Tài liệu về chữ quốc ngữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX (Phần I)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 487 | Cập nhật lần cuối: 1/9/2021 5:32:59 AM | RSS

TÀI LIỆU LIÊN QUAN TỚI CUỘC VẬN ĐỘNG CẢI CÁCH CHỮ QUỐC NGỮ Ở VIỆT NAM VÀO ĐẦU THẾ KỶ XX

Chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin, do các thừa sai dòng Tên thuộc tỉnh dòng Lisbon (Bồ Đào Nha) đã sáng chế khi tới Việt Nam vào đầu thế kỷ XVII để làm phương tiện liên lạc trong công cuộc truyền đạt Công giáo cho người Việt Nam. Chữ quốc ngữ, như vậy, khởi đầu là một phương tiện được dùng trong công cuộc truyền giáo.

Chữ quốc ngữ này, với thời gian, đã trở thành một thứ tiếng thông dụng của người Việt Nam, công giáo hay không công giáo, và từ 1930 trở thành chữ viết chính thức của người Việt.

Trước đó, vào đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa Pháp đề xướng cuộc vận động cải cách chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Nhưng cuộc vận động này đã thất bại. Một số tài liệu được giới thiệu sau đây cho thấy một cách gián tiếp lý do của sự thất bại này.

Tập tài liệu này gồm, ngoài một bản thảo văn thư mang số Z21G đề ngày 11. 4. 1907 của Giám đốc Tổng nha Học chính gửi Toàn quyền Đông Dương và một bản thảo văn thư cũng của quan chức này gửi các Chủ tịch Hội đồng Cải cách Học chính địa phương còn có một tập sách nhỏ nhan đề Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ (Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ), F. H. Schneider, Imprimerie Typo-Lithographique, Hà Nội, 1907, tất cả đều được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (Centre d’Archive d’Outre-mer - CAOM) ở Aix-en-Provence, Cộng hòa Pháp, trong hồ sơ mang ký hiệu GGI 2625.

Ngoài bản thảo hai văn thư là tài liệu đánh máy, quyển Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ là một ấn phẩm lưu hành nội bộ của Tổng nha Học chính Đông Dương, vì thế nên ít được phổ biến rộng rãi. Nhận thấy nhiều điểm trong nội dung khoa học và quản lý nhà nước về vấn đề chính tả của nó vẫn còn những giá trị thời sự nhất định, nên chúng tôi giới thiệu ở đây phần chủ yếu trong tập sách để những người quan tâm biết thêm về cách suy nghĩ và lối ứng xử của nhiều người nước ngoài hơn một trăm năm trước đối với chính tả tiếng Việt.

Bản dịch tiếng Việt của tập tài liệu này đã được Nguyễn Nghị thực hiện với sự hợp tác của nhà Hán Nôm học Cao Tự Thanh và đã được in trong phần Phụ lục của cuốn sách mang tựa đề I và Y trong chính tả tiếng Việt, của Cao Tự Thanh, Nxb Văn Hóa – Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh - 2014.

Phủ Toàn quyền Đông Dương
Giám đốc Tổng nha Học chính
Văn phòng Tổng hợp
Số Z21G
Trích yếu: về việc cải cách chữ Quốc ngữ

Cộng Hòa Pháp
Tự do – Bình đẳng – Huynh đệ
***
Hà Nội, ngày 11 tháng Tư 1907

Tổng Giám đốc Tổng nha Học chính Đông Dương

Gửi ông Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội

Kính gửi ông Toàn quyền,

Tôi lấy làm vinh hạnh gửi kèm theo thư này tập sách nhỏ “Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ”, tập sách mà ông đã rất muốn cho phép xuất bản ở Sài Gòn.

Tôi gửi kèm ở đây bức thư tôi dự định viết cho các vị Chủ tịch Hội đồng Cải cách Học chính địa phương dùng làm cơ sở cho các cuộc bàn luận sẽ được tổ chức sớm về cuộc cải cách.

