Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô (Phần I)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 587 | Cập nhật lần cuối: 8/2/2021 5:52:19 PM | RSS

CANH TÂN ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO GƯƠNG THÁNH PHAO LÔ

Trong các bài sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau suy tư và chiêm niệm về đề tài “Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô”. Tuy là những bài suy niệm dành riêng cho linh mục, nhưng cũng hữu ích để canh tân đời sống thiêng liêng cho bất cứ ai muốn đọc và suy niệm.

Chúng ta cùng suy gẫm sách Công Vụ Tông Đồ, chương 20, câu 17-38. Đây là “di chúc mục vụ” của thánh Phaolô. Trong bản văn trên, thánh Tông Đồ nói với các kỳ mục Êphêsô về kinh nghiệm ngài đã trải qua trong 3 năm sống với họ: kinh nghiệm về con người, về đời sống linh mục và về mục vụ. Chúng ta tin rằng diễn từ Milêtô này (viết năm 58) là một tổng hợp 20 năm tác vụ của thánh Phaolô. Trong chương 20 này, ngài chỉ xem xét lại những gì đã hoàn thành trong thời gian ba năm ở Êphêsô. Tuy nhiên, ba năm đó tượng trưng cho toàn bộ hoạt động tông đồ của ngài.

Ba năm mục vụ tông đồ của thánh Phaolô ở Êphêsô cũng có thể tượng trưng cho thời gian làm việc tông đồ của mỗi người chúng ta. Thời gian đó có thể là 1-5 năm hoặc lâu hơn nữa. Đây là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho một giai đoạn mới.

Nhờ tìm hiểu và suy gẫm về “Di chúc mục vụ” của thánh Phaolô do ĐHY Martini triển khai trong cuốn: “Linh mục một vài năm sau… Suy gẫm về tác vụ linh mục”, chúng ta có thể “Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô”.

MỤC LỤC

BÀI MỘT: KHÍCH LỆ VÀ AN ỦI

I. Bối cảnh lịch sử

II. Bối cảnh văn chương

III. Bối cảnh giáo hội

IV. Những suy tư.

V. Kết

VI. Câu hỏi gợi ý:

BÀI HAI: CỦNG CỐ KHI YẾU ĐUỐI

I. Những bấp bênh của thế giới ngày nay

II. Phân định sáng suốt

1. Giá trị nội tâm đích thực

2. Giá trị nội tâm giả tạo.

III. Tác vụ ủi an

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BA: THỬ THÁCH VÀ NƯỚC MẮT CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

I. Thử thách thứ nhất là nước mắt

II. Thử thách thứ hai là hoàn cảnh bên ngoài

III. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BỐN: THUỘC TRỌN VỀ ĐỨC KITÔ

I. “Tôi đã phục vụ thiên chúa”

1. Giải thích bản văn

2. Suy niệm và chiêm niệm.

II. Gợi ý cho việc cầu nguyện cá nhân

BÀI NĂM: Ý THỨC TÔNG ĐỒ CỦA CHÚNG TA

I. “Và giờ đây tôi lên Giêrusalem”

II. “Mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó”.

III. “Tôi chỉ biết …”

IV. “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì”

V. Kết luận

VI. Câu hỏi gợi ý:

BÀI SÁU: ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO Ý THIÊN CHÚA

I. Những việc phục vụ đặc biệt (diaconies particulières)

II. Việc phục vụ của thánh Phaolô

III. Tôi biết rằng anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa

IV. Trách nhiệm của các kỳ mục

V. Câu hỏi gợi ý:

BÀI BẢY: TỈNH THỨC

I. Các kỳ mục Êphêsô là ai?

II. Tỉnh thức trong Tân ước là gì?

III. Chúng ta tỉnh thức đề phòng những gì?

1. Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cá nhân cực đoan.

