Tài liệu về chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX (Phần ll)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 448 | Cập nhật lần cuối: 1/15/2021 8:06:47 AM | RSS

III. Quyết định ngày 16.5.1906 của Toàn quyền Đông Dương về việc mở một cuộc thi soạn sách giáo khoa

(Trích đoạn liên quan đến chính tả của các sách viết bằng chữ quốc ngữ)

Điều 8. Các sách giáo khoa được soạn bằng tiếng Annam theo mẫu tự latinh (quốc ngữ ) phải chú ý tới cách viết chính tả sau đây:

Các nguyên âm: âm được phiên một cách không chính xác thành â sẽ được viết là ê trước i;

ă sẽ có dấu ă ở bất cứ vị trí nào khi nó là nguyên âm ngắn;

i sẽ luôn được viết là i; và i có dấu mũ trong nguyên âm đôi ui;

y (bán nguyên âm của i) sẽ được viết như vậy ở bên trong các từ;

Các phụ âm: đ sẽ viết thành d;

c, k, q sẽ đồng loạt được viết thành k;

Trường hợp đặc biệt: cua sẽ viết là kua qua sẽ viết là koa;

d, gi sẽ được viết là j;

x sẽ viết là c (có dấu phẩy ở dưới);

h sau g hay ng (âm họng kêu hay mũi/gutturale sonore ou nasale) trước i hay e sẽ bị bỏ;

Quy tắc về việc đặt dấu ở trên hay dưới nguyên âm nổi trội phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

IV. Những bài viết liên quan tới việc cải cách chữ quốc ngữ

A. Các bài viết của linh mục Cadière

Đăng trên Avenir du Tonkin trong các số từ 24. 9 đến 17.10. 1906

Trong chừng mực có thể, các quyết định Hội đồng Cải cách Học chính địa phương, nhìn chung, đã làm hài lòng những ai quan tâm đến việc nâng cao trình độ luân lý và tinh thần của người Annam và quan tâm đến sự thịnh vượng của thuộc địa bao nhiêu thì cuộc cải cách của Hội đồng này đối với việc phiên âm chữ quốc ngữ lại đã làm ngạc nhiên bấy nhiêu những người đang nghiên cứu tiếng Annam. Tôi nghĩ, những ai có chút ảnh hưởng trong các vấn đề này đều có bổn phận lên tiếng và chỉ ra cho thấy cuộc cải cách này không có nền tảng và tồi tệ đến mức nào, hầu soi sáng “tôn giáo ” của các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương: danh dự của họ cũng như danh dự của các thành viên của Học chính và của cả thuộc địa đều liên quan.

Vấn đề cải cách chính tả chữ quốc ngữ không phải là mới. Nó đã có từ thời hệ thống ra đời. Chúng ta có thể thấy, trong các công trình cổ do các thừa sai ấn hành, trong các thủ bản, là cách viết này đã có thay đổi, đã được cải cách qua các thế kỷ. Cách viết thông dụng khi người Pháp tới Đông Dương không hoàn hảo. Nhiều tiếng nói có thẩm quyền, các linh mục Legrand de la Liraye, Lesserteur, ông Aymonnier, đã đưa ra những phê phán đúng đắn, đã đề ra những cải cách. Cách đây vài năm, vấn đề lại được nêu lên lại. Tại Hội nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội năm 1902, một Hội đồng do ông Chéon chủ tọa, đã xem xét vấn đề này. Người ta đã xem xét tất cả mọi phê phán có hiểu biết đã được đưa ra cho tới thời điểm này, người ta tìm cách thỏa mãn mọi ước muốn chính đáng đã được nêu lên, của người bảo thủ cũng như của những người có quan niệm lật đổ. Dự án được đưa ra và được chấp nhận trên nguyên tắc chưa tuyệt đối hoàn hảo. Dự án không thỏa mãn tất cả mọi người. Nhưng dự án đã được những người có thẩm quyền trong vấn đề tán thành. Chính những người chống lại cũng nhìn nhận dự án có một giá trị lớn về phương diện khoa học. Và chúng ta có thể hy vọng những thành kiến sẽ dần dần biến mất, các cản trở sẽ được vượt qua, những phần chi tiết còn khiếm khuyết sẽ được hoàn chỉnh, sớm muộn người ta cũng sẽ chấp nhận một hệ thống latinh hóa phục vụ cho người thông thái cũng như cho những người muốn học tiếng Annam chỉ để biết và nói.