Ký tên (không rõ).

Gửi ông Chủ tịch Hội đồng Cải cách Học chính địa phương

Trích yếu: về việc cải cách chữ Quốc ngữ

Ông Chủ tịch,

Ông và các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương sẽ nhận được từ người phụ trách cơ quan Học chính tập sách nhỏ vừa được xuất bản với nhan đề “Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ”.

Tập sách này có mục đích dùng làm cơ sở cho việc thảo luận cặn kẽ về việc cải cách do Hội đồng Cải cách Học chính Đông Dương đề ra trong phiên họp năm 1906. Ông Chủ tịch Hội đồng và tôi mong muốn quý vị đưa vấn đề quan trọng này vào chương trình nghị sự càng sớm càng tốt, vì việc xuất bản các sách giáo khoa mới nên phải có giải pháp cho vấn đề này trong thời gian ngắn nhất. Quý vị phải kết thúc công việc này trước ngày 1. 6, tức thời điểm để đại biểu của mỗi Hội đồng sẽ họp với nhau để có sự thỏa thuận cuối cùng về việc cải cách chữ Quốc ngữ.

Kính mong ông Chủ tịch nhận nơi đây sự kính trọng cao nhất của tôi.

Phủ Toàn quyền Đông Dương
Tổng Giám đốc Nha học chính
--------------------------------------
Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ
(Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ)
Hanoi 1907

I. Hội nghị quốc tế nghiên cứu về Viễn Đông lần thứ nhất (Hà Nội, 1902)

Tiểu ban cải cách việc phiên âm chữ quốc ngữ

Trích Biên bản phân tích các phiên họp (Hanoi, F. H. Schneider, 1903), tr. 126 và tiếp theo.

Ông Pelliot trình bày báo cáo của Tiểu ban cải cách việc phiên âm về dự án cải cách chính tả Annam, do các ông Babonneau và Simonin đệ trình.

Tiểu ban đã họp vào lúc 11 giờ ngày 6. 12, dưới quyền chủ tọa của ông Chéon. Có mặt: các ông Babonneau, Cadière, Finot, Gerini, Hoàng Trọng Phu, Pelliot, Simonin.

Các thành viên của Tiểu ban đã đồng ý với nhau là phải tuân thủ ba quy tắc sau đây trong khi làm việc:

1. Chúng ta phải cố sức trong mức có thể đưa ra một giá trị duy nhất cho một chữ và luôn luôn diễn tả một âm (son) bằng cùng một chữ. Do đó, cần phải, chẳng hạn, bỏ việc sử dụng chữ g ở đầu trong từ gang hay từ gi, bởi vì hai chữ đầu này đọc rất khác nhau, và cũng phải ghi bởi cùng một chữ âm đầu của ca ke, bởi vì hai cách viết này có cùng một âm.

2. Cách ghi sử dụng cho tiếng Annam nên gần với các cách ghi thường được dùng cho các ngôn ngữ khác.

3. Vì con số các tác phẩm, trong đó có một số rất tốt, đã được xuất bản với cách ghi cũ, nên quan tâm đến các thay đổi do hai quy tắc trên ấn định một cách dứt khoát.

Phần trình bày về các nguyên âm được đánh giá là tốt, dù sao cũng không có nhu cầu nghiêm trọng phải chỉnh sửa một cách sâu sắc. Tuy nhiên, Hội đồng cho rằng dấu mũ của â đem lại cho nguyên âm này một giá trị hoàn toàn khác với giá trị nó đem lại trong ô và trong ê, do đó, nên thay â bằng a’. Hội đồng cũng cho rằng phải bỏ hẳn thói quen mà vài tác giả vẫn có, trái với phương pháp của linh mục de Rhodes, là lấy y thay i trong một số trường hợp (ky, ly, my trong các bản đồ) mà không có gì biện minh được. Vấn đề dùng u trong các từ như nguyên, thuyêt sẽ được gác lại cho đến khi có được thông tin rộng rãi nhất...

