Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (8)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 938 | Cập nhật lần cuối: 1/11/2020 2:17:33 AM | RSS

(tiếp theo)

Chương V: Phúc Âm hóa là dự phóng của đời người

I. Quá trình dự phóng của đời người siêu việt bản thân

Sống lâu trên đời, ai cũng có ngưỡng vọng về một lý tưởng, một dự phóng cho đời mình. Nhân loại học ngày nay hiểu văn hóa như là một dự phóng về đời sống, chung cho một nhóm người riêng biệt nào đó. Nhìn theo chiều hướng ấy, thần học ngày nay quan niệm việc Phúc Âm hóa cũng là một dự phóng văn hóa của đời sống.

Thật vậy, Phúc Âm hóa là biến đổi thế gian cho phù hợp với một nhân loại mới đã được thể hiện một cách hoàn hảo nơi Đức Giêsu Kitô. Dự phóng này buộc ta phải suy nghĩ về mấy phương diện sau đây:

Để việc Phúc Âm hóa của Giáo hội hữu hiệu thì các cộng đồng Kitô hữu phải tự Phúc Âm hóa mình đầu tiên. Thật vậy, nếu bản thân không đón nhận và sống Tin Mừng, thì việc Phúc Âm hóa kẻ khác là một điều không chân thật. Làm tông đồ không phải là chuyện quảng cáo và tuyên truyền, nhưng là làm chứng của cá nhân và tập thể. Để làm chứng thì phải có một đức tin đã thâm nhập sâu vào trong tâm hồn, biểu lộ qua thái độ và việc làm. Ta không thể đưa người ta vào Phúc Âm nếu chính đời ta không có một dự phóng văn hóa làm cho người ta thấy Phúc Âm hóa là một cách đạt đến dự phóng của văn hóa mỹ mãn.

Nhìn vào dự phóng của văn hóa, điều ta phải quan tâm trước hết là phương diện luân lý. Dù nhân danh Tin Mừng, ta cũng chỉ đi vào đời sống người khác qua con đường luân lý. Ta không thể áp đặt cho ai đức tin của mình, ta chỉ có thể đề nghị nó cho một người hay một nhóm người như là con đường họ có thể chọn cho đời sống mình. Khi làm việc này, ta phải suy nghĩ chín chắn về hành động của ta, phải cố đoán trước về phản ứng mà hành động của ta có thể gây nên trong đời sống kẻ khác, và khi người ta, dù đó là cá nhân hay tập thể, đã đáp lại lời mời gọi của Phúc Âm, thì ta cũng phải sẵn sàng đồng hành với họ theo mời gọi này. Vì thế mà những người đầy nhiệt huyết nhưng không có một trở lại đích thực với Đức Kitô sẽ không đem lại kết quả tốt cho việc Phúc Âm hóa của Giáo hội được. Những người này thường thuộc về Giáo hội vì được sinh ra bởi cha mẹ có đạo như người ta sinh ra bởi cha mẹ là công dân của một quốc gia. Họ thiếu hẳn kinh nghiệm về sự trở lại là một xáo trộn văn hóa xã hội. Họ thường gặp thấy trong các xã hội “đạo toàn tòng” hơn là trong các xã hội thuộc thế giới thứ ba, vì ở các nơi ấy người ta có một ý thức văn hóa về Giáo hội cụ thể hơn.

Như trên, để hoàn thành trách vụ Phúc Âm hóa các văn hóa, trước hết các cộng đồng Kitô hữu phải có can đảm Phúc Âm hóa văn hóa của chính cộng đồng mình. Làm thế nào cộng đồng ấy có thể dấn thân vào việc Phúc Âm hóa nhân loại mà lại không cần trau dồi phẩm giá con người trong chính đời sống mình. Đời sống ấy bao gồm các cơ cấu, các thừa tác vụ và cả đến chiến lược mục vụ của mình nữa.

