TS Thần học: Giáo hội học & Thánh Mẫu học - Số 65

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3871 | Cập nhật lần cuối: 11/13/2014 4:02:20 PM | RSS

LỜI GIỚI THIỆU

Số báo này được phát hành để kỷ niệm 50 năm ban hành hiến chế Lumen gentium của công đồng Vaticanô II về Hội thánh TS Thần học: Giáo hội học & Thánh Mẫu học - Số 65(24/11/1964). Dĩ nhiên, trong vòng nửa thế kỷ vừa qua, rất nhiều sách báo đã được viết về Hội thánh đến nỗi có người đã nói rằng thế kỷ XX là “thế kỷ của Hội thánh”, nhưng như thường lệ, chúng tôi chỉ chọn lựa vài vấn đề mang tính “thời sự”.

1. Mở đầu là bài giới thiệu thông điệp Ecclesiam suam của đức thánh cha Phaolô VI được ban hành ngày 6/8/1964. Thông điệp này không chỉ vạch ra đường hướng hoạt động của một tân giáo hoàng nhưng còn muốn định hướng cho tất cả hướng đi của công đồng Vaticanô II: Hội thánh cần ý thức sâu xa bản tính của mình, để rồi từ đó xác định sứ mạng của mình trong thế giới. Các văn kiện của Công đồng lấy Hội thánh làm tâm điểm, và khám phá những tương quan hướng thượng, hướng nội và hướng ngoại của mình. Với thông điệp này, thuật ngữ “đối thoại” được du nhập vào các văn kiện Toà thánh. Bài viết này cũng muốn tưởng nhớ vị giáo hoàng sắp được tôn phong chân phước ngày 19 tháng 10 tới đây.
2. Để hiểu rõ sự đóng góp của Vaticanô II cho Giáo hội học, linh mục Eloy Bueno de la Fuente đưa chúng ta ngược lại dòng lịch sử. Hội thánh xuất hiện đồng thời với Kitô giáo, nhưng Giáo hội học thì ra đời muộn hơn mười hai thế kỷ! Trước khi trở thành một khảo luận biệt lập, Hội thánh đã được các giáo phụ và thánh Tôma bàn trong một tổng bộ rộng lớn của lịch sử cứu độ. Tác giả nêu bật những yếu tố văn hóa và xã hội đã đưa đến những mô hình khác nhau về Hội thánh trong bảy thế kỷ gần đây cho đến công đồng Vaticanô II, trải qua bảy giai đoạn.
3. Vaticanô II thường được đặt tên là một “Công đồng về Giáo hội”, bởi vì đề tài này được bàn trong hầu hết các văn kiện. Tuy nhiên, Công đồng không đưa ra một định nghĩa về Giáo hội. Sau Công đồng, nhiều tác giả nhấn mạnh đến một “ý tưởng chủ” của Công đồng, chẳng hạn như: Dân Thiên Chúa, Hiệp thông, Thân thể Chúa Kitô, Bí tích, Mầu nhiệm, Nước Thiên Chúa... Làm thế nào có được một cái nhìn bao quát về Giáo hội? Thượng hội đồng các giám mục 1985 đã tổng hợp tư tưởng chính của bốn hiến chế của Công đồng và rút gọn vào mô hình ba chiều: “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”. Tuy nhiên, điểm trọng tâm của ba chiều kích này đã chuyển từ Giáo hội sang Thiên Chúa Ba Ngôi. Nữ tu Đinh Thị Sáng trình bày nội dung phong phú của mô hình này để hiểu rõ bản chất và sứ mạng của Giáo hội.