2. Kế đó, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống cực đoan về thời gian.

3. Cuối cùng, chúng ta cần tỉnh thức để thắng vượt lối sống hướng hạ, dành ưu tiên cho những sự đời này.

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI TÁM: GẮN BÓ VỚI ĐỨC KITÔ VÀ VỚI GIÁO HỘI

I. Các kỳ mục Êphêsô phải tỉnh thức lo cho ai?

II. Tại sao phải tỉnh thức?

III. Tỉnh thức đề phòng thế nào?

1. Tỉnh thức tuân giữ kỷ luật đời sống

2. Gắn bó với Đức Kitô và Giáo Hội.

IV. Câu hỏi gợi ý:

BÀI CUỐI: MẦU NHIỆM GIÁO HỘI TRONG ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

I. “Tôi xin phó thác anh em cho Chúa”

II. “… Và cho lời ân sủng của Người”.

III. Quyền năng của ân sủng

IV. Khó nghèo phúc âm của linh mục

V. Mối phúc của sự cho đi nhưng không

VI. Ngài cầu nguyện với họ

VII. Mầu nhiệm giáo hội

VIII. Câu hỏi gợi ý:

BÀI MỘT: KHÍCH LỆ VÀ AN ỦI

"Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình…

Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến”. (Cv 20, 26.32)

Trong bài này, chúng ta sẽ suy niệm về toàn bộ diễn từ Milêtô. Chúng ta lưu ý đặc biệt tới hai từ: khích lệ và an ủi. Để hiểu hai từ này, chúng ta sẽ nói đến bối cảnh lịch sử và bối cảnh văn chương của diễn từ. Để kết thúc, chúng ta sẽ nói ngắn gọn về tình huống giáo hội hiện tại.

I. Bối cảnh lịch sử

Giống các tông đồ khác, thánh Phaolô có thói quen kết luận các sứ vụ tông đồ của mình bằng những lời khích lệ và an ủi. Khi chào từ biệt một cộng đoàn mà ngài đã rao giảng ở đó, ngài sẽ nói một bài về sự hiện diện của ngài giữa các tín hữu. Vì thế, ở Milêtô, ngài mới nói những lời khích lệ mà chúng ta đang suy niệm.

Thánh Phaolô có thói quen kéo dài những lời an ủi, có lễ quá mức cần thiết cho người nghe. Vì thế có lần, trước khi rời Troa vào ngày hôm sau, ngài đã kéo dài bài nói chuyện ở đó đến nửa đêm, đến nỗi một thiếu niên ngã từ cửa sổ trên lầu xuống đất vì ngủ gục. Tuy nhiên, thánh Phaolô đã cứu sống nó (Cv 20,7-12). Thánh Luca nhấn mạnh đến sự kéo dài của bài nói chuyện. Từ đó, có thể suy ra là các diễn từ an ủi thường rất dài.

Kết luận: sau khi rao giảng Tin Mừng lần đầu, thánh Phaolô từ biệt cộng đoàn, hoặc trở lại thăm cộng đoàn, thì ngài dùng những lời an ủi, khích lệ để nâng đỡ và củng cố họ.

II. Bối cảnh văn chương

Bây giờ chúng ta tìm hiểu văn cảnh của diễn từ. Đây là một trong những bài nói chuyện khích lệ và an ủi dài nhất của thánh Phaolô. Đây cũng là những lời giã từ hay chào biệt lần cuối cùng; vì thế bản văn được gọi là “di chúc mục vụ” của thánh Phaolô. Trong Cựu ước, có những trang tương tự nói về di chúc của những người hấp hối. Truyền lại di chúc là phong tục rất phổ biến của cả nhân loại. Khi một người sắp bỏ một nơi rất thân yêu -nhất là khi ở ngưỡng cửa cái chết – người đó muốn ký thác kỷ niệm và ý muốn của mình cho những người ở lại. Ngày nay, xã hội chúng ta dè dặt hơn trong vấn đề này; tuy nhiên, trong nhiều gia đình, vẫn còn thói quen tụ họp con cái lại để ký thác cho chúng những lời khuyên nhủ, những lời cuối cùng phát xuất từ con tim của người sắp rời bỏ trần thế.

