Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (28): Không xin gì của ai

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3104 | Cập nhật lần cuối: 4/25/2017 7:16:25 AM | RSS

(Tiếp theo)

5. Không xin gì của ai

Khi Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta sai các sứ đồ đến thế gian, Ngài nói với họ:

Ngài sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành.

“Đừng mang ví tiền, bao bị, giầy dép; cũng đừng chào hỏi dọc đường. Hễ vào nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!

Và ăn và uống những gì họ có, vì làm thợ thì đáng được công.” (x. Mt 10, 10; Lc 9, 1; 10,4-7).

Và nơi khác: “Các ngươi chớ tìm hỏi: các ngươi ăn gì? Các ngươi uống gì? Chớ bồn chồn lo lắng! Nhưng cha các ngươi biết rõ, các ngươi cần đến các điều ấy.” (Lc 12, 30).

“Hãy tìm Nước Thiên Chúa trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi.” (Mt 6, 33)

Khi Thầy thánh sai các thợ gặt của mình, tức các sứ đồ đi vào thế giới, Ngài không sai họ đi quyên góp, xin xỏ, hay đi xây cất, xây dựng và cư ngụ ngay trong trần gian. Ngài sai họ để giảng dạy, chỉ vẽ và làm phép rửa. Đó là mục đích lớn lao.

Và nếu họ làm việc cho Ngài, Ngài hứa sẽ ban cho họ tiền công của họ.

Khi ai mướn người làm công, họ phải trả tiền cho người ấy, người thợ xứng được trả công; trường hợp này chính Thiên Chúa sai đi, Ngài có bổn phận đối với các công nhân của Ngài. Vậy khi chúng ta đi tới một nơi nào, việc đầu tiên phải làm là dạy dỗ, giáo lý, rửa tội, chữa lành và phục vụ hết mọi người, đó là sứ mạng số một của chúng ta.

Nếu ta khởi sự bằng xây nhà, sắp đặt, tổ chức hàng lối, mua sắm, xin xỏ, quyên góp, quả ta không làm công việc Thiên Chúa giao: mà làm việc vật chất.

Phải bắt đầu bằng công việc thiêng liêng.

Việc vật chất sẽ đến sau [1]

Nhưng họ bắt đầu bằng trồng một cây thập giá, và dưới thập giá đó, họ giảng dạy thiên hạ; hoặc họ dạy dỗ trong các hội đường (Do Thái), các nhà dân; và khi người ta ăn năn trở lại, chính các tín hữu sẽ xây cất nhà thờ của mình, bởi vì lúc ấy họ cảm thấy nhu cầu phải có nhà thờ. [2]

Làm cho thiên hạ ăn năn trở lại là công việc đi trước tất cả.

Không nên bỏ rơi các linh hồn, để chạy theo những viên đá; đá kia dùng làm gì nếu không có các linh hồn?

Công việc thiêng liêng phải đi trước tất cả; dạy dỗ giảng giáo lý, đó là nhiệm vụ đầu tiên phải chu toàn. [3]

Nếu ta không có đủ điều cần có, cũng chẳng sao. Đức Chúa chúng ta có đủ những gì cần có khi Ngài đến trần gian chăng?

Ngài có đủ những cái cần trong các hành trình tại Galilê, Giuđa, Miền-thập-tỉnh chăng?

Ngài có đủ điều cần khi Ngài ở trên thập giá?

Nếu phải chịu cực khổ, càng tốt chứ sao! Công trình của Thiên Chúa nhờ thế mà càng vững chãi hơn, thành công hơn đấy; người ta lôi kéo nhiều và chinh phục nhiều linh hồn cho Thiên Chúa bằng sự khó nghèo và đau khổ hơn là bằng sự sung túc và của cải giàu sang.

Tín hữu họ càng rộng tay với chúng ta nhiều hơn, và sẵn lòng cho chúng ta hơn, khi họ thấy ta nghèo nàn và khổ cực.

Nếu Thiên Chúa không gửi đến cho chúng ta tài nguyên, thì điều này chứng tỏ Ngài muốn chúng ta chịu khổ và nhờ sự đau khổ, chúng ta mới xứng đáng được Chúa ban cho những gì mình cần thiết.

Thật là thiếu dè dặt khôn ngoan, khi cứ muốn bước đi thật mau! Quá tự phụ đấy.

Cũng có khi đó là bằng chứng Chúa không muốn công trình này, hoặc chúng ta không xứng để thực hiện, để thành lập, để điều khiển nó đến nơi đến chốn; và thà rằng đừng làm, còn hơn làm gượng làm gạo.

Mọi công trình của Thiên Chúa trước tiên đều mang dấu ấn sự khó nghèo và đau khổ.

Vả chăng, việc quyên góp chẳng kéo theo nhiều điều phiền toái, phải mất bao thì giờ, để hết người này đến người kia, tiếp xúc với ông A, bà B, tiếp tân, phát biểu nhiều lời vô ích, đôi khi vận dụng cả nói dối nói trá, khoe khoang những gì mình làm và lắm lần gồm cả những điều mình không làm? Kể lể công khó mình đã bỏ ra hoặc không bỏ ra, nghe những lời nịnh bợ, tâng bốc? Và rồi, thường người ta trở về nhà với tinh thần thế gian, lòng đầy những chuyện nhảm nhí. Làm như vậy là làm công việc Thiên Chúa ư? Và liệu Thiên Chúa có gắn sự thành công trong công việc của Người ta sẽ bảo đi quyên như vậy là lập công lớn.

Phải, đúng, kẻ đi quyên chịu gian lao, chống đối, sỉ nhục; nhưng họ cũng lập công khi chịu đau khổ và biết chờ đợi tất cả ở Chúa Quan phòng.

Thế thì người thế gian lại không bao lần mệt mỏi, vì cứ phải nhìn thấy hoài những kẻ quyên tiền xuất hiện ở cửa nhà họ? Và người ta cứ bao lần cực chẳng đã mà phải cho; cũng không thiếu khi họ lẩm bẩm chỉ trích những kẻ ngửa tay xin xỏ hoài hoài. Vả chăng, không phải đất đai, nhà cửa, con người, những con người quảng đại, tận tâm, biết cách chịu khổ, vì họ được Thần Khí Chúa cư ngụ.

Đó là những điều phải làm về các việc này nọ.

“Hãy cho tôi một tâm hồn quảng đại, tận tụy, biết chịu đau khổ, như thế còn có giá trị hơn cả triệu người; và bên cạnh tâm hồn đó, còn có thêm một tâm hồn khác cùng một khát vọng và nhắm tới cùng một mục đích, lại hiệp nhất với nhau bởi tình yêu Thiên Chúa, thế là công trình đã được thành lập”. [4]

Chính Thánh Thần đã nói: “Phúc thay người chẳng bợn vết nhơ, không thác lạc theo dõi Mammon… giữa dân người, người đã làm sự lạ.” (Hc 31,8-9) Khi ta thực hiện được điều thiêng liêng, của vật chất luôn luôn sẽ kèm theo. Thiên Chúa đã hứa rồi.

Nếu ta cho đi dù chỉ một gram của thiêng liêng Thiên Chúa sẽ ban lại cho ta một trăm ký của vật chất. Đó là khẩu hiệu của chúng ta khi khởi sự công trình Prado.

Thật dễ hiểu khi giáo dân làm một công trình gì đều đi quyên tiền để làm, để tiếp tục và mở rộng.

Nhưng vị linh mục, giàu có là thế, quyền năng là thế, ông có hết tất cả kho tàng thiên quốc, ông phân phát ân huệ Thiên Chúa, liệu ông có cần rảo đi tìm tiền tìm bạc cho mình hoặc cho người khác chăng?

Ai nấy đều cần đến linh mục, người nghèo; và người giàu còn hơn cả người nghèo nữa. Ông là thầy thuốc các linh hồn, kẻ an ủi hết mọi người; linh mục ban cho tất cả mọi người ân huệ của Thiên Chúa; người ta cần đến ông, hơn là ông cần đến người ta, ông cho nhiều, hơn là bất cứ ai cho ông; và điều người ta cho ông, chẳng là gì cả, so sánh với những gì chính ông cho người ta; ông giàu có hơn hết mọi người giàu có trên thế gian, và những người giàu cần đến ông, hơn ông cần đến họ. Vậy nếu linh mục biết được của cải giàu sang của mình và ông biết phân phát các ân sủng Thiên Chúa đúng qui cách, thì ông sẽ chẳng bao giờ phải thiếu thốn của cải trần gian.

Chạy theo của cải thế gian, phải chăng công khai tuyên bố mình nghèo nàn về của thiêng liêng, phải chăng thú nhận mình không làm việc như Thiên Chúa muốn, vì Thiên Chúa không trả công cho mình; và cũng thú nhận mình không ban bố gì cho trần gian, và trần gian cũng chẳng cho mình cái gì.

Người linh mục ban sự sống thiêng liêng cho nhân trần, chẳng cần gì phải lo lắng các việc trần thế. Thiên Chúa sẽ gửi cho họ gấp bội.

“Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi.” (Mt 6, 33)

Vị linh mục làm việc cho Thiên Chúa, tiên vàn sẽ được nuôi dưỡng và chăm sóc bởi dân nghèo, rồi sau đó đến các người giàu, đó là quy luật. (Ms. XII. 266)

Để tuân giữ luật nghèo khó, giữ niềm tin và trông cậy ở Thiên Chúa, chúng ta dốc lòng thoạt tiên lo lắng hết mình, và trong mọi sự, cho các công trình của Thiên Chúa, đặt công trình Thiên Chúa lên trên hết; không bao giờ khởi sự bằng việc thế tại mà luôn bắt đầu bằng việc thiêng liêng.

Không xin xỏ người thế gian ban cho ta bất cứ điều gì, không bao giờ tìm bất cứ một phương thế trần tục nào mà người thế gian thường dùng để có tiền có bạc, tỉ như tổ chức bán vé số, đêm văn nghệ, dạ hội, hội họp, bài giảng và những việc khác để có dịp lạc quyên. Tất cả những phương tiện để kiếm tiền như thế không có gì là bác ái, tin tưởng, khiêm tốn cả; ta không được moi tiền, hay bắt ép thiên hạ cho ta tiền.

Trái lại, mọi thứ tiền bạc hay của cải mà ta nhận được phải hoàn toàn là tiền từ Chúa Quan phòng, và các tín hữu cho chúng ta, một cách tự nguyện, tự do, với lòng yêu mến, hồn nhiên, vui vẻ.

Chúng ta có thể tỏ bày các nhu cầu của mình cho ai hỏi ta, song không tỏ cho ai biết, nếu họ không hỏi ta. Ta có thể đến nhà những kẻ mời ta đến để lĩnh một cái gì, [5] song không đến nhà những ai mà ta không biết, hay họ không nói gì với ta cả.

Ta có thể quyên tiền tại nhà thờ và nói lý do lạc quyên, song ai nấy cho tùy hảo tâm.

Ta có thể đến cửa nhà thờ, như kẻ nghèo, để xin bố thí.

(Ta không được phép bắt người khác phải trả công cho các việc mình làm, không được xin xỏ cha mẹ những đứa trẻ mà ta nuôi dưỡng, bất cứ điều gì. Vì như vậy là mất tự do hoạt động, phải cong lưng luồn cúi, làm mất phẩm giá và đi ngược lại tinh thần của Đức Giêsu Kitô. Cho thì có phúc hơn là nhận; hãy giúp đỡ mọi người cách vô vị lợi.)

Trong hết mọi trường hợp, tiền bạc phải do Chúa Quan phòng, chứ không phải tiền đi xin, khiến lòng trí bị dằn vặt, lắm khi tiền người ta cho cách bất đắc dĩ, và họ cho để ta đi cho khuất mắt.

Chúng ta còn có thể với tinh thần nghèo khó, khiêm hạ và đền tội, xin của bố thí cho mình, giống như một kẻ nghèo từ cửa nhà này sang nhà khác, nhưng không nói lời nào hết… Có việc hành khất của kẻ nghèo đi xin cơm bánh khi đói lòng… Việc này không cấm song phải là trường hợp thật sự cần thiết, và cần cho chính ta.

Nếu chúng ta chẳng có gì cả, thì phải làm việc, như thánh Phaolô, để không trở thành gánh nặng cho ai cả. Và trường hợp không thể kiếm của cần thiết cho nhu cầu, ta hãy bớt tiêu pha và bán những gì chúng ta có dư thừa.

Thường khi ta hay có nhiều vật dụng vô ích, có quá nhiều chuyện dư thừa, không thật sự nghèo khó, và chính vì vậy mà ta chẳng nhận được gì. Lúc đó, hãy bán đồ dư thừa đi, rồi làm việc kiếm sống, Thiên Chúa sẽ gửi đến cho ta những gì thiếu thốn.

Chỉ khi nào ta bán hết đồ dư thừa và làm việc như những kẻ khó nghèo thật sự bấy giờ mới đi xin, nếu quả như ta thiếu của cần thiết.

Khi xin, hãy luôn xin với lòng khiêm nhường, dè dặt và thận trọng; hãy nhớ luôn rằng, không ai có bổn phận gì đối với ta.

Khốn thay, vẫn có những kẻ đinh ninh rằng, hễ họ lo một công trình gì, hoặc lãnh nhiệm vụ này nhiệm vụ kia, là mọi người phải có bổn phận giúp đỡ họ, tiếp đón họ đúng mức, cho họ của cải. Những kẻ ấy đều là kẻ kiêu ngạo; họ chỉ xứng đáng được ăn no chứ không xứng đáng làm công việc của Thiên Chúa.

Những kẻ đi quyên góp, thường là phải hy sinh của ăn thiêng liêng và hy sinh cả ơn gọi của họ.

Cũng có trường hợp người ta hay có thói quen xin xỏ, và lắm khi không chỉ xin cho nhu cầu vừa đủ, song còn muốn mở rộng thêm, xếp đặt thêm, tạo nhiều tiện nghi hơn, giàu có hơn. Bấy giờ, người ta không còn làm việc cho Thiên Chúa nữa: mà làm công trình ma quỉ, bởi Thiên Chúa đã phán: Vô phúc cho kẻ giàu! Kẻ trở nên giàu có nhờ quyên góp chỉ là kẻ lường bịp, và họ rơi vào bẫy của ma quỷ. [6]

Không xin ai điều gì trong việc thi hành thánh vụ

Đức Chúa chúng ta, khi ban giáo huấn cho các sứ đồ Ngài, có nói với họ lời này: Các con đã nhận được nhưng không, hãy cho nhưng không.

Chỉ thị trên về đường trọn lành mà Đức Chúa chúng ta căn dặn các sứ đồ, thánh Phêrô cũng căn dặn các linh mục trong Giáo hội và thánh Phaolô đem ra thi hành thật nhặt nhiệm, khi cư xử với các tín đồ Corintô, Thessalônica và Êphêsô và tất cả miền Akai. Sách Nghi lễ Rôma cũng nói về điều này trong bài tựa.

Thánh Phêrô viết cho các linh mục và giám mục có nói: “Hãy chăn dắt đàn chiên của Thiên Chúa nơi anh em, [hãy coi sóc] không phải như miễn cưỡng, nhưng là sẵn lòng, thể theo ý Thiên Chúa, không hám trọc lợi, nhưng cách nhiệt thành.” (1 P 5, 2)

Thánh Phaolô diễn tả cương quyết và rõ ràng về điểm này, để cho ta thấy ông có lòng từ bỏ và đức bác ái đến mức độ nào trong vấn đề.

Ông nói với tín hữu Corintô như sau: “Một khi chúng tôi đã gieo vãi những của thần thiêng cho anh em, thì gặt của phần xác nơi anh em há lại là điều quá quắt hay sao? Nếu những ai khác được thông chia quyền ấy trên anh em, thì huống chi là chúng tôi? Nhưng chúng tôi đã không dùng quyền ấy. Trái lại, chúng tôi đã đành chịu đựng mọi sự, để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Đức Kitô… phần tôi, tôi đã không hề dùng một quyền nào như vậy. Và tôi viết các điều này, hẳn không phải để cũng được như thế! Vì đối với tôi, thà chết còn hơn… tước vẻ vang ấy của tôi.” (1 Cr 9,11-15).

Trong một lần khác cũng viết gửi cho các tín hữu nói trên, ông còn bảo: “Này đây, và đó là lần thứ ba, tôi sắp sửa đến với anh em. Tôi cũng sẽ không ăn vạ đâu. Vì điều tôi tìm không phải là của cải, mà chính mình anh em. Vả lại không phải con cái có bổn phận tích của cho cha mẹ, mà là cha mẹ cho con cái. Phần tôi, tôi rất vui lòng có gì thì tiêu, và tiêu hao cả mình tôi nữa vì linh hồn anh em. Phải chăng vì tôi hết mực yêu mến anh em, nên tôi được yêu mến ít hơn?” (2 Cr 12,14-15).

Khi giã biệt các giám mục Êphêsô, Phaolô nói: “Vì vậy, hãy tỉnh thức, và nhớ rằng ba năm trường; đêm ngày, tôi đã không ngừng sa lệ mà cảnh cáo mỗi một người. Và bây giờ, tôi xin giao phó anh em cho Chúa và cho Lời ân sủng của Người.

Bạc vàng hay áo xống của ai, tôi không hề tham muốn. Chính anh em cũng biết rằng: các nhu cầu của tôi, và của những người ở với tôi, thì chính những bàn tay này đã tự cung cấp lấy. Bằng mọi cách, tôi đã tỏ cho anh em biết rằng phải lao nhọc như thế mà đỡ đần những người hèn yếu, và ghi lấy những Lời của Chúa Giêsu, vì chính Ngài đã nói: Cho thì có phúc hơn nhận.” (Cv 20, 31).

Ông còn viết cho dân Corintô: “Thiết tưởng nào tôi có thua gì các “tông đồ thượng đẳng” kia! Cho đi về hùng biện tôi chỉ là một tục tử, nhưng về trí tri hẳn không thế! Trong mọi dịp chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy rồi, về mọi phương diện. Hay tôi lầm lỗi bởi vì hạ mình xuống để anh em được nhắc lên, tôi đã giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em một cách công không? Tôi bóc lột các hội thánh khác, ăn lương nơi họ, để phục vụ anh em. Ở giữa anh em có túng thiếu, tôi đã chẳng ăn vạ người nào. Vì chúng tôi có túng thiếu, thì việc đắp thêm vào là do chính các anh em từ Makêđônia tới đã đảm nhiệm. Và trong mọi dịp, tôi đã giữ mình và sẽ giữ mình để khỏi nên gánh nặng cho anh em. Quả như nơi tôi có sự thật của Đức Kitô, thì sẽ không ai bịt miệng tôi được, nếu tôi muốn vinh vang về điều ấy trong các miền Akhaia. Tại sao? Tại tôi không yêu mến anh em ư? Có Thiên Chúa biết! (2 Cr 11, 5).

Viết thư gửi tín hữu Thessalonica, ông cũng nhắc lại cách hành xử của ông như sau: “Chúng tôi đã không sống vô trật tự, ăn không bám vào người ta; trái lại, lao nhọc vất vả đêm ngày, chúng tôi đã làm lụng để khỏi nên gánh nặng cho ai trong anh em.” (2 Th 3,7-8). Ở thư khác, ông cũng nói với dân Corintô: “Cho đến giờ này, chúng tôi phải đói, phải khát, mình trần thân trụi, bị hành hạ, bị phiêu bạt, phải khó nhọc tự tay làm lụng. Bị thóa mạ, chúng tôi chúc lành; bị bách bớ, chúng tôi đành chịu; bị bêu nhuốc, chúng tôi ra lời an ủi. Chúng tôi đã nên như rác của thế gian, như phế vật đối với hết mọi người, mãi cho đến rày.” (1 Cr 4, 11)

“Bởi lao đao vất vả, bởi thao thức thường bữa, bởi đói bởi khát; bởi nhịn ăn lắm bận, bởi lạnh rét, bởi mình trần!” (2 Cr 22, 27).

Đó là lối sống của thánh cả Phaolô.

Ông đã sống tận tụy, nghèo khó, bác ái đến mức nào.

Còn chúng ta thì sao?

Đời sống chúng ta và đời sống của ông khác biệt biết là chừng nào.

Chỉ thị của sách Nghi lễ Rôma

Bài tựa đầu sách Nghi lễ Rôma có cho những qui tắc ta phải theo trong khi làm các bí tích. Ta đọc những dòng này:

Illud porro diligenter caveat ne, in sacramentorum administratione, aliquid, quavis de causa vel occasione, directe vel indirecte exigat, aut petat sed ea gratis administret, et ab omni simonise atque avaritiae suspicione, nedum crimine, longissime absit.

Si quid vero, nomine Eleemosynae aut devotionis studio, peracto jam sacramento, sponte a fidelibus offeratur, id licite pro consuetudine locorum accipere poterit, nisi aliter Episcopo videatur (Ngoài ra, trong việc ban Bí tích, thừa tác viên phải hết sức tránh yêu sách hay đòi hỏi điều chi, dù bất cứ vì lý do gì, trực tiếp hay gián tiếp; nhưng phải ban cách nhưng không, và tuyệt đối không để ai nghi ngờ chuyện gì - phương chi tất cả những cáo giác - về tội simônia hoặc tham lam. Tuy nhiên, nếu sau nghi lễ, các tín hữu tự nguyện dâng của gì với tư cách bố thí hay do lòng hảo tâm đạo đức, thì được phép nhận, theo các thói tục địa phương, trừ khi giám mục định đoạt cách khác) (Rituale Rom tựa đề).

Làm thánh vụ nhưng không

Khoản luật nói trên rõ ràng và chi tiết hơn bất cứ khoản nào khác, cho nên nếu người ta thường thi hành trái ngược tại nước Pháp, đó chỉ vì các sự nhượng bộ, viện cớ vào những hoàn cảnh khắc nghiệt của các giáo sĩ sau thời Cách mạng.

Năm 1864, tại Rôma, chúng tôi có làm đơn dâng lên Đức Thánh Cha Piô IX, để xin được phép thi hành sứ vụ miễn phí. Dưới đây là nội dung lá đơn xin phép và thư trả lời của Đức Thánh Cha.

Đơn đệ xin Đức Thánh Cha

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Linh mục Antoine Francois Marie Chevrier, thuộc Dòng Ba thánh Phanxicô, khiêm cung phủ phục dưới chân Đức Thánh Cha, xin trình bày lên Ngài nguyện vọng của một số đông linh mục, mong mỏi việc qui tụ lại với nhau, theo bản quyền giáo phận cho phép, để sống một cuộc sống theo luật tu hội và thi hành sứ vụ mà không đòi sự thù lao nào khác hơn những gì các tín hữu tự nguyện hiến dâng.

Con xin cho bản thân con và các linh mục của con ơn chúc lành của Đức Thánh Cha Rôma 1.10.1864.

Và đây là thư trả lời của Đức Thánh Cha gửi cho chúng ta qua môi giới cha Piscivillo, bí thư của Đức Thánh Cha và biên tập viên báo Civilta cattolica, chính cha đã có nhã ý trao đơn xin của chúng ta lên Đức Giáo chủ.

Thư trả lời của Đức Thánh Cha qua môi giới cha Piscivillo

Bạn đáng kính,

Trong buổi yến kiến ngày 12/10, tôi có trình lên Đức Thánh Cha lá đơn của cha. Ngài đã không chú ý đọc thật kỹ. Ngài đặt câu hỏi, hỏi tôi về nhiều chi tiết liên quan đến lối sống của quí vị. Tôi đã trả lời theo như kiểu biết có thể có của tôi.

Khi đã thông suốt, Đức Thánh Cha nói với tôi: cha không thể ký, đây là vấn đề rất nghiêm trọng mà Tòa Thánh phải cân nhắc cách chậm rãi, khôn ngoan.

Cha hết lòng chúc lành cho cha Chevrier và các bạn của cha, và cha nhờ con chuyển đến người ơn chúc lành của cha.

Đây là một công cuộc tốt đẹp, nhưng trước khi phê, cần phải có nhiều năm từng trải, và cần các giám mục đoan chứng được về sự hợp thời và thành công của nó; hiện tại cha “chỉ có thể chuẩn thuận các ý nguyện” và chúc lành các nhân sự, và điều này cha sẵn sàng làm với cả tấm lòng cha.

Rôma ngày 1.11.1864

Cha Piscivillo

Đức Thánh Cha nói, công cuộc tốt đẹp, nhưng muốn phê chuẩn, chúng ta phải tìm được các vị giám mục đón nhận chúng ta và phê chuẩn lối sống của chúng ta, cũng làm chứng về sự thành công, còn hiện thời, Ngài “chỉ có thể chuẩn thuận các ý nguyện” và chúc lành cho nhân sự.

Chúng ta không thể có một câu trả lời tích cực hơn, đồng thời khôn ngoan hơn.

Vậy chúng ta xin phép thi hành sứ vụ miễn phí và chỉ nhận, qua các việc thánh vụ, những gì các tín hữu tự do tình nguyện dâng hiến cho chúng ta. Có vậy mới thực hiện lời Đức Chúa chúng ta phán: Các con đã nhận nhưng không, hãy cho nhưng không. Và cũng để làm theo cách làm của thánh Phaolô, ông đã lao động bằng đôi tay của mình thay vì xin xỏ, và ông tự cho mình các vinh dự và cái hạnh phúc được rao giảng Tin Mừng cách nhưng không. [7]

Vậy ta đặt một hòm cúng ở trong phòng áo và trong nhà thờ, để nhận các tiền cúng của tín hữu khi làm các bí tích và dâng Thánh lễ Hy sinh. [8]

Chúng ta sẽ cho một anh, hay một chị, sau khi làm các lễ ở nhà thờ, đi nhận của bố thí tại các hàng ghế.

Tránh niêm yết trong nhà thờ hay phòng áo các bảng giá phí về đồ thánh, mai táng hay ghế ngồi. [9]

Các tín hữu có niềm tin sẽ hiểu ra nghĩa vụ ấy đối với linh mục, và dễ dãi dâng hiến, để các linh mục làm tròn thánh vụ.

Còn đối với những kẻ vô đạo, hoặc những ai khinh thị linh mục, coi linh mục như một anh chàng keo kiệt, chuyên môn ăn sung mặc sướng, hoặc những kẻ chỉ đến nhà thờ độ ba bốn lần cả một đời người, thì bạn chả nên xin xỏ gì họ. Khi có đám cưới, rửa tội, mai táng, hoặc cứ mỗi lần họ đến nhà thờ, cứ phải nghe vị linh mục hay kẻ lo phòng áo thốt ra những câu: ông bà phải trả bằng này, và nói với giọng hống hách, yêu sách.

Những kiểu xử sự như vậy chỉ tổ làm họ lánh xa nhà thờ, và họ ra đi mà nguyền rủa, chê bai đạo, gọi tôn giáo là thứ đạo tiền bạc. Một việc hiển nhiên là rất ít người cho tiền các linh mục mà vui lòng mát ruột, và thường thiên hạ chào họ ra về với một vài lời sỉ mạ.

Vì lẽ đó mà thánh Phaolô không muốn nhận gì của bổn đạo Corintô, Thessalonica v.v, nhưng ông lại nhận của tín hữu Makêđônia, để cho ta thấy không nên xin xỏ ở những người mà đức tin còn non nớt, và cũng để nêu gương từ bỏ mình, không gây trở ngại cho Tin Mừng.

Phải làm sao xóa bỏ các ấn tượng xấu đó trong tâm trí người dân, và làm sao để khơi dậy lại lòng tin tưởng và sự tôn trọng đối với linh mục?

Chỉ bằng sự từ bỏ và đức khó nghèo chúng ta mới lấy lại được vị trí trong tâm hồn dân chúng.

Nói chung, thiên hạ ưa thích một vị linh mục xả kỷ, kể cả hạng người độc ác nhất cũng có tâm tình ấy; và họ khinh rẻ ông linh mục keo kiệt, thích tư lợi, khinh lắm!

Ta càng sống khó nghèo và xả kỷ, ta càng ít yêu sách bao nhiêu, thì ta càng dễ làm bạn với dân, [10] và càng dễ thi hành điều thiện.

Thà ta nói: Tùy anh muốn cho sao cũng được, thay vì nói: anh phải trả cho tôi bằng này, bằng này. Người ta sẽ chẳng bảo, đây là chuyện buôn bán khi ta nói, anh phải trả cho tôi bằng này? Và khi các tín hữu hỏi bạn: Bao nhiêu hở cha? Lễ bao nhiêu? Hơn nữa, thật khó mà không làm các công việc để kiếm chác chút ít! Khó mà không vị nể những ai cho tiền nhiều hơn! Khó mà không ưa thích một lễ misa hay một thánh vụ nào đó được trả tiền cao hơn, thay vì một thánh vụ có ít thù lao! Và khó mà không bị cám dỗ xin xỏ hay là ước ao nhận được nhiều hơn!

“Bạc vàng hay áo xống của ai, tôi không hề tham muốn.” (Cv 20, 33) [11]

Ôi, tiền bạc cám dỗ chúng ta! Nó thường làm ta ham muốn, và thật khó mà không phạm lỗi lầm gì về vấn đề này, bắt chước theo Giuđa: các ông cho tôi bao nhiêu để tôi nộp Ngài, giao Ngài? [12]

Đức Chúa chúng ta đã đuổi những người buôn bán khỏi đền thờ cách mạnh tay biết chừng nào; đây là một tội lớn làm buồn khổ lòng Ngài. Ta phải gạt ra khỏi các thánh vụ những gì có mùi vị tiền bạc, kinh doanh, đổi chác.

Chẳng phải để trừng phạt thói keo kiệt và lòng quyến luyến của cải thế gian, mà lắm lần Thiên Chúa đã gửi đến các cuộc cách mạng, để buộc ta bị chính các tín hữu tước lột hết cả tài sản chúng ta có?

Đó là việc đầu tiên mà những nhà cách mạng thực hiện: tước lột chúng ta, bắt ta nên nghèo khổ lại. Phải chăng, đó là vì Thiên Chúa muốn trừng phạt lòng quyến luyến của cải thế gian nơi ta, và ép buộc ta phải thi hành đức khó nghèo, bởi ta không muốn tình nguyện ở khó nghèo?

Và đôi khi một biến cố như vậy, là điều bổ ích vì chúng ta đã ngủ quên trong của cải, trong sự sung sướng, và không còn lo đến việc Chúa nữa [13] Khi Chúa nói: Vô phúc cho kẻ giàu có, Ngài ngỏ lời đặc biệt với các giáo sĩ hơn kẻ nào khác, bởi vì nếu có ai phải thi hành đức khó nghèo, thì trước tiên là các linh mục, tôi tớ của Thiên Chúa.

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 449-466

------------------------------------------

Chú thích:

[1] Ms XII 262 – Vậy chúng ta hãy khởi sự các công trình và các xứ đạo bằng cách giảng Tin Mừng, dạy giáo lý, cầu nguyện; phổ biến đời sống thiêng liêng; dành riêng cho Thiên Chúa việc kiếm tiền bạc và nhà cửa chúng ta; nhà cửa tiền bạc dùng để làm gì, nếu ta không lo việc Thiên Chúa? Phải chăng ta đặt cái phụ lên trước cái chính khi bắt đầu bằng chuyện nhà cửa, quyên góp, thăm viếng?... Bạn biết gì về việc Thiên Chúa kêu gọi bạn làm công việc đó? Bạn biết gì nếu Thiên Chúa muốn hay không muốn công việc mà bạn toan tính? Liệu bạn có xứng với ngôi nhà thờ bạn muốn xây hoặc công trình mà bạn muốn bắt tay làm? Tiên vàn hãy bắt đầu bằng các linh hồn.

[2] Cách miêu tả có hơi vội vã và lãng mạn. Cha Chevrier có sẵn trong đầu óc những hình ảnh dân gian hồi đó về các tông đồ đứng dưới chân thập giá. Không nên quên vị trí dành cho việc quyên góp trong các thư thánh Phaolô. Nhưng cha Chevrier dẫu sao cũng hiểu sâu tấm gương của thánh cả Phaolô (x. tr. 398).

[3] Ms XII 264 - Nên nghĩ gì về những kẻ chỉ tưởng đến chuyện xây cất, tô điểm nhà xứ, nhà thờ của mình? Để được việc, họ chỉ lo chạy chọt đến các thị trưởng, các tỉnh trưởng, các quan ngài, các mệnh phụ? Than ôi, họ đổi các linh hồn một chỗ chạy theo gạch đá. Người ta có cần tới bao nhiêu công việc ấy để làm cho thiên hạ ăn năn trở lại chăng? Chúng ta không được sai đến để xây nhà mà để giúp ăn năn trở lại. Ngày nay, chưa bao giờ người lại xây cất cả lô nhà thờ, nhà xứ, nhưng cũng chẳng bao giờ đức tin và lòng đạo ít ỏi như thế. Ta chỉ nên xây cất hay làm các việc bề ngoài khi hoàn cảnh bắt buộc, và khi đã có đủ chi phí mà không phải lao đao vất vả.

[4] Một cây đầy ý nghĩa diễn tả một xác tín thâm sâu.

[5] Ms. XII. 261… và hơn nữa nên gửi người khác tới thì tốt hơn.

[6] Ms. XII. 210 - Quyên góp khi không có nhu cầu cần thiết, đó là ăn cắp. Làm vậy chỉ để làm giàu, xây cất. Xin xỏ theo thói quen sẽ trở nên một “tệ nạn”.

[7] Ms. X 700… nhắc nhủ mình là nếu phải làm việc phước thiện, thì trước tiên phải làm trên phạm vi thiêng liêng, vì Đức Chúa chúng ta đã chết cho chúng ta.

[8] Ms. XII 256… để các tín hữu được hoàn toàn tự do và chúng ta khỏi phải trả lời câu hỏi của họ như: hết bao nhiêu tiền cơ? Hãy gạt ngoài những niêm yết và những bảng giá có mùi kinh doanh buôn bán, và báo cáo cho dân chúng là họ phải trả tiền Thánh lễ và các thánh vụ.

[9] Ms. XII 257 - Bằng lòng với những gì người ta cho: Hãy ăn của người ta dọn, Đức Chúa phán. Chính sự đòi hỏi này của các linh mục, trong các nhà thờ, khi thi hành thánh vụ, làm cho dân chúng bực bội, khiến họ tránh xa Thiên Chúa và Giáo hội.

[10] Một thủ bản khác cũng viết câu này với cụm từ: “Được dân chúng yêu thương”, thay vì “làm bạn” (Ms. XII 180)

[11] Ms. XII 257 - Tôi không chối việc Thiên Chúa đã ban quyền cho linh mục được sống bằng bàn thờ. Nhưng thánh Phaolô đã từ bỏ đặc quyền ấy vì, nghĩ tới các Kitô hữu tồi ở Corintô. Và ông đã hãnh diện về điều đó. Ông ưa thích nhắc nhở họ, là ông không xin xỏ họ điều gì; trái lại, ông đã làm việc bằng đôi tay của mình để không trở nên gánh nặng cho ai, và không gây tác hại cho Tin Mừng; tại sao ngày nay chúng ta không thể có những con người cũng biết sống từ bỏ như thánh Phaolô, có lòng nhiệt thành với các linh hồn như ông, đến mức từ bỏ quyền lợi mình để cứu những tội nhân khốn nạn đưa họ trở về Giáo hội, và khiến họ có lại niềm tin tưởng và sự quý chuộng đối với linh mục, và có lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô? Thánh Phêrô nói với viên phù thủy Simon, kẻ đã xin Phêrô bán cho anh ta quyền phép ban bố Chúa Thánh Thần… (Cv 8, 20).

[12] Sự so sánh thật là cay chua.

[13] Về kết quả bổ ích cho các cuộc tịch biên tài sản của các người cách mạng thực hiện, quả đây là một quan niệm không phổ biến lắm trong giới giáo sĩ thời đó, đa số còn theo chủ nghĩa quân chủ.

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (5)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (6)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (8)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (9)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (10)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (11)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (12)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (13)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (14)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (15)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (16)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (17)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (18)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (19)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (20)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (21)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (22)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (23)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (24)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (25)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (26)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (27)