Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phao lô (Phần IV)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 486 | Cập nhật lần cuối: 7/27/2021 5:22:05 PM | RSS

CANH TÂN ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO GƯƠNG THÁNH PHAO LÔ (Phần lV)

MỤC LỤC

BÀI MỘT: KHÍCH LỆ VÀ AN ỦI

I. Bối cảnh lịch sử

II. Bối cảnh văn chương

III. Bối cảnh giáo hội

IV. Những suy tư.

V. Kết

VI. Câu hỏi gợi ý:

BÀI HAI: CỦNG CỐ KHI YẾU ĐUỐI

I. Những bấp bênh của thế giới ngày nay

II. Phân định sáng suốt

1. Giá trị nội tâm đích thực

2. Giá trị nội tâm giả tạo.

III. Tác vụ ủi an

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BA: THỬ THÁCH VÀ NƯỚC MẮT CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

I. Thử thách thứ nhất là nước mắt

II. Thử thách thứ hai là hoàn cảnh bên ngoài

III. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BỐN: THUỘC TRỌN VỀ ĐỨC KITÔ

I. “Tôi đã phục vụ thiên chúa”

1. Giải thích bản văn

2. Suy niệm và chiêm niệm.

II. Gợi ý cho việc cầu nguyện cá nhân

BÀI NĂM: Ý THỨC TÔNG ĐỒ CỦA CHÚNG TA

I. “Và giờ đây tôi lên Giêrusalem”

II. “Mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó”.

III. “Tôi chỉ biết …”

IV. “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì”

V. Kết luận

VI. Câu hỏi gợi ý:

BÀI SÁU: ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO Ý THIÊN CHÚA

I. Những việc phục vụ đặc biệt (diaconies particulières)

II. Việc phục vụ của thánh Phaolô

III. Tôi biết rằng anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa

IV. Trách nhiệm của các kỳ mục

V. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BẢY: TỈNH THỨC

I. Các kỳ mục Êphêsô là ai?

II. Tỉnh thức trong Tân ước là gì?

III. Chúng ta tỉnh thức đề phòng những gì?

1. Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cá nhân cực đoan.

2. Kế đó, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cực đoan về thời gian.

3. Cuối cùng, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống hướng hạ, dành ưu tiên cho những sự đời này.

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI TÁM: GẮN BÓ VỚI ĐỨC KITÔ VÀ VỚI GIÁO HỘI

I. Các kỳ mục Êphêsô phải tỉnh thức lo cho ai?

II. Tại sao phải tỉnh thức?

III. Tỉnh thức đề phòng thế nào?

1. Tỉnh thức tuân giữ kỷ luật đời sống

2. Gắn bó với Đức Kitô và Giáo Hội.

IV. Câu hỏi gợi ý

BÀI CUỐI: MẦU NHIỆM GIÁO HỘI TRONG ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

I. “Tôi xin phó thác anh em cho Chúa”

II. “… Và cho lời ân sủng của Người”.

III. Quyền năng của ân sủng

IV. Khó nghèo phúc âm của linh mục

V. Mối phúc của sự cho đi nhưng không

VI. Ngài cầu nguyện với họ

VII. Mầu nhiệm giáo hội

VIII. Câu hỏi gợi ý

BÀI BẢY: TỈNH THỨC

Chúng ta sang phần thứ ba của diễn từ Milêtô: huấn thị cho các kỳ mục, hay đúng hơn là sự khích lệ (c. 28-31): "Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình. Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ”. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu các kỳ mục Êphêsô là ai; tỉnh thức theo Tân Ước là gì, và chúng ta cần tỉnh thức đề phòng những gì.

I. Các kỳ mục Êphêsô là ai?

Khi nói đến các kỳ mục là chúng ta nói đến những người hữu trách. Đó là những giáo dân, phần lớn có gia đình và lao động kiếm sống, ở độ tuổi 35-40. Có thể so sánh họ với hội đồng mục vụ giáo xứ của chúng ta hiện nay. Chỉ một vài người trong số họ là những người rao giảng Tin Mừng (évangélistes) toàn thời gian hoặc rày đây mai đó. Họ dành một vài năm để phục vụ cộng đoàn. Hoặc họ nghiên cứu Kinh thánh và các cộng đoàn lo cho họ. Tuy nhiên, cách chính thức, đó là các linh mục mà người ta cũng gọi là kỳ mục (épiscopes); họ thay phiên nhau chủ toạ lễ tạ ơn khi thánh Tông Đồ vắng mặt; họ rửa tội; điều hành các lớp giáo lý và lo cho những người trở lại đạo. Có người trong họ lãnh trách nhiệm về hành chánh; có người thì lo xem xét những trường hợp hôn nhân khó khăn. Họ khuyên bảo và lo cho cộng đoàn được bình an khi có những tranh chấp. Họ họp nhau theo định kỳ để xem xét các vấn đề chính yếu. Vào thời đó, các tông đồ còn sống, nên cộng đoàn là loại cộng đoàn tông đồ, chứ không phải cộng đoàn có giám mục. Khi thánh Tông Đồ không ở đó, họ viết để trình bày cho ngài những trường hợp quan trọng nhất, hoặc họ hỏi ý kiến trực tiếp như ở Milêtô.