Ở đây, chỉ xin trích lời của Samuel: “Ông Samuen nói với toàn thể Israel: "Tôi đã dẫn đầu anh em, từ lúc tôi còn trẻ cho đến hôm nay. Này tôi đây. Hãy cáo tội tôi trước mặt ĐỨC CHÚA và trước mặt vị Người đã xức dầu tấn phong: tôi đã lấy bò của ai, lấy lừa của ai? Tôi đã bóc lột ai, áp bức ai? Tôi đã nhận quà đút lót từ tay ai để nhắm mắt làm ngơ cho nó? Tôi sẽ trả lại cho anh em." Họ trả lời: "Ông đã không bóc lột chúng tôi, không áp bức chúng tôi, không lấy cái gì từ tay ai." Ông nói với họ: "Có ĐỨC CHÚA làm chứng trước mặt anh em, và có vị Người đã xức dầu tấn phong cũng làm chứng hôm nay, rằng anh em đã không tìm thấy gì nơi tay tôi." Họ trả lời: "Vâng, có Người làm chứng." (1 Sm 12, 1-5). Trong lời từ biệt các kỳ lão Êphêsô, thánh Phaolô cũng nói ngài không tham lam tiền của, vàng bạc, áo quần của bất cứ ai (Cv 20, 33-34). Tôbia cha cũng nói với Tôbia con những lời cuối cùng như thế, và, nhất là, diễn văn từ biệt của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan (Ga 13-17).

Bởi vậy, “di chúc mục vụ” của thánh Phaolô không phải là một bản văn biệt lập, nhưng gắn liền với văn chương của nhiều diễn văn từ biệt khác trong Kinh Thánh. Về phần mình, nhờ khơi gợi lại quá khứ bản thân, những khẳng định về sự chân thực trong đời sống, thánh Phaolô củng cố sợi dây liên kết ngài với các tín hữu và làm cho cộng đồng vững mạnh. Rõ ràng diễn từ của thánh Phaolô ở Milêtô vẫn luôn có giá trị với tất cả các linh mục và đáng được chúng ta đón nhận và học hỏi.

III. Bối cảnh giáo hội

Câu hỏi đặt ra là những lời khích lệ, an ủi của thánh Tông Đồ đối với các cộng đoàn kitô hữu đầu tiên có ý nghĩa gì? Những lời của thánh Phaolô hiển nhiên cho thấy các tín hữu - cá nhân hay tập thể - đang trong tình thế bấp bênh, nhiều nguy cơ. Sách Công vụ tông đồ cho biết các thành phần trong Giáo Hội sơ khai dễ chia rẽ và đối nghịch nhau đến thế nào. Sự hiệp thông giữa các tín hữu thì mong manh, và nếu có thì không phải là không trải qua nhiều đau khổ, cay đắng và căng thẳng. Chắc chắn, các kitô hữu đã trải nghiệm một đời sống đức tin đặc biệt; đó là những giờ phút tuyệt vời. Tuy nhiên, nó không kéo dài bao lâu, và phải không ngừng củng cố sự hiệp thông. Chúng ta hãy nghĩ đến tình thế bấp bênh của chính linh mục chúng ta và các cộng đoàn kitô hữu ngày nay đang chìm ngập trong một thế giới ngoại giáo, phù phiếm, tiêu dùng và hưởng thụ, dửng dưng, khô khan hoặc cởi mở với mọi thứ tôn giáo, nhưng lại không sẵn sàng lắng nghe và đón nhận một sứ điệp nào.

IV. Những suy tư

Còn chúng ta thì sao? Ngày nay, người ta nhấn mạnh đến tình trạng bấp bênh của các thế hệ hiện tại. Thanh thiếu niên, người lớn, và cả các linh mục - là những người rất nhiệt tâm và quảng đại, nhưng không bền lâu. Chúng ta mau mệt mỏi nên rất cần trợ giúp.

- Suy tư thứ nhất: theo những gì thánh Phaolô nói, thì các kitô hữu đầu tiên thời ngài ở vào một tình thế bấp bênh, đầy nguy cơ. Nếu họ không yếu ớt, thánh Phaolô đã không cần thăm viếng họ lần nữa để an ủi và củng cố họ. Hoàn cảnh hiện tại của chúng ta cũng không hơn gì. Hoàn cảnh đó thế nào? Đâu là những bấp bênh, những nguy cơ?