4. Sau Công đồng, hầu hết những suy tư thần học về Giáo hội đều xoay quanh bốn chương đầu của hiến chế Lumen gentium, và ít để ý đến chương thứ năm về ơn gọi nên thánh. Nói khác đi, sự thánh thiện cũng thuộc về bản chất của Giáo hội, như cha Nguyễn Văn Am, SDB cho thấy trong bài thuyết trình tại Trung tâm Học vấn Đa Minh nhân cuộc hội thảo vào ngày áp lễ tuyên phong hiển thánh cho hai vị giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II (26/4/2014), “Công đồng Vatican II: Sự thánh thiện Kitô hữu – thành tựu hay lên đường? Hồng ân và trách nhiệm.”
5. Với cuộc bỏ thăm ngày 29 tháng 10 năm 1963, công đồng Vaticanô II đã quyết định bàn về Đức Maria trong hiến chế về Hội thánh, thay vì dành một văn kiện biệt lập. Bài viết của cha Salvatore Perrella, Giám đốc Học viện Thánh Mẫu học Marianum (Rôma) trình bày những đường hướng Thánh mẫu học của Công đồng, và những tiến triển trong vòng 50 năm qua. Bài này chú trọng đến lãnh vực suy tư thần học. Trong lãnh vực tôn kính, Thời sự thần học số 64 vừa rồi đã có một bài về “Lòng đạo đức kính Đức Mẹ trong bối cảnh của lòng đạo đức bình dân” (tr. 104–139).
TS Thần học: Giáo hội học & Thánh Mẫu học - Số 656. Hai bài cuối cùng mang tính “thời sự”. “Hiện tượng tục hóa: quan điểm xã hội học và thần học” là đề tài thuyết trình của linh mục Phan Tấn Thành tại buổi thường huấn dành cho các giáo sư đại chủng viện tại Đà Lạt vào đầu tháng 7 năm nay. Thuật ngữ “tục hóa” – dịch danh từ secularisation – là một hiện tượng hàm hồ, bởi vì không những từ ngữ này mang nhiều ý nghĩa, mà sự giải thích hiện tượng cũng phức tạp: đâu là nguyên nhân của hiện tượng này (do sự tiến triển của khoa học, hay là bắt nguồn từ Thánh kinh)? Đó là một thắng lợi hay thiệt hại cho đời sống đức tin?
7. Để kỷ niệm 50 năm thành lập, Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn đã xuất bản (vào ngày 19 tháng 5 năm nay) tài liệu “Đối thoại trong sự thật và yêu thương. Hướng dẫn mục vụ về đối thoại liên tôn”. Chúng tôi xin giới thiệu những nét chính về hoạt động của cơ quan này cũng như của văn kiện. Việc đối thoại liên tôn không chỉ dành cho các chuyên viên, nhưng là một công việc diễn ra thường ngày cho mỗi Kitô hữu, qua những cuộc gặp gỡ những người không cùng tín ngưỡng trong xã hội. Với bài dành cho đối thoại liên tôn trong số này, Thời sự Thần học đã có dịp đề cập đến ba “vòng đối thoại” của thông điệp Ecclesiam suam, sau những bài về đối thoại với người vô thần (số 62) và đối thoại đại kết (số 63).
Một vài chủ đề khác về Hội thánh sẽ được tiếp tục khai triển trong những số tới, trùng với “Năm về Đời sống Thánh hiến” cũng như kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng (2015).
TTHVĐM
* * *
TRONG SỐ NÀY
THÔNG ĐIỆP ECCLESIAM SUAM CỦA CHÂN PHƯỚC PHAOLÔ VI
Bình Hoà
GIÁO HỘI HỌC TRẢI QUA LỊCH SỬ
Eloy Bueno de la Fuente
CHÚA BA NGÔI VÀ GIÁO HỘI
Đinh Thị Sáng
CÔNG ĐỒNG VATICAN II : SỰ THÁNH THIỆN KITÔ HỮU - THÀNH TỰU HAY LÊN ĐƯỜNG? HỒNG ÂN VÀ TRÁCH NHIỆM
Nguyễn Văn Am
THÁNH MẪU HỌC TỪ VATICANÔ II ĐẾN NAY
Salvatore M. Perrella
HIỆN TƯỢNG TỤC HÓA : QUAN ĐIỂM XÃ HỘI HỌC VÀ THẦN HỌC
Phan Tấn Thành
NĂM MƯƠI NĂM ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
Tấn Anh