Để được gọi, ứng viên vào hàng kỳ mục phải có đời sống thiêng liêng và đạo đức thích hợp: một cảm nhận tình yêu huynh đệ trên mức trung bình, luôn sẵn sàng phục vụ (từ bỏ thời gian tự do, kể cả công việc đang làm …), một cảm nhận nhanh nhạy về những tương quan con người với nhau để có thể gia nhập nhóm – hợp nhất với thánh Tông Đồ - và để xây dựng và duy trì tinh thần huynh đệ trong cộng đoàn. Người ta không đòi làm việc toàn thời gian, hay phải độc thân. Thánh Phaolô không ngừng qui chiếu về kỳ mục đoàn, bởi vì chính ngài đã thiết lập, viếng thăm, củng cố và khích lệ cộng đoàn. Sau khi các tông đồ ra đi, khuôn mặt của giám mục sẽ nắm vai trò quan trọng: được chọn trong số các kỳ mục, giám mục sẽ thi hành quyền bính đặc biệt của các tông đồ.

Giáo Hội ngày càng đông các tín hữu. Sự đông đảo đó giải thích tại sao lại có các Giáo Hội giám mục, các giáo phận hoặc các miền đặc biệt. Được hợp thành bởi “tình huynh đệ” ngày càng đông, các giáo hội hiện nay có các linh mục được phong chức phục vụ. Cương vị xã hội của các “kỳ mục” hay “giám mục (épiscope)” đã thay đổi theo lịch sử. Từ khoảng 15 thế kỷ, các vị này thi hành một tác vụ thường đòi hỏi và bao gồm những trách nhiệm lớn hơn những trách nhiệm của các kỳ mục tiên khởi của cộng đoàn Êphêsô. Vào thời đó, các kỳ mục vẫn là giáo dân, dù trong thâm tâm họ, họ được kêu gọi theo Đức Kitô cách triệt để. Vai trò và địa vị các kỳ mục được thành hình vào thế kỷ thứ III và thứ IV, theo nhịp tiến triển của Giáo Hội và những đòi hỏi gia tăng của việc thờ phượng, của cơ cấu tổ chức và sự gặp gỡ các nền văn hoá.

Sự thánh hiến đời sống linh mục ngày càng giống với sự thánh hiến của các tông đồ là những vị được mời gọi bỏ hết mọi sự để theo Chúa Kitô. Các vị ngày càng ít giống với các kỳ mục ở Êphêsô. Có thể nói, chúng ta ở cùng phía với thánh Phaolô, Phêrô, Luca, Sila và Timôthêô, nghĩa là phía các vị hiến dâng xác và hồn cho việc phúc âm hoá và phục vụ cộng đoàn. Dần dần, linh mục chấp nhận hình tượng đời sống thiêng liêng của những người trở thành môn đệ Chúa Giêsu và được mời gọi theo Chúa Kitô, bỏ lại lưới cá và gia đình. Dĩ nhiên, tất cả những điều đó có những đường nét và mức độ khác nhau tuỳ theo những điều kiện xã hội trong tiến trình lịch sử của Giáo Hội. Điều kiện của đời sống chúng ta khác trước, nhưng chắc chắn nhiều đòi hỏi hơn khi so sánh với linh mục đoàn tiên khởi.

II. Tỉnh thức trong Tân ước là gì?

Sự khích lệ các kỳ mục Êphêsô chứa đựng một từ chìa khóa: Hãy tỉnh thức (c. 28.31). Chúng ta hãy xem xét ngắn gọn ý nghĩa chung của sự tỉnh thức và điều nó muốn diễn tả trong Tân Ước.

1. Trong Tân ước, có nhiều từ chỉ tỉnh thức với nhiều nghĩa khác nhau. Riêng từ “hãy tỉnh thức” trong câu 31 dịch từ hy lạp gregorette, nghĩa là “hãy thức tỉnh” hay “trong tình trạng thức tỉnh” của người đã ngủ. Từ này được dùng nhiều trong Tân Ước. Chúng ta tỉnh thức vì nhiều lý do: - Tỉnh thức vì sợ hãi: người chủ sợ kẻ trộm đến nên tỉnh thức. Cũng vậy, người đầy tớ tỉnh thức vì sợ chủ về bất ngờ bắt gặp mình đang mê ngủ vì say sưa với bạn bè; -Tỉnh thức vì mong ước: Cô dâu tỉnh thức đợi chú rể: đó là điều đã được gợi lên trong sách Diễm ca và trong dụ ngôn mười trinh nữ. Khi đợi chú rể, người ta đốt đèn sáng. Đó là sự tỉnh thức của sự mong ước: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” Đó cũng là sự tỉnh thức trong phụng vụ: “Chúng con chờ đợi Chúa trở lại”. - Sau cùng là tỉnh thức vì tình bạn mà Chúa Giêsu đã mời gọi các tông đồ.

2. Tân ước dùng nhiều nghĩa khác nhau về tỉnh thức cho thấy tầm quan trọng của thái độ này. Phải tỉnh thức, bởi vì nếu mê ngủ về đàng thiêng liêng, chúng ta sẽ mau chóng bị ma quỉ, tội lỗi, tà dâm kéo đến, và nhục dục cám dỗ, trí tưởng và tò mò sẽ xuất hiện. Một số trong chúng ta sa ngã bất ngờ bởi vì, khi đã cầu nguyện, chúng ta tin rằng mình vững mạnh, mà quên đi sự mỏng dòn, yếu đuối luôn đi liền với bản tính con người chúng ta. Chúa đòi hỏi chúng ta cầu nguyện để cái chết không bất ngờ đến khi chúng ta ở trong tình trạng tội lỗi, để khẩn cầu cho Nước Thiên Chúa đến trên thế gian và ngày trở lại của Chúa chúng ta, để đồng hành với Chúa Giêsu trong những giờ phút cầu nguyện lâu giờ khi hấp hối; nhờ đó chúng ta được thanh luyện khỏi những ước muốn tội lỗi hão huyền.