- Suy tư thứ hai: Đừng ngạc nhiên vì sự bấp bênh đủ loại và đừng tìm “vật tế thần”. Đừng lấy làm lạ khi những người trẻ sau một vài tháng đầy thiện chí, bỗng stop ngay khi gặp những khó khăn đầu tiên và đặt vấn đề dấn thân như vậy có còn cần hay không. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy những đôi vợ chồng trẻ cãi lộn vì những lý do không đâu và đòi ly dị. Điều quan trọng ở đây là tìm cách xử trí vấn đề bấp bênh và mong manh của con người.

- Suy tư thứ ba: vì sự bấp bênh, mong manh, nên khơi gợi và kêu gọi sự dấn thân lần đầu thì không đủ. Cần không ngừng khích lệ và củng cố thanh thiếu niên, những đôi vợ chồng trẻ, những chiến sĩ nhiệt thành, các linh mục, nhất là các linh mục trong những năm đầu đời, vừa mới bắt đầu nhưng cũng mau chóng mệt mỏi vì gặp khó khăn và những thụ động của môi trường. Quan trọng là khích lệ những người đã lập các nhóm tông đồ, chia sẻ mà sau đó, lại đánh mất sự tin tưởng. Cũng vậy, đối với những bạn trẻ có sáng kiến đi thăm những người đau yếu và tật nguyền, nhưng không lâu sau, không còn thấy động lực thuở đầu. Cộng đoàn và con người làm thành cộng đoàn phải không ngừng được khích lệ. Và chính chúng ta cũng cần được khích lệ và củng cố bởi những người khác vì sự nhiệt thành của những ngày đầu chịu chức và niềm vui của một vài ngày tĩnh tâm có lẽ không đủ. Chúng ta hãy học với thánh Phaolô để “chín chắn” từng ngày, và ý thức sâu xa sự bấp bênh, mong manh của con người. Nhờ những khích lệ, cổ vũ, củng cố và an ủi, chúng ta sẽ tiến lên phía trước, nhưng không bao giờ có tham vọng là đã thúc đẩy mau lẹ tiến trình tâm sinh lý một cách giả tạo. Hãy tôn trọng thời gian và sự chậm trễ, hãy nhớ rằng các bậc cha ông và các tông đồ của chúng ta trong đức tin đã rảo qua cũng cùng một con đường và không bao giờ kinh sợ vì những tiến bộ rất chậm chạp của con người.

V. Kết

Cá nhân mỗi người chúng ta hãy suy niệm bản văn của thánh Phaolô để phân định điều chúng ta phải củng cố, để xem xét những bấp bênh riêng mà chúng ta gặp trong đời linh mục của chúng ta, nhất là các linh mục trong những năm đầu đời. Lưu ý đến những yếu đuối mà trước đây chúng ta không có, nhờ cơ cấu vững chắc của chủng viện nâng đỡ.

VI. Câu hỏi gợi ý:

1. Người công giáo chúng ta cần sự an ủi, khích lệ nào? Còn tôi, tôi cần được củng cố những điểm nào? Củng cố bởi Chúa, và bởi người khác?

2. Đâu là những lời an ủi tôi đang cần?

-*-

BÀI HAI: CỦNG CỐ KHI YẾU ĐUỐI

Chúng ta tiếp tục nói về đặc tính khích lệ trong hoạt động mục vụ và để nhận ra sự phong phú của nó, đầu đề bài suy gẫm sẽ là: củng cố khi bấp bênh; an ủi khi sầu khổ; chữa lành khi yếu đuối. Ở đây, chúng ta sẽ nói tới những bấp bênh, mỏng dòn của xã hội đương thời; kế đó, sẽ trình bày những phương dược Chúa ban để củng cố chính mình và anh em, ngay trong những yếu đuối.

I. Những bấp bênh của thế giới ngày nay

Chúng ta thử nhớ lại những bấp bênh và những bất nhất nơi con người trong thế giới ngày nay. Đây là dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ về các nguyên nhân gây ra những bất nhất nằm tận gốc rễ những thiếu sót lớn hay nhỏ mà thường chúng ta không giải thích được lý do tại sao.

