Gioan Phaolô II: Thông điệp Lao động của con người (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 826 | Cập nhật lần cuối: 12/3/2019 2:36:28 AM | RSS

THÔNG ĐIỆP LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜIGioan Phaolô II: Thông điệp lao động của con người (1)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

(tiếp theo)

II. LAO ĐỘNG VÀ CON NGƯỜI

4. Trong sách Sáng thế

Giáo Hội xác tín rằng lao động mang một tầm vóc cốt yếu trong đời sống của con người trên trái đất. Niềm tin ấy càng thêm vững chắc nhờ căn cứ vào toàn bộ di sản của các ngành khoa học nghiên cứu về loài người như: nhân loại học, cổ sinh vật học, sử học, xã hội học, tâm lý học v.v…tất cả các ngành khoa học ấy hầu như chứng minh thực tại đó một cách hết sức chắc chắn , tuy nhiên, trước hết Giáo Hội có được niềm xác tín đó nhờ ở Lời mạc khải của Thiên Chúa, và vì thế niềm xác tín của Giáo Hội vừa là một niềm xác tín của tri thức vừa là một niềm xác tín của đức tin. Lí do là vì – đây là điều chúng ta nên lưu ý tới ngay từ bây giờ – Giáo Hội tin tưởng vào con người: Giáo Hội nghĩ tới con người, ngỏ lời với con người, không những dựa vào ánh sáng của kinh nghiệm lịch sử hoặc dựa vào các phương pháp của tri thức khoa học, mà nhất là còn dựa vào lời mạc khải của Thiên Chúa hằng sống. Giáo Hội đề cập đến con người và tìm cách diễn tả những ý định muôn đời và những vận mệnh siêu việt mà Thiên Chúa hằng sống là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu chuộc, đã gắn liền vào với con người.

Giáo Hội tìm thấy ngay trong những trang đầu của sách Sáng thế niềm xác tín rằng: lao động là một chiều kích căn bản của đời sống con người trên trái đất. Khi phân tích đoạn văn này, chúng ta ý thức được rằng ngay cả trong mầu nhiệm tạo thành, những đoạn văn ấy cũng đã biểu lộ những chân lí căn bản về con người – thỉnh thoảng với một hình thức diễn tả cổ sơ. Đó là những chân lí quyết định số phận của con người ngay từ những ngày đầu và đồng thời cũng diễn tả các đường nét chính của đời sống con người trên trần gian, không những trong tình trạng công chính nguyên thủy mà cả trong tình trạng tội lỗi đã phá vỡ giao ước nguyên thủy giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật. Khi con người, được tạo dựng “giống hình ảnh của Thiên Chúa…, cả nam lẫn nữ”, nghe lời Chúa phán bảo “Hãy sinh sản, gia tăng thêm nhiều đầy dẫy trái đất và hãy bắt nó phục tùng” thì mặc dầu những lời đó không trực tiếp hay minh nhiên nói đến vấn đề lao động, chúng vẫn cũng ám chỉ một cách gián tiếp đến lao động, coi như đó là một hoạt động của con người trên trần gian. Hơn thế nữa, chúng còn chứng tỏ một cách rõ ràng bản chất sâu xa của lao động. Sở dĩ con người là hình ảnh Thiên Chúa, nhất là vì họ được Đấng Tạo Hóa uỷ nhiệm cho việc khuất phục và cai trị cả trái đất. Khi thi hành lời uỷ nhiệm đó, mọi người phản ảnh chính công việc làm của Đấng tạo thành vũ trụ.

Lao động được coi như một “hành động ngoại thi” có nghĩa là nó bắt nguồn từ một chủ thể là con người, nhưng hướng về một đối tượng bên ngoài. Vì thế phải hiểu: lao động chính là việc con người chế ngự “trái đất” một cách đặc biệt, con người xác định và phát triển sự chế ngự đó. Đành rằng, danh từ “trái đất” nói trong Kinh Thánh trước hết chỉ một phần vũ trụ hữu hình, nơi con người sinh sống, song hiểu rộng ra, nó chỉ tất cả cái thế giới hữu hình nằm dưới tầm ảnh hưởng của con người, nhất là khi con người hành động theo nhu cầu của họ. Từ ngữ “hãy bắt trái đất phục tùng” có tầm giá trị vô biên. Nó chỉ tất cả mọi tài nguyên mà trái đất (và gián tiếp là cả thế giới hữu hình) chứa đựng bên trong và con người có thể dùng hoạt động tri thức của mình để khám phá và sử dụng theo ý của họ. Chính vì thế nên những lời này, đặt ngay nơi trang đầu của bộ Kinh Thánh, luôn luôn có giá trị hiện tại. Nó áp dụng không những cho các thời đại văn minh, kinh tế đã qua mà cho tất cả những giai đoạn phát triển sắp tới có lẽ lúc này mới khởi sự thành hình, nhưng hiện thời phần lớn như còn ẩn tàng, chưa được con người biết tới.