Về các phụ âm, Tiểu ban đề nghị những thay đổi sau:

1. -c (hay c) sẽ có giá trị của ch hiện nay. Ch hiện nay gần với âm ngạc điếc (palatale sourde) các nhà ngữ học thường phiên là c (hay c), ngoài ra, đây còn là một âm nổ không phát âm bật hơi (explosive non aspirée) và Hội đồng chỉ dành chữ h cho duy nhất các trường hợp chữ này ghi nhận một sự phát âm bật hơi (aspiration). Cuối cùng, chữ c hiện nay được dùng trong các từ như ca, và ở đó nó có cùng giá trị như k của từ ke, sẽ bị bỏ và được thay thế bằng k, như vậy, chúng ta sẽ viết , (cá), cợ (chợ), khác, (khách, lạ)

2. -d không có gạch ngang sẽ có giá trị bình thường của d trong tiếng Pháp; đ hiện nay, được viết có gạch ngang, sẽ không còn. Âm hiện nay được phiên bởi d sẽ được phiên thành z.

3. -g luôn giữ giá trị của âm họng kêu không phát âm bật hơi (gutturale sonore non aspirée), ngay cả khi đứng trước i, bởi vậy, chúng ta sẽ viết ge (ghe) chứ không phải là ghe, gi (ghi), chứ không phải ghi. Còn về gi hiện được dùng để diễn tả âm ngạc kêu (palatale sonore ) tương ứng với c (ch cũ) điếc của từ cợ (chợ), sẽ được thay thế bởi j, chúng ta sẽ viết jả, (giả), chứ không phải giả.

4. -h luôn có giá trị của một phát âm bật hơi (aspiration), sẽ không còn xuất hiện trong ghe, từ nay sẽ viết là ge; trong từ chợ, được viết là cợ; khách, được viết là khác; nhà, viết thành ña, nhưng ngược lại, sẽ còn được giữ trong phép (luật), vì ph ở đầu vẫn còn duy trì một phát âm bật hơi nhẹ và không hoàn toàn tương đương với f của tiếng Pháp.

5. -j thay cho âm ngạc kêu (gutturale sonore) gi, chẳng hạn: jả thay vì giả.

6. -k được dùng như hiện nay và thay chữ c hiện nay khi chữ c này có giá trị của k, do đó, viết thay vì .

7. -nh hiện nay, ở đầu hay ở cuối, chỉ diễn tả một âm, không có phát âm bật hơi, sẽ được phiên thành ñ, ñà chứ không phải nhà, báñ (bánh), chứ không phải bánh.

8. -ph sẽ được giữ lại bởi vì âm được diễn tả không đơn thuần là âm răng môi (dento-labial) viết thành f trong tiếng Pháp, và vẫn giữ một chút phát âm bật hơi nào đó.

9. -q, không có âm nào khác ngoài âm k ở đầu, sẽ không còn, và được thay thế bằng k. Sự phân biệt hiện nay giữa cua qua có lý do của nó: trong cua, dấu được đặt trên u, trong qua, dấu đặt trên a.

Nhưng không có lý do nào để đánh dấu vị trí khác biệt này của dấu bằng cách thay đổi của âm đầu; ngược lại, duy trì chữ u khi nó đóng vai trò nguyên âm được nhấn mạnh là điều tự nhiên (kua thay vì cua hiện nay) và sẽ được thay thế nó bằng bán nguyên âm w khi nó thực sự là một bán nguyên âm (kwa thay vì qua).

10. -s thích hợp trong cách ghi hiện nay với âm xuýt gió (sifflante cérébrale); do đó, tốt hơn nên được thay thế nó bằng s (s có dấu nặng ở dưới), khi không có chữ s này, chúng ta có thể sử dụng s hiện nay.

11. -x hiện nay diễn ta một âm rất gần với âm ngạc xuýt. Do đó, tốt hơn, nhưng không cần thiết Hội đồng phải nhất trí theo ý kiến này, là thay thế x bằng c (có dấu phẩy ở dưới), sẽ cho thấy rõ hơn cách đọc.

12. -z sẽ thay thế d không có gạch ngang hiện nay, nhưng không muốn gán cho z một giá trị tuyệt đối cố định mà chính âm Annam của nó không có.

Hệ thống ký hiệu các giọng không dẫn đến một nhận xét nào riêng biệt. Bởi vậy, Hội đồng phiên đề nghị với quý vị ước nguyện sau:

Thưa Hội nghị,

Xét tính cách tiện lợi, cả về mặt thực tiễn lẫn khoa học, của việc phiên âm tiếng Annam một cách đơn giản hơn và hợp lý hơn là cách phiên hiện nay đang được áp dụng,

Chấp thuận báo cáo của Hội đồng phiên âm và bày tỏ ước nguyện các điều chỉnh được đề nghị được Nhà nước toàn quyền Đông Dương phê chuẩn.

Đại úy Bonifacy lên tiếng chống lại dự án của Hội đồng với hai loạt phản đối: 1. Về phương diện khoa học, ông không cho rằng hệ thống của Hội đồng có những lợi điểm đáng kể trên cách viết được chấp nhận hiện nay. Các giá trị của các chữ vẫn không kém ước lệ hơn, nhưng trong khi chữ quốc ngữ dựa chủ yếu trên các cách đọc của các ngôn ngữ Latin và ngày nay vẫn có thể tìm thấy được trong tiếng Italia, tiếng Provencal, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, thì các cải cách của Hội đồng, đặc biệt chữ w, đúng hơn, cũng chỉ là một sự vay mượn của phép viết của Anh, ông không cho việc thay đổi này là một tiện lợi, và chẳng làm cách viết đơn giản hơn chút nào. Ngoài ra, chữ ñ mà Hội đồng đề nghị thay cho cụm chữ nh sẽ có cái bất tiện là làm cho dấu ngã này có hai giá trị khác nhau, bởi vì dấu ngã cũng còn được đặt trên các nguyên âm để chỉ một trong các giọng của tiếng Annam. 2. Về phương diện thực tiễn, quả là rất khó làm cho những người đã học cách viết cũ quen được với cách viết chính tả mới, nhất là khi họ lại là những người Annam; như vậy, để cách viết mới có kết quả, người ta sẽ phải ấn định cách viết này trong các cơ quan hành chánh; và thế là nhiều người bản xứ vốn đã bỏ nhiều thời gian để học cách đánh dấu cũ, bất thình lình bị lôi về lại điểm xuất phát, buộc phải bắt đầu lại việc học lại cách viết hay bỏ cơ quan.

Ông Pelliot trả lời là Hội đồng không xét đến khía cạnh viết theo tiếng Latin hay anglo-saxon, mà chỉ tìm cách thống nhất một cách tối đa với các cách viết được nhiều các nhà ngữ học nhất chấp nhận. Vả lại, dùng c để diễn tả âm ngạc điếc lại gần với một số giá trị của c trong tiếng Ý hơn là giá trị của nó trong tiếng Anh. Về tình trạng dấu ngã sẽ có hai giá trị, xem ra không thể có một chút lẫn lộn nào giữa dấu ngã đặt trên một phụ âm, do đó không bao giờ có thể gợi lên một â giọng, và dấu ngã nhấn mạnh đặt trên một nguyên âm, chữ ñ, ngoài việc được dùng trong các cách ghi chép khoa học, nó vẫn còn được dùng trong tiếng Tây Ban Nha. Cuối cùng, việc điều chỉnh cách viết tiếng Annam hẳn không thể không tạo nên một sự khó chịu nhất thời cho những người đã học cách viết cũ, nhưng cũng đúng là, mặc dù có sự dè dặt tương đối của Hội đồng, các thay đổi kể ra cũng khá nhiều và quan trọng, nhưng quả là quá lời khi nói rằng những người đã học chữ quốc ngữ cũng sẽ phải vất vả như vậy để làm chủ cách viết mới; để hiểu được cách viết mới sẽ là công việc của mấy tiếng đồng hồ, và để sử dụng một cách không mấy khó khăn sẽ là công việc của mấy ngày. Vả lại không có gì dễ dàng hơn là ấn định một thời hạn nào đó cho phép cả hai hệ thống cùng tồn tại. Một cuộc cải cách như vậy đã có thể xảy ra, đó là cuộc cải cách thay thế trong ngành hóa học cách ghi nguyên tử (notation atomique) cho hệ thống các tương đương.