1. Nguyên nhân thứ nhất: chúng ta đang sống trong một thời đại mà xã hội có những biến chuyển sâu xa một cách mau lẹ. Tư tưởng, phong tục, cách suy nghĩ, não trạng, và ý thức hệ thay đổi mau lẹ. Tất cả những thay đổi đó gây ra sự rối loạn nào đó vì người ta không còn biết gắn bó với những thói quen nào, hoặc với những điểm qui chiếu nào rõ ràng nữa.

2. Nguyên nhân thứ hai là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất: đó là chủ nghĩa đa nguyên được phổ quát hóa. Thực vậy, trong xã hội hiện tại, mỗi người đều nghĩ và biểu lộ như mình muốn. Họ nắm bắt nhiều thông tin, nhiều kiến thức, giúp họ có những suy nghĩ, những nhận định, những cách sống của riêng họ và đòi được mọi người tôn trọng.

3. Nguyên nhân thứ ba: xã hội tiêu thụ. Người ta tìm kiếm của cải vật chất không biết mệt. Khởi đầu chỉ nhằm để thoả mãn nhu cầu nào đó, nhưng từ từ đi đến mức bị lệ thuộc hoàn toàn. Một xã hội đơn giản hơn, khắc khổ hơn, và tiết kiệm hơn sẽ tốt cho sự quân bình đời sống hơn.

4. Nguyên nhân thứ tư: Các phương tiện truyền thông tăng cường tác động của sự biến chuyển xã hội, chủ trương đa nguyên và xu hướng tiêu thụ vì chúng quảng bá và len lỏi vào tận những hang cùng ngõ hẻm hoặc những miền xa xôi hẻo lánh.

5. Nguyên nhân thứ năm: sự phát triển của chủ quan tính, một thứ “ung thư”. Mọi người đều thích dùng những từ như: cá nhân, ý thức, nội tâm, xác tín cá nhân, tính đích thực, tính tự phát, nhạy cảm cá nhân (hay đúng hơn nhiều khi chỉ là tự ái cá nhân), tôn trọng những tình cảm riêng tư. Những giá trị đó đã được vun trồng từ thời cổ đại, thời triết gia Hy lạp Socrate. Nhưng chưa từng trở nên phổ biến trong lãnh vực công cộng như ngày nay. Ai nấy đều gắn chặt với chủ quan tính của riêng mình. Trong các cuộc tranh luận, mỗi người đều dựa trên những gì cá nhân mình cho là tốt hơn, và đi đến mức độ là những ý kiến “thuộc lãnh vực riêng tư” lại được phối hợp khéo léo để gây tiếng vang rộng lớn trong dư luận một đất nước, một vùng, và trên cả thế giới nữa.

II. Phân định sáng suốt

Chúng ta cần Chúa ban cho sự phân định sáng suốt.

1. Giá trị nội tâm đích thực

Trong Kitô giáo, các giá trị của “chủ thể” bắt nguồn từ Kinh Thánh: Tân Ước dành nhiều trang để nhấn mạnh đến đặc tính trung tâm của con người, của cá nhân, của ý thức và “con tim”. Khởi đi từ thánh Augustinô, chúng ta đã triển khai một suy tư tích cực và rõ rệt về nội tâm. Tự do nội tâm; tôn trọng mọi người và lương tâm mỗi người; mối quan tâm đến sự gắn bó chặt chẽ giữa tư tưởng, tình cảm và hành động; tính đích thực; sáng kiến cá nhân: đó là những giá trị cực kỳ quan trọng mà chúng ta phải lưu ý trong hoạt động mục vụ. Đàng khác, chính chúng ta cũng thấy mình khó hòa nhập vào những lược đồ có sẵn, hoặc vâng phục những cơ cấu và truyền thống cách tối mặt vì hình như chúng không phát xuất từ tận thâm sâu ý thức của chúng ta một cách tự nhiên. Không thể không tạ ơn Chúa về giá trị nền tảng của nội tâm con người.