Việc Phúc Âm hóa của chính bản thân gồm mấy tiêu chuẩn sau đây:

1. Xem việc Phúc Âm hóa thuộc căn tính của người Kitô hữu

Thánh Phaolô đã thốt lời: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1 Cr 9, 16). Ta đừng nghĩ rằng: ông đã kêu lên như vậy vì ông đã nhận được một sứ mạng đặc biệt, có tính cách cá nhân, cho riêng ông, nhưng thật ra vì ông nhận thấy rõ rằng chính việc Phúc Âm hóa làm nên một trong những đặc tính căn bản của người Kitô hữu. Các nhà thần học đã nghĩ rằng: “Kẻ không rao giảng Phúc Âm theo chân Đức Kitô, thì đơn giản không còn là Kitô hữu nữa”. [1]

2. Phải Phúc Âm hóa đức tin của ta

Thật vậy, thuộc kinh Tin Kính, chưa có nghĩa là ta đã tin. Để tin, ta phải nhận biết Thiên Chúa, nhưng không phải bất cứ vị chúa nào, mà phải là Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải. Vì thế các Giáo hội địa phương phải xét mình mỗi ngày một cách sáng suốt, ngay thẳng về những hình ảnh và biểu tượng mà họ có và họ thường trình bày cho kẻ khác về Thiên Chúa. Họ phải tự hỏi xem Thiên Chúa của họ có phải là Cha Đức Giêsu Kitô hay không? Thiên Chúa của họ có phải là nguồn mạch cho sự giải thoát và niềm trông cậy của con người hay không? Thiên Chúa của họ có phải là Đấng sáng tạo đã dựng nên con người như một sinh vật có văn hóa, biết chịu trách nhiệm về định mạng của mình và của vũ trụ mà Thiên Chúa đã ủy thác cho để cai quản không?...

3. Phải Phúc Âm hóa lời cầu nguyện của ta

Như ta đã có dịp nhắc đến, Phúc Âm hóa các văn hóa là hoạt động thuộc tinh thần. Sự cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu, cá nhân cũng như tập thể, là tiêu biểu đời sống tinh thần cao quí nhất, vì nó nâng lòng trí ta lên Thiên Chúa để thông hiệp vào thánh ý và hành động của người. Trong cầu nguyện ta đã nhìn vào Phúc Âm và đời sống của Đức Giêsu Kitô để tìm ở đó sự soi sáng, sự thanh lọc và sự hoàn hảo cho đời sống cụ thể của ta. Đó là đáp lại tính dự phóng của văn hóa nơi con người và nhóm riêng của ta.

4. Phải Phúc Âm hóa lòng trông cậy của ta

Là Kitô hữu, ta phải biết chờ đợi mọi sự ở Thiên Chúa mà mình rao giảng, chứ không chờ đợi điều gì ở ta và cho ta. Ta phải làm tất cả vì vinh quang của Ngài và sẵn sàng đón nhận các thất bại, các bất toàn, các sai lầm về phần mình. Giáo hội địa phương nuôi dưỡng một đức cậy như vậy sẽ là nơi hòa giải, tha thứ và yêu thương. Việc truyền giáo sẽ không thiếu được vì một Giáo hội địa phương như vậy làm sao lại không hy vọng chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa trên mọi hình thức về sự tội và sự dữ còn tồn tại trên thế gian.

5. Phải Phúc Âm hóa tình yêu của ta

Tình yêu của Đức Kitô không có tính toán và giới hạn. Phải có một tình yêu như vậy để giải thoát thế gian. Giáo hội truyền giáo phải nêu cao lề luật mới vì tình yêu này trong lời nói và việc làm. Nhờ Thiên Chúa, ta đã được sinh ra và mến thương; ta đã hiện hữu như một sinh vật có văn hóa, vì ta đã được sát nhập vào một nhóm người riêng; ta đã lớn lên trong lòng văn hóa của ta với tự do và trách nhiệm. Trong nhóm người riêng của ta, ta phải tạo nên một trung tâm của tình yêu vô vị lợi, cho đi mà không mong đền đáp.