Linh mục Cadière tuyên bố là về phương diện khoa học, cách viết do Hội đồng đề nghị chắc chắn là cao hơn cách viết thông dụng, nhưng về phương diện thực tiễn, việc cải cách chữ quốc ngữ tạo nên những khó khăn khá trầm trọng để phải từ bỏ mọi ý định cải cách. Chính từ quan điểm này, linh mục đưa ra 6 vấn nạn: 1. Chúng ta không thể loại bỏ các khó khăn gắn với cách viết chữ Annam và mọi hệ thống viết đều chỉ có thể là không hoàn hảo. 2. Không nên gán cho chữ quốc ngữ những khiếm khuyết gắn với chính ngôn ngữ Annam. 3. Nếu hệ thống do Hội đồng đề nghị có loại bỏ được một số khó khăn, thì ngược lại, nó lại tạo nên một số khó khăn khác. 4. Việc cải cách chữ quốc ngữ sẽ làm cho một số lớn sách không đọc được, như các từ điển của Giám mục Taberd và của linh mục Génibrel, Le Cours Sưu tập các văn bản của ông Chéon. 5. Một số lớn người Annam, vốn không biết chữ Hán và không biết kiểu viết nào khác ngoài quốc ngữ, sẽ rơi vào tình trạng mù chữ. 6. Một số khổng lồ vật liệu nhà in sẽ trở nên vô dụng.

Ông Babonneau cho rằng chữ quốc ngữ có những điểm bất thường không sao biện minh được và chướng đến độ nhất thiết phải có một số điều chỉnh. Chẳng hạn, việc dùng chữ đ có gạch ngang để có tác dụng của phụ âm d thông thường, và chữ d đơn giản để có tác dụng của một phụ âm vốn chẳng có quan hệ gì với chữ d thông thường, sẽ làm nản lòng những người mới bắt đầu và hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Ông Chéon, chủ tịch Hội đồng phụ trách chữ viết, tuyên bố : mặc dù là tác giả của nhiều công trình trong đó ông sử dụng chữ quốc ngữ, ông cũng xác tín, qua chính thực tiễn, về sự cần thiết phải cải cách và việc chấp nhận dự án của Hội đồng là điều đáng làm về mọi phương diện.

Ông Nocentini nhận xét là tất cả các vấn nạn chống lại dự án của Hội đồng đều nảy sinh từ những mối quan tâm thuộc lãnh vực thực tiễn, và tự hỏi liệu dự án có thể tập hợp được mọi phiếu bầu, trong điều kiện là chỉ liên quan, ít ra là tạm thời, tới việc sử dụng trong lĩnh vực khoa học mà thôi.

Ông Maitre gợi lại một số vấn nạn do linh mục Cadière nêu ra. Các điều chỉnh được đề nghị có ảnh hưởng rất hạn chế tới vật liệu in ấn. Các điều chỉnh này cũng không đẩy người Annam vốn chỉ biết có chữ quốc ngữ vào lại tình trạng mù chữ, mà chỉ buộc họ phải làm thêm một công việc phụ kéo dài mấy tiếng, quá lắm là mấy ngày.

Các điều chỉnh này cũng không làm các sách bằng chữ quốc ngữ rơi vào tình trạng không đọc được hơn là việc chấp nhận hệ thống của ông Visière đối với các công trình của các nhà Hán học trước đó. Tuy nhiên, vì việc chấp nhận hệ thống mới xem ra phải đương đầu trong việc sử dụng hiện tại với những phản đối dai dẳng, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta chấp nhận đề nghị của ông Nocentini là chỉ nhắm đến việc sử dụng trong lĩnh vực khoa học.

Ông Chủ tịch tuyên bố là Hội đồng đã được hướng dẫn trước tiên bởi ý muốn đưa ra một hệ thống có thể dung hòa các đòi hỏi của logic với những đòi hỏi của thực tiễn và có thể có giá trị như một hệ thống duy nhất. Do đó, Hội đồng đã tỏ ra rất là vừa phải trong các đề nghị của mình.

Bá tước Pullé cho rằng chắc chắn sẽ là đáng tiếc nếu có hai hệ thống tồn tại song song: tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho thấy là một hệ thống có tính khoa học và mang tính lý tính, rốt cuộc, sẽ luôn tự khẳng định mình và một cách rất nhanh chóng. Bởi vậy chúng ta chẳng việc gì phải lo ngại khi chấp nhận đề nghị của ông Nocentini.

Linh mục Cadière nhắc lại là ông chỉ nêu lên những vấn nạn hoàn toàn thuộc lĩnh vực thực tiễn chống lại dự án. Các vấn nạn này sẽ không còn nếu Hội nghị đề nghị một cách viết thuần túy có tính khoa học. Về điểm này, dự án của Hội đồng đánh dấu một bước tiến bộ hiển nhiên; nhưng xuất phát từ ước muốn dọn đường đi đến một hệ thống duy nhất và dành mọi nhượng bộ có thể cho cách viết thông thường, thì hệ thống này chưa đủ và cần phải được điều chỉnh. Nó chỉ có thể được sử dụng làm cơ sở cho một dự án còn phải được đào sâu và dứt khoát hơn nữa.

Đại tá Gerini và ông Pelliot ủng hộ ý kiến linh mục Cadière đưa ra.

Sau các cuộc tranh cãi tạo ra bởi bản văn tiên khởi, Hội đồng phụ trách việc viết chữ quốc ngữ cho đọc ước nguyện sau đây:

Hội nghị, xét lợi ích về mặt khoa học mà một cách viết tiếng Annam đơn giản và có lý tính đem lại, yêu cầu Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp ấn định, để sử dụng trong lĩnh vực khoa học, một hệ thống có thể đáp ứng mọi điều kiện mong muốn, trên các cơ sở do Hội đồng đề nghị.

Văn bản được chỉnh lại như trên đây đã được tất cả các thành viên bỏ phiếu chấp nhận.

II. Hội đồng Cải cách Học chính địa phương Khóa họp năm 1906

Trích biên bản các phiên họp (Hà Nội, L. Gallois 1906), tr. 47 và 50.

A. Phiên họp thứ nhất ngày 21. 4. 1906

Chương trình nghị sự là nghiên cứu việc cải cách chữ quốc ngữ.

Ông Nordemann, Chủ tịch Hội đồng, trình bày là vào lúc chúng ta soạn thảo một số lớn sách giáo khoa bằng tiếng Annam, thì việc nghiên cứu vấn để cải cách chữ quốc ngữ là điều cần thiết. Ông Chủ tịch ôn lại lịch sử vấn đề và nhắc lại là từ các tác phẩm của linh mục A. De Rhodes, xuất bản vào giữa thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ đã trải qua nhiều đợt chỉnh sửa. Từ điển Taberd (1838) đưa ra một cách viết rất khác. Các từ điển của La Liraÿe và Theurel (1877) cũng có các cách ghi riêng của mình. Hội nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội năm 1902 đã đưa ra một số điều chỉnh; các quyết định của Hội nghị được sử dụng làm nền tảng cho Hội đồng nghiên cứu. Hội đồng đã nhóm họp bốn lần và đã đi đến một thỏa thuận gần như hoàn toàn.

