Lễ Hiện Xuống là ngày khai sinh Giáo Hội

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1338 | Cập nhật lần cuối: 1/8/2020 8:07:45 PM | RSS

Vào Ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Linh đã giới thiệu Giáo Hội với thế giới là Giáo Hội đã khởi nguyên từ cuộc khổ hình cứu chuộc của Chúa Kitô. Đề tài này đã được giới thiệu trong bài giáo lý trước về Chúa Thánh Linh ngự đến khai sinh Dân Tộc mới của Thiên Chúa. Đối chiếu với lời giao ước cũ giữa Thiên Chúa và dân Israel, dân “được tuyển chọn” của Ngài, chúng ta thấy cách thức mà Dân Tộc của giao ước mới sinh ra “trong Máu Chúa Kitô” (x. 1 Cr 11, 25) mà Chúa Thánh Linh đã kêu gọi hướng tới sự thánh thiện. Dân mới được thánh hiến nhờ “việc xức dầu của Chúa Thánh Linh” trong nhiệm tích Thanh Tẩy. Dân mới này là “hàng tư tế vương giả” được kêu gọi dâng hiến “lễ phẩm thiêng liêng” (x. 1 Pr 2, 9). Do việc thiết lập dân giao ước mới theo thể thức này, Chúa Thánh Linh minh chứng Giáo Hội phát nguồn từ trái tim bị đâm thủng trên thánh giá của Chúa Cứu Thế.

Trong tiến trình giáo lý Kitô học, chúng ta đã trình bày Chúa Giêsu Kitô đặt nền móng xây dựng Giáo Hội của Ngài do việc “trao cho các tông đồ vương quốc nhận được từ Chúa Cha” (tc. Lc 22, 2; Mc 4, 11). Chúa không giới hạn trong việc lôi kéo người nghe và môn đệ bằng lời Phúc Âm và các phép lạ của Ngài. Ngài tuyên bố rõ ràng Ngài muốn “xây Giáo Hội trên các tông đồ, và đặc biệt là trên thánh Phêrô” (x. Mt 16, 18). Khi tới thời gian chịu khổ hình, vào tối ngày hôm trước, Ngài cầu xin cho họ được “thánh hiến trong chân lý” (x. Ga 17, 17); Ngài cầu xin cho họ hiệp nhất: “Xin cho chúng (họ) nên một; như Cha, Chúa Cha, ở trong Con, và Con ở trong Cha ... ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã phái Con đến” (x. Ga 17,21-23). Sau cùng, Ngài hiến mạng sống mình “làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45), “để quy tụ thành một hết thảy con cái Thiên Chúa rải rác khắp nơi” (Ga 11, 52).

Hiến Chế Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II nhấn mạnh mối liên kết giữa Mầu Nhiệm Vượt Qua và Lễ Hiện Xuống: “Khi Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết trên thập giá vì loài người, đã phục sinh và được phong làm Chúa, làm Đấng Kitô và làm Tư Tế đời đời, và Ngài đổ tràn đầy Thánh Linh Chúa Cha đã hứa trên các môn đệ của Ngài” (LG số 5). Việc này xảy ra theo điều Chúa Giêsu đã loan báo trong Tiệc Ly trước khi chịu khổ hình, và Ngài nhắc lại trước khi rời khỏi trần gian để về với Chúa Cha: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Linh đến trên anh em; và anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Jerusalem ... và tới tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

Sự kiện này tột đỉnh và đầy ý nghĩa quyết định cho việc hiện hữu của Giáo Hội. Chúa Kitô đã loan báo và thiết lập Giáo Hội, và sau cùng “đã sinh ra” Giáo Hội trên thánh giá qua cái chết cứu độ của Ngài. Tuy nhiên, việc hiện hữu của Giáo Hội trở nên rõ ràng vào ngày Lễ Hiện Xuống khi Chúa Thánh Linh ngự đến và các tông đồ bắt đầu “làm chứng” Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói sự kiện này đã khai sinh Giáo Hội, như chúng ta đề cập đến việc chào đời của một người khi ra khỏi lòng mẹ đã “được giới thiệu” với thế gian.

Trong Tông Huấn Dominum et Vivificantem, cha đã viết: “Thời đại của Giáo Hội bắt đầu bằng “việc Chúa Thánh Linh ngự xuống” trên các tông đồ tụ họp trong căn phòng trên lầu tại Jerusalem, cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô. Thời đại của Giáo Hội bắt đầu vào thời điểm khi những lời hứa và tiên báo đề cập hết sức rõ ràng về Đấng Phù Trợ, Thánh Linh chân lý, bắt đầu được hoàn thành cách trọn vẹn và rõ ràng trên các tông đồ, như thế xác định lúc Giáo Hội chào đời. ... Chúa Thánh Linh là Đấng vô hình, nhưng một cách nào đó (người ta) có thể “nhận thức được”. Chúa Thánh Linh đã hướng dẫn, an ủi các tông đồ và môn đệ, những người cảm thấy thấm thía bị bỏ mồ côi sau khi Chúa Giêsu đi khỏi. Nhờ Chúa Thánh Linh ngự xuống, các ngài cảm thấy có khả năng chu toàn sứ mệnh được ký thác. Các ngài cảm thấy đầy đủ sức mạnh. Rõ ràng là Chúa Thánh Linh hoạt động trong các ngài, và hiển nhiên là (hoạt động) trong Giáo Hội và qua những người nối tiếp các ngài” ( số 25).