3. Tỉnh thức mong chờ Chúa đến, theo Kinh Thánh, đó là thái độ tiêu biểu của con người Phúc âm, của người không dừng lại ở những an toàn hiện tại nhưng hướng tới tương lai. Vì lý do đó, Tân Ước diễn tả sự tỉnh thức bằng những từ khác, ngoài hai từ mà thánh Phaolô dùng trong bản văn chúng ta đang suy niệm. Đặc biệt, trong những diễn từ cánh chung của các Tin Mừng nhất lãm. Ở đây, chúng ta có thể nói đến Mc 13, 33 và tt, trong đoạn này, “tỉnh thức” được dịch bằng từ hy lạp có nghĩa là “chiến đấu chống lại sự buồn ngủ”. Hơn nữa, khuyến khích tỉnh thức thường đi liền với lời mời gọi cầu nguyện liên tục, không ngừng. Cũng cần nói thêm, lời nhắc nhở “hãy tiết độ” cũng nằm trong thái độ tỉnh thức, bởi vì rượu làm người ta mê ngủ và ra tối tăm.

III. Chúng ta tỉnh thức đề phòng những gì?

Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới không còn ý thức về việc Chúa lại đến, trong khi các kitô hữu tiên khởi lại tin rằng ngày Chúa trở lại đã rất gần. Đúng hơn, thời đại chúng ta chỉ sợ chiến tranh hoặc tai họa hạt nhân có thể huỷ diệt nhân loại. Vì thế, nhiều người, nhất là giới trẻ muốn chiến đấu chống lại những xung đột trên thế giới và chống lại việc chạy đua vũ trang. Đó là sự diễn dịch có tính thế tục của sự tỉnh thức, trong khi hi vọng của Tân Ước là sự chờ đợi vị Hôn Phu sẽ đến. Đối với con người, sợ hãi sự kết thúc là một thái độ hiện sinh thường xuyên; nhưng chúng ta phải diễn dịch sự sợ hãi đó cách đúng đắn và thanh tẩy nó. Lịch sử sẽ có một kết thúc; những thực tại của thế giới này sẽ biến đổi. Nhưng đối với linh mục chúng ta, tỉnh thức Phúc âm phải được diễn dịch cụ thể thế nào?

1. Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cá nhân cực đoan

TK XVI-XVII, phương Tây khám phá ra giá trị của “cái tôi”. Có thể nói đến sự trỗi dậy của “cái tôi” từ trước tới nay bị xoá nhoà bởi “cái chúng tôi”. Sự trỗi dậy đó nếu hiểu theo nghĩa là tự do, trách nhiệm và trưởng thành của “cái tôi” thì rất tốt. Tuy nhiên, theo thời gian, “cái tôi” đó ngày càng được chú trọng quá mức biến thành một thứ chủ nghĩa cá nhân cực đoan. “Cái tôi” ngày càng tách rời khỏi “cái chúng tôi”. “Cái tôi” trở thành quan trọng nhất. “Cái tôi” là trung tâm mọi sự. “Cái tôi” trổi vượt hơn mọi người. “Cái tôi” hoàn hảo, không một khiếm khuyết. Nói tóm lại “Cái tôi” là tất cả. Một khi đã có “Cái tôi” như thế, chúng ta trở thành một người có lối sống cá nhân cực đoan nhất. Nguy hiểm hơn là sự đề cao thái quá “Cái tôi” thường được che dấu sau những lời nói và thái độ hết sức khiêm tốn, hết sức phục vụ. Là linh mục, sống trong bầu khí của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chúng ta cần tỉnh thức thắng vượt lối sống cá nhân cực đoan của “Cái tôi”. Đó là sự tỉnh thức thường xuyên, luôn kèm theo một đời sống cầu nguyện liên lỉ, cùng với sự xét mình chân thành trước nhan Chúa, cũng như can đảm lắng nghe và ngay cả nếm vị đắng của những góp ý thẳng thắn. Thắng vượt “Cái tôi” của lối sống cá nhân thái quá, chúng ta mới có thể sống liên đới, vị tha, yêu thương và chấp nhận lẫn nhau. Chấp nhận trong đời sống chung giữa anh em linh mục cùng phục vụ một giáo xứ, một cộng đoàn; chấp nhận giáo dân trong tôn trọng, yêu thương và tha thứ. Thật đáng buồn nếu chính chúng ta, những người tông đồ của Chúa, lại chỉ nghĩ đến mình, gia đình mình, người thân và bạn hữu của mình.

