ta càng ngưỡng mộ thái độ của thánh Phaolô, khi quyết định ra đi trong chuyến đi mà không biết điều gì sẽ xảy ra, dù đã cao niên. Ngài ra đi chỉ vì biết rằng đã là tôi tớ Chúa thì ngài luôn sẵn sàng vâng theo những thúc đẩy của Thánh Thần.

Thánh Phaolô không một chút quan tâm đến vai trò của ngài là gì, tương lai của ngài thế nào, người khác chờ đợi gì nơi ngài, những tiêu chuẩn thành công hay thất bại là gì. Thái độ vâng theo những khơi gợi của Thánh Thần nơi thánh Phaolô nhắc nhớ đến thái độ của Abraham, cha của những người tin. Đức tin đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi những lược đồ định sẵn, những vai trò được xác định rõ ràng, và cả những sự an toàn vốn có nữa; nó đòi chúng ta phải lên đường: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8). Điều làm nên con người môn đệ đích thực không phải là phận vụ mà là sức mạnh của vâng phục. Abraham đã ra đi mà không biết mình đi đâu; cuộc phiêu lưu đạo đức là cuộc phiêu lưu của đức tin. Ông biết Đấng ra dấu chỉ cho ông, ông biết mình được kêu gọi đi đến một quê hương. Tuy nhiên, ông không biết cuộc hành trình sẽ như thế nào. Không ý thức sâu xa về lời mời gọi, chúng ta không bao giờ vượt qua những nghi ngờ xuất phát từ những nhận thức thực dụng do chính bản tính con người chúng ta.

ĐHY Martini cũng lưu ý tới tinh thần “nghiệp đoàn”. Nghiệp đoàn được lập ra để tranh đấu cho quyền lợi của hội viên, mà đây thường là quyền lợi vật chất, sự thoải mái tiện nghi. Nhiều khi chúng ta cố gắng bảo vệ những quyền lợi “nghiệp đoàn” của linh mục, và đòi hỏi “những khoảng không gian và thời gian” phải có cho linh mục nghỉ ngơi, giải trí, xả stress, v.v. Đây là nhu cầu chính đáng miễn là tránh được hai nguy cơ: 1/ Những đòi hỏi theo tinh thần “nghiệp đoàn”, nghĩa là theo tinh thần thế gian thường có chiều hướng trở nên độc đoán và ích kỷ, chỉ biết đến quyền lợi của mình; 2/ Đánh mất tinh thần dấn thân phục vụ mọi người, nhất là những nơi xa xôi, hẻo lánh, những người nghèo khổ, bệnh tật, hoặc những người khô khan, nguội lạnh, mất đức tin, dù phải đương đầu với xiềng xích và gian truân như thánh Phaolô nói tới dưới đây.

III. “Tôi chỉ biết …”

Thánh Phaolô chỉ biết một chút về tương lai của ngài: “Tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi” (c.23). Ngài không biết những gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn xiềng xích và gian truân đang chờ đợi ngài. Xiềng xích chỉ những đau khổ cụ thể: tù đày, tra tấn, cái chết. Gian truân chỉ những thử thách tinh thần: lo âu, cô đơn, sợ hãi, áp lực luân lý và tâm lý. Trong quá khứ, thánh Phaolô đã từng trải qua những thử thách đó: “Thật thế, thưa anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên Axia: chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi” (2 Cr 1, 8). Không thể theo Đấng Chịu Đóng Đinh nếu không tham dự cuộc Khổ Nạn của Người. Như thánh Phaolô, chúng ta phải sẵn sàng yêu mến và đón nhận những trái ý xảy đến khi phục vụ chân lý. Tuy nhiên, trước những thử thách, chúng ta có thể có hai thái độ: một là vẫn theo thúc đẩy của Thánh Thần, hai là theo những tình cảm riêng tư của mình hay những lời khuyên của bạn hữu, người đồng hành để né tránh hết sức có thể. Xung đột về phân định phát xuất từ đó.