Buổi chào đời của Giáo Hội tương tự “việc tạo dựng mới” (x. Ep 2,15). Chúng ta có thể so sánh với việc tạo dựng thứ nhất, khi “Chúa tạo dựng con người từ bụi đất và hà hơi (thổi sinh khí) vào mũi con người” (St 2, 7). Con người mang ơn thần linh về sinh khí làm cho họ trở thành con người đích thực. Chúng ta cần nhắc lại hơi thở sáng tạo này theo Phúc Âm Thánh Gioan: khi Chúa Kitô phục sinh, hiện ra với các tông đồ tụ họp tại căn phòng trên lầu, “Ngài hà hơi vào các ông, và nói (với các ông): ‘Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Linh. Anh em tha tội cho người nào, thì người ấy được tha; anh em cầm buộc tội người nào, thì những tội người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Sự kiện này xảy ra vào buổi chiều Lễ Vượt Qua, có thể coi là Lễ Hiện Xuống trước, dầu rằng âm thầm. Kế đến ngày Lễ Hiện Xuống là việc thần hiển công khai của Chúa Thánh Linh. Chúa Giêsu Kitô, “được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa, đã được Chúa Cha ban đặc ân Chúa Thánh Linh để Ngài trút đổ xuống (cho các tông đồ và mọi người)” (Cv 2, 33). Sở dĩ có “tạo vật mới” (x. Tv 104, 30) là nhờ hành động của Chúa Thánh Linh.

Không kể tính cách tương tự với Sáng Thế Ký, chúng ta có thể tìm thấy trong một đoạn từ Sách Edêkien như sau: “Vì thế Chúa là Thiên Chúa phán: Từ bốn phương trời, thần khí hãy tới thổi sinh khí vào những người đã chết này, để chúng được sống” (Ed 37, 9). “Này, Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi, và đưa các ngươi lên khỏi mồ. Hỡi dân Ta, và Ta sẽ đem các ngươi trở về đất Israel” (Ed 37, 12). “Và Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống ... các ngươi sẽ nhận biết rằng chính Ta là Chúa, đã phán” (Ed 37, 14). “... và sinh khí nhập vào những người đã chết, và chúng được hồi sinh, và chỗi dậy” (Ed 37, 10).

Lễ Hiện Xuống là ngày khai sinh Giáo Hội

Thị kiến lạ lùng và xúc động liên quan đến việc phục hồi dân Israel sau ngày bị lưu đày đã được Thiên Chúa loan báo sau thời gian dài đau khổ (tc. Ez 37:11-14). Các ngôn sứ Hosea (tc. 6:2; 13; 14) và Isaiah (26:19) cũng loan báo lời tiên tri về việc phục hồi và cuộc sống mới đó. Tuy nhiên hình ảnh tượng trưng các ngôn sứ đã sử dụng đem lại cho dân Israel ước vọng việc phục hưng cá nhân mà có lẽ ông Gióp đã thấy trước (x. G 19, 25). Trong những văn bản khác cho thấy: ý niệm này phát triển dần dần trong Cựu Ước (tc. Dn 12, 2; 2 Mcb 7,9-14,23-36; 12,43-46) và Tân Ước (Mt 22,29-32; 1 Cor 15). Tuy nhiên, tư tưởng đó đã chuẩn bị cho quan niệm về cuộc sống mới sẽ được mạc khải trong việc phục sinh của Chúa Kitô và sẽ đến với các tín hữu, nhờ việc làm của Chúa Thánh Linh. Chúng ta những người tin vào Chúa Kitô cũng có thể đọc một điều tương tự về vượt qua trong sách Edêkien.

Đây là khía cạnh cuối cùng của mầu nhiệm khai sinh Giáo Hội vào Lễ Hiện Xuống nhờ việc làm của Chúa Thánh Linh. Tinh thần đó đã thể hiện lời cầu nguyện có tính cách tư tế của Chúa Kitô tại căn phòng trên lầu: “xin cho chúng nên một; như Cha, Chúa Cha, ở trong Con, và Con ở trong Cha, để chúng cũng ở trong Chúng Ta, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã phái Con đến” (Ga 17, 21). Khi ngự xuống trên các tông đồ tụ họp cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô, Chúa Thánh Linh biến đổi và kết hợp họ, “đổ xuống” cho họ “tràn đầy” sự sống thần linh. Họ trở nên “một,” một cộng đồng tông đồ, sẵn sàng làm chứng cho Chúa Kitô đã chịu đóng đinh và phục sinh. Đây là việc tạo dựng mới tràn ra từ thánh giá và được Chúa Thánh Linh ban sự sống, Chúa Thánh Linh đã ban cho Giáo Hội lịch sử của mình bắt đầu từ Lễ Hiện Xuống.

Vatiacan, ngày 30.8.1989

Gioan Phaolô II

Nguồn: thanhlinh.net