Nhưng niềm hy vọng này đã tiêu tan. Cuộc cải cách do Hội đồng Cải cách Học chính địa phương chấp nhận đã không thỏa mãn các ước muốn chính đáng người ta đã nêu lên. Cuộc cải cách đã thần thánh hóa những lý thuyết hoàn toàn sai lầm. Nó gây nên sự lộn xộn trong ngôn ngữ và trong cách viết, và do đó có hại cho việc học tiếng Annam, nó chấp nhận những dị thường, nó giải quyết không tốt bằng hệ thống cũ vô số các sự khác nhau tinh tế của ngôn ngữ. Xét về phương diện khoa học, cũng như thực tiễn và sư phạm, cuộc cải cách này quả là một bước thụt lùi.

Phê phán và đánh giá của tôi có thể là cường điệu. Những người trong số các đọc giả của tôi quan tâm tới các vấn đề này và có kiên nhẫn để đọc tới cuối phần tranh luận của tôi, dù vất vả đến đâu, sẽ nhận thấy là phê phán này là đúng và đánh giá như vậy là chính xác.

Chúng ta hãy đi vào chi tiết các điều chỉnh đã được chấp thuận.

1. “Âm được phiên một cách không chính xác là â sẽ được viết là ê khi đứng trước i”

Trước đây, người ta viết bây, cây, dây, lây, mây, vân vân, từ nay, sẽ viết là bêi, kêi, lêi, mêi, vân vân.

Chúng ta sẽ để một bên phụ âm của các hình thức khác nhau này, bởi nó không dính dáng gì ở đây, và chúng ta sẽ chỉ xét đến âm của nguyên âm. Âm này có hai dạng được cấu thành bởi hai yếu tố gắn chặt với nhau, â y (từ nay là ê i). Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu yếu tố thứ nhất trong số hai yếu tố này. Yếu tố thứ hai sẽ được xét đến ở đoạn khác. Về yếu tố thứ nhất, cho rằng cách ghi hiện nay là sai quả là không đúng và phải viết thành ê lại càng không đúng.

Yếu tố thứ nhất này, cho tới nay được phiên thành â, là âm ngắn. Chỉ việc nghe thôi cũng đã cho chúng ta thấy điều này. Người Annam đầu tiên chúng ta gặp sẽ đưa ra cho chúng ta bằng chứng. Các tác giả xác nhận sự kiện. Giám mục Taberd, trong cuốn Dictionnarium Annamatico-latinum (Từ điển annam-latinh) của ông, trong lời tựa, trang 3, viết: “à â luôn luôn là âm ngắn” - và, ở trang 7, “đọc một cách ngắn hơn và một cách gần như âm điếc và chìm (surdo và subobscuro) [chữ â]”- Linh mục Vallot, trong Grammaire Annamite (Ngữ pháp annam), tr. 9, viết: “ây luôn luôn là âm ngắn”. Và ông Chéon, trong tập Cours (Giáo trình) của ông, tr. 6 “trong ay ây, a â là những âm rất ngắn và ít nhiều khép lại”.

Âm ngắn và điếc, đó là điều các tác giả và kinh nghiệm nói với chúng ta.

Bây giờ chúng ta thử xem các tác giả đã giải thích thế nào về điều này, nghĩa là người ta đã so sánh âm của â trong ây với âm nào trong tiếng Pháp.

Chúng ta đã được thấy cảm nghĩ của Giám mục Taberd, â khắp nơi đều có âm điếc và hơi bị chìm đi “modo quasi surdo et subobscuro”. Ở trang 7 của lời tựa, giám mục thêm: y Hy Lạp tách âm tiết, như, v-g-cây, có tác dụng như thể câ-i”. Dĩ nhiên, đây là một cách nói, bởi vì nguyên âm đôi ây, cũng như tất cả các nguyên âm đôi của tiếng Annam không hề được tách ra hoàn toàn.

Nhưng rõ ràng là đối với Giám mục Taberd, nguyên âm đôi ây, chỉ âm điếc và mờ của a thường (âm này thay đổi nhiều, so sánh với Cheon, Cours, trang 5), tiếp theo là âm i được đọc một cách rõ rệt hơn là trong nguyên âm đôi ai chẳng hạn.

