Giáo Hội như là biểu tượng của nghi thức Rửa Chân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2598 | Cập nhật lần cuối: 12/8/2017 9:37:49 AM | RSS

Biểu tượng này được vẽ bởi linh mục-họa sĩ người Đức, Sieger Koder. Một người bạn đã tặng cho tôi trong thời gian tôi đang viết luận án; nhiều cảm xúc và suy tư tràn ngập đến vì biểu tượng này đã gói gọn và tượng trưng cho thông điệp của luận án này.

Tin Mừng theo Thánh Gioan không đề cập đến Thánh Thể. Nhưng thay vào đó là hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. (Gn 13,1-15)

Giáo Hội như là biểu tượng của nghi thức Rửa Chân

Ngay cả những người nô lệ cũng không bị ràng buộc để làm điều này cho chủ của họ, nhưng Chúa Giêsu sẵn lòng làm với đầy tình yêu thương. Người giúp họ, và chúng ta, đi vào mầu nhiệm của sự phục vụ, tự hiến, từ bỏ chính mình. Người khoác chiếc khăn choàng màu trắng và xanh có tua – biểu tượng của hàng tư tế Do Thái, mà ngày nay được giải thích một lần nữa qua Chúa Giêsu – linh mục là để phục vụ. Tư thế của Người cho thấy sự khiêm nhường, và đôi chân trần của Người nói cho chúng ta biết rằng Người đã bước đi trên con đường của sự tồn tại của con người chúng ta.

Khuôn mặt của người rửa chân (Chúa Giêsu) không được nhìn thấy, ông bị ẩn đi, như một người đầy tớ bị lu mờ. Khuôn mặt của Chúa Giêsu chỉ có thể được nhìn thấy qua hình bóng phản chiếu trong chậu nước dùng để rửa chân. Rất thường xuyên, chúng ta khám phá ra sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta bằng việc suy gẫm lại những sự kiện và mối tương quan với tha nhân. Rất thường xuyên, người ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa bằng sự quan tâm và phục vụ của chúng ta đối với họ.

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, khi linh mục rửa chân cho người giáo dân, người linh mục thấy những gì, chúng ta thấy những gì? Trong bức tranh này, hai khuôn mặt của Chúa Giêsu và người môn đệ được nhìn thấy bên cạnh nhau. Có phải chúng ta, linh mục và giáo dân, không phải là hình ảnh phản chiếu lẫn nhau sao? Rất nhiều khuôn mặt trong cộng đoàn là hình ảnh mục vụ của người linh mục; và người linh mục chính là hình ảnh của chức vụ tư tế trong đời sống của chúng ta – chúng ta là anh em.

Tương tự, ta có thể nhớ lại rằng chúng ta là con cái của cùng một gia đình với cùng một nguồn gốc, đến từ cung lòng của cùng một người mẹ. Khi bất kỳ một thành viên trong gia đình chiếm đoạt những điều tốt lành của gia đình làm địa vị và niềm vui riêng của bản thân, chắc chắn sẽ gây ra sự đau khổ và buồn sầu cho cả gia đình.

Hai hình hài cúi xuống trên nhau trở thành một hình ảnh trọn vẹn, hoàn chỉnh cho nhau. Một bàn tay của người môn đệ giơ cao với sự đấu tranh nội tâm, bàn tay còn lại để trên lưng của Chúa Giêsu, giữ Người lại gần, cho thấy một tình cảm sâu sắc giữa hai người. Chúng ta từ chối việc được phục vụ, được yêu thương bởi những nhược điểm của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta đã quá quen với sự tự lập, sự hiện thân của cá nhân mình, thay vì là hình ảnh của sự hiện thân của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, “Anh em có thể không dự phần với Thầy” (Gn 13:9). Bằng việc được thanh tẩy, chúng ta trở thành một phần của Chúa Giêsu và do đó, là một phần của nhau.