II. Thiên Chúa Đấng siêu việt nội tại trong con người

Trong việc truyền giáo, người Kitô hữu thường vấp phải mâu thuẫn này là chỉ nghĩ đến những điều mình quả quyết và không quan tâm lưu ý đến thắc mắc của những người đến với ta để tìm giải đáp. Tâm trạng này thật trái ngược với việc Phúc Âm hóa, vì việc này chỉ có lý do của nó khi nhằm đáp lại những thắc mắc người ta đặt ra [2]. Các thắc mắc ấy, đã là người, ở thời đại nào và cảnh huống nào, cũng không tránh được. Nhà truyền giáo đến một nơi trước hết phải tìm cho biết các thắc mắc ấy để rồi nghiên cứu tại chỗ câu trả lời lấy Phúc Âm làm căn bản. Đức tin ở bản chất là nhìn thấy qua tấm gương, nghĩa là một đức tin còn đầy thắc mắc phải đánh tan, chứ không phải trạng thái của con người vững chãi chẳng còn gì phải tìm kiếm và học hỏi. Một nhà truyền giáo chỉ đưa ra những giải đáp có sẵn, không đáp lại những thắc mắc của người đến nghe, sẽ không có đối thoại thật sự với họ, nên sẽ chẳng bao giờ làm cho họ “trở lại được”.

Trong các câu hỏi của con người, câu hỏi trung tâm là về Thiên Chúa. Là người Kitô hữu, ta phải biết thật sự mình tin ở Thiên Chúa nào, ta phải biết ta gặp Thiên Chúa ấy ở đâu và ta đợi gì nơi Ngài. Ta cũng phải có óc quảng đại khi đi rao giảng về Người. Ta đã được mạc khải và ta đã biết Người, nhưng Cha Đức Giêsu vẫn tiếp tục mạc khải bằng nhiều đường nhiều cách cho nhân loại ở thời đại chúng ta, vì họ cũng vẫn là tạo thành của Người, đã được Người yêu thương, cho hiện hữu và cho mong chờ ơn cứu độ. Người là nguyên thủy và là cùng đích của mọi loài, nên sự tìm kiếm và nhận biết Người không phải là độc quyền của những người Kitô hữu.

Nói như trên không có nghĩa là người Kitô hữu không có nhiệm vụ nhắc nhở cho xã hội ngày nay biết về tình trạng tôn giáo của họ. Vấn đề này trở nên cấp bách ở những xã hội mà phong trào tục hóa đã lấp mọi cửa sổ hướng về siêu việt. Tôn giáo hướng về siêu việt là một phương diện căn bản của nhân loại tính và một yếu tố cấu tạo nên văn hóa, nhìn như một dự phóng của đời sống toàn diện nơi con người. Nhà truyền giáo đến một địa phương nào cần phải nhìn nhóm người sống ở đó theo nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ ra sao và tìm hiểu cách đi tìm tính siêu việt riêng của họ. Nói cách khác, nhà truyền giáo phải nghiên cứu để hiểu biết tôn giáo của họ. Nhưng tôn giáo cũng như các phương tiện khác làm nên văn hóa của nhóm người ấy cũng cần phải Phúc Âm hóa, nghĩa là đối chiếu trực tiếp với Thiên Chúa của Đức Kitô. Tôn giáo cũng như các phương tiện khác của văn hóa có thể gồm những yếu tố tha hóa, nếu không sửa chữa sẽ đưa sự tàn lụi của văn hóa. Việc truyền giáo, để thật sự nhân loại, phải chăm sóc phẩm chất siêu việt và giúp người ta đặt vấn đề Thiên Chúa một cách nghiêm túc hơn, nhưng luôn phải tôn trọng căn tính của mỗi văn hóa.

Trong quá khứ, khi đi truyền giáo người Kitô hữu có lúc đã phân biệt giữa văn hóa và tôn giáo. Họ đã có ý tưởng rằng chỉ có Kitô giáo mới là tôn giáo thật, còn các tôn giáo khác đều hoàn toàn sai lạc. Vì thế, những nhà truyền giáo có sự quảng đại nhất như Ricci và Nobili cũng chỉ chấp nhận ở những người xin tòng giáo những điều các ông nắm vững hoàn toàn thuộc văn hóa, còn những điều có tính tôn giáo thì đều phải loại bỏ. Vì lập trường trên, Kitô giáo Kitô giáo đã để lại một hình ảnh về mình rất hại cho việc truyền giáo đối với các dân tộc “ngoại giáo”. Các vị thừa sai đã cắt đứt ở người theo đạo các thói tục, tập quán đã in sâu lâu đời vào đời sống dân tộc của họ. Những tâm tình tôn giáo của họ trước đây không được Phúc Âm hóa, nhưng nay bị vùi dập. Đó là lý do giải thích tại sao ở nhiều nơi trong các xứ truyền giáo, tuy Giáo hội đã được thiết lập, nhưng tâm trí các Kitô hữu vẫn còn ở giai đoạn tiền Phúc Âm hóa, vì văn hóa của họ chưa có một Phúc Âm hóa thật sự.