Ông Chủ tịch nhắc lại rằng Hội đồng của Hội nghị tại Hà Nội do một người Annamitisant được mọi người đánh giá cao là ông Chéon ngồi ghế chủ tọa.

Ông Nordemann giải thích rằng Hội đồng đã quyết định trong dự án của mình để ý tới tính cách ích lợi của việc Pháp hóa và của cả sự cần thiết phải quy tắc hóa và đơn giản hóa cách thức ghi chép này. Các cải cách được đề nghị nhắm tám yếu tố, nhưng hai trong tám yếu tố này đã không được sự nhất trí của Hội đồng.

Cách viết êi sẽ thay thế cho ây, như trong A. de Rhodes.

Mọi người nhất trí.

Chữ ă ngắn (bref) sẽ có dấu ngắn (signe de la brève) ở tất cả chỗ nào có a ngắn, kể cả do vị trí.

8 chấp nhận chống lại 5.

Trong các nguyên âm đôi (diphtongues) trong đó chữ thứ hai là i hay y, chúng ta sẽ luôn luôn viết là i. Tuy nhiên, ông Nordemann đề nghị là uy ui phải khác biệt nhau.

Ông Maitre lưu ý là trong trường hợp này việc sử dụng uy sẽ không biện minh được, và tốt hơn hết là viết ui để cho thấy là chữ i được tách biệt hẳn.

Ông Chủ tịch ủng hộ các nhận xét này, khi lưu ý rằng việc chấp nhân uy sẽ khiến cách viết không sử dụng được trong các công trình khoa học.

Ông Nordemann nhấn mạnh rằng đối với việc chấp nhận uy, chữ i với dấu tréma có nhiều dấu khác nhau không có trong bộ chữ cùng cỡ.

Ông Maitre nói là sẽ không có bất tiện lớn khi đánh dấu trên u.

Các ông Tissot và Bouzat phát biểu cũng ý kiến này.

Hai ý kiến này đã không hội đủ đa số phiếu. Đề nghị được gác lại.

B. Phiên họp thứ hai ngày 21. 4. 1906

Ông Chủ tịch trình bày: vì Đại học đã tổ chức phiên họp khoáng đại và lấy dự án làm nội dung cho một cuộc bàn luận, Hội đồng có thể chuyển sang việc xem xét các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học: trước tiên, chúng ta có thể trở lại vấn đề chữ quốc ngữ.

Mọi người đồng ý về đề nghị của ông Bùi Đình Tá chấp nhận cách viết do ông Maitre đưa ra, trừ việc i tréma sẽ được thay thế bởi i có dấu mũ.

Ông Nordemann sau đó đọc lại toàn bộ các đề nghị sau đây, liên quan đến các cải cách chữ quốc ngữ:

Các nguyên âm: â sẽ viết là ê trước i.

ă sẽ có thêm dấu ngắn ở tất cả các nơi nó là âm ngắn.

i sẽ viết là i trong tất cả các trường hợp.

y bên trong các từ sẽ viết là y. Chúng ta sẽ viết là i trong nguyên âm đôi ui.

Các phụ âm: đ sẽ viết là d.

c, k, q, sẽ viết là k trong tất cả các từ có phụ âm này,

các trường hợp đặc biệt: cua = kua; qua = koa.

d, gi, sẽ viết là j.

x, sẽ viết là c (có dấu phẩy ở dưới).

h sẽ không còn khi đứng sau g hay ng trước i hay e.

Quy tắc yêu cấu đặt dấu trên hay dưới nguyên âm nổi trội (voyelle dominante) phải được tuân thủ một cách nghiêm nhặt.

Các đề nghị này đã được mọi người chấp nhận.

(Còn tiếp)

Chuyển ngữ: Nguyễn Nghị và Cao Tự Thanh

Trích tập san Hiệp thông số 110

Nguồn: hdgmvietnam.org