Chúng ta cưỡng lại việc được mời gọi phụ thuộc lẫn nhau, nhưng chỉ trong việc tương thuộc lẫn nhau này, chúng ta sẽ khám phá ra khuôn mặt hay hình ảnh thật của mình và hoàn thiện nó. Và khuôn mặt của Chúa Giêsu được phản chiếu lại với thế giới như hình ảnh trong chậu nước. Thế giới sẽ thấy Chúa thật sự là ai qua khuôn mặt của chúng ta, bởi những câu chuyện chúng ta nói về cách Người đã rửa chúng ta và hoàn thiện chúng ta trong cộng đoàn của mình. Lời mời gọi này dành cho tất cả mọi thành phần của cuộc sống, để được nhận lãnh từ nhau và được hoàn thiện bởi nhau và thông qua nhau. Những linh mục (được thụ phong), những tu sĩ (đã tuyên khấn), và những giáo dân (đã được rửa tội) không bao giờ có thể tìm thấy sự hoàn thiện bằng tự bản thân mình, nhưng bằng việc chết đi và nhận lãnh từ người khác như một phần Thân Thể của Chúa Kitô.

Có đi có lại, hoặc tương hỗ lẫn nhau, một người không tồn tại hoặc không thể tồn tại một cách trọn vẹn nếu không có những người khác. Vượt hơn việc phụ thuộc lẫn nhau, có một hữu thể học về sự tồn tại được chia sẻ, một sự thấu hiểu giữa những con người, như trong một cặp vợ chồng, cha mẹ với con cái, hay Thiên Chúa với dân Người. Việc hai người đến với nhau đem đến một chiều kích mới, một sự tồn tại tự nhiên bên trong, và bây giờ, điều thứ ba này trở thành cơ sở cho cuộc sống mới của họ - cuộc sống gia đình, đứa con mới, Dân Chúa, Thân Thể Chúa Kitô, tất cả đều là chiều kích hiện sinh mới để sống.

Những bí tích như Rửa Tội, Hôn Nhân, Truyền Chức đưa đến việc dự phần và thuộc về một thân thể, một cộng đoàn đức tin. Ngay cả việc thụ phong của một giám mục là sự gia nhập vào giám mục đoàn – nghĩa là sự tròn đầy của chức vụ giám mục không hệ tại nơi bản thân của người giám mục nhưng là trong mối tương quan với giám mục đoàn cũng như sự hiệp thông giữa giám mục và cộng đoàn dân Chúa nơi ngài phục vụ. Chúng ta bổ túc cho nhau. Chúng ta là những bí tích cho nhau – tính bí tích và tính tập đoàn song hành cùng nhau – Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội!

Bí tích Thánh Thể được thể hiện ở góc trên bên trái của biểu tượng đang được sống, mở ra trước mắt chúng ta. Có một sự biến đổi đang diễn ra trong cuộc gặp gỡ giữa hai người: bức tranh không bất động. Tất cả các việc mục vụ đều là sự phục vụ, và điều đó có thể làm nên sự biến đổi như vậy. Mục vụ, phục vụ, và thực hiện việc rửa chân sẽ làm cho tha nhân được trở nên hoàn thiện. “Như Thầy đã làm cho anh em, thì anh em cũng nên làm cho nhau”. Đó chính là dự phần vào công việc của Chúa Giêsu, để cho ân sủng của Ngài được tuôn trào trong ta, và do đó, chúng ta được là người đồng hành và là “bạn” của Ngài. Chúng ta không phải là người thừa kế của một kế hoạch quyền lực thông minh hay một tổ chức chiến lược, nhưng là những người đồng hành của Chúa Giêsu!

Sự khiêm nhường và lòng từ bi được đan quyện vào nhau – dành cho cả người rửa chân và người được rửa chân. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường mời gọi, chúng ta cũng được mời gọi dấn bước đầu tiên với sự khiêm nhường và lòng từ bi đối với thế giới.

Suy gẫm về biểu tượng này, thách đố dành cho Giáo Hội địa phương ngày nay, tại nhiều nơi ở Châu Á, dường như xoay quanh việc tái khám phá một cách khiêm tốn sự tương hỗ giữa linh đạo và sự tương thuộc lẫn nhau trong mục vụ: để tái khám phá sự tồn tại hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa và với nhau như anh em và thợ gặt trên cánh đồng của Chúa, những người bạn đồng hành trên cùng một hành trình đi đến sự hoàn thiện và thánh thiện với thế giới quanh ta. Và do đó, chúng ta trở nên bí tích sống động và có giá trị của Chúa Kitô tại Á Châu.

(Nguồn: Reflection trong Empowering Asia’s Laity của Charles F. Bertille)