Thánh ca Việt Nam, từ một góc nhìn khác

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 219 | Cập nhật lần cuối: 9/24/2022 9:14:44 AM | RSS

I. LỜI MỞ ĐẦU

Partie I: le chant face à la Guerre - chant Hơn ba phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ giai đoạn hình thành những bài thánh ca tiếng Việt (thập niên 1940), nền Thánh nhạc Việt Nam đã và đang phát triển không ngừng. Những bài thánh ca Việt Nam, ngoài việc góp phần nuôi dưỡng đức tin của Dân Chúa[1], còn góp phần thăng tiến các giá trị khác trong đời sống văn hoá của xã hội. Nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca trưởng, nhạc đoàn, ca đoàn.. .đã và đang nối tiếp nhau đóng góp cho Thánh nhạc Việt Nam ngày càng thêm đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, trong bất cứ sự phát triển nào cũng có mặt tích cực cần được phát huy, và mặt tiêu cực cần phải khắc phục, như nhận định của Uỷ ban Thánh Nhạc (UBTN) trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) “còn nhiều vấn đề cần phải được gạn đục khơi trong ở cả hai lĩnh vực: sáng tác và sử dụng, sao cho đúng tinh thần phụng vụ của Giáo hội”[2].

Bài viết này không đề cập nhiều về những thành tựu của Thánh nhạc Việt Nam trong thời gian đã qua, nhưng tập trung khảo sát những khiếm khuyết cần khắc phục để có thể phát triển toàn diện hơn trong tương lai.

Những khiếm khuyết ấy phát xuất (2) từ bối cảnh lịch sử hình thành và phát triển với chỉ một hình thể âm nhạc độc tôn và một danh xưng “thánh ca” duy nhất, đã (3) dẫn đến một số ngộ nhận nơi các nhạc sĩ và người sử dụng tác phẩm. Mà để hạn chế và giảm thiểu những ngộ nhận ấy, cần phải tìm hiểu xem giáo hội đã (4) phân loại thánh nhạc như thế nào, để dựa trên những hướng dẫn đó, chúng ta có thể (5) phân loại và định danh các bài thánh ca tiếng Việt. Việc nhận ra những khiếm khuyết trong quá khứ chắc chắn sẽ giúp mở ra một tầm nhìn cho sự phát triển (6) hướng đến tương lai.

II. TỪ BỐI CẢNH LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VỚI MỘT HÌNH THỂ ÂM NHẠC ĐỘC TÔN VÀ MỘT DANH XƯNG “THÁNH CA” DUY NHẤT

Tại Việt Nam, trước Công đồng Vatican II, thánh lễ được linh mục cử hành bằng tiếng La tinh. Vì vậy, để hiệp thông với linh mục, giáo dân thường hát những bài ca diễn tả ý nghĩa chung của từng phần phụng vụ mà sau này được gọi là “hát chầu lễ”[3].

Thí dụ nhập lễ thì hát những bài như “Con sẽ bước lên bàn thờ” của Hùng Lân, “Con hân hoan” của Kim Long... Dâng lễ thì hát những bài có nội dung dâng tiến bánh, rượu, “Con kính dâng Cha cùng bánh và rượu nho...” Ngoài những bài có những nội dung trên, còn có những bài hát kính Đức Mẹ, hát mừng Giáng Sinh, Phục Sinh..

Hình thể ca khúc hai đoạn

Chịu ảnh hưởng của những “bài hát đạo” tiếng Pháp, đặc biệt là những bài được các cha truyền giáo phổ biến từ tuyển tập Cantiques de la jeunesse[4], những bài “hát chầu lễ” tiếng Việt thường được viết theo hình thể (music form) ca khúc hai đoạn, một đoạn là điệp khúc (chorus) và một đoạn là phiên khúc (verse) bao gồm nhiều lời ca được hát với cùng một giai điệu.

Và cũng có lẽ từ chữ “cantique” mà những bài hát tiếng Việt như đã mô tả được gọi là “thánh ca”.