Thỉnh thoảng người ta có nói đến những giai đoạn “gia tốc” trong đời sống kinh tế trong nền văn minh của nhân loại hay của một số quốc gia, nghĩa là những giai đoạn tiến bộ đặc biệt của khoa học, kỹ thuật và nhất là những khám phá có ảnh hưởng quyết định tới đời sống kinh tế, xã hội, nhưng có thể nói là không một giai đoạn “gia tốc” nào vượt quá nội dung cốt yếu đã được trình bày trong đoạn văn rất cổ nói trên của kinh Thánh. Khi dùng sức lao động để trở nên chủ nhân có uy quyền hơn trên trái đất và khi sử dụng sức lao động để củng cố uy quyền của mình trên thế giới hữu hình, thì trong mỗi bước tiến tới, mỗi giai đoạn tiến bộ, con người luôn luôn nằm trên con đường mà Đấng Tạo Hóa đã vạch ra từ hồi nguyên thủy; chương trình kế hoạch của Đấng Tạo Hóa được nhất thiết gắn liền chặt chẽ với sự kiện này là: con người, nam và nữ, đã được tạo dựng “Giống hình ảnh của Thiên Chúa” đây là một diễn tiến có tính cách phổ quát, vì nó liên quan tới tất cả mọi người, mọi thế hệ. Mọi giai đoạn phát triển kinh tế và văn hóa; đồng thời đây cũng là một diễn tiến được thực hiện trong mỗi một con người, một vật thụ tạo có ý thức. Diễn tiến đó liên quan đến tất cả, đến mỗi một người. Mọi người và từng người, tùy theo một chiều kích thích ứng và dưới muôn vàn thể thức, đều tham dự vào diễn tiến khổng lồ, trong đó con người “bắt trái đất phải phục tùng” bằng sức lao động của họ.

5. Lao động theo ý nghĩa khách quan: kỹ thuật chuyên môn.

Đặc tính phổ quát và đa dạng của diễn tiến “Con người bắt trái đất phục tùng” làm nổi bật giá trị lao động của con người, lý do vì việc con người chế ngự trái đất được thể hiện trong sự lao động, và nhờ lao động. Từ đó, ta thấy xuất hiện ý nghĩa của lao động hiểu theo nghĩa khách quan, ý nghĩa đó được biểu lộ tùy theo mỗi giai đoạn của nền văn hóa và văn minh. ngay từ buổi sơ khai, con người đã chế ngự trái đất bằng cách thuần hóa loài vật, nuôi chúng và bắt chúng phải cung cấp của ăn áo mặc, và cũng bằng khai thác từ lòng đất, biển cả những tài nguyên thiên nhiên. Dần dần về sau sự chế ngự ấy gia tăng khi con người biết cách gieo trồng, cày cấy và khi biết biến chế các sản phẩm để thích ứng với nhu cầu của họ. Và như thế, nông nghiệp đã trở thành một ngành sơ khai của hoạt động kinh tế, nhờ lao động của con người, nông nghiệp là một nhân tố cần yếu của sản xuất. Và sau đó đến lượt kỹ nghệ, một ngành hoạt động phối hợp các tài nguyên của trái đất- các tài nguyên còn nguyên chất của thiên nhiên, các nông sản, các tài nguyên khoáng sản và hóa chất- với sức lao động chân tay và trí óc của con người. Cả nền kỹ nghệ phục vụ cũng như trong ngành nghiên cứu thuần túy hay ứng dụng cũng tương tự như thế.

Ngày nay, trong ngành kỹ nghệ và nông nghiệp, có rất nhiều trường hợp, hoạt động của con người không là hoạt động chân tay nữa bởi vì chân tay và bắp thịt đỡ phải vất vả mệt nhọc nhờ việc sử dụng các máy móc, cơ khí mỗi ngày một hoàn bị hơn. Trong kỹ nghệ và ngay cả trong nông nghiệp, chúng ta đã chứng kiến những biến đổi do sự phát triển đều đặn và không ngừng của khoa học và kỹ thuật. Xét chung, về phương diện lịch sử, sự kiện này tạo ra những bước ngoặc quan trọng của nền văn minh, kể từ đầu “kỷ nguyên kỹ nghệ” đến các giai đoạn phát triển tiếp theo đó nhờ những kỹ thuật mới như điện tử hoặc các máy vi phát trong những năm gần đây.