2. Kế đó, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cực đoan về thời gian

Ngày nay, tiêu chuẩn của xã hội là cái gì cũng phải nhanh. Càng nhanh càng tốt. có lần đi Metro (xe điện ngầm) ở Paris, một em bé độ 7 tuổi nói: 1’28”. Em bé có ý nói về thời gian từ trạm vừa rời tới trạm kế đó. Em tính từng giây. Nghĩa là đối với em, càng nhanh càng tốt. Không nói đâu xa, điện thoại di động chúng ta gọi nghe cũng trong xu hướng đó. Chú dế đời sau luôn nhanh hơn những chú dế đời trước. Hiệu quả kinh tế, hành chánh, v.v. đều được đánh giá bằng thời gian nhanh hay chậm. Làm chậm, cho sản phẩm ra thị trường chậm chỉ có chết trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Từ lãnh vực kinh tế, xã hội, quan niệm thời gian lấn sang lãnh vực tôn giáo. Cụ nào làm lễ nhanh, giảng ngắn được ưa thích. Cụ nào lề mề, dài dòng sẽ bị chê bai và tránh né. Về đời sống thiêng liêng cũng vậy, chúng ta muốn chính mình, giáo xứ và giáo dân phải mau lẹ đổi mới. Có thể nói, con người chúng ta ngày nay bị lôi cuốn bởi cái “tức khắc”, “tức thời”. Trong khi đó, Kinh Thánh không ngừng nói đến sự kiên trì, sự nhẫn nại, sự chờ đợi. Là mục tử, chúng ta đến với người khác với tình yêu phục vụ, mà tình yêu phục vụ đòi hỏi sự nhẫn nại và thời gian. Không thể có cái tức khắc cho sự đổi thay một con người. Người tông đồ phải cố gắng sống và giúp mọi người sống nhịp điệu tôn trọng bản tính con người, nghĩa là hãy coi thời gian là bạn, chứ không phải kẻ thù phải chinh phục.

Một khía cạnh khác cần lưu tâm, đó là nhiệt tâm tông đồ muốn làm mọi sự không để một khoảng trống thời gian nào. Đây cũng là cách gián tiếp chúng ta muốn chinh phục thời gian, muốn làm thật nhiều trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Đây cũng có thể là mặt trái của sự kiêu căng cho rằng mình có thể làm mọi sự, giải quyết mọi sự. Cần tìm kiếm thời gian thinh lặng trong cầu nguyện. Cần tách rời khỏi môi trường đang sống để suy nghĩ, nhìn lại chính mình và những hoạt động tông đồ của mình.

Ngược lại với nhiệt tâm tông đồ như muốn chinh phục thời gian, một thái độ khác cũng cần tránh đó là phí phạm thời gian. Có lẽ linh mục chúng ta thường rơi vào thái độ này. Thời gian rảnh rỗi quá nhiều vì nhiều lúc chúng ta không biết làm gì. Ở không sẽ dẫn đến lười biếng. Lười biếng lại đưa đến bê trễ bổn phận. Đầu óc chúng ta trở nên mụ mẫm, không còn suy nghĩ được, đọc một đoạn Tin Mừng nhiều khi chúng ta không biết nói gì, nên một là lấy bài giảng cũ ra giảng lại, hai là vào internet tìm kiếm và tải xuống; thế là xong bổn phận. Tệ hơn nữa, vì lười biếng, dần dà chúng ta sẽ chỉ uể oải làm những cái tối thiểu của bổn phận. Tận dụng thời gian Chúa ban và không vội chinh phục thời gian bằng mọi giá, đó là thái độ trung dung và đó là sự “tiết độ”, một nhân đức trong 4 nhân đức nền tảng là khôn ngoan, can đảm, công bình và tiết độ.

3. Cuối cùng, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống hướng hạ, dành ưu tiên cho những sự đời này

Lối sống này được biểu lộ qua 3 khía cạnh:

- Người thời nay không còn nhận biết có một Thiên Chúa là Cha yêu thương, sáng tạo và cứu chuộc. Họ theo một thứ chủ nghĩa nhân bản vô thần. Quan tâm, giúp đỡ, dấn thân trong những hoạt động nhân đạo vì tình người là đủ; không cần một Đấng Linh Thiêng Siêu Việt nào. Tuy nhiên, một lối sống nhân bản vô thần không mở ra với Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và thương xót rất dễ lạc hướng. Có khi người ta chỉ giúp đỡ những người cùng một niềm tin, cùng một lối sống, cùng một dân tộc, cùng một nền văn minh. Có khi người ta chỉ giúp đỡ những khía cạnh giới hạn tự đặt ra mà không giúp đỡ toàn diện con người, v.v.

- Không tin có Thiên Chúa thì cũng không tin có đời sau, hoặc niềm tin vào đời sau rất mờ nhạt. Hậu quả là gì? Những người này đánh mất niềm hi vọng thực sự. Họ đánh mất hi vọng bởi vì phải chết. Cái chết là điều chắc chắn nhất, không ai tránh được. Chính vì không tin vào đời sau vĩnh cửu, đánh mất niềm hi vọng hạnh phúc, mà thời đại chúng ta là thời đại đáng thương, một thời đại trong đó con người làm mồi cho mọi thứ trào lưu nhất thời, thay đổi, và nhất là làm mồi cho stress dẫn đến rất nhiều trường hợp tự tử của giới trẻ.

- Hậu quả của sự không tin có Thiên Chúa, không tin có đời sau là gì? Đó là lối sống hưởng thụ tối đa, và buông thả tình dục. Người ta tìm mọi cách để hưởng thụ. Người ta tôn thờ những thần tượng khác thay cho Thiên Chúa. Ai đam mê kỹ thuật, tín đồ công nghệ thì tôn thờ Iphone, Ipad. Ai đam mê bóng đá thì tôn thờ thần tượng Messi, Ronando… Ai đam mê sang trọng, de luxe thì sắm xe Roll-Royce; mặc đồ hàng hiệu Nhật Ý… Ngoài ra, trên tivi và các phương tiện thông tin, người ta đề cao tự do tình dục. Lối sống thác loạn của một bộ phận giới trẻ qua những viên thuốc lắc, những quán bar nhảy múa, ăn chơi thâu đêm suốt sáng là một minh hoạ. Lối sống này là hậu quả nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ cho sự không tin có Thiên Chúa, có đời sau,

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tỉnh thức, đừng đi theo thế gian mà ngủ mê khi Chúa đến.