Cha Vallot, Grammaire, trang 9 “ây có âm eil trong orteil” nghĩa là â được đọc gần như è mở của tiếng Pháp – Ông Chéon, Cours, tr. 5: “â trong các từ lây, lây, có âm như ê nhưng ngắn” - tr. 6 : “mây đọc như âm tiết đầu của Meyer” – Ông Nordemann, Méthode de langue Annamite (Phương pháp học tiếng Annam), tr. 3, đồng hóa â trong cây với ê trong mê, về âm. – Cha Cadière, Phonétique Annamite (Ngữ âm học tiếng Annam), tr. 8 “Nguyên âm đôi ây rất giống với âm ê và đọc gần như âm tiết eil trong vermeil”.

Do đó, theo các tác giả, chúng ta có thể so sánh âm â trong ây khi thì với một âm điếc và mờ, khi thì với âm è mở, khi thì với âm é đóng.

Nếu giờ đây chúng ta tìm hiểu các văn kiện cổ, chúng ta sẽ thấy rằng, khởi đầu, các tác giả chữ quốc ngữ đã chấp nhận ba cách viết. Linh mục de Rhodes, trong Catechismus(Phép giảng) in tại Roma năm 1651, viết êy thay cho ây [y …là, tr. 6. –bêy, thay cho bây, vây, cũng vậy, tr. 28, 29, 57, - ai nêi thay vì ai nấy, tr. 56; lêy thay cho lây (lấy), tr. 11, - dêy thay cho dây, tr. 11, vân vân – Ông cũng dùng hoặc cho chính các từ này, hoặc cho rất nhiều các từ khác chúng ta không cần nêu ra đây, hình thức ây, và tôi nghĩ cách viết này chiếm ưu thế trong tác giả này.- Cuối cùng, đôi lúc ông cũng dùng ei chẳng hạn quéi cho quấy [sai lầm, quấy, không thích hợp], tr. 13.

Giải thích về các hình thức khác nhau này không có gì khó. Vào buổi đầu, các thừa sai chưa có một hệ thống nhất định. Nhiều âm của tiếng Annam chưa được cố định, chỉ đọc qua Catechismus của linh mục de Rhodes và các thủ bản về sau cũng cho chúng ta thấy rõ điều này. Đặc biệt, âm mà ngày nay chúng ta phiên là ây, trong chính tả, được diễn tả thành êy, âi, êi, ei. Sự lẫn lộn giữa ê â hay giữa các nguyên âm khác còn đi xa hơn nữa, và chúng ta có các hình thức dêt thay cho dât (đất), tr. 12, 28; cuên thay cho quân, tr. 5; tuêi thay cho tuổi (năm), tr. 5; nhiêu, tr. 7, nhêo, tr. 5, thay cho nhiêu (nhiều), vân vân.

Chính tả chưa cố định, vậy thôi, chưa cố định bởi vì người ta chưa nhận ra một cách chính xác vô số các âm rập rờn của tiếng Annam trong các hình thức khác nhau ở đó chúng xuất hiện với tính cách các yếu tố.

Nhưng bởi vì linh mục de Rhodes đã sử dụng đồng thời các hình thức êy, êi, ei, âi, ây, nên chúng ta phải có sự chọn lựa. Nói cách khác, những người tiếp nối linh mục de Rhodes phải chăng đã sai lầm mà lần lượt loại bỏ các hình thức êy, êi, ei, âi, vốn xem ra cũng ít được chính linh mục de Rhodes sử dụng và cuối cùng dứt khoát giữ lại hình thức ây?

Không, họ không lầm.

Trong ây, â không hoàn toàn đáp ứng âm è mở hay é đóng như người ta tưởng; â diễn tả một âm điếc và mờ, không rõ ràng, âm này, trên nguyên tắc, giống eu trong deuil (tiếng Pháp), nhưng gần với giọng cổ hơn, và đồng thời nhẹ hơn, bồng bềnh (flottant) hơn, ít dứt khoát hơn. Đó là “âm gần như âm điếc và chìm” theo Giám mục Taberd.

Nghiên cứu về hình dạng của một số hình thức sẽ chứng minh rộng rãi cho chúng ta điều này.

Các ngôn ngữ Mường có họ hàng rất gần với tiếng Annam; các dân tộc nói tiếng Mường sống rải rác dọc trên sườn hay trong các thung lũng cao của dãy Trường Sơn. Tại Quảng Bình, tôi thấy có hai dân tộc sử dụng tiếng Mường. Một thay y hay i ở cuối một số từ bằng n, một thay yếu tố cuối này bằng l.