Người ta có thể cho rằng trong diễn tiến kỹ nghệ, chính máy móc mới “làm việc”, còn con người chỉ có việc kiểm soát máy, giúp nó vận hành hoặc trợ giúp nó cách này hay cách khác; nhưng thực sự chính sự kiện đó mà sự phát triển kỹ nghệ đặt ra một cái mốc khởi hành để có thể đặt lại lao động một cách mới mẻ. Việc kỹ nghệ hóa đầu tiên đã tạo ra vấn đề lao động cũng như những biến đổi giai đoạn kỹ nghệ và hậu kỹ nghệ xảy ra sau đó chứng minh một cách hết sức rõ ràng, ngay trong giai đoạn “lao động” cơ khí hóa thêm mãi, chủ thể thực sự của lao động vẫn là con người.

Sự phát triển của kỹ nghệ và các ngành liên hệ, kể cả những kỹ thuật mới mẻ nhất của điện tử, đặc biệt là trong lãnh vực vi hóa, điện toán, điện thư…,tất cả đều chứng minh rằng, trong giai đoạn cộng hưởng giữa chủ thể và đối tượng của lao động (hiểu theo nghĩa rộng nhất) kỹ thuật, một thứ đồng minh của lao động do tư tưởng của con người tác tạo ra, đóng một vai trò rộng lớn quan trọng như thế nào? trong trường hợp này, nếu kỹ thuật được hiểu là toàn bộ những dụng cụ con người đem sử dụng trong lao động chứ không phải là một khả năng hay một tài năng lao động, thì quả thực, kỹ thuật đúng là một đồng minh của con người. Kỹ thuật làm cho lao động dễ dàng hoàn bị hơn, nhanh chóng hơn và nhiều hơn. Kỹ thuật giúp cho sản phẩm của lao động thêm nhiều hơn và phẩm chất của phần đông cũng tốt hơn . Ngoài ra có sự kiện này là: Trong một số trường hợp việc cơ khí hóa lao động, đã “hất chân” con người bằng cách khiến cho họ mất hết niềm thỏa mãn riêng, hết mọi phát huy sáng kiến hết tinh thần trách nhiệm, khi nó làm cho nhiều người thợ không còn việc làm hoặc khi vì quá đề cao máy móc, con người trở thành nô lệ của máy móc.

Nếu từ ngữ của Kinh Thánh “Hãy bắt trái đất phục tùng" mà con người được nghe từ thuở ban đầu được hiểu trong khung cảnh của toàn thể thời đại kỹ nghệ và hậu kỹ nghệ ngày nay, thì nhất định nó cũng mang ý nghĩa một mối liên quan với kỹ thuật, với thế giới của cơ khí hóa và máy móc, một mối liên hệ kết quả lao động trí óc con người và xác định tính cách lịch sử việc con người chế ngự thiên nhiên.

Thời đại mới đây của lịch sử nhân loại và đặc biệt của một vài xã hội, tự nó cũng xác minh: Kỹ thuật là một nhân tố cốt yếu của tiến bộ kinh tế; nhưng đồng thời chính sự xác minh ấy đã và còn luôn luôn làm phát sinh ra những vấn đề có liên hệ tới sự lao động của con người, xét về khía cạnh những tương quan của nó đối với chủ thể là chính con người. Những vấn đề này bao hàm một toàn bộ riêng biệt những nhân tố và những vấn đề gay cấn có tính cách đạo đức và cả tính cách đạo đức xã hội nữa. Vì thế chúng thường xuyên trở thành một thách đố đối với nhiều cơ cấu tổ chức, đối với các quốc gia và chính phủ, đối với các chế độ và tổ chức quốc tế và đồng thời cũng là thách đố đối với Giáo Hội.

6. Lao động theo nghĩa chủ quan: con người, chủ thể của lao động.

Muốn tiếp tục việc phân tách về vấn đề lao động bằng cách dựa vào Kinh Thánh (theo đó con người phải chế ngự trái đất), chúng ta phải chú trọng vào ý nghĩa chủ quan của lao động. Chú trọng nhiều hơn là vào ý nghĩa khách quan: chúng ta thực sự chỉ mới lướt qua vấn đề rộng rãi lớn lao này, một vấn đề mà các chuyên gia thuộc nhiều ngành và cả những người thuộc giới lao động hoàn toàn hiểu rõ từng chi tiết, mỗi người hiểu theo lãnh vực mình. Trong việc phân tách trên đây, những lời trong sách sáng thế mà ta trích dẫn chỉ nói một cách gián tiếp đến lao động hiểu theo nghĩa khách quan, và khi nói đến chủ thể của lao động thì cũng nói gián tiếp như thế; tuy nhiên, điều mà những lời Kinh Thánh nói lên rất hùng biện và súc tích ý nghĩa.