IV. Câu hỏi gợi ý:

1. Chúng ta có luôn “tỉnh thức” không? Và chúng ta có luôn cầu nguyện không?

2. Chúng ta có tỉnh thức để nhận ra lối sống đôi khi quá cá nhân của chúng ta không? Đâu là những cách sống quá cá nhân chúng ta thường thể hiện trong đời sống hàng ngày?

3. Chúng ta có tỉnh thức để nhận ra cách mình nghĩ và dùng thời giờ thế nào không? Và đâu là những dấu hiệu không ổn trong cách nghĩ và dùng thời giờ của chúng ta?

4. Lối sống của chúng ta là lối sống hướng về Thiên Chúa, về niềm tin đời sau hay vẫn mang nặng tính cách trần thế?

BÀI TÁM: GẮN BÓ VỚI ĐỨC KITÔ VÀ VỚI GIÁO HỘI

Bây giờ chúng ta suy nghĩ về những hoàn cảnh đặc biệt cần tỉnh thức. Dựa vào những khích lệ của thánh Phaolô, chúng ta đặt một số câu hỏi sau: a/ Các kỳ mục Êphêsô, chịu trách nhiệm về cộng đoàn, phải tỉnh thức lo cho ai? b/ Vì lý do gì họ phải tỉnh thức? c/ Và tỉnh thức thế nào?

I. Các kỳ mục Êphêsô phải tỉnh thức lo cho ai?

“Hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên”

Thánh Phaolô không khuyên các kỳ mục lo cho chính mình hoặc chỉ lo cho đoàn chiên. Ngài không quá lý tưởng: cứ săn sóc bản thân và đoàn chiên sẽ được gìn giữ cẩn thận, hoặc cứ săn sóc đoàn chiên thật tốt và như thế, anh em đã săn sóc chính mình. Biện chứng ở đây không thể đảo ngược: mình và đoàn chiên. Một linh mục không cầu nguyện, không có thời gian đọc và lo lắng cho đời sống thiêng liêng của mình, không thể viện dẫn lý do là phải lo cho đoàn chiên. Làm như vậy, người ấy chỉ canh thức cho đoàn chiên mà không canh thức cho chính mình. Ngược lại, linh mục cũng không thể không quan tâm đến đoàn chiên vì phải dành cả ngày để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh hay học thần học. Làm như vậy, linh mục chỉ canh thức cho mình mà không cho đoàn chiên. Hai thực tại song hành với nhau, làm phong phú lẫn nhau và bổ túc cho nhau nhưng không bao giờ lẫn lộn với nhau. Chúng ta dễ mắc lỗi khi muốn tìm phương pháp giải quyết khác bằng cách loại bỏ tính lưỡng cực mà thánh Phao-lô nhấn mạnh. Chúng ta phải chấp nhận nó và kiên nhẫn sống với nó trong lúc vẫn đi tìm sự quân bình đúng đắn. Đó là cách thế duy nhất: chúng ta phục vụ cộng đoàn khi săn sóc chính mình và ngược lại, chúng ta sẽ săn sóc chính chúng ta khi phục vụ cộng đoàn. Hãy cẩn thận lo cho chính mình và đoàn chiên (c.28): hãy tỉnh thức lo cho chính chúng ta và đồng thời lo cho những người Chúa trao phó cho chúng ta.

Trong bài đọc KINH SÁCH Thứ hai tuần XXIV TN, thánh Augustinô nói về bổn phận đúp này. Thánh nhân nói các mục tử là những người được Chúa thương đặt vào vị trí coi sóc đoàn chiên, chứ không vì công trạng của các ngài. Vì thế, thánh nhân nhấn mạnh đến bổn phận vừa phải lo cho mình là một Kitô hữu, vừa phải lo cho đoàn chiên vì là người đứng đầu. Thánh nhân viết: “Có nhiều người Kitô hữu mà không phải là người đứng đầu: họ đến với Thiên Chúa qua một con đường có khi dễ dàng hơn và có lẽ thuận lợi hơn, vì mang ít hành lý hơn. Còn chúng tôi, nguyên một chuyện là Kitô hữu, chúng tôi đã phải trả lẽ với Thiên Chúa về đời sống của mình rồi, huống chi chúng tôi lại là người đứng đầu, nên còn phải trả lẽ với Thiên Chúa về công việc quản lý của mình nữa”.

II. Tại sao phải tỉnh thức?

Có hai lý do thúc đẩy thánh Phaolô khuyên phải tỉnh thức. Lý do thứ nhất là tầm quan trọng của chỗ mà Thiên Chúa chỉ định cho các kỳ mục: anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình (c. 28). Ở đây, rõ ràng thánh Phaolô qui chiếu về cuộc khổ nạn và cái chết cứu độ của Chúa Giêsu, về tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã dấn thân đến chết vì chúng ta, vì đoàn chiên mà giữa đoàn chiên đó Chúa Thánh Thần đã đặt các kỳ mục. Chỗ của các kỳ mục là vị trí lãnh đạo để chăm lo cho đoàn chiên Thiên Chúa Ba Ngôi đã trao phó cho họ.