2. Giá trị nội tâm giả tạo

Kế đến, sẽ dễ dàng hơn để lột mặt nạ những hàng giả của tính nội tâm và sự phát triển bệnh hoạn của ý thức chủ quan biểu lộ ra khi người ta xâm phạm tiêu chuẩn đạo đức hay khi người ta muốn phát triển rực rỡ để lấy cớ phớt lờ luật lệ. Dù vậy, không dễ phân biệt những giá trị thực sự khỏi những thái độ giả hiệu xâm nhập những ai muốn tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng. Đây là những cám dỗ có tính chất giống như những cám dỗ của các ký lục và biệt phái trong Tin Mừng. Đó cũng là những cám dỗ đối với chúng ta khi chúng ta muốn rèn luyện mình và dấn thân phục vụ những giá trị cao cả.

Chúng ta có thể nói đến sự phát triển bệnh hoạn của chủ quan tính khi ý thức đi tới mức độ trở nên “duy ngã” (solipsiste), nghĩa là khi nó coi mình như tiêu chuẩn duy nhất cho hành động. Chúng ta gặp hình thức quen thuộc nhất của sự lệch lạc này khi cá nhân coi những suy nghĩ và tình cảm của mình như giá trị duy nhất, một tiêu chuẩn chắc như đinh đóng cột, một thẩm quyền xét xử không thể tranh cãi. Chủ quan tính lệch lạc này làm người ta chỉ đi tìm sự gắn bó hợp lý với những tình cảm và cảm xúc riêng tư. Đối với những cam kết đã hứa, những lời đã nói, người ta dễ dàng từ chối: “Tôi không còn muốn điều đó nữa!” Đức tin, Giáo Hội, thánh lễ không còn ý nghĩa gì đối với tôi! Tôi đã cắt đứt tình cảm với người đó vì anh ta, cô ta không còn hợp với tôi nữa.

Điều đáng lưu ý là những phản ứng trên lại được coi là những tiêu chuẩn chính đáng. Ngày nay, tính nhạy cảm cá nhân trở thành một tiêu chuẩn được coi là chính đáng và có tính quyết định, trước mọi qui chiếu về các giá trị và hoàn cảnh xung quanh. Ví dụ, người ta nói: “Tôi đã sống 10 năm hạnh phúc với vợ tôi (hay với chồng tôi); nhưng từ nay trở đi, cuộc sống đó không có ý nghĩa gì trong cuộc sống tôi nữa; mối tương quan của chúng tôi không còn tự nhiên, mới mẻ nữa”. Đây là những thái độ đơn giản hóa, những hợp pháp hóa nông cạn diễn dịch sự phát triển bệnh hoạn của lương tâm cá nhân được đặt lên hàng tối thượng. Và một khi đó là lương tâm của một nhóm, một tập thể thì sự trệch đường còn nguy hiểm và tai hại lớn hơn nhiều.

Khi phân tích những khủng hoảng khác nhau hiện nay trong gia đình, nơi hàng ngũ linh mục, tu sĩ nam nữ, người ta thấy tất cả đều qui về “tiêu chuẩn tối thượng” của những tình cảm cá nhân. Tình trạng đó xảy ra vì chúng ta lầm lẫn giữa sự phong phú tình cảm và cảm xúc với sự ưu việt của ý thức khách quan đặt nền tảng trên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi mỗi người.

III. Tác vụ ủi an

Chúng ta là “những đứa con của thế kỷ”, sợ rằng một ngày nào đó, thình lình chúng ta bị chinh phục bởi thứ chủ quan tính bá quyền. Nó cản trở chúng ta hướng tới hoặc thực hiện những dấn thân. Bởi vậy, điều quan trọng là biết những phương dược Chúa Thánh Thần dành sẵn để an ủi, củng cố, chữa lành chúng ta và để chúng ta an ủi, củng cố, chữa lành người khác.