IV. “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì”

Thánh Phaolô khẳng định lại ý thức tông đồ của ngài: “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì”. Thánh Tông Đồ nói lại điều ngài đã nói trước đó: Phục vụ Chúa như một tôi tớ và bị Thần Khí trói buộc. Nói như vậy không có nghĩa là ngài không coi mạng sống mình là quan trọng. Ngài chỉ có ý nói rằng mình rất gắn bó với mạng sống nhưng vì một lý tưởng cao đẹp hơn nên ngài sẵn sàng không quan tâm tới nó. Có một bà mắc một căn bệnh bất trị đã nói: “Căn bệnh đó không làm con mất ngủ”. Khi bà ấy nói câu này không có nghĩa là bà không quan tâm đến bất cứ điều gì, nhưng có ý nói đức tin vào Thiên Chúa giúp bà vượt qua mọi thứ xáo trộn.

V. Kết luận

Hãy đối thoại với thánh Phaolô để suy gẫm. Hãy tìm hiểu xem kinh nghiệm của chúng ta có giống với kinh nghiệm của ngài không và lời mời gọi ngài đã nghe và lời mời gọi của chúng ta có gặp nhau trong ơn huệ của Chúa không. Một cách nào đó, chúng ta có thể phản ánh chính mình nơi ngài. Nhưng hình ảnh của ngài cũng biểu lộ qua chúng ta: chúng ta sẽ cảm động nhận ra rằng những động lực thúc đẩy ngài thời Giáo Hội sơ khai cũng là những động lực thúc đẩy chúng ta ngày nay. Nhờ truyền thống để lại, chúng ta có thể đồng nhất mình với ngài. Điều đó giúp chúng ta ý thức về sự kế tục của các môn đệ Đức Kitô, thế hệ đi trước đến chúng ta là những thế hệ đi sau. Chúng ta sẽ trải nghiệm niềm vui phục vụ Đức Kitô, trung thành với Người và niềm vui đi loan báo Tin Mừng. Hãy đánh giá ý thức tông đồ của chúng ta dựa trên những gì thánh Phaolô đã trải nghiệm. Hãy vượt qua những thế kỷ chia cắt ngài với chúng ta để uống tận suối nguồn sống động Chúa Giêsu ban tặng.

VI. Câu hỏi gợi ý:

Với những gì thánh Phaolô đã nói, đã làm, chúng ta hãy soi vào tấm gương của Ngài và tự hỏi:

1. Tôi ý thức về ơn gọi linh mục của tôi thế nào? Sâu xa hay hời hợt? Tôi đã và sẽ làm gì để ý thức ơn gọi của tôi ngày một sâu xa, mạnh mẽ hơn?

2. Tôi có “bị trói buộc” bởi Thần Khí trong mọi công việc tông đồ, phục vụ của tôi không? Hay tôi chỉ “bị trói buộc” bởi chính tôi?

3. Tôi sống tinh thần liên đới và dấn thân phục vụ thế nào? Chỉ dừng lại ở những phận vụ được trao hay luôn cố gắng phục vụ hết mình, không so đo, tính toán?

4. Tôi có tinh thần “nghiệp đoàn” không? Và tôi có nhận ra và tránh được tinh thần đó không?

-*-

BÀI SÁU: ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO Ý THIÊN CHÚA

Chúng ta đã suy niệm câu 22-23 trong bài trước, bây giờ chúng ta tìm hiểu những câu tiếp theo: “Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa. Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can. Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa” (Cv 20, 25-27).