Lý do thứ hai là những hiểm hoạ cận kề, hiểm hoạ đó là những sai lạc xuất hiện trong cộng đoàn: Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào giữa anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng (c.29-30). Sự ra đi mà thánh Phaolô ám chỉ ở đây có lẽ là cái chết của ngài, một sự ra đi không bao giờ trở lại. Động từ đột nhập nhấn mạnh đến giây phút hiện tại và những sói dữ không tha cho đoàn chiên. Ở đây, thánh Phaolô hình như sợ rằng những con sói khủng khiếp đó không chỉ tấn công các kỳ mục, là những người chín chắn và được chuẩn bị tốt hơn, mà còn tấn công những tín hữu đơn sơ và yếu đuối nữa. Sự cảnh báo rất nghiêm trọng được thánh Tông đồ nhấn mạnh: giữa anh em. Như vậy, sẽ có những sự tấn công đến từ bên ngoài; có những người sẽ đến làm cho anh em đau khổ. Nhưng từ giữa anh em, sẽ xuất hiện những người nói những điều xấu xa: từ giữa anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc.

Theo bản văn, có thể giả thiết rằng có hai loại người giảng dạy sự sai lạc. Trước hết là những tiến sĩ giả, là những người học thức, có khả năng diễn tả theo một biện chứng lôi cuốn. Họ lôi kéo sự chú ý, khơi gợi mối quan tâm và tò mò; quần chúng nghe họ. Kế đó là những người lãnh đạo giả: đó là những người có tư cách và có khả năng ăn nói; họ có khuynh hướng thống trị và thi hành quyền lực tinh thần trên người khác. Bản năng này còn nguy hiểm hơn bản năng thống trị về mặt vật chất; nó suy đồi và tinh tế hơn.

Có thể nói, sau những lạc quan và tin tưởng trong những lá thư đầu tiên, vào cuối đời, thánh Tông đồ trở nên bất an và lo âu khi thừa nhận sự hiện diện của lầm lạc đang tàn phá vườn nho ngài đã bỏ bao nhiêu công lao trồng tỉa, vun xới. Những lời cảnh báo của thánh Phaolô không chỉ nói với các kỳ mục Êphêsô ngày xưa, mà còn nói với chúng ta ngày nay vì ngài viết cho Giáo Hội thuộc mọi thời.

Còn chúng ta thì sao?

a. Trước hết, lời cảnh báo của thánh Phaolô nhắc chúng ta phải coi chừng chính mình, đừng để mình ngày một xa rời chỗ Chúa đã chỉ định cho ta là lo cho đoàn chiên Chúa đã trao phó cho chúng ta. Chúng ta xa rời chỗ Chúa chỉ định cho chúng ta khi thay vì chăm sóc đoàn chiên, chúng ta chỉ lo chăm sóc mình, gia đình mình, những người thân của mình. Tiên tri Êdêkiel đã tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Israel như sau:

“Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Ítraen, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm. Vì thế, hỡi các mục tử, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA. Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng -, bởi chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, nên hỡi các mục tử, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta ; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa. Quả thật, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm” (Ed 37, 1-11).

Chúng ta cũng xa rời chỗ Chúa chỉ định cho chúng ta khi thay vì lo cho đoàn chiên được tăng trưởng đời sống thiêng liêng, chúng ta lại quá lo xây dựng cơ sở vật chất, thường xuyên đi vắng, lơ là với bổn phận ban các bí tích, nhất là thánh lễ, giải tội, xức dầu; nhiều khi chỉ làm chiếu lệ, cho qua, rất ít tâm tình đạo đức. Ngoài ra, chúng ta cũng xa rời chỗ Chúa chỉ định cho chúng ta khi thay vì quan tâm yêu thương từng con chiên trong đàn, chúng ta lại chỉ quan tâm, yêu thương đặc biệt một số rất ít, còn đại đa số thì hầu như dửng dưng (*Nhiều khi chúng ta nói về những người bỏ đạo, lạc đạo trong giáo xứ như ai đó không liên quan tới mình), v.v.

b. Lời cảnh báo của thánh Phaolô cũng nhắc chúng ta phải coi chừng một điều khác, đó là mỗi người chúng ta đều có thể trở nên một tiến sĩ giả, một lãnh đạo giả, muốn thống trị thay vì phục vụ, lôi kéo người khác về mình và dùng người khác như dụng cụ để biểu lộ sự kiêu căng, hoặc nâng cao uy tín, ảnh hưởng, hoặc giành phần đúng, phần phải cho mình. Kế đó, bản văn của thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu hơn về những giáo lý trái ngược với đức tin chân thật. Các nhà chú giải đã đưa ra nhiều giả thuyết, hầu như tất cả đều được gợi lên từ những ám chỉ của các lá thư viết trong tù. Những lá thư viết cho các tín hữu Êphêsô và Côlôsê cung cấp những yếu tố về các sai lầm lan tràn ở Êphêsô và Tiểu Á. Nhưng các lá thư của thánh Gioan cũng gợi lên những chủ đề sai lạc đó, và vị tông đồ này đưa ra những đe doạ và cảnh báo rõ ràng về chúng. Ngoài ra, trong văn chương kitô giáo cổ, người ta còn tham khảo các lá thư của thánh Inhaxiô thành Antiôkia và của thánh Irênê. Các lá thư này là một nguồn kiến thức rất quí giá, và chúng ta sững sờ bởi rất nhiều người lạc giáo và những giáo lý sai lạc hiện diện vào thời đó.

Linh mục là người lãnh đạo cộng đoàn, được nhận lãnh đặc ân biết tổng hợp. Nên các ngài phải quan tâm đến mọi sự, phải bảo vệ chính mình và đoàn chiên, loại trừ mọi sai lạc ngay từ đầu.