Đích điểm nhằm tới trong việc truyền giáo là gặp gỡ với mỗi người ở những vấn đề sâu thẳm nhất của đời họ. Nói rằng Phúc Âm hóa là nhân loại hóa không có nghĩa là muốn giảm thiểu Đức Kitô và Phúc Âm của Người vào kích thước nhân loại, nhưng là lưu ý đến việc phải tìm hiểu “căn tính” của con người trước, trước khi muốn cống hiến cho họ một siêu việt theo kích thước của Cha Đức Giêsu Kitô; lý do là vì Thiên Chúa tuy siêu việt nhưng cũng nội tại nơi nhân loại. K. Rahner đã viết: “Đức Kitô là Đấng đến từ thâm tâm thế giới, cũng là Đấng ở Người ta học biết thâm tâm của thế giới là gì”. [3]

Đức Giêsu Kitô là lời giải thích cuối cùng về con người và cũng là lời giải thích cuối cùng về Thiên Chúa nữa. Khi đón nhận chịu đau khổ và chết trên thập giá, Người đã đảm nhận mọi vấn đề và trăn trở sâu sắc nhất của con người; khi sống lại hiển vinh, Người đã lấp đầy mọi cách biệt với Thiên Chúa. Người đã hoàn toàn hòa nhập với nhân loại; khi Người còn sống tại trần gian, Người luôn bị cắt đứt một cách bi đát với nguồn mạch sự sống của mình và chỉ tìm lại được nó với sự chết đi để được sống lại.

Với Giáo hội, Phúc Âm hóa các văn hóa không có nghĩa là đem đến cho nhân loại một văn hóa cao hơn, nhưng là làm xuất hiện cái gì tốt nhất ở các văn hóa và mời gọi các văn hóa ấy đi đến cùng việc giải quyết các vấn đề cuối cùng của mình. Phúc Âm hóa chỉ thành công khi làm cho xảy đến một cuộc gặp gỡ thật sự những lời giải đáp mà mỗi văn hóa đem đến cho các câu hỏi cuối cùng của mình về đời người với giải đáp cụ thể của Đấng đã quả quyết: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” về đời sống mình.

Từ Vatican II, Giáo hội đã có cái nhìn về con người rất tích cực, nhưng Giáo hội cũng luôn lưu ý loài người rằng từ chối siêu việt và chỉ chấp nhận có con người sẽ đưa đến một quan niệm phi nhân loại về con người. Giáo hội luôn tìm hiểu trong các văn hóa những điểm đợi chờ cho đức tin Kitô giáo. Nói cách khác, Giáo hội luôn muốn đem Phúc Âm hội nhập vào các văn hóa trong những hoài bão tôn giáo thầm kín của các dân tộc.

III. Khơi dậy một nền văn minh tình thương

Phúc Âm hóa trước tiên phải là ý định của nhóm người Kitô giáo muốn đến chia sẻ vào việc xây dựng một thế giới công bằng yêu thương hơn. Nó khởi điểm từ sự quan tâm đến những phần tử đau khổ, nghèo đói trong xã hội loài người. Đức Giêsu vừa giảng dạy, vừa chữa lành cho người bệnh, giải thoát kẻ bị quỷ ám và cho dân chúng đói được bánh ăn no nê. Nước Thiên Chúa chỉ đến khi Tám mối phúc thật được thi hành nơi trần gian. Trong ngày phán xét, các cá nhân cũng như tập thể đều bị xét xử theo như thái độ cụ thể họ có đối với các phần tử xấu số trong xã hội. Vì thế, giá trị của một văn hóa sẽ đích thực hay không tùy theo nó quan tâm nhiều hay ít về sự no ấm cho những người mà nhân bản cổ điển cũng như cận đại gọi là những người “không có văn hóa”.