Theo sự phát triển chung về âm nhạc của xã hội, ngày càng có nhiều nhạc sĩ với nhiều ca khúc “tân nhạc”[5] hơn, thánh ca tiếng Việt cũng được sáng tác nhiều hơn, đáp ứng không chỉ cho việc “hát chầu lễ”, mà còn cho các hoạt động đạo đức khác, như các buổi tĩnh tâm, cầu nguyện, các sinh hoạt giáo lý đức tin, các phong trào, các hội đoàn, các hoạt động truyền giáo...

Sau năm 1954, sinh hoạt thánh nhạc tại hai miền Bắc - Nam tuy có sự khác biệt, nhưng vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên các bài ca vẫn tập trung vào những chủ đề và hình thể âm nhạc như đã nêu ở giai đoạn trước.

Trong số những bài thánh ca tiếng Việt thời ấy, có nhiều bài đã vướng mắc nhiều sai sót đối với những quy định của Hội Thánh, nên đầu thập niên 1960, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã ra thông cáo buộc các bài thánh ca phải xin imprimatur mới nếu muốn tiếp tục được sử dụng[6].

Sau Công đồng Vatican II, (nửa cuối thập niên 1960) thánh lễ được phép cử hành bằng tiếng bản xứ.

Hình thể bộ lễ (kyriale)

Dựa trên hình thể âm nhạc của các bộ lễ bình ca, những bộ lễ (kyriale) bằng tiếng Việt bắt đầu được các nhạc sĩ sáng tác và phổ biến.

Xét về phương diện âm nhạc, những bộ lễ này đã làm cho thánh nhạc Việt Nam trở nên phong phú bởi các phong cách kết cấu giai điệu và cấu trúc hình thể âm nhạc của mình.

Những bộ lễ tiếng Việt thực sự đã mang đến một luồng sinh khí mới cho giáo dân tham dự phụng vụ. Trong số những bộ lễ được viết từ thời đó, phải kể đến những bộ lễ cho đến ngày nay đã trở nên phổ cập bởi giá trị nghệ thuật và tính thánh thiện của chúng, như bộ lễ Seraphim (1964) của Đức Cố Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà và các bộ lễ Ca lên đi 1 và 2 (1968) và 3 (1970) của cha Kim Long.

Tuy nhiên, ngoài hình thể bộ lễ, hầu hết các bài ca khác vẫn chỉ được soạn theo mô hình ca khúc hai đoạn, tương tự như các bài “hát chầu lễ” ở giai đoạn đầu.

Cùng thời kỳ này, nhóm Alleluia của Học viện dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, với những bài ca theo châm ngôn “đem Chúa vào đời để giới thiệu cho mọi người, nhất là cho giới trẻ ”[7] đã tạo nên một màu sắc trẻ trung, sôi nổi nhưng đậm chất Thánh Kinh. Trong số những bài ca này, có nhiều bài rất hay mà ngày nay vẫn còn được nhiều người và ca đoàn hát.

Có thể nói, giai đoạn từ 1960 đến trước năm 1975, thánh ca Việt Nam đã phát triển phong phú hơn, cả về nội dung lời ca[8], lẫn về hình thể và phong cách âm nhạc[9].

Nội dung lời ca từ Thánh kinh

Linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh[10] là một trong những người tiên phong viết lời ca dựa theo ý lấy từ trong Kinh Thánh, Phụng Vụ và Truyền Thống. Cũng chính ngài đã đề xướng những hình thể khác nhau trong thánh ca cần phải được nghiên cứu và làm cho hoàn chỉnh hơn ở những lớp nhạc sĩ kế thừa.

Hình thể Đối ca với Thánh Vịnh (antiphona cum psalmo suo)

Linh mục nhạc sĩ Hoàng Kim[11] trong tập Họp Mừng Vượt Qua bắt đầu soạn các bài đối ca với thánh vịnh theo phong cách Gelineau[12].

Hợp xướng

Cùng thời gian này, những bài thánh ca hợp xướng cũng bắt đầu được phát triển, mà nổi bật là các bản hợp ca của Hải Linh do ca đoàn Hồn Nước trình tấu.