III. Tỉnh thức đề phòng thế nào?

Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ (c. 31). Thánh Tông đồ dặn dò nên tình thức luôn và ai nấy đều phải tỉnh thức. Tỉnh thức đề phòng cách nào?

1. Tỉnh thức tuân giữ kỷ luật đời sống

Để giúp hiểu rõ hơn sự khích lệ cuối cùng của diễn từ Milêtô, chúng ta nhờ đến hai bản văn cổ cũng chứa đựng những “lệnh truyền” cho các kỳ mục. “Trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ. Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anhAnh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy; hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy” (1 Tm 4, 13-16). Và chúng ta có thể diễn dịch cụ thể: hãy chuyên cần suy gẫm mỗi ngày, đặc biệt là đọc Sách Thánh; hãy lưu tâm đến việc linh hướng, xưng tội, và những giây phút thinh lặng sa mạc… nghĩa là hãy tuân giữ kỷ luật đời sống linh mục. Đừng quên rằng đời sống thiêng liêng là thức ăn nuôi sống sự phân định sáng suốt. Ở đây, chúng ta để ý tới 3 từ thánh Phao-lô dùng: thận trọng, kiên trì và chuyên cần. Ba từ này diễn tả sự quan trọng của việc rèn luyện đời sống thiêng liêng để có thể tỉnh thức đề phòng. Đề phòng điều gì?

- Trước hết là đề phòng chủ trương sống bình thường. Có lẽ khá nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng: “Tôi không có tham vọng. Tôi chỉ muốn sống như một người bình thường”. Nếu hiểu đây là chủ trương không quá tìm kiếm danh vọng, địa vị, uy tín; không ham muốn hư danh thái quá thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu đó là chủ trương sống bình thường, vừa đủ trong đời sống thiêng liêng và phục vụ thì không tốt chút nào. Vì sao? Bởi vì không mấy chốc, chủ trương sống bình thường sẽ thoái hoá, lôi kéo chúng ta đi xuống, làm chúng ta sống tầm thường, trì trệ, tệ hại. Ai cũng biết, con đường của đời sống thiêng liêng và phục vụ giống như lội dòng nước ngược. Không nỗ lực tiến tới lập tức sẽ bị đẩy lùi. Không thể có sự an nhàn, nghỉ ngơi, bình thường ở đây. Bởi đó, chúng ta cần không ngừng nỗ lực vượt khỏi chính mình, vượt khỏi những cái bình thường, vừa đủ. Có vậy, chúng ta mới tiến bước trên con đường thánh thiện và phục vụ như Đức Kitô.

- Kế đó là đề phòng thói kiêu căng. Não trạng kiêu căng đó hình thành và thể hiện thế nào? Trước hết phải kể đến ý thức tiềm ẩn, nhưng rất sâu xa, cho mình thuộc về một tầng lớp ưu tú, có một địa vị, uy thế đặc biệt, thuộc về thế giới thần linh, thiêng liêng, vượt xa trên những gì thuộc lãnh vực trần thế. Ý thức sâu xa này cộng hưởng với một nguyên mẫu tiềm tàng từ xa xưa của hàng giáo sĩ: Giáo Hội là mẹ, linh mục là cha, giáo dân là con cái. Bị những sức mạnh tâm lý này trói buộc, linh mục chúng ta dễ đồng hoá mình với căn tính linh mục một cách thái quá mà quên đi căn tính nền tảng: mình cũng là một kitô hữu như những kitô hữu khác nhờ bí tích rửa tội. Vì thế, nhiều khi chúng ta đòi phải được kính trọng, phải được vâng nghe cách đặc biệt. Bất cứ ai làm trái ý, kẻ đó đáng bị lên án. Hơn nữa, chúng ta sẽ cho mình quyền xét xử người khác mà không ai có quyền góp ý hay nhận xét về mình. Nguy hiểm hơn, chúng ta sẽ ngày càng qui hướng mọi người và mọi sự về mình, trong khi đúng ra, là tông đồ, mục tử thay mặt Chúa, chúng ta phải qui hướng, phải dẫn đưa người khác đến với Ngài. Cuối cùng, sự tự cao thường gắn liền với tự ái, nên chúng ta rất dễ bị tổn thương, rất dễ đi đến ganh tị. Ý thức tự cao thuộc tầng lớp ưu tú của hàng ngũ linh mục có thể càng phát triển theo năm tháng và chức vụ trong Giáo Hội. Nếu không có sự phân định thường xuyên nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta dễ đi đến sự đánh giá sai lạc về bản thân, về bề trên, về anh em linh mục và giáo dân. Những đánh giá sai lạc đó, thường theo hướng vị kỷ và đề cao bản thân, nên dễ qui lỗi cho người khác, để rồi cảm thấy mình bị cư xử tàn tệ, bất công và rơi vào tâm trạng chán nản, cay đắng, chua chát, thất vọng và buông xuôi[1].

Tất cả những sức mạnh tâm lý trên có khi hoạt động trên tầng ý thức, có khi trong tiềm thức. Tuy không phải bao giờ chúng cũng điều khiển mọi thái độ và cách hành xử của chúng ta, nhưng tác động và ảnh hưởng của chúng quả là không nhỏ, nhất là khi chúng ta lơ là, không nhận ra và không thường xuyên luyện tập đức khiêm nhường, sự từ bỏ và phục vụ cách nhưng không vì tình yêu đối với Chúa và mọi người.