I. Những việc phục vụ đặc biệt (diaconies particulières)

Thánh Phao-lô dùng nhiều cách để diễn tả việc phục vụ (diaconie) của ngài. Do đó, trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa của từ “diaconie” dưới ánh sáng Kinh Thánh. Như chúng ta biết, Tân ước dùng từ “diaconie” nhiều lần để chỉ những việc phục vụ khác nhau. Đôi khi từ đó dùng để chỉ những sự phục vụ vật chất, ví dụ việc phục vụ bàn ăn. Trong 2 Cr 8, 4 thì từ “diaconie” được dùng để chỉ sự đóng góp tiền bạc giúp đỡ Giáo Hội Giêrusalem: đó là việc phục vụ khá nặng nề và đòi hỏi can đảm. Chúng ta có thể nói rằng Tân ước dùng từ “diaconie” để chỉ những việc phục vụ liên quan đến giá trị đời này (đồ ăn, quần áo, sức khoẻ, nhà cửa). Những việc phục vụ này được thực hiện bởi tình yêu đối với Đức Kitô: nơi các Kitô hữu, nó phát sinh từ đức tin, nó phản ánh sự năng động của đức tin triển nở trong đức ái. Chúng ta có thể gọi những việc phục vụ này là “những phục vụ bởi đức tin” (diaconies ex fide) (phát xuất từ đức tin). Tuy nhiên, Tân ước cũng nói tới “việc phục vụ đức tin” (diaconie fidei) (về đức tin, của đức tin). Việc phục vụ này phân biệt với những việc phục vụ trên, nhưng không tách rời. Đối tượng của việc phục vụ này là thông truyền đức tin: đó là việc rao giảng và tác vụ mục vụ nói chung qua đó, chúng ta phục vụ Chúa Giêsu và anh chị em; họ là những người lắng nghe và chúng ta hiến tặng họ lời cứu độ. Đó là việc phục vụ với ý nghĩa thiêng liêng và cánh chung; nó liên quan tới những giá trị đời sau.

II. Việc phục vụ của thánh Phaolô

Các nhà chú giải tự hỏi thánh Phaolô ám chỉ đến việc phục vụ nào khi ngài nói ở câu 24: miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn công việc phục vụ (chức vụ) tôi đã nhận từ Chúa Giêsu.

1. Nếu loại bỏ văn cảnh, chúng ta sẽ trả lời đó là việc phục vụ có tính trần thế. Thánh Tông Đồ quyên tiền đem đến Giêrusalem; ngài đã bỏ công sức rất nhiều cho việc quyên góp này, ngay cả liều mất danh dự, trước những cộng đoàn ở Macedonia và Achaia; và ngài ước mong làm cho xong. Ngài giữ tiền và ngài muốn đích thân trao cho Giáo Hội Giêrusalem. Các tín hữu Macedonia và Achaia không giàu có, nhưng vào ngày Chúa Nhật, họ sẵn lòng cùng nhau góp quỹ để giúp những người túng thiếu hơn. Như vậy, họ bắt chước Đức Kitô Đấng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có (2Cr 8, 9).

2. Nhưng ngoài việc phục vụ vì bác ái, đó cũng là việc phục vụ cho sự hiệp thông. Các cộng đoàn Hy Lạp dường như phát triển mà không nghĩ đến cộng đoàn lâu đời và truyền thống (các cộng đoàn ở Giêrusalem). Thánh Phaolô muốn chứng minh rằng không có sự bất đồng với các cộng đoàn có trước ở Giêrusalem, liên kết với Luật Môsê chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, phần lớn các nhà chú giải đều đồng ý rằng trong diễn từ Milêtô, chính yếu, thánh Phaolô nói về tác vụ phục vụ của người tông đồ. Thánh Phaolô coi đó là sứ vụ của mình và trong thư thứ hai gởi tín hữu Côrintô, ngài đã bảo vệ sứ vụ đó một cách mạnh mẽ. Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô và trong thư gởi tín hữu Rôma, ngài cũng nhấn mạnh về tác vụ phục vụ của người tông đồ mà ngài đã nhận lãnh từ Chúa. Do đó, đối với ngài, việc phục vụ có tính trần thế là quyên tiền nằm ở vị trí thứ yếu. Thực sự thánh Phaolô nhấn mạnh đến sứ mạng làm chứng cho ân sủng của Thiên Chúa, và công bố Tin Mừng của Lòng thương xót, hơn là việc quyên tiền.

3. Chính Chúa Giêsu đã trao tác vụ phục vụ cho thánh Tông Đồ. Tác vụ đó trở nên một phần của bản thân ngài. Nhưng ngài được Chúa trao phó lúc nào? Chắc hẳn là thánh Phaolô nghĩ đến ơn gọi-hoán cải của ngài, một ơn gọi hoán cải mà ngài luôn nhắc tới khi nói về nguồn gốc sứ mạng của ngài: Chính Chúa Giêsu đã chọn tôi ngay từ khi còn trong lòng mẹ (Gl. 1, 15). Do đó, ngài không bao giờ nhát đảm: Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí (2 Cr 4, 1); nhờ Đức Kitô, chúng tôi dám tin tưởng vào Thiên Chúa như vậy. Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí (2 Cr. 3, 4-6). Để kết luận, thánh Tông Đồ diễn tả ý thức ngài có về tác vụ phục vụ của ngài bằng nhiều cách: phục vụ Chúa như người nô lệ, rao giảng, loan báo ý muốn của Thiên Chúa, khích lệ và công bố Nước Chúa trị đến.

