Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 641 | Cập nhật lần cuối: 9/6/2020 2:17:49 PM | RSS

Nhân cách của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II minh họa rõ ràng người linh mục lý tưởng của thiên niên kỷ mới phải ra sao. Người bạn thân và đấng kế vị ngài, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, bổ sung lý tưởng này.

Ngoài những diễn từ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, cho đến giờ có ít suy tư xem tân Phúc âm hóa có nghĩa là gì. Thực thế, Hội đồng Giáo hoàng mới được thành lập về việc tân Phúc âm hóa liệt kê trách vụ số một là “khảo sát sâu xa ý nghĩa thần học và mục vụ của việc tân Phúc âm hóa.” Ngoài ra, Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua cũng thảo luận đề tài này. Điều tôi hy vọng làm ở đây là áp dụng việc tân Phúc âm hóa vào đời linh mục thánh thiện, với những suy tư cá nhân dựa trên những giáo huấn của Thánh kinh và của hai vị giáo hoàng trên đây, cũng như trên những gương sáng của những vị thánh đương thời và những người lành thánh khác. Việc luận bàn thích đáng về đề tài này đòi phải xem xét toàn bộ tiến trình đào luyện linh mục, cũng như trách vụ suốt đời liên lỷ học hỏi, đào sâu và lượng giá lại ơn gọi chúng ta, sau khi được thụ phong cho đến cuối đời.

1. Cuộc khủng hoảng căn tính linh mục

Trước Công đồng Vatican II, người ta thường coi các linh mục thuộc một tầng lớp đặc biệt, nếu không nói là một giai cấp, nổi bật, với hình ảnh và những trách vụ của người linh mục được xác định rõ ràng trong Giáo Hội. Mọi Kitô hữu biết rằng tước hiệu “cha” có những sức mạnh tinh thần lớn lao. Bởi lẽ linh mục biến đổi bánh rượu thành Mình và Máu Đức Kitô; ngài mở và đóng cửa thiên đàng bằng cách ban hay không ban ơn xá giải; ngài làm cho người hấp hối dễ dàng đi vào thiên đàng bằng cách ban cho họ những nghi thức sau cùng. Ngài nắm quyền bính trên những công việc giáo xứ, cả Giáo Hội lẫn trường học; nếu có bất kỳ vấn đề lương tâm nào, bạn đến với người cha đó.

Nhưng sau khi giáo lý của Công đồng Vatican II về giáo dân trở nên phổ biến, dân chúng bắt đầu tái khám phá chân lý truyền thống của Công giáo rằng hết thảy mọi thành phần của Giáo Hội đều chia sẻ tư cách linh mục vương giả của Đức Kitô, rằng mỗi phần tử có một đặc sủng riêng biệt, nhờ đó họ phải góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội. Sánh bên với điều ta gọi là “chức linh mục thừa tác”, một phạm vi rộng lớn của những tác vụ khác nảy sinh, từ thừa tác viên giới trẻ đến vị tư vấn hôn nhân, qua người điều hành lo việc dạy giáo lý, tất cả rộng mở cho giáo dân nam nữ trong giáo xứ. Và người ta đặt ra câu hỏi: vậy linh mục thừa tác còn cần vào việc gì nữa đây? Nay xem ra giáo dân có thể đảm nhận mọi sự, trừ ra một vài nghi thức bí tích. Những thần học gia nổi tiếng nói về ơn gọi hướng tới tác vụ bí tích như một trong nhiều tác vụ sẵn đấy, thay vì [nói tới] ơn gọi linh mục.

Nếu chức linh mục chỉ là một trong nhiều tác vụ, thật khó mà thấy đó là một ơn gọi thường hằng. Nó dễ dàng bị tráo đổi với một công việc khác trong Giáo Hội. Một linh mục chán nản và kiệt lực có thể nói: “Tôi cảm thấy có lẽ giúp ích cho đời hơn nếu tôi trở thành nhà tư vấn, làm việc xã hội, tâm lý gia, hay DRE (giám đốc lo việc dạy giáo lý) trong một giáo xứ. Dĩ nhiên, sẽ chẳng có vấn đề lập gia đình, và tôi có thể gia nhập ‘thế giới thực sự’”.

Như luôn xảy ra trong lịch sử, cực đoan này đòi hỏi một cực đoan khác. Đối lại với “lối tiếp cận ‘hãy đơn giản gọi tên tôi là đủ rồi’ cũng như cố gắng hết sức tỏ ra là một người ‘bình thường’, thì giữa những chủng sinh và linh mục trẻ nảy sinh một chiều hướng đối nghịch. Chiều hướng này nhấn mạnh sự nổi bật đặc biệt của người linh mục – họ có vị trí cao và độc đáo trong Giáo Hội – mang y phục giáo sĩ nổi bật, xác quyết quyền bính cao cả của mình, và thường trừng trị dân chúng không xót thương từ tòa giảng.

Dĩ nhiên, tôi vừa vẽ ra những bức ký họa một chiều để giãi ánh sáng nào đó trên hai loại linh mục hiểu về chính mình; nó cho thấy rằng linh mục tự do, hay linh mục ý thức thuộc về giai cấp đều không sống theo lý tưởng linh mục mà Vatican II, cũng như các Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã vẽ lên. Hai giáo hoàng trên đã không bỏ cơ hội nào để chỉ ra tầm quan trọng cốt yếu của người linh mục trong Giáo Hội, đang khi tháp nhập và đào sâu những phẩm tính tích cực nhất của hai loại căn tính linh mục này.

2. Một linh mục duy nhất song có nhiều vị linh mục

Trong thánh lễ đầu tiên của một linh mục, Raymond Brown bắt đầu bài giảng của mình bằng cách chỉ ra rằng chúng ta không tìm thấy những linh mục trong Tân ước, và bằng chứng đầu tiên về tác vụ linh mục chỉ xuất hiện trong lá thư của Clement thành Roma. Dĩ nhiên, Brown nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chức linh mục; nhưng trong những bài viết khác, ông thúc đẩy Giáo Hội trở về và trân trọng Thánh kinh hơn nữa. Rồi, ta không mấy ngạc nhiên khi những người nghe ông và những nhà chú giải khác có não trạng tương tự, không nhiệt tâm ôm ấp ơn gọi linh mục. May thay (hay đúng hơn, do Chúa quan phòng), các Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, cùng với những thần học gia và chú giải nổi bật – như Congar, Feuillet và Vanhoye – đã có thể dựa vào những nền tảng trong Thánh kinh chiếu ánh sáng về chức linh mục trong sứ mệnh của các tông đồ

Không như bất kỳ tôn giáo nào khác, trong Tân ước chỉ có một linh mục và một hy tế: Đức Giêsu Kitô và việc Người dâng hiến chính mình. Giám mục và linh mục không phải là những linh mục theo quyền bính riêng của họ; họ thông phần vào sứ mệnh của Đức Giêsu bằng cách làm cho hy tế vĩnh cửu của Đức Giêsu Kitô hiện diện. Do vậy, việc Đức Kitô sai họ đi, xác định toàn bộ đời sống họ, cả hữu thể họ, hầu trải rộng sứ mệnh giảng dạy, mục tử và thánh hóa qua các thế hệ, và tới mút cùng thế giới. Vì vậy, như tư cách linh mục của Đức Giêsu Kitô, ấn tín linh mục là thường hằng và không thể xóa nhòa; ấn tín đó nắn hình không chỉ “chức năng” của người linh mục mà cả nhân cách, những tương giao, những hoạt động giải trí và đời sống công cộng và cá nhân của họ.

3. Chức linh mục và những đặc sủng khác trong Giáo hội

Lý tưởng cho việc tân Phúc âm hóa bao gồm sự hủy bỏ vĩnh viễn một giai cấp linh mục mà xét về mặt xã hội, cô lập chính mình khỏi giáo dân và thấy mình cao hơn giáo dân. Nó cũng đòi phải liên tục khơi dậy những đặc sủng và sự phục vụ của giáo dân trong đời sống giáo xứ, địa phận và ngay cả Giáo Hội phổ quát. Đối diện với quá nhiều trách vụ, người linh mục biết mình không thể làm việc một mình. Họ phải tìm kiếm tất cả những giáo dân có uy tín mà họ có thể tìm được – không chỉ những chuyên viên tài chính hay kiến trúc sư, nhưng cả những người có những ân điển thiêng liêng, thông thường hay lạ thường. Ngày nay, trong một giáo xứ, nhiều tác vụ giáo dân khác nhau nở rộ. Họ chuyên biệt hóa việc chăm sóc người nghèo, bệnh nhân, phụng vụ và dạy giáo lý. Họ tư vấn những cặp đính hôn và vợ chồng; họ giúp những người ly dị. Con số của những tác vụ này vẫn gia tăng. Những hoạt động muôn mặt và khác nhau buộc người linh mục phải có một tư cách lãnh đạo đòi hỏi hơn, thành thạo hơn. Vừa tranh thủ sự cộng tác tích cực của người khác, vừa điều phối những hoạt động của họ, góp ư phê bình và khuyến khích họ, đấy mới là một thách đố lớn lao hơn nhiều so với thời xưa. Một đàng, chúng ta vẫn thấy quá nhiều trường hợp các mục tử hành xử cách chuyên chế. Đàng khác, một số linh mục và giám mục lại hiểu sai những đòi hỏi của thời kỳ hậu Công đồng; họ bỏ mặc nguyên lý về một người chịu trách nhiệm, và cho phép nhân viên giáo xứ đi theo đường lối của họ mà chẳng cung cấp cho họ hướng dẫn và phương hướng nào. Nếu một mục tử hay giám mục chuyển trách nhiệm cho những người khác về điều đang xảy ra trong giáo xứ hay địa phận của mình, thì sai lầm cũng thật nghiêm trọng như thể ông cố gắng tự mình làm mọi sự. Xét cho cùng, chính vị mục tử sẽ phải trả lẽ trước Thiên Chúa về từng con chiên của mình.

4. Chức linh mục thừa tác như sự phục vụ lưỡng diện

Vị linh mục lo đến việc tân Phúc âm hóa nhìn ơn gọi của mình cùng một cách như Phaolô, và tất cả các giám mục, linh mục và giáo hoàng thánh thiện đã làm: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, nhưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, và chính chúng tôi là nô lệ của anh chị em vì Đức Giêsu.” (2 Cr 4, 5). Vậy, chức linh mục là sự phục vụ lưỡng diện. Linh mục phục vụ Đức Kitô bằng cách rao giảng Đức Kitô, hơn là chính mình, và phục vụ dân chúng vì Đức Kitô. Linh mục vẫn coi cử hành các bí tích, và, nhất là, cử hành Thánh Thể, là tâm điểm trong tác vụ của mình. Nhưng ngày nay hơn cả trước kia, linh mục hiểu rằng các bí tích biến đổi đời sống các tín hữu chỉ với điều kiện chúng được tiếp nhận với đức tin sống động. Như vậy, người giáo sĩ dành nhiều thời giờ và năng lực hơn cho việc rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa để thắp lửa và đào sâu đức tin của dân Người. Ta có thể nhìn thấy trách vụ này cách tốt nhất trong cử hành Thánh Thể. Bằng cách rao giảng Lời Chúa, linh mục chuẩn bị cộng đoàn lãnh nhận Lời đã làm người trong Thánh Thể. Như tôi tớ của Đức Kitô, riêng một mình linh mục được có khả năng khiến cho Đức Kitô hiện diện trong hy tế của Người, dưới những dấu chỉ bánh và rượu. Tuy nhiên, hoạt động tư tế của linh mục nhằm hiện thực hóa chức linh mục của toàn cộng đoàn: Nhờ Đức Kitô, tất cả các tín hữu được gọi để cùng với linh mục hiệp dâng lên Chúa Cha chính Đức Kitô, và chính mình.

5. Tôi tớ hay người đại diện mang tính bí tích của Đức Kitô?

Một mâu thuẫn (antinomy) sai lạc đương thời khác làm cho cuộc thảo luận về mối liên hệ của linh mục với Đức Kitô thành rối ren. Linh mục là doulos Iesou Christou (tôi tớ của Đức Kitô), như Phaolô thích qui chiếu tới chính mình; hay là sự biểu thị bí tích của Đức Kitô, một alter Christus? Trong Tân ước, và trong truyền thống Giáo Hội, gồm cả những văn kiện huấn quyền gần đây nhất, cả hai hạn từ không loại bỏ nhưng đúng hơn, minh tỏ lẫn nhau. Một số thần học gia, như Dennis Ferrara, thì đúng khi chủ trương rằng vai trò của linh mục, đúng như vai trò của vị tông đồ, phải là và phải hành động như một tôi tớ, một nô lệ của Đức Kitô. Tuy nhiên, điều những nhà thần học như ông không thấy là sự nối kết nội khởi giữa tư cách tôi tớ triệt để và sự biểu thị bí tích. Nếu chúng ta chấp nhận sự minh tỏ sau đây của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, thì những vai trò bổ sung của hai định nghĩa trên được nên sáng sủa: ... nhóm chữ “in persona Christi” có nghĩa hơn là việc hiến dâng ‘nhân danh’ hay ‘trong cương vị’ của Đức Kitô. In persona có nghĩa là trong sự đồng nhất hóa biệt loại có tính bí tích với vị Linh mục tối cao đời đời; thật sự, Người là tác giả và chủ thể chính của hy tế này, một hy tế trong đó không ai có thể lấy chỗ của Người.[3]

Sự phục vụ này hàm ẩn một sự lụy phục Đức Kitô cách triệt để nhất và được chấp nhận trong tự do. Nếu linh mục chỉ là một tôi tớ được Đức Kitô ủy quyền, thì Đức Kitô có thể không là “chủ thể chính” của hành vi bí tích, bởi lẽ chỉ mình ủy viên của Người hiện diện mà thôi. Đang khi đó “sự đồng nhất hóa biệt loại của bí tích” có nghĩa rằng linh mục không chỉ hành động như một sứ giả của Đức Kitô vắng diện, nhưng linh mục tự do để cho Đức Kitô chiếm hữu những hành vi bí tích của mình theo một cách thức đến nỗi chính Đức Kitô hành động qua linh mục. Một sự lệ thuộc như thế vào Đức Kitô theo hữu thể học liệu không phải là thứ nô lệ triệt để nhất được tự do chấp nhận sao? Nay chúng ta thấy nguy hiểm của sự hiểu lầm diễn ngữ.

Một vị linh hướng khôn ngoan thích lặp lại cho các chủng sinh của mình: “Mỗi ngày, con hãy quỳ gối trước chức linh mục của con.” Khi hôn kính dây Stola, con hãy nghĩ đến lời khuyên này. Chúng ta phải học để sống sự nghịch lý này: sự thông phần của chúng ta vào tư cách linh mục của Đức Kitô phải biến đổi và xác định toàn bộ cuộc sống cá nhân chúng ta, đồng thời, nuôi dưỡng nơi chúng ta ý thức rằng chức linh mục của chúng ta mãi mãi vẫn là một tặng phẩm không cân xứng mà chúng ta nhận được để phục vụ kẻ khác. Bênađô so sánh vai trò của linh mục với vai trò của Gioan Tẩy giả. Gioan Tẩy giả đi trước Đức Kitô để chuẩn bị đường cho Người, và thời khắc vĩ đại nhất trong đời ông là hướng tới Đức Kitô: “Đây Chiên Thiên Chúa, đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29). Gioan là người mai mối Chúa sai tới. Niềm vui của Gioan hoàn thành khi ông nghe chàng rể, Đấng đã tìm thấy hiền thê tinh tuyền của mình, vui vẻ lên tiếng. Ông phải nhỏ đi, nhưng Đức Kitô phải lớn lên. Theo Bênađô, ơn gọi của linh mục cũng tương tự. Linh mục dẫn các linh hồn đến với Đức Kitô, và hân hoan vì Đức Kitô và các tâm hồn mật thiết gặp gỡ nhau, hơn là đặt mình vào giữa họ.

Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa

Vậy, chức linh mục thừa tác phục vụ cho chức linh mục của các tín hữu. Chúng ta làm cho dân chúng có thể nhận biết và khích động chức linh mục của họ bằng cách thanh tẩy họ, nuôi dưỡng đức tin của họ, và làm cho hy tế vĩnh cửu của Đức Kitô hiện diện cho họ, hầu nhờ Người, với Người và trong Người, các linh mục thừa tác chúng ta và dân tư tế của Thiên Chúa có thể dâng lên Chúa Cha chính Đức Kitô cũng như chính chúng ta. Thánh Phaolô cũng diễn tả ơn gọi tư tế của mình bằng những hạn từ này: “Thật thế, v́ anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết.” (2 Cr 11, 2).

(còn tiếp)

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 77 (tháng 7 & 8 năm 2013)

Roch Kereszty, O.Cist.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, S.D.B. chuyển ngữ

Nguồn: hdgmvietnam.com

-------------------------------

[1] Diễn từ này được nói đầu tiên cho cộng đoàn chủng viện Kenrick– Glennon tại Rigali Center in Saint Louis, Missouri, như Kenrick Lecture hàng năm vào tháng Mười, 2011.

[2] Yves Congar, Gospel Priesthood (New York: Herder & Herder, 1967); André Feuillet, The Priesthood of Christ and His Ministers (Garden City: Doubleday, 1975); Albert Vanhoye, Old Testament Priests and the New Priest (Petersham, MS: St. Bede’s Publications, 1986).

[3] Pope John Paul II, Tông thư về Mầu nhiệm và sự Thờ phượng Thánh Thể (Dominicae Cenae; 24 February 1980) 8, được trích dẫn trong Thông điệp về Thánh Thể và mối liên hệ của Thánh Thể với Giáo Hội (Ecclesia de Eucharistia; 17 April 2003) 29. Ở đây Đức giáo hoàng minh định ý nghĩa thường bị hiểu sai về sự đồng nhất hóa phổ biến của linh mục thừa tác với vị Thượng tế Giêsu Kitô (“Người đang cử hành bằng một cách riêng biệt và bí tích hoàn toàn là như nhau với “vị Linh mục cao cả và vĩnh cửu”) của lá thư Sacerdotium ministeriale của Bộ Giáo lý Đức tin (6 August 1983) 4, trong AAS 75 (1983), 1001–1009, at 1006. Nhóm chữ “hoàn toàn như nhau” phải được hiểu theo nghĩa của “sự đồng nhất hóa biệt loại của bí tích.” Cũng x. Bộ giáo lý đức tin, tuyên ngôn về sự chấp nhận phụ nữ vào tư cách linh mục thừa tác (Inter insigniores; 15 October 1976), trong AAS 69 (1977) 98–116, ở 112–113. Hãy xem lời phê bình những tài liệu này do Robert Daly, người dựa trên sự nghiên cứu của Edward Kilmartin: R. J. Daly, “Robert Bellarmine and Post–Tridentine Eucharistic Theology,” Theological Studies 61 (2000) 239–260, at 240; and E. J. Kilmartin, The Eucharist in the West: History and Theology, ed. R.J. Daly (Collegeville: Liturgical Press, 1998) 384. Mặc dù lời phê bình của mình, Kilmartin (pp. 375–376) cũng chấp nhận rằng theo một nghĩa nào đó, linh mục cử hành biểu thị Đức Kitô.

[4] Cf. D. Ferrara, “In Persona Christi: Sự biểu thị của Đức Kitô hay Tôi tớ của sự hiện diện của Đức Kitô,” CTSA Proceedings 50 (1995) 138–145.