Trong diễn văn ở UNESCO năm 1980, Gioan Phaolô quả quyết:

Phải củng cố con người ở chính họ, chứ không phải vì một lý do hay suy luận nào. Phải duy nhất vì con người thôi. Hơn thế nữa, phải yêu mến con người vì họ là con người; phải đòi tình yêu cho con người vì phẩm giá riêng mà họ có. [4]

Quả quyết trên nhằm đưa ra ánh sáng những mâu thuẫn nội tại trong thế gian ở thời đại chúng ta. Chủ thể nơi con người trong văn hóa ngày nay rất được đề cao, nhưng trong cơ chế thì lại hứng chịu nhiều chênh lệch bất công tàn bạo.

Trước tình trạng ấy, nhân loại học có một sứ mạng to lớn. Không những nó muốn tìm hiểu con người, mà còn muốn tìm hiểu con người thể hiện thế nào trong mỗi văn hóa. Vì thế nhân loại học sẽ giúp ta hiểu rõ hơn nguồn gốc của bạo lực và ghen ghét trong thế giới ngày nay. Nó vạch mặt những phương tiện phi nhân bản của sự phát triển kinh tế và kỹ thuật. Nó buộc các chính phủ phải quan tâm đến chính trị văn hóa để điều hòa lại tương quan xã hội, chỉnh đốn lại quan hệ giữa các cá nhân và bảo tồn môi sinh vật lý.

Giáo hội, để hiểu biết sáng suốt và sâu sắc hơn về những con người bệnh tật, nghèo đói, bị áp bức, không thể làm ngơ với nhân loại và xã hội học được. Nhất là khi Giáo hội có tham vọng phân tích xã hội để làm xuất hiện những nguyên nhân của nghèo đói và áp bức trong các giáo huấn của mình. Hành động này không những nhằm mục đích hướng dẫn lương tâm và hành động của các cá nhân, mà còn chỉ vạch những cơ cấu xã hội đưa đến bế tắc cho sự phát triển toàn diện của cá nhân và xã hội nữa.

Để lời mời gọi của mình hữu hiệu thì chính Giáo hội cũng phải tôn trọng sự dị biệt văn hóa trong dân Thiên Chúa, vì ở đâu thiếu công bằng văn hóa thì cũng không tránh khỏi thiếu công bằng xã hội.

Nền văn minh tình thương mà Giáo hội cổ động tuy cần những điều kiện nhân loại, nhưng nền tảng của nó không ở luân lý hay lòng nhân từ của con người, mà ở phía bờ của chính Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm của tình yêu.

Nhân loại đổi mới nhờ sự cứu chuộc chỉ xuất hiện hoàn hảo trong nhân tính của Đức Kitô, nhân tính đã được mang dấu ấn của tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhân loại mới này đem đến cho mọi người mô hình đời sống xã hội với và vì người khác, như trong Ba Ngôi, Ngôi Cha chỉ có vì Ngôi Con, và Ngôi Con chỉ có vì Ngôi Cha, trong một tình yêu chung vẹn toàn đến nỗi làm nên một thực tại thứ ba là Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng là ơn Thiên Chúa tự ban mình cho nhân loại và thế gian vì tình yêu.

Như trên, động lực căn bản của một nền văn minh tình thương là Chúa Thánh Thần. Giáo hội, mà nhiệm vụ là cổ động cho nền văn minh này, không phải chỉ là một tổ chức có trước đây 2.000 năm trong lịch sử, cũng không phải chỉ là thông hiệp của các Giáo hội địa phương, Giáo hội còn là sự thể hiện trên mặt đất một hỗ tương lạ lùng không còn ngăn cách hay biên giới nào cả.

Trong Giáo hội, mọi người, nhất là những người nhỏ bé, bị áp bức, bị ruồng bỏ đều có chỗ dành cho mình vì Giáo hội có mô hình trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi đem đến cho thế gian cái gì đặc sắc của mình, Giáo hội đã đem đến cho thế gian một tình yêu mà sinh lực rút ra từ Ba Ngôi Thiên Chúa.

(còn tiếp)

Lm. Giuse Thân Văn Tường

Trích “Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa”, tr. 69-80

---------------------------------------------

* Bài liên quan:

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (1)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (2)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (3)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (4)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (5)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (6)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (7)

Chú thích

[1] Godfried Danneels: Lumen Vitae 1986, số 1, tr. 10.

[2] EN, số 63.

[3] Karl Rahner (1985, tr. 97). Le courage du théologien. Paris: Du Cerf.

[4] D.C (1980, tr. 603-609, số 1788.