Con người phải chế ngự trái đất, phải bắt nó phục tùng, vì họ là “hình ảnh của Thiên Chúa”, họ là một nhân vị, nghĩa là một chủ thể, một chủ thể có khả năng hành động một cách có kế hoạch và hợp lý, có khả năng tự quyết định và hướng tới sự thành tựu của bản thân mình. Chính vì là một nhân vị, nên con người mới là chủ thể của lao động, bất kể nội dung khách quan của nó như thế nào, các hoạt động này phải thực hiện nhân tính của con người và hoàn thành thiên chức của một nhân vị hay ơn gọi làm người của mình. Nhưng chân lý chính yếu về vấn đề này mới đây đã được cộng đồng Vaticanô II nhắc lại trong hiến chế Gaudium et spes, đặc biệt nơi chương I nói về thiên chức của con người.

Vì thế vấn đề “chế ngự” được nói đến trong đoạn Kinh Thánh mà ta suy ngẫm nơi đây không phải chỉ liên quan đến khía cạnh khách quan của lao động, mà nó còn đồng thời giúp ta hiểu cả tầm vóc chủ quan của nó nữa. Sự lao động được hiểu theo một diễn tiến, theo đó con người và nhân loại chế ngự trái đất, lao động ấy chỉ tương ứng với ý niệm căn bản của Kinh Thánh khi trong suốt diễn tiến đó, con người đồng thời cũng biểu hiện và tự xác định rằng mình là người “làm chủ” hiểu theo một ý nghĩa nào đó, sự chế ngự này liên quan đến khía cạnh chủ quan nhiều hơn khía cạnh khách quan: khía cạnh đó là điều kiện của tính chất đạo đức của lao động. Quả vậy, có một điều không nghi ngờ là lao động con người có giá trị đạo đức trực tiếp gắn liền, không qua trung gian nào, với sự việc này là: người thực hiện lao động ấy là một nhân vị, một chủ thể có ý thức và tự do, nghĩa là một chủ thể tự quyết định.

Có thể nói: chân lý này là điểm trung tâm và thường trực của giáo lý Kitô Giáo về lao động của con người; chân lý đó đã và đang tiếp tục có một ý nghĩa căn bản cho việc đặt ra những vấn đề xã hội quan trọng trong suốt các thời đại.

Trong thời đại cổ, con nười được phân chia một cách đặc thù thành từng nhóm tùy theo việc làm. Người ta giao cho nô lệ làm những công việc đòi hỏi phải sử dụng sức mạnh thân xác, phải sử dụng đến chân tay và bắp thịt, vì người ta cho sự lao động ấy không xứng đáng đối với người tự do. Kitô giáo đã mở rộng tầm nhìn có sẵn trong cựu ước và đem lại một sự thay đổi căn bản các quan niệm, tuy là Thiên Chúa, đã trở nên hoàn toàn giống chúng ta đã hiến phần lớn đời mình ở trần gian cho lao động chân tay nơi xưởng mộc của mình. Hoàn cảnh này, tự nó, chính là một “Tin Mừng” hùng hồn nhất “về lao động”. Do đó, căn bản giúp chúng ta xác định giá trị của lao động con người không phải cốt ở loại việc làm mà ở sự kiện này: người làm công việc ấy là một người. Nguồn gốc phẩm giá của lao động không thể tìm thấy nơi chiều kích khách quan nhưng phải tìm nơi chiều kích chủ quan của nó.