1. Chúa Thánh Thần đích thực là Đấng Ủi An loài người. Trong thông điệp Dominum et vivificantem, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết những dòng tuyệt vời về hoạt động củng cố và khích lệ của Chúa Thánh Thần. Quả thực, con người không thể tự mình bảo tồn sự toàn vẹn nội tâm, mà luôn cần ánh sáng và sức mạnh của ân sủng gìn giữ. Thiên Chúa nhân từ ban Thánh Thần để thanh luyện chúng ta khỏi sự nông cạn, hời hợt, hay thay đổi, phóng túng, sai lầm về nội tâm; ngài khôi phục căn tính đích thực và trọn vẹn của chúng ta.

2. Sự an ủi của Chúa Thánh Thần biểu lộ nền tảng của đời sống siêu nhiên là con đường thập giá. Đó là cách Thiên Chúa dùng để an ủi. Đó cũng là cách Chúa Giêsu dùng để an ủi hai môn đệ Emmaus: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24, 25-26). Nhờ trích dẫn Kinh thánh, Chúa Giêsu làm sáng tỏ con đường thập giá của Ngài và lời Ngài giải thích làm lòng nguội lạnh của hai ông bừng cháy lên: các ông nhận được sự an ủi và khích lệ; các ông tìm thấy ý nghĩa mới cho cuộc sống và cho những hi sinh khi biết rằng con đường để chinh phục tự do của chính mình gắn liền với đích đến trong vinh quang và phục sinh. Thánh Phaolô diễn tả nền tảng siêu nhiên của thập giá như sau: ông củng cố các môn đệ và khích lệ họ vững vàng trong đức tin bởi vì “chúng ta phải trải qua nhiều thử thách để vào Nước Thiên Chúa”. (Cv 14, 22).

Diễn từ Mêlitô của thánh Phaolô (Cv 20, 17-38)

3. Sau cùng, để tránh sự kích phát của chủ quan tính, chúng ta cần biết tuân theo những lời dạy và những cử chỉ của Giáo Hội mà không cần luôn phải hỏi chúng có ý nghĩa nào và có tầm quan trọng nào đối với chúng ta. Cảm xúc cá nhân của chúng ta đòi được biết “lý do tại sao” của mỗi cử chỉ trong phụng vụ hoặc mỗi chi tiết của toàn thể thực tại cơ cấu Giáo Hội; nhưng thường thường nó không được thỏa mãn. Đôi khi, ngay cả kinh nghiệm về cầu nguyện cũng cho thấy chủ quan tính thái quá. Luôn cầu xin và không ngớt nhắc đi nhắc lại: “Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện” không che dấu ước muốn có một cảm nhận giác quan và một kiểm chứng tức khắc cho cuộc đối thoại của chúng ta với Chúa đó sao? Đòi hỏi điều đó có nghĩa là chúng ta tìm kiếm những điều kiện cầu nguyện thỏa mãn cảm giác tính của mình và tự rời xa những hình thức cầu nguyện khác, trong đó, chúng ta khó có thể tìm thấy một kinh nghiệm cá nhân nào. Ở đây, chúng ta chạm trán với căn bệnh thiêng liêng mà ai cũng mắc phải không nhiều thì ít. Chắc chắn là phải dành cả cuộc đời để rao qua con đường thanh luyện mà thánh Gioan Thánh Giá và thánh Têrêxa Avila đã nói tới. Đó là hành trình đi từ cảm giác tính tức khắc đến một khách quan tính tốt và nghiêm túc hơn. Nhờ các cử chỉ và lời đọc phụng vụ, Giáo Hội đảm bảo cho khách quan tính đó và giúp chúng ta đạt tới sự cầu nguyện đúng nghĩa và một đức tin vô điều kiện.

IV. Câu hỏi gợi ý:

1. Xem xét lại đâu là những đòi hỏi theo chủ quan tính của tôi từ trước tới nay?

2. Trong đời sống nội tâm, tôi có luôn tìm kiếm những cảm nghiệm cá nhân thái quá không?

3. Tôi có coi những lý do, những chủ trương của cá nhân mình là những tiêu chuẩn đúng và tối thượng trên cả những quyết định của bề trên không?

(Còn tiếp)

Linh mục Mỹ Sơn

Gp. Long Xuyên
Soạn từ sách: After Some Years: Reflections on the Ministry of the Priest của Đức Hồng y Carlo Maria Martini

Nguồn: giaophanlongxuyen.org