Chúng ta thử xem xem hai dân tộc này đã có tác động nào trên hình thức của tiếng Annam được phiên thành ây.

Đối với dân tộc thứ nhất:

Cân thay cho cấy; dân thay cho dậy; mân thay cho mây; cân thay cho cây;

Và đối với dân tộc thứ hai:

Kol thay cho cấy (cấy lúa); ti dil thay cho dậy (thức dậy).

Các từ vựng do tạp chí của Trường Viễn Đông Bác cổ cung cấp, tập V, tr. 358, 362 chỉ đưa ra một số từ này. Nhưng từng ấy cũng đã rất đủ để chứng minh cho thấy rằng yếu tố đầu của nguyên âm đôi là một âm điếc, vốn đã bị làm lệch đi đôi chút bởi yếu tố cuối, để biến thành è mở, chỗ này, thành é đóng chỗ nọ - các yếu tố khác nhau của các từ tác động lên nhau, các yếu tố này thay đổi nhiều hoặc ít các yếu tố khác, và đến lượt mình, các yếu tố này đã bị thay đổi bởi các yếu tố khác – âm điếc tái xuất hiện với bản chất riêng của nó khi yếu tố cuối bị thay đổi, nghĩa là khi nguyên nhân đã gây ra sự thay đổi không còn.

Đừng nói là cách đọc của các thị tộc đã được ghi không chính xác để bác lại. ây thay êl hay ei còn có thể được, nhưng ên hay en thay cho ân thì không thể được. Con, thay cho cây, được sử dụng tại nhiều tỉnh ở Annam, cũng chứng mình điều này; o là một sự nhấn mạnh của â và hình thức có tính cách địa phương con khiến nghĩ tới hình thức cân, cũng chính là hình thức chúng ta có nơi người Mường ở Quảng Bình. Chúng ta luôn gặp âm điếc và ngắn này trong cây và trong cân, nhưng mở và kéo dài trong con.

Theo ý tôi, các sự kiện này minh chứng một cách rõ ràng rằng yếu tố đầu của nguyên âm đôi ây đã không bị biến đổi một cách sai lầm thành â như các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương muốn nói, một cách hơi thiếu suy nghĩ, mà chính là âm điếc “modo quasi surdo et subobscuro” mà Giám mục Taberd mô tả, âm mà chúng ta sẽ gặp lại trong các hình thức khác có â.

Chúng ta thừ tìm hiểu kỹ hơn một chút các tương đương của âm mà các tác giả đưa ra cho nguyên âm đôi ây. Người thì bảo nguyên âm đôi này phải đọc như é khép kín, người khác thì lại nói như è mở, có i theo sau. Xin độc giả bớt chút thời giờ để tập đọc nhé! Mây được đọc hoặc như từ của tiếng Annam thêm i, hoặc như từ Annam me thêm i. Hãy đọc hai phần này một cách hết sức tách biệt, bằng cách tách một cách rõ ràng hay me khỏi i. Đoạn đọc đi đọc lại nhiều lần bằng cách kéo lại càng ngày càng gần nhau hai phần này nhưng vẫn luôn giữ một cách chính xác âm hay me cho phần thứ nhất, điều này sẽ khó khăn đấy, cho tới khi nào bạn ráp liền được hai phần, đặt hai phần này trong quan hệ phải có trong từ mây của tiếng Annam. Hãy nói cho tôi biết âm bạn vừa đọc- trong khi vẫn giữ, như tôi nói, âm hay me cho phần một – có giống với âm người Annam đọc từ mây hay không? Không. Các tác giả chữ quốc ngữ không phải là không có cái tai thính hay óc nhận xét tinh tế. Bởi vậy, nếu họ đã không giữ lại, sau khi thử, các cách viết méi hay mei, ấy là vì họ đã xét thấy, và họ có lý, như tôi đã cho thấy, là không thích hợp để diễn tả các yếu tố của từ.

Khi chúng ta nói rằng ây đọc như ei hay êi, đó là một cách nói, gần giống như khi chúng ta muốn giúp một người mới bắt đầu, như điều này thường xảy ra đối với nhiều âm của tiếng Annam vốn không có tương đương chính xác trong tiếng Pháp. Bởi vậy, âm được diễn tả bằng ây chỉ trở thành éi hay ei đối với những cái tai không được rèn luyện, đối với một người nghe hời hợt, hay đối với một ông thầy muốn hướng dẫn một học trò người Pháp vào buổi đầu mà thôi. Thực ra, đây là âm điếc và mờ mà Giám mục Taberd nói đến.