Với quan niệm như thế, đương nhiên người ta không còn có thể chấp nhận căn bản xưa được dùng để phân biệt loài người thành từng nhóm, dựa theo loại công việc họ làm điều đó không có nghĩa rằng không bao giờ có thể hoặc nên định giá lao động con người về phương diện khách quan. Điều đó chỉ có nghĩa rằng căn bản đầu tiên dùng để định giá lao động là chính con người, là chủ thể của lao động. Ngay tại đây ta có thể rút ra một kết luận rất quan trọng có tính chất đạo đức: mặc dầu con người được chỉ định và kêu gọi lao động thật, nhưng trước hết có lao động là “vì con người” chứ không phải con người sinh ra cốt “để lao động”. Xuất phát từ kết luận này, chúng ta đương nhiên sẽ phải công nhận tính cách ưu việt của ý nghĩa chủ quan của lao động đối với ý nghĩa khách quan của nó. và cũng xuất phát nhìn sự việc trên đây, cộng thêm với việc chấp nhận rằng các công việc làm do con người thực hiện có thể có ít nhiều giá trị khách quan, chúng ta tìm cách để xác minh rằng: mỗi công việc đó phải được đánh giá trước hết căn cứ vào tầm vóc giá trị của chủ thể của chính công việc, nghĩa là giá trị của cá thể, của con người thực hiện công việc ấy. Mặt khác, bất kể công việc gì được mọi người làm (và giả dụ rằng, công việc đó trở thành mục đích hoạt động của họ)- và thỉnh thoảng mục đích này chiếm hết thời gian, tâm trí họ – thì chính mục đích ấy không mang trong nó một ý nghĩa quyết định. Và cuối cùng, mục đích của lao động – dù là công việc hết sức hèn mọn, một lao động cực kỳ đơn điệu xét theo bậc thang định giá thông thường, một lao động tầm thường nhất – mục đích ấy bao giờ cũng là chính con người.

7. Mối đe dọa đối với bậc thang giá trị đích thực:

Những xác định chủ yếu trên đây về vấn đề lao động luôn luôn bắt nguồn từ chân lý phong phú của Kitô Giáo, nhất là từ chính bản sứ điệp của “Tin Mừng lao động” chúng tạo thành nền tảng của cách suy nghĩ, phán đoán và hành động mới của con người. Vào thời đại ngày nay, ngay từ đầu kỷ nguyên kỹ nghệ, chân lý Kitô giáo về lao động phải đối đầu với những luồng tư tưởng duy vật và duy kinh tế.

Đối với một số người theo các trào lưu tư tưởng này, lao động được hiểu và đối xử y như một loại “hàng hóa” mà người lao động và đặc biệt là người thợ trong kỹ nghệ bán cho người chủ thuê là người đồng thời làm chủ vốn nghĩa là làm chủ toàn bộ các dụng cụ lao động và những phương tiện để sản xuất. Cách quan niệm về lao động như vậy có lẽ đặc biệt phổ biến vào đầu thế kỷ thứ 19. Rồi sau đó, những định thức minh nhiên thuộc loại này gần như hoàn toàn biến mất và thay thế vào đó là một lối suy nghĩ và định giá một cách nhân đạo hơn về lao động. Sự cộng hưởng giữa người lao động và toàn bộ các dụng cụ, phương tiện sản xuất đã khiến cho chủ nghĩa tư bản phát triển dưới nhiều hình thức song song với các hình thức của chủ nghĩa tập thể, trong những hình thức tư bản có xen vào nhiều nhân tố kinh tế xã hội phát sinh do những hoàn cảnh thực tế mới, do sự hoạt động của các liên đoàn thợ thuyền, của các cơ quan chính quyền, do sự thành lập các đại xí nghiệp siêu quốc gia. Mặc dầu thế, người ta vẫn thấy cái nguy cơ của khuynh hướng muốn coi lao động như một thứ “hàng hóa suigeneris” (biệt loại) hoặc như một thứ “lực lượng” vô danh cần cho sản xuất (có người dùng đến cả danh từ “lực lao động”) nếu phương pháp trình bày và giải quyết các vấn đề về kinh tế dựa trên những nguyên tắc của “chủ nghĩa kinh tế” duy vật.

Đối với lối suy nghĩ và phán đoán này, cái tạo ra một cơ hội có hệ thống, hay theo một ý nghĩa nào đó, trở thành một động cơ kích thích, chính là diễn tiến phát triển gia tốc của nền văn minh duy vật phiến diện, trong đó người ta quan trọng hóa khía cạnh khách quan của lao động, trong khi kích thước chủ quan – nghĩa là tất cả những gì có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với chính chủ thể của lao động đều bị liệt kê vào hàng thứ yếu. Trong tất cả mọi trường hợp thuộc loại này và trong mỗi hoàn cảnh xã hội thuộc kiểu đó, thấy xuất hiện một sự hỗn độn và hơn thế, một sự đảo lộn trật tự đã được thiết lập từ những ngày đầu do lời trong sách Sáng thế: Lúc đó con người bị coi như một dụng cụ sản xuất, trong khi họ — và chỉ mình họ thôi, chứ không kể đến công việc họ làