Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (29): Không lo lắng đến tương lai

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2922 | Cập nhật lần cuối: 6/1/2017 11:04:04 AM | RSS

(Tiếp theo)

6. Không lo lắng đến tương lai

Đức Chúa chúng ta muốn ta khai trừ khỏi lòng mình mọi lo lắng tương lai. Và Ngài không sợ nói dài dòng về lòng tin tưởng ta phải đặt nơi Thiên Chúa. Ngài đi vào chi tiết thật tỉ mỉ để chỉ vẽ cho ta thấy, Thiên Chúa muốn là người cha thật sự của chúng ta, và ta sẽ xúc phạm nặng nề đến Người khi ta làm việc cho Người mà cứ lo lắng. [1]

Ta hãy nghe lời Ngài phán: “Chớ lo cho mạng sống mình: các ngươi ăn gì; hay về thân xác: các ngươi mặc gì. Há mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

Hãy coi chim trời. Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, và Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao?

Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa?

Còn về áo mặc các ngươi lo làm gì?

Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào?

Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! Nhưng ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh hoa đời ông cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó.

Nếu cỏ đồng nội, nay còn, mai sẽ quăng lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho như thế, thì huống chi là các ngươi hỡi quân yếu tin!

Vậy các ngươi chớ lo mà rằng: ta sẽ ăn gì? Ta sẽ uống gì? Ta sẽ lấy gì mà mặc?

Các điều đó, dân ngoại kiếm tìm

Nhưng Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy.

Vậy chớ lo đến ngày mai: Mai sẽ lo cho mai. Khổ ngày nào, đủ cho ngày ấy.” (Mt 6,25-34).

Trong kinh lạy Cha, chúng ta đọc: Xin ban cho chúng con hôm nay bánh mỗi ngày.

Chỗ khác, Ngài còn nói với ta: “Các ngươi chớ tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nơi mối mọt nhấm nát được, nơi trộm cắp đào khoét phỗng mất được. Nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời, nơi mối mọt không nhấm nát, nơi trộm cắp không đào khoét, phỗng mất được.” (Mt 6,19-20)

Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta nói: “Hãy coi chừng! Hãy lo giữ mình tránh mọi thứ tham lam, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy (được chắc chắn) nhờ nơi của cải.” (Lc 12, 15)

Và Đức Chúa chúng ta kể cho ta nghe câu chuyện lão trọc phú, nhân mùa màng bội thu, đã nới rộng kho lẫm, chất hoa màu vào đó và tự nhủ: hỡi linh hồn ta, giờ đây hãy lo nghỉ ngơi, ăn uống, cao lương mỹ vị; nhưng kìa Thiên Chúa đòi lại linh hồn lão ta ngay chính đêm nay.

Đó cũng là tình trạng kẻ thâu tích kho tàng cho mình, mà không nên giàu có trong Thiên Chúa (x. Lc 12, 16)

Khi Đức Giêsu sai các tông đồ đi truyền giáo, Ngài nói với họ: “Đừng chuốc lấy bạc, hay tiền đồng hòng vặn thắt lưng, không bị đi đàng, đừng có hai áo, giày dép, gậy gộc.” (Mt 10, 9)

“Đừng đem gì đi đàng, không gậy, không bị, không bánh, không tiền bạc; mỗi người cũng đừng có hai áo.” (Mt 10, 10)

Qua các bài huấn dụ đó, Đức Chúa chúng ta mong muốn gạt bỏ khỏi tâm hồn ta, hết mọi lo lắng về tương lai. Chúng ta là con cái của Ngài, là thợ làm công cho Ngài, tôi tớ Ngài, Ngài sẽ lo liệu cho ta. Người thợ đáng hưởng công. Nếu Ngài chăm lo đến các con chim nhỏ, phương chi càng lo liệu cho ta là những thọ sinh cưng chiều của Ngài, những người thợ Ngài sai đi làm vườn nho cho Ngài. Không ai bắt thợ làm việc mà không trả công. [2]

Giải thoát chúng ta khỏi mọi lo âu về tương lai, Đức Chúa cũng đồng thời gìn giữ ta khỏi tính keo kiệt dưới mọi hình thức.

Chính vì ta sợ thiếu thốn của cần thiết trong tương lai, mà ta lo chắt chiu, chỉ dám tiêu xài cho nhu cầu tối thiểu, và tìm cách kiếm chác nhiều chừng nào hay chừng ấy, dành một bên, tiêu thật sẻn so, dành bên kia, thâu tích kho tàng. [3] Kẻ lo sợ cho tương lai, thường hẹp hòi, tiểu nhân; luôn luôn kẻ đó sợ thiếu của cần thiết cho mai sau; họ không quảng đại, cũng chẳng bác ái; mà họ keo kiệt.

Chính để chống lại cái thói xấu khốn nạn đó mà Đức Chúa chúng ta đã cảnh giác họ bằng cách giục ta tin tưởng ở Ngài.

Kẻ hà tiện thâu tích vàng bạc; họ để dành riêng cái gì đó mỗi tháng, mỗi năm; họ có khả năng đến đâu, thâu tích đến đó, để mai ngày họ hưởng thụ. Họ thích mở xem kho báu của mình; thỉnh thoảng lại đếm tiền đếm bạc; họ gửi ngân hàng, để làm lợi thêm và tăng số lợi nhuận. Người ta không còn làm việc cho Thiên Chúa, mà làm việc để kiếm tiền. Đến mức này, thật là khốn nạn! Khi người ta giàu có, và đủ thỏa mãn nhu cầu rồi, thì ngoài việc đánh mất tinh thần nghèo khó, người ta không còn trông cậy vào Thiên Chúa như lúc nghèo khó nữa, người ta không còn biết cầu nguyện như xưa, không còn biết ở khiêm nhường để xin của ăn cho mỗi ngày; người ta đặt niềm tin vào kho báu của mình, trở nên thờ ơ, biếng nhác lao động. Có của để sống rồi; người ta biến thành trưởng giả. Ngồi mà đếm tiền, tính toán thu nhập; sau đó người ta thực hiện công trình theo số thu nhập đó; và chẳng còn đức bác ái hy sinh, vốn là nguồn gốc các công cuộc từ thiện của chúng ta, song chỉ còn số lượng các khoản thu nhập người ta có được.

Đức nghèo khó giữ chúng ta trong sự khiêm nhường và tín nhiệm vào Thiên Chúa.

Của cải và kho tàng làm sụp đổ các cộng đoàn; chỉ có đức khó khăn duy trì và nuôi dưỡng cộng đoàn lành mạnh, và dẫn tới lòng mến. [4] Để khuôn đúc mình theo tinh thần khó nghèo mà Đức Chúa đòi hỏi, bởi Ngài không muốn chúng ta thâu tích kho tàng, mà tin tưởng vào Ngài khi hướng về tương lai, chúng ta mỗi người hãy từ bỏ tất cả những gì khả dĩ tạo tương lai cho ta, tỉ như lợi nhuận, nông trại đất đai, của báu, tài sản.

Chúng ta sẽ tuân giữ nhặt nhiệm những gì Giáo hội đòi hỏi và yêu cầu, đối với chức vị giáo sĩ.

Chúng ta cam kết tiêu những gì người ta cho chúng ta, dùng nó cho nhu cầu người nghèo và các công trình phúc lợi của cộng đoàn, song không tìm thâu tích cho nhiều.

Cam kết sống ngày nào biết ngày đó, theo khả năng có thể, cầu xin Thiên Chúa ban cơm bánh mỗi ngày, để luôn sống trong sự khiêm hèn và nghèo khó.

Chúng ta tránh cả những việc chứa trong các nhà số lượng quá lớn, quá nhiều lương thực dự trữ, bởi đôi khi chúng trở nên dịp cho việc xài phí và mất mát.

Chúng ta chỉ nên sở hữu những của cần thiết để sống, tỉ như nhà cửa, vườn tược, sân bãi, nhà cho các cụ già và người tàn tật, cho các cuộc tĩnh tâm.

Các của cải thuộc sở hữu những bà mẹ ngoài đời, là dành cho các trường học và trường giáo sĩ. [5] Các của đó không được đem sử dụng cho các linh mục.

Các linh mục phải tự mình lo lấy của ăn với nhau.

7. Trông cậy duy nhất vào Thiên Chúa

Ta không được trông cậy vào thế gian; thế gian hôm nay phò ta, ngày mai nó sẽ chống lại ta.

Thế gian thì nay rầy mai khóc, hay thay đổi; hôm nay nó hứa với bạn, ngày mai nó rút lại lời hứa.

Hôm nay bạn hợp với nó, ngày mai nó hết thích bạn. Lắm khi chỉ vì một lý do không đâu bạn không làm như nó muốn, thế là nó quay lưng cho bạn.

Khốn nạn cho kẻ xây dựng trên những lời thề hứa rồi họ sẽ phải khổ đau và sụp đổ.

Đừng nên đặt tin tưởng vào người này người kia, hay vì họ giàu có, hoặc nữa họ biết tận tụy.

Đừng dựa vào bất cứ ai ở ngoài thế gian, ngay những kẻ sống chung với chúng ta, trừ trường hợp có bằng chứng chắc chắn họ trung tín và kiên định, các bằng chứng này bộc lộ trong sự đau khổ.

Các con lưu lại với Thầy trong các cơn thử thách của Thầy, lời Đức Chúa chúng ta nói với các tông đồ của Ngài.

Đau khổ là bằng chứng duy nhất của lòng trung tín.

Khi bạn đã đau khổ, tôi sẽ tin tưởng vào bạn.

Vì thế đừng bao giờ giục ai dấn thân vào bất cứ điều gì, trước khi kẻ đó đưa ra bằng chứng chắc chắn về lòng trung thành với công việc, qua sự đau khổ.

Thật là một sai lầm lớn lao, khi nói: người này có của, chắc họ sẽ cho tôi; người kia đại độ, họ sẽ cho tôi; kẻ nọ quí tôi, ưu ái tôi, họ sẽ cho tôi. Thế gian yêu quí tiền bạc của họ hơn là bản thân và công trình của các bạn.

Ta cũng đừng ỷ y vào các lời hứa mà thiên hạ có thể hứa với ta; ngay cả những của cải mà họ có thể trao cho ta giữ giùm, cho dẫu họ có nói là của đó sẽ thuộc về ta sau khi họ chết.

Câu châm ngôn này khá xác thực: Một đồng cầm tay hơn hai đồng hứa không

Chớ nhận những hiến vật nửa cho nửa giữ, vì nó khiến ta rất khó xử, khó nghĩ; và điều này có thể là nguyên nhân phiền phức cho cả người cho lẫn chúng ta.

Chẳng bao giờ nên dựa vào những căn cứ rung rinh.

Chỉ nên dựa vào một mình Thiên Chúa.

Miễn chúng ta thực tâm làm công việc của Thiên Chúa, miễn chúng ta thực sự có ơn gọi của Chúa để lo công việc Người, Thiên Chúa sẽ phò tá chúng ta, đó là lời hứa của Người.

Điều kiện để được Thiên Chúa nâng đỡ

“Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi.” (Mt 6, 33)

Điều kiện thứ nhất là được Thiên Chúa kêu gọi để làm công việc của Ngài.

Sau đó phải tìm nước Thiên Chúa trên hết và sự công chính của Người, rồi Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những điều còn lại.

Hiển nhiên, nếu ta tìm sắp đặt cho chính mình, nếu ta tìm sự thoải mái, tiện nghi cho ta, chỉ lo xây cất, hẳn ta không tìm Thiên Chúa mà tìm chúng ta, và đôi khi Nước Thiên Chúa chỉ đến sau chúng ta thôi. [6]

Cần phải làm việc nhưng làm việc cho Thiên Chúa. Người thợ cày làm để gặt hái lúa thóc.

Thiên Chúa chỉ ban thưởng và trả công cho những ai làm việc cho Người. Người thợ xứng được trả công. Người ta chỉ trả cho những ai làm việc. Thiên Chúa cũng chỉ trả công cho những ai làm việc cho Người.

Phải làm cho Thiên Chúa và với Thiên Chúa, nghĩa là với tinh thần của Người.

Nếu các bạn đi quá giới hạn Chúa muốn; nếu, thay vì ở lại trong sự nghèo khó và đau khổ mà Thiên Chúa luôn đòi hỏi trong những việc thuộc về Người, tức các bạn đã ra ngoài các giới hạn ấy, các bạn đã lo lắng quá nhiều đến những sự vật bề ngoài, các bạn ra khỏi sự đơn sơ, nghèo khó; các bạn mạo hiểm, các bạn làm nhiều hơn điều phải làm, điều có thể làm, các bạn trang trí, tiêu xài vô ích. Nếu vì tự phụ mù quáng, các bạn nói: Thiên Chúa sẽ trả công xứng đáng mà, chứ sao. Chúa không trả cho những điều ngu xuẩn, dại dột, và đôi khi Người bỏ mặc ta, để kệ ta té xuống, khi ta cứ muốn làm nhiều hơn điều Người muốn, cách riêng trong phạm vi vật chất. [7]

Vậy ta nên hành động trong mọi việc với sự thận trọng, điều độ, khôn ngoan, biết cách sống nghèo, chịu đau khổ.

Khi không có tiền, chớ nên dấn thân vào những chi phí vô ích, vượt quá sức mình.

Cần phải trông cậy vào Chúa quan phòng, nhưng không nên thử thách Chúa quan phòng, và không bao giờ bắt tay vào công việc nào, mà không chắc chắn mình có khả năng chi trả. Khi Thiên Chúa sai ta, hãy hành động dựa theo cách Thiên Chúa sai.

“Khi Ta sai các ngươi đi: không ví tiền, bao bị, giày dép, các ngươi có thiếu gì không? Họ thưa: Không!” (Lc 22, 35)

Thiên Chúa sai các sứ đồ Ngài trong sự nghèo khó, Ngài cho họ của cần thiết, nhưng họ không lo việc xây cất, và các việc trần thế.

Thiên Chúa hứa ban gấp trăm ở đời này, khi người ta làm việc cho Ngài, và thực sự làm công việc của Thiên Chúa. Và “Không ai bỏ nhà cửa, hay anh em chị em, hay cha mẹ, hay con cái, hay ruộng nương vì Ta và vì Tin Mừng, mà lại không lĩnh lấy gấp trăm bây giờ ở đời này về nhà cửa, anh em và chị em, mẹ và con cái cùng ruộng nương, làm một với cấm cách bắt bớ, và sự sống đời đời trong thời sẽ đến.” (Mc 10, 29)

Đẹp thay người của Thiên Chúa có đôi chân gần như không chạm đất!

Quam pulchri pedes Evangelizantium pacem, Evangelizantium bona “Đẹp thay chân các (sứ giả) loan báo tin lành!” (Rm 10, 15)

Bàn tay, con tim, cái đầu, không có gì chạm đất.

Cả đôi bàn chân cũng thật đẹp, vì chúng chỉ lướt đi trên mặt đất.

Tự do biết bao, quyền phép biết bao người linh mục có được sự nghèo khó thánh thiện và cao đẹp của Đức Giêsu Kitô!

Sức mạnh của ông thật lớn, để chống lại với các tính mê nết xấu của thế gian!

Bức gương ông nêu thật cao cho thế gian, cái thế gian chỉ biết làm việc vì tiền vì bạc!

Và bên cạnh một thế giới vật chất, đầy dục vọng, một con người hoàn toàn thần thiêng, một con người không sống cho phàm tục, khinh chê tiền bạc và của cải thế gian, một con người không ham bất cứ thứ gì của trần thế, và đã nói với thế gian: mi hãy giữ lấy vàng bạc của mi, còn kho báu của ta ở trên trời, sự sống của ta là Đức Giêsu Kitô.

Một con người bằng lòng với nhu cầu tối thiểu, không muốn xin gì của ai, chỉ biết làm việc cho một mình Thiên Chúa, không tranh cãi đòi áo chùng, áo khoác của mình; một con người sẵn sàng để người ta lấy áo choàng mà không đòi lại những gì ai lấy của mình; một con người phó thác trong tay Chúa quan phòng!

Và thế gian sẽ phải quay trở về khi thấy con người ấy, để ngắm nhìn đức tin, tình yêu và lòng trông cậy của vị linh mục.

Vậy những con người như thế tìm ở đâu, chính họ sẽ làm được những chuyện lạ lùng, Đức khôn ngoan phán. Ôi nghèo khó, bạn xinh đẹp lắm!

Chúa Giêsu Kitô, tôn sư của tôi, thấy bạn xinh đẹp nên Ngài đã từ trời xuống kết hôn với bạn, chọn bạn là cô bạn đời của Ngài, và Ngài đã muốn cùng chết với bạn trên Thập giá.

Ôi, Thầy của con ơi, hãy ban cho con sự nghèo khó kiều diễm đó.

Cho con tìm nó hết mình con,

cho con nhận được nó với niềm vui lớn,

cho con ôm hôn nó với cả khối tình

cho con chọn nó làm người bạn đời con, [8] và chết với nó trên một tấm gỗ, như Thầy của con đã chết!

Hoc fac et vives “Hãy làm thế và ông sẽ được sống.” (Lc 10, 28)

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 466-477

------------------------------------------

Chú thích:

[1] Ms. 261, X 650 – Ngài không muốn ta mất tin tưởng ở Ngài, mà cứ thâu tích kho tàng cho ngày mai; vả chăng chúng ta không biết mình có được hưởng không, vì Thiên Chúa bảo, người sẽ đến đòi linh hồn ông nhà giàu kia chỉ lo tích trữ kho lẫm thật nhiều. Và không kể các kho tàng ấy sinh ra nhiều sự lo lắng ưu tư cho những sở hữu chủ của nó, chúng còn tạo cơ hội cho lòng quyến luyến và keo kiệt, người ta dính bén với những gì người ta thâu tích, người ta chỉ thích ngó xem và nghĩ tưởng đến chúng; và rồi tâm trí ta chỉ sợ sệt đánh mất của, nên cứ bôn chôn không nghỉ ngơi gì được (Ms, XII 261).

Tinh thần nghèo khó phải loại trừ sự lo lắng về tương lai, ưu tư; loại trừ ước muốn kiếm thêm nhiều của, mọi ưu tư, mọi ham hố, mọi thèm khát; tinh thần ấy bằng lòng với những gì mình có, và không xao xuyến về những điều mình không có. Tinh thần nghèo khó ấy ban tự do cho tâm hồn, để lo làm việc lành và giải thoát ta khỏi mọi lo âu (Ms. x 650).

[2] Ms. 261 - Thiên Chúa nào có thể bỏ rơi tôi tá làm việc cho người chăng? Ngài đã chẳng hứa ban cho những ai từ bỏ tất cả vì Ngài đó sao? Ngài lại không biết cho chúng ta cần gì ư? Liệu có thể nghĩ rằng kẻ thi thố bác ái với người khác, lại bị thiếu hụt chính sự bác ái đó khi họ cần đến chăng? Không. Lời Thiên Chúa còn đó và Ngài muốn chúng ta hãy tin tưởng.

[3] Ms. X 701 - … và thâu tích của cho ai? Lắm khi chỉ để cho những kẻ lạ mặt họ dùng nó mà ăn chơi và chế nhạo sự keo kiệt của ta…

[4] Ms. XII 219 - Tại sao Đức Giêsu Kitô lại khuyến giục chúng ta về đức nghèo khó nhiều như vậy? Nghèo khó giúp ta sống trong bàn tay Thiên Chúa, ở khiêm tốn, lao động, phục tùng, kính sợ, đạo đức, cầu nguyện. Trái lại, của cải đặt ta vào cảnh sung sướng, cảnh thoải mái, trong tiện nghi; nó làm ta có cuộc sống trưởng giả. Dần dần, người ta quen sống đầy đủ tiện nghi rồi, thì sợ phiền phức, không cần đến ai cũng có cái để sống. Ta có thể bất cần mọi người, kể cả Thiên Chúa. Sự nghèo khó đó là sức mạnh của người linh mục, là quyền năng của … một nguồn suối các gương lành và sự khích lệ cho kẻ khác.

[5] Danh từ sử dụng là “maitrises”, để ám chỉ một loại trường giáo sĩ, hoặc tiểu chủng viện.

[6] Ms. XII 198; Ms XII 266.

Cần phải thực sự khó nghèo và chỉ chăm lo cho nghiêm chỉnh công việc của Thiên Chúa. Thiếu hai điều kiện đó, Thiên Chúa không thể lo liệu cho chúng ta. Nếu ta muốn sống như những kẻ trưởng giả; ăn cao lương, phòng salon, đồ đạc sang trọng, đi xe, có quần áo đẹp, và làm công việc của Thiên Chúa cách cẩu thả, chắc chắn Thiên Chúa không buộc phải nuôi những hạng người như thế (Ms. XII. 198)

… Vì vậy nên chúng ta dựa vào hai quy tắc đó mà không nên được người ta trao lại dù là nhà cửa đã thành lập, hoặc thu nhập, hoặc của cải. Nếu các bạn thánh thiện, các bạn chẳng cần mọi thứ đó, các bạn sẽ có nhiều thứ hơn các bạn muốn. Còn nếu các bạn không thánh thiện, các bạn sẽ chẳng có gì, và như vậy tốt hơn, bởi vì các bạn không xứng đáng có; có, cũng chỉ sử dụng sai mục đích, và thà là để cho các công trình phải tiêu tan đi, nếu thực chúng không đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và nếu không có thần khí của Thiên Chúa (Ms. 257).

Vậy nếu chúng ta thật sự là người thợ của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được trả công, Thiên Chúa sẽ gửi đến cho ta. Nhà của ta chẳng phải là một bằng chứng của chân lý lớn lao đó ư? Tài nguyên của chúng ta đâu? Thu nhập của chúng ta đâu? Ấy thế mà Thiên Chúa nuôi dưỡng hai trăm con người mỗi ngày; chẳng phải đó là một bằng chứng hiển nhiên về sự quan phòng của Thiên Chúa sao? Và nếu chúng ta tiếp tục sống như chúng ta đã bắt đầu, Thiên Chúa lại chẳng nâng đỡ và cứu giúp ta sao?

[7] Ms. XII. 266 Hai nguyên tắc sống cho bất cứ một cộng đoàn nào đó là nghèo khó và bác ái. Hãy thêm vào đó sự khôn ngoan làm ta không đi quá những gì mình có thể làm, và không nên thử thách Chúa quan phòng, nghĩa là làm những việc vượt quá những gì chúng ta được kêu gọi để làm và nói: Chúa sẽ trả lại cho ta, như thường nghe thiên hạ nói. Bấy giờ là thử thách Thiên Chúa. Nhưng kẻ chờ đợi và chỉ làm việc họ bị buộc phải làm, những việc họ có thể làm, không liều lĩnh, kẻ đó có thể yên tâm trước đi (Xem thêm Ms. 199 tr. 356).

[8] Ms. XII. 200 - Như thánh Phanxicô, người cha của tôi, đúng một con người nghèo của Chúa Giêsu Kitô.

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (5)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (6)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (8)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (9)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (10)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (11)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (12)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (13)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (14)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (15)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (16)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (17)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (18)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (19)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (20)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (21)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (22)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (23)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (24)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (25)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (26)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (27)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (28)