III. Tôi biết rằng anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa

Bây giờ chúng ta suy gẫm về câu 25: Và bây giờ, tôi biết rằng, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa. Câu này biến đổi diễn từ thành một di chúc. Mặc dù chúng ta đều biết, qua đời sống và các bức thư mục vụ, thánh Phaolô còn trở lại Milêtô lần nữa. Nhưng có những giây phút quan trọng trong cuộc sống, thánh Phaolô hướng cái nhìn đi rất xa. Coi như lần cuối, ngài muốn diễn tả rõ ràng và thông truyền tất cả những gì nằm trong con tim của ngài, không giữ lại gì.

Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can. Người ta vẫn ngạc nhiên về lời khẳng định trên. Lời khẳng định đó không phải là một đánh giá có tính cách luân lý đối với các hoạt động của Phaolô (*nghĩa là ngài không có lỗi do lơ là việc rao giảng Tin Mừng làm cho người khác hư mất), nhưng là một đánh giá tổng quát của người biết hiến trọn vẹn chính mình cho người khác. Đó là một bằng chứng về tình cảm sâu xa đối với cộng đoàn và từng người. Ở đây, chúng ta nhớ lại bản văn tuyệt vời của Đức Phaolô VI, những suy nghĩ ở ngưỡng cửa cái chết: “Tôi có thể nói rằng tôi đã luôn yêu mến Giáo Hội, tôi tin rằng mình đã sống cho Giáo Hội, mà không cho một cái gì khác. Tôi mong muốn Giáo Hội biết điều đó, tôi mong muốn có can đảm nói với Giáo Hội điều đó, như điều bí mật của con tim. Tôi chỉ có sức mạnh làm điều đó vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời”. Đó là ý thức của người hiến trọn vẹn chính mình cho đến giây phút cuối của cuộc đời.

Trong cầu nguyện, có lẽ chúng ta có thể thoáng nhận ra điều mà thánh Tông đồ muốn nói khi ngài khẳng định đã hiến dâng tất cả. Có lẽ chúng ta hiệp thông với con tim ngài và hiểu rõ sự dịu dàng cùng sự dấn thân trong toàn bộ sứ vụ của ngài. Có thể nói, ngài kiêu hãnh về những gì mình đã thực hiện. Nhưng đó là sự kiêu hãnh của một người cha muốn nói lên rằng: cha đã làm tất cả cho con. Và điều đó được biểu lộ qua câu ẩn dụ: có ai trong anh em hư mất thì tôi vô can. Ở đây, thánh Phaolô nghĩ rằng chắc chắn một số người sẽ hư mất, và ngài cảnh giác các kỳ mục: Các ông có nghĩ đến điều tôi đã nói không?

Từ câu 29, thánh Phaolô cho thấy sự khích lệ còn khẩn thiết hơn: "Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. Sói mang vẻ ngoài của các mục tử. Ở đây, chúng ta hiểu được sự an tâm của ngài: ngài ý thức mình không có lỗi vì sự hư mất của bất cứ ai. Còn chúng ta, nếu xét mình, chúng ta phải đấm ngực thú nhận mình luôn có lỗi đối với những người Chúa trao phó cho chúng ta để săn sóc mục vụ. Hãy nghĩ tới những người đang rời xa Giáo Hội cách này hay cách khác trong cộng đoàn của chúng ta (trẻ em, thanh thiếu niên, người chết không được lãnh nhận các bí tích, người lớn bỏ đạo). Thử hỏi chúng ta có thể mạnh dạn nói “vô can” như thánh Phaolô khi chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình không?

Thánh Phaolô đã thực hiện mọi sự vì ngài đã loan báo ý định của Thiên Chúa. Ngài lặp lại 2 lần câu: "… tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, … Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa”. Qua câu nói này, chúng ta thấy trung tâm lời thánh Phaolô rao giảng là Đức Giêsu Kitô, là Đấng Phục sinh và là Chúa (Kyrios).

Câu nói trên của thánh Phaolô biểu lộ sự sẵn sàng bên trong của ngài, đồng thời cũng nói về những hoàn cảnh bên ngoài: trong sự khiêm tốn rất mực và không chần chừ tránh né. Ngài can đảm rao giảng chống lại mọi toan tính bỏ cuộc. Nhưng điều đáng lưu ý là câu: “tất cả ý định của Thiên Chúa”. Thành ngữ này chắc chắn là nói quá vì một phần ý định này vẫn chưa được mặc khải. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý tới từ “cho anh em”. Điều này có nghĩa là thánh Phaolô đã rao giảng cho các kỳ mục tất cả ý định của Thiên Chúa có liên quan đến họ; rao giảng cho họ mọi điều về tác vụ họ đã lãnh nhận.

IV. Trách nhiệm của các kỳ mục

Có thể kết luận rằng trách nhiệm quan trọng mà thánh Phaolô không bỏ qua, chính là toàn bộ sự khích lệ luân lý rút ra từ Tin Mừng dành cho các kỳ mục. Sự khích lệ luân lý đó có thể thấy qua lời khuyên trong các thư mục vụ của thánh Tông Đồ, như trong 1 Tm 3, 2-3: “Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy; người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền…” Ở đây, nói đến các giám quản của cộng đoàn (ngày nay là linh mục đoàn). Thánh Phaolô tiếp tục khuyên Timôthêô: “… Còn những chuyện hoang đường nhảm nhí của bà già, thì hãy loại bỏ. Hãy luyện tập sống đạo đức; vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề” (1Tm 4, 7-8). “Trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, …Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy” (1 Tm 4, 13-16). Thánh Phaolô đã khuyên nhủ cẩn thận, đầy tình thương đối với Timôthêô. Ngài ý thức mình không trốn tránh trách nhiệm: ngài không chiều theo sự thông thái của các kỳ mục bằng những hệ tư tưởng cao sâu, nhưng nhắc cho họ mọi chi tiết thuộc ý định của Thiên Chúa về đời sống họ. Và dĩ nhiên, những chi tiết đó cũng biểu lộ ý định của Thiên Chúa về đời sống chúng ta. Những lời khuyên trên phát xuất từ con tim của thánh Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô, người rao giảng Chúa Giêsu và mầu nhiệm phục sinh của Người và những lời khuyên nhủ đó diễn dịch đức tin cách cụ thể cho đời sống và kỷ luật hàng ngày (cầu nguyện, giữ gìn các giác quan, giở giấc, trung thực, giữ sức khoẻ nhưng không quá chú trọng đến gánh nặng của sự mệt nhọc). Đời sống và sứ vụ của thánh Phaolô là kiểu mẫu cho hàng linh mục chúng ta, vì đó là sự diễn dịch cụ thể Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.

Linh mục - người mang Chúa cho trần gian

V. Câu hỏi gợi ý:

1. Việc phục vụ tông đồ, tức việc rao giảng Tin Mừng về ân sủng và lòng thương xót của Chúa nơi tôi thế nào? Ưu tiên hàng đầu hay tôi đang lơ là và xem là thứ yếu?

2. Tôi có nói được với cộng đoàn giáo xứ tôi phục vụ, hay gia đình, lớp học, hội đoàn, v.v. tôi phục vụ như thánh Phaolô: “Tôi đã làm tất cả cho anh chị em” không? Tôi có thể an tâm như thánh Phaolô khi nói: “Nếu có ai trong anh em phải hư mất thì tôi vô can” không?

3. Tôi giữ “kỷ luật hàng ngày” của đời sống linh mục, hay của đời sống người công giáo thế nào, để chính đời sống của tôi cũng là lời rao giảng Tin Mừng về ân sủng và lòng thương xót của Chúa?

(Còn tiếp)

Linh mục Mỹ Sơn

Gp. Long Xuyên
Soạn từ sách: After Some Years: Reflections on the Ministry of the Priest của Đức Hồng y Carlo Maria Martini

Nguồn: giaophanlongxuyen.org