Thú thực là khi tôi thoạt nhìn thấy danh sách các cải cách được chấp thuận cho cách viết quốc ngữ, cách viết éi thay cho ây xem ra đối với tôi là một trong những cải cách có thể chấp nhận được. Ký ức về cách viết của linh mục de Rhodes đã có ảnh hưởng trên tôi. Việc nghiên cứu vấn đề một cách có phương pháp đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của tôi. Cách viết dùng một â phải được duy trì. Chính cách viết mới đã được chấp thuận mới không đúng.

Để chấm dứt cuộc tranh luận về một chi tiết xem ra quá nhỏ bé này, tôi thấy cần phải tôn vinh sự kiên nhẫn của những người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Chúng ta đã thấy những chao đảo của cách viết thuở đầu, sự do dự của các tác giả. Những bước mò mẫm, ghi nhận, so sánh, sự tế nhị của tai nghe, sự chính xác cần thiết sau đó để nhận diện, ấn định dứt khoát cái yếu tố có một tính chất rất ư là thiếu rõ rệt này. Đừng tháo bỏ công trình của những người đi trước nếu không phải là để chỉnh sửa, cải thiện và hoàn chỉnh nó.

2. “A sẽ có dấu ngắn ở trên khi a là một âm ngắn”. Chẳng hạn ít ra là trong các hình thức ay, anh, ach, au. Cuộc cải cách quả là tuyệt vời và nó đã lấp đầy một lỗ hổng của hệ thống hiện tại. Nhưng cũng nên nói rõ trong các hình thức nào thì a là âm ngắn. Nếu để cho mỗi người tùy tiện theo ý mình, theo khoa học, nhất là của người Annam, những người sẽ soạn ra các sách giáo khoa cho các cuộc thi của các giáo viên làng hay tỉnh, người ta sẽ chỉ có thể đi tới chỗ hỗn loạn. Đặc biệt, a ở cuối không được nhấn mạnh, của các dạng bua, bia, bua, vân vân mà ông Chéon, Cours, tr. 4 nói là ngắn và đúng là như vậy, liệu sẽ được đặt dấu để làm ngắn?

3. “i sẽ luôn được viết là i”. Chúng ta sẽ viết i trong nguyên âm đôi “ui

Văn bản không rõ ràng. Bản báo cáo về các cuộc họp của Hội đồng cho chúng ta một ý tưởng khá chính xác về các tác dụng của cải cách.

a. Như vậy, người ta sẽ không còn viết y, ly, my, sy vân vân mà là i, li, mi, si vân vân. Cần được chấp thuận một cách trọn vẹn.

b. Người ta sẽ không còn viết cay, may vân vân mà viết kai, mai vân vân. Dấu đọc ngắn (a) đủ để phân biệt các hình thức của cai, mai vân vân với a dài và cay, may vân vân với a ngắn.

Trong tiếng Annam, chúng ta có một loạt các nguyên âm đôi, trong đó yếu tố thứ hai là i. Đó là ai, oi, ơi, ôi, ui ay, ây, ngoài ra còn phải thêm ui của một số hình thức do người Bắc Kỳ sử dụng. Yếu tố cuối này cũng có cùng tính chất trong tất cả các hình thức này. Để chứng minh, chúng ta chỉ việc tìm tới các tiếng nói của người Mường vốn biến yếu tố cuối này thành n hay l, dù nguyên âm đứng trước là gì đi nữa.

Chẳng hạn, trong tiếng Mường ở Quảng Bình, chúng ta có:

Pun pun pul pul thay cho bụi, pan thay cho vai,

Pan và pol hay pâl thay cho bay; can thay cho cầy; puon hay puol thay cho bưởi, vân vân.

Mặc dù yếu tố này vẫn là vậy, về bản chất, trong tất cả các hình thức, tuy nhiên chúng ta cũng phải phân biệt hai loại, tùy theo yếu tố thứ nhất của nguyên âm đôi là dài hay ngắn, và chúng ta có loại ai, oi, ơi, ôi, ui và loại ay, ây, ui. Trong loại thứ nhất, vì giá trị của nguyên âm nổi trội, và định luật hấp thụ, yếu tố cuối dài hơn, nhẹ, mơ hồ hơn, đôi khi mở hơn; trong loại thứ hai, nó có âm khép hơn, ngắn hơn, rõ hơn, rõ nét hơn, vì cũng các lý do ấy. Đó là điều mà những người tạo ra chữ quốc ngữ đã muốn ghi nhận bằng cách đặt ở đó một i đơn giản, ở đây một y, ngoại trừ đối với các hình thức ít được sử dụng hơn ui.

Làm sao diễn tả yếu tố thứ hai này? Nhiều hệ thống được phép sử dụng. Hoặc duy trì hệ thống hiện tại; hoặc ngược lại với hệ thống này, đặt i tại nơi hiện tại người ta dùng y, và y vào chỗ hiện nay người ta viết i. Đó là hệ thống ông Aymonnier đã hình dung trong Nos transcriptions (Cách phiên của chúng ta), và đây là hệ thống Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã chấp nhận. Chúng ta có thể biện minh – người ta có thể dùng cùng một dấu cho mọi trường hợp hoặc y, hoặc i, như các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương đã làm. Người ta có thể chấp nhận hệ thống này để đơn giản hóa, nhưng lại gặp phải một khó khăn tôi sẽ trình bày sau.

c. Người ta sẽ không còn viết luy, chuy, tuy, vân vân, mà là lui, chui, tui, vân vân, với một dấu mũ trên i.

Khi liệt kê trên đây các nguyên âm đôi với yếu tố cuối là i, tôi đã không đưa ra nguyên âm đôi vốn cho tới nay được viết là uy. Ấy là vì nguyên âm đôi này hoàn toàn khác với các nguyên âm đôi được liệt kê trước đó.

Trong ai, ay, ây, oi, ôi, ơi, ui, ưi, chính yếu tố thứ nhất là yếu tố được nhấn mạnh, đóng vai trò chủ chốt trong cách đọc. Yếu tố thứ hai, khi là i, khi là y, không được nhấn mạnh. Trong uy, thì lại hoàn toàn ngược lại. Chính yếu tố cuối, tức y (=i) lại được nhấn mạnh. Yếu tố đầu, tức u, là một bán nguyên âm môi không có dấu, không phải bán nguyên âm thông thường chúng ta tìm thấy trong qui hay trong ngui (đôi khi thay cho nguy), mà là bán nguyên âm được làm dịu, nghĩa là có âm u trong tiếng Pháp hay gần giống vậy. Qua đó, chúng ta thấy được sự khác biệt giữa các hình thức viết lui luy cho tới nay. Trong hình thức thứ nhất u được nhấn mạnh và i vừa đủ để nhận ra; trong hình thức thứ hai, y là nguyên âm đầy của từ, hoàn toàn như trong li (hay ly), nhưng có bán nguyên âm u, được làm dịu bớt, đặt ở trước. Hai hình thức lui luy này là hoàn toàn khác nhau – tôi nói về cách đọc, bởi vì, theo từ nguyên học mà nói, các hình thức ui và các hình thức uy lại có bà con rất gần trong nhiều trường hợp. Nhưng đó không phải là vấn đề.

Trong các cuộc họp lấy quyết định về các thay đổi trong hệ thống quốc ngữ, ông Nordemann đã nhấn mạnh để sự khác biệt này phải được duy trì trong chữ viết. Nhưng một số thành viên, khôn ngoan hơn theo lệ thường, còn đề nghị thêm dấu trên u trong các hình thức có uy trong các sách xuất bản. Điều này có nghĩa là hoàn toàn không biết gì về bản chất của nguyên âm đôi này, và tôi vui mừng khi thấy rằng chân lý đã thắng.

Trong chính tả, hoàn toàn không thể không duy trì sự khác biệt giữa các hình thức có ui và các hình thức có uy.

Làm thế nào? Chính để tạo sự khác biệt giữa hai hình thức này mà chữ quốc ngữ truyền thống, luôn sử dụng chữ u để viết yếu tố đầu, đã sử dụng khi thì y, khi thì i, để viết yếu tố cuối của nguyên âm đôi. Người ta đã phê phán một cách chính đáng cách làm này. Về phương diện thực tiễn nó có cái lợi của nó. Khi thấy chữ y ở cuối một từ, người ta biết là u đặt ở trước phải được đọc mà không nhấn mạnh, và với âm của u trong tiếng Pháp hay gần như vậy. Khi thấy i, người ta biết là u đặt ở trước phải được đọc và nhấn mạnh, giống như với âm ou trong tiếng Pháp, trừ trường hợp của qui ngui (thay cho nguy) trong đó u có âm ou nhưng không được nhấn mạnh.

Nhưng về phương diện khoa học, cách làm này không biện minh được. Y trong luy có cùng giá trị như i trong bi, li. Tại sao lại làm khác đi? Vả lại, mọi thay đổi về âm hay về giá trị trong một yếu tố của một từ, đều phải được diễn tả bằng sự thay đổi dấu diễn tả yếu tố này. Ở đây chính u có một giá trị khác tùy theo các hình thức: sự thay đổi giá trị này của yếu tố thứ nhất được chỉ ra bởi sự thay đổi hình thức của yếu tố theo sau, được diễn tả chỗ này bằng i, chỗ nọ bằng y quả chẳng hợp lý chút nào. Những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ đã làm đúng khi tạo ra sự khác biệt về giọng và giá trị, nhưng họ đã ghi nhận các giá trị này và các âm khác nhau này bằng một cách thức không khớp với các quy tắc của khoa học hiện đại. Họ đã chấp nhận đưa vào hệ thống của họ một sự dị thường và đã phạm một lỗi đi ngược lại logic.

Hệ thống mới lại cũng vấp phải chính các lỗi này. Dù dùng y hay i với dấu mũ, sự dị thường vẫn còn đó. Cũng một nguyên âm được diễn tả chỗ này bằng i thường, (trong bi, mi, li, vân vân), chỗ nọ bằng i với dấu mũ (trong các hình thức viết cho tới nay bằng uy.). Sự thiếu logic cũng vẫn còn: người ta cho thấy sự thay đổi giá trị của yếu tố thứ nhất luôn bằng cách thay đổi yếu tố thứ hai của nguyên âm đôi. Hệ thống mới do đó chẳng hơn gì hệ thống cũ. Ngay cả cái lợi là xích lại gần với chính tả của tiếng Pháp cũng không có, bởi vì, theo tôi biết, không có trường hợp nào trong đó việc đặt dấu mũ trên chữ i lại chỉ một sự thay đổi của âm đi trước.

Trong các phiên họp của Hội đồng, người ta đã nói đến việc dùng i với dấu tréma, để cho thấy i trong các hình thức bằng uy là tách biệt một cách rõ ràng. Vẫn là không nhận ra điều gì tạo nên sự khác biệt một cách căn bản giữa các hình thức ui và hình thức uy. Cách viết cũng chẳng hay hơn.

Người ta đã nói đủ cả về các sự dị thường, về những sự không hợp lý của chữ quốc ngữ! Cũng cần lưu ý ở đây là các nhà cải cách hiện đại của chúng ta cũng vấp phải chính những khó khăn vốn đã khiến các nhà chế tạo ra chữ quốc ngữ phải dừng lại, và đã giải quyết các khó khăn này cũng theo một kiểu, nghĩa là cũng bởi các dị thường và không hợp lý. Các nhà chế tạo ra chữ quốc ngữ có được các hoàn cảnh để được châm chước: họ không muốn tạo ra một công trình của các nhà thông thái, họ chẳng biết gì về những quy tắc của khoa học hiện đại. Trường hợp của các nhà cải cách ngày nay thì không phải vậy.

Nhưng người ta sẽ nói với tôi rằng người ta đâu có muốn làm công trình khoa học. Người ta thấy rõ điều này. Nếu vậy thì tại sao lại thay đổi?

Chỉ có một cách thức thực sự logic để giải quyết khó khăn: đó là chấp nhận cho các hình thức có uy, hoặc chữ w hoặc u (với dấu tréma) để diễn tả yếu tố thứ nhất của nguyên âm đôi. Người ta đã lùi bước trước sự cải cách triệt để này. Người ta đã dừng lại giữa đường.

Điều người ta đã làm không phải là một cải cách thực sự, mà chỉ là một sự thay đổi.

d. Người ta sẽ không còn viết huynh, khuynh, khuya, mà viết là huinh, khuinh, khuia. Hệ thống cổ truyền sử dụng hai cách viết này để diễn tả hai hình thức của các từ này tùy theo các phương ngữ, một hình thức với bán nguyên âm u thông thường có âm ou (huinh, khuinh, khuya), và một hình thức với bán nguyên âm được làm nhẹ bớt, nghĩa là với âm u (huynh, khuynh, khuya). Hình thức thứ hai này không còn trong hệ thống mới. Như vậy, hệ thống mới này ít khả năng hơn hệ thống cũ để diễn tả các sự khác nhau tinh tế của ngôn ngữ Annam.

4. “Y bán nguyên âm của i sẽ viết như vậy ở bên trong các từ”

Hệ thống mới như vậy có khuynh hướng phân biệt bán nguyên âm với nguyên âm, diễn tả bán nguyên âm bằng y, nhưng chỉ bên trong các từ mà thôi, và nguyên âm bằng i. Nguyên tắc thì tốt. Nhưng tại sao lại không áp dụng mọi nơi mọi chốn. i của các hình thức có ai, oi, ôi, ơi, ui, và tôi cũng có thể nói như vậy về các hình thức có ay, ây, là một bán nguyên âm trước con mắt của nhiêu tác giả. Tại sao lại không diễn tả nó cũng bằng dấu của bán nguyên âm? Một bất hợp lý nữa – tại sao không áp dụng nguyên tắc này cho tất cả mọi bán nguyên âm? Tại sao không phân biệt u nguyên âm với u bán nguyên âm; o nguyên âm với o bán nguyên âm? Chính tả của Linh mục de Rhodes, khi ông viết hoa, doan, ngoai, vân vân, với dấu làm ngắn đi trên o bán nguyên âm xem ra được chú ý tới nhiều.

Người ta không phân biệt trong trường hợp nào thì y hay i bên trong các từ phải được xem như bán nguyên âm. Nói rõ ra điều này thì tốt hơn. Chắc chắn người ta sẽ tiếp tục viết yêu, yên, yêng, vân vân; người ta sẽ viết hyêu, hyên, khyên, ngyên (nghiên hiện nay) vân vân; người ta sẽ viết byên, byêu, byêt, vân vân. Ít ra là tôi giả thiết như vậy. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn là nên soi sáng vấn đề và nói rõ. Tôi không nghĩ là giáo viên người Annam điều hành trường tỉnh của chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề một mình.

Từ nay, chúng ta sẽ viết huyên, nguyên, quyên, duyên. Hãy dừng lại đôi chút ở các hình thức sau cùng này. Một số từ trong đó nguyên âm đôi có bán nguyên âm môi u đặt trước, tùy theo phương ngữ, có hai hình thức, một với bán nguyên âm môi thông thường, có âm ou của tiếng Pháp, một với bán nguyên âm được làm nhẹ đi, có âm u trong tiếng Pháp. Chữ quốc ngữ cổ truyền dành cách viết cho hình thức thứ nhất (huiên, duiên), và cách viết cho hình thức thứ hai hyên, duyên (như chúng ta đã thấy trên đây các hình thức có ui uy; huinh, khuinh, khuia, và huynh, khuynh, khuya). Đối với các từ có một hình thức duy nhất (u bán nguyên âm được làm nhẹ) người ta dùng cách viết (chuyên, luyên, khuyên, vân vân). Quy tắc này có những luật trừ và người ta viết nguyên, nguyêt, quyên, quyêt, mặc dù trong các từ này bán nguyên âm ở tình trạng bình thường. Nhưng nó cũng chế ngự một số lớn các trường hợp.

Khi áp dụng chính tả mới, nghĩa là dùng y khắp nơi, làm sao người ta có thể phân biệt được hai hình thức tôi đã cho thấy ở trên? Người ta sẽ không phân biệt. Một lần nữa, hệ thống mới tỏ ra kém hơn hệ thống cũ, nó không diễn tả tốt hơn các điểm khác biệt tinh tế của các âm trong tiếng Annam.

Việc dùng y để diễn tả bán nguyên âm là rất hợp lý. Nhưng nguyên tắc phải được áp dụng cho tất cả mọi trường hợp, và việc chấp nhận cách viết này kéo theo việc sử dụng một dấu đặc biệt cho u bán nguyên âm và những khác biệt tinh tế khác.

5. “đ sẽ được viết là d

Nghĩa là người ta bỏ chữ đ có gạch ngang và thay thế bằng chữ d bình thường. Đó là một cải cách người ta yêu cầu từ lâu. Nếu hệ thống mới chỉ gồm những cải cách loại này, thì chẳng có gì để phê phán...

(còn tiếp)

Chuyển ngữ: Nguyễn Nghị và Cao Tự Thanh

Trích tập san Hiệp thông số 110

Nguồn: hdgmvietnam.org