2. Gắn bó với Đức Ki-tô và Giáo Hội

Ngoài ra, thánh Phaolô còn tha thiết khuyên Timôthêô: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2 Tm 4, 1-5). Những lời này giải thích cho sự khích lệ của thánh Phaolô trong bản văn công vụ tông đồ chúng ta đang suy gẫm. Thánh Phaolô đưa ra rất nhiều lời khuyên trong những lần khích lệ đặc biệt. Chúng ta có thể diễn dịch như sau: các sai lạc – ít là ở mầm mống – xuất hiện vào mọi thời và trong mọi văn hoá; bởi đó, quan trọng là gắn bó mật thiết với Đức Kitô và Giáo Hội. Đó là hai qui chiếu nền tảng để luôn trung thành với ơn gọi phục vụ trong chức linh mục, ngoài phương thế giữ kỷ luật đời sống linh mục. Chúng ta đừng để mình bị loá mắt hay lạc đường bởi những diễn từ bề ngoài có vẻ đạo đức, nhưng ít chính đáng, nông cạn và lạc hướng.

- Gắn bó với Đức Kitô. Một điều hoàn toàn có tính quyết định, đó là biết tỉnh thức bằng tình yêu tha thiết, trong cầu nguyện cá nhân liên lỉ, trong thờ lạy. Nhờ đó, chúng ta có một cảm quan thuộc về Đức Kitô. Sự an ủi khi cầu nguyện giúp chúng ta nếm trải cảm quan đó. Luôn tập trung vào Đức Kitô là phương thuốc tốt nhất chữa trị những hình thức trung gian giả tạo hoặc thêm thắt thái quá. Lectio divina sẽ giúp chúng ta điều đó và hỗ trợ chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu trong biệt tính (singularité) và viên mãn của thiên tính ngụ trong Người một cách hữu hình. Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu và chỉ Thiên Chúa là đủ cho chúng ta.

- Gắn bó với Giáo Hội. Chúng ta phải yêu mến Giáo Hội địa phương, thành phần của Giáo Hội hoàn vũ, cộng đoàn của chúng ta, linh mục đoàn của chúng ta. Thánh Phaolô khích lệ chúng ta tránh xa những người loè đôi mắt chúng ta để lôi kéo chúng ta theo những con đường cứu độ khác và đi trệch đường xa Giáo Hội. Thánh Tông Đồ mời gọi chúng ta sẵn lòng đón nhận mọi nâng đỡ mà Giáo Hội đề nghị. Hãy yêu mến sự hiệp thông của linh mục đoàn trong tính mộc mạc của nó, bởi vì đó là sự hiệp thông vững chắc và lâu bền, có khả năng nuôi dưỡng đời sống ta thường xuyên.

Sự hiệp thông này nhắc chúng ta về tình huynh đệ thiêng liêng trong linh mục đoàn. Chúng ta cần luôn quan tâm đến nhau và cầu nguyện cho nhau. Sống yêu thương nhau chân thành, biểu lộ qua sự khiêm tốn, tôn trọng nhau, như lời thánh Phaolô: “Thương mến nhau với tình huynh đệ. Coi người khác trọng hơn mình” (Rm 13, 10); qua sự kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, và sẵn sàng góp ý cho nhau cách tế nhị nhưng thẳng thắn; qua sự bao dung, độ lượng và cố làm hết sức để giúp nhau có cơ hội và thời gian sửa đổi. Cố tránh mọi thành kiến; dẹp bỏ tính tự ái, và nhất là không bao giờ giận ghét, thù hằn anh em; tuyệt đối không khi nào tìm cách trả thù, triệt hạ vì người anh em đó không hợp với ta, hoặc chống đối ta.

Đây là những nhắc nhở quan trọng, bởi vì thánh Phaolô xác quyết rằng không chỉ phẩm chất tốt của phục vụ là đủ, mà còn phải là người của Giáo Hội, qua tình thương yêu huynh đệ trong linh mục đoàn; và là người của Đức Kitô qua mối tương quan đích thực với Ngài.

TGP.HÀ NỘI: Thánh Lễ truyền chức Linh mục

Lạy Chúa Giêsu, xin đến trợ giúp chúng con. Amen.

IV. Câu hỏi gợi ý:

1. Là linh mục, người lãnh đạo cộng đoàn, tôi có ý thức chỗ Chúa chỉ định cho tôi không? Tôi có dành hết thời giở, sức lực và tâm hồn để lo đoàn chiên không?

2. Là Kitô hữu, tôi có lo cho chính mình sống thánh thiện nhờ tuân giữ các giới răn, nhất là giới răn yêu thương, và nhờ việc tham gia phục vụ cộng đoàn không?

3. Tôi đang an nhàn trong cái bình thường đã trở nên tầm thường, trì trệ của đời sống mục vụ tông đồ hay tôi luôn nỗ lực vượt lên để đời sống thiêng liêng và phục vụ tông đồ của tôi ngày một tăng trưởng?

4. Tôi có khiêm tốn sẵn sàng đón nhận những góp ý xây dựng của người khác không?

5. Tôi có cảm quan nhạy bén, sâu xa, mạnh mẽ mình là người của Giáo Hội, của linh mục đoàn giáo phận và của Đức Ki-tô chưa? Nếu chưa, thì tại sao và tôi cần làm gì?

(còn tiếp)

Linh mục Mỹ Sơn

Gp. Long Xuyên
Soạn từ sách: After Some Years: Reflections on the Ministry of the Priest của Đức Hồng y Carlo Maria Martini

Nguồn: giaophanlongxuyen.org