Tuy nhiên, hầu hết những bài hợp xướng này cũng đều được viết theo hình thể ca khúc hai đoạn, hoặc hình thức bài ca chúc tụng (hymnus), mà chưa thấy xuất hiện những bài theo các hình thể đặc trưng của hợp xướng như hình thể motetum, oratorio, chỉ duy nhất hai bài cantata của Tiến Dũng là bài Tình Một Nhà[13] và Đêm Ba Mươi Tết Trên Sông[14].

Sở dĩ có sự phát triển như vậy trong khoảng thời gian này, là nhờ những đóng góp không nhỏ cho Thánh nhạc Việt Nam của các nhạc sĩ bậc thầy như Tiến Dũng, Hải Linh, Kim Long, Hoàng Kim..., được đào tạo bài bản về chuyên môn từ châu Âu trở về. Ngoài việc sáng tác những tác phẩm có giá trị, họ còn có công đào tạo nên các thế hệ nhạc sĩ và ca trưởng kế thừa. Nhờ vậy mà Thánh nhạc Việt Nam bắt đầu được định hướng theo những chuẩn mực của Giáo hội.

Sự mất định hướng sau 30.4.1975[15]

Sau ngày 30.4.1975, khi các hoạt động âm nhạc thế tục bị hạn chế do sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, rất nhiều nhạc sĩ cả đạo và đời chuyển qua viết “thánh ca”, một phần để phục vụ các lễ nghi phụng vụ, nhưng phần khác, không thể phủ nhận được, đó là để giải toả tâm tình cá nhân qua ngôn ngữ âm nhạc.

Mặc dù có rất nhiều bài thánh ca mới được sáng tác, số lượng bài thánh ca trong cả nước ước tính đến năm 1988 có khoảng 100.000 bài[16] [17], nhưng “hầu hết các Toà Giám Mục không dám cho IMPRIMATUR các sách đạo, nên các nhạc sĩ tự do sáng tác và tự do in ấn (Ronéo) để phổ biến ”(33. Vì vậy, có thể nói, sinh hoạt Thánh Ca dường như mất dần sự định hướng trước đó.

Tiếp theo là thời kỳ Việt Nam bắt đầu đổi mới. Các chính sách về kinh tế và xã hội dần dần được cởi mở. Nhờ vậy, đời sống âm nhạc nói chung, và Thánh nhạc nói riêng, cũng theo đó mà phát triển một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị buông lỏng, “có thể nói, đã xảy ra một cảnh không mấy tốt đẹp trong sinh hoạt Thánh Ca, mà sau này, khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) được sinh hoạt chính thức, đã đặt vấn đề và yêu cầu ủy Ban Thánh Nhạc (UBTN) phải ổn định[18].

Trong năm 1994, UBTN đã ra ba bản Thông cáo để chấn chỉnh và hướng dẫn các hoạt động Thánh nhạc[19].

Năm 2014, văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc do UBTN soạn thảo đã được HĐGMVN chấp thuận thử nghiệm trong ba năm và đã được áp dụng chính thức theo Quyết định của Hội đồng Giám mục do Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM, ký ngày 28.4.2017 tại Nha Trang.

Đến những năm gần đây, thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, thời kỳ mà “nhà nhà”, “người người”... đều có thể dễ dàng tự làm “music producer”[20] và tự phổ biến tác phẩm của mình trên các phương tiện truyền thông khác nhau, thì “đời sống thánh ca” cũng theo đó mà phát triển một cách mạnh mẽ. Có lẽ khó mà thống kê hết được số lượng các bài thánh ca tính đến hôm nay.

Qua các buổi trình diễn âm nhạc đạo và đời và qua các phương tiện cùng với các kênh truyền thông khác nhau, thánh ca được phổ biến không chỉ trong các tín hữu trong đời sống đức tin mà còn lan tỏa trong đời sống của cả xã hội như một trong những giá trị nghệ thuật.

Tuy nhiên, hầu hết lại cũng chỉ được viết theo hình thể ca khúc hai đoạn như thời kỳ đầu với kết cấu giai điệu chịu ảnh hưởng của các dòng nhạc thế tục.

- Một danh xưng “thánh ca” duy nhất để cho tất cả các bài hát đạo

Từ ngữ “thánh ca” đã trở thành phổ thông trong đời sống văn hoá Việt Nam và được hiểu như một chủng loại âm nhạc (music genre), bên cạnh các chủng loại khác như blues, dance, pop, rock... trên các kênh nghe nhạc.

Đơn giản mà nói, thì danh xưng “thánh ca”, đối với mọi người, kể cả một số nhạc sĩ và giáo dân Công giáo, được hiểu một cách đơn giản là những bài hát về Chúa, về Đức Mẹ, hoặc về một mùa lễ nào đó, nhất là mùa Giáng sinh là mùa đã trở thành một lễ hội chung của xã hội. Nói cách khác, thì hễ bài ca nào có đề cập đến Chúa, đến Đức Mẹ. thì đó chính là “thánh ca”.

Mặc dù đã có văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc chỉ dẫn rất rõ ràng cho các hoạt động đàn hát trong Phụng vụ, nhưng cho đến hôm nay, văn kiện này vẫn chưa đủ thời gian để “đi vào cuộc sống”, như cách nói của những nhà làm luật. Vì vậy, một lần nữa, trong kỳ Hội thảo về Thánh nhạc lần thứ 46, ngày 20.10.2020, UBTN đã phải nhắc lại “Việc chuẩn nhận các bài thánh ca (imprimatur) và chỉ sử dụng những bài thánh ca đã chính thức “imprimatur”[21].

Tóm lại, từ giai đoạn hình thành cho đến ngày nay, giới hạn trong góc nhìn về tác phẩm và tác giả, Thánh nhạc Việt Nam vẫn không ngừng phát triển với những điểm mạnh:

- Về đội ngũ sáng tác: “Đội ngũ sáng tác Thánh ca ở Việt Nam có thể nói là một trong những đội ngũ đông nhạc sĩ nhất, với số lượng sáng tác các bài Thánh ca mới nhiều nhất so với nhiều Giáo hội địa phương khác”[22].

- Về số lượng tác phẩm: với số lượng bài hát mới, được cho là nhiều nhất so với các nước láng giềng, Thánh ca Việt Nam “đã góp phần tích cực cho đời sống đạo của giáo dân Việt Nam: không những giáo dục đức tin mà còn hâm nóng đức tin của họ [23], “đáp ứng nhu cầu cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau”[24] và “có hiệu quả truyền giáo rất lớn”[25]

Tuy nhiên, cũng chính điểm mạnh về số lượng tác phẩm và “đội ngũ đông đảo nhạc sĩ nhất” lại là điểm yếu trong sự phát triển của nền Thánh nhạc Việt Nam:

- Về đội ngũ sáng tác: tuy đông đảo nhưng không nhiều người được đào tạo hoàn chỉnh về chuyên môn Phụng vụ (thể hiện qua lời ca) và Thánh nhạc (hầu hết chỉ thể hiện qua chỉ một hình thể ca khúc hai đoạn).

- Về số lượng tác phẩm: tuy dồi dào về số lượng, nhưng lại nghèo nàn về hình thể âm nhạc. Suốt từ giai đoạn đầu đến nay, hầu hết các bài hát đều chỉ được soạn theo mô hình ca khúc hai đoạn tương tự như các bài “hát chầu lễ”. Các hình thể âm nhạc khác, như hình thể bộ lễ, đối ca với thánh vịnh, thánh vịnh đáp ca... vừa rất ít, vừa chỉ mới như những mô hình thử nghiệm.

Có thể nói, chính sự nghèo nàn về hình thể âm nhạc và sự hạn chế của kiến thức về Phụng vụ và Thánh nhạc của người soạn nhạc, đã tạo nên những khó khăn trong việc phân loại đúng tính chất của mỗi bài ca. Vì vậy, chỉ có thể dùng một thuật ngữ thông dụng và duy nhất để gọi chung tất cả các bài hát đạo là “thánh ca”. Và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những ngộ nhận như sẽ đề cập ở phần tiếp theo.

P.Kim

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 126 (Tháng 9 & 10 năm 2021)

Nguồn: hdgmvietnam.com

----------------------------

[1] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (1960- 2010) của UBTN - Giai đoạn hình thành các bài thánh ca tiếng Việt, trang 10 - 11.

[2] Ibid - Nhận định, trang 40.

[3] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (1960-2010) của UBTN - Giai đoạn hình thành các bài thánh ca tiếng Việt, trang 10 - 11.

[4] Cantiques de la jeunesse, Abbé E. Dubois Lille - Desclée de Brouwer - ấn bản năm 1928

[5] “Tân nhạc” là tên gọi thông dụng của dòng nhạc xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 1928, lấy nhạc ngữ Tây phương làm nền tảng. Gọi là “tân nhạc” để phân biệt với “cổ nhạc” là các loại nhạc cổ truyền.

[6] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua - Giai đoạn sau 1954 đến 1975 - số 6b

[7] NHÓM ALLÉLUIA - Nhạc Vào Đời của Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế nửa cuối thập niên 1960 tại Đà Lạt - Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT(viết theo tài liệu Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam) http://www. simonhoadalat.com/thanhnhac/VaoDoi/NhomAlleluia.htm

[8] Về nội dung lời ca: lấy ý từ trong Kinh Thánh, Phụng Vụ và Truyền Thống (thí dụ: Hương Thánh Kinh I và II - Vinh Hạnh - 1963)...

[9] Về hình thức âm nhạc và phong cách âm nhạc: hình thể bộ lễ (Seraphim - 1964 và Ca lên đi - 1968), hình thể đối ca với thánh vịnh (Họp Mừng Vượt qua - Hoàng Kim - 1970).

[10] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua - Giai đoạn sau 1954 đến 1975 - số 6b + Vinh Hạnh

[11] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua - Giai đoạn sau 1954 đến 1975 - số 6b - Hoàng Kim

[12] “Joseph Gelineau Biography - GIA Publications”, web.archive.org. 2021-03- 09. Retrieved 2021.4.12. https://web.archive.org/web/20210309095847/ https://www.giamusic.com/bios/gelineau_joseph.cfm

Joseph Gelineau (1920-2008), linh mục dòng Tên, nhà soạn nhạc Pháp, thành viên hội đồng dịch thuật La Bible de Jérusalem, khai sáng ra kiểu hát thánh vịnh mà người ta gọi tên là Gelineau psalmody, được nhiều nơi trên thế giới áp dụng.

[13] Tinh Một Nhà, lời ca: Gioan Minh, nhạc: Tiến Dũng, viết cho dàn nhạc và hợp xướng. - Khoa âm nhạc Đại học Minh Đức trình diễn năm 1973.

[14] Đêm Ba Mươi Tết Trên Sông, Nhạc và lời: Tiến Dũng, viết cho dàn nhạc và hợp xướng . - Khoa âm nhạc Đại học Minh Đức trình diễn năm 1973.

[15] Không đề cập đến những thành tựu, nhưng tập trung vào những khiếm khuyết

[16] Dẫn vào Thánh nhạc - Bài 1: Tình hình Thánh nhạc - Ban Thánh Nhạc TGP Sài Gòn 1975 - 1988, trang 5.

[17] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua - Giai đoạn sau 1975 - số 7b, Sau năm 1975 - Vấn đề bị bỏ ngỏ

[18] Ibid

[19] Thông Cáo 1, gồm 3 nội dung chính: I. Các bài Thánh Ca được dùng khi cử hành Phụng vụ, II. Nhạc cụ dùng trong Phụng vụ và III. Huấn luyện về Thánh Nhạc - Thông Cáo 2, Góp Ý Về Việc Chuẩn Nhận Các Bài Thánh Ca Dùng Trong Phụng Vụ - Thông Cáo 3: Hướng Dẫn Sáng Tác và Sử Dụng các Bài Hát Trong Thánh Lễ

[20] Music producer: người sản xuất âm nhạc.

[21] Việc chuẩn nhận các bài Thánh ca, Lm Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký UBTN -

HĐGMVN - Hương trầm số 31, trang 21 - 47

[22] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua - C. Nhận định 6

[23] Ibid- C. Nhận định 1

[24] Ibid - C. Nhận định 2

[25] Ibid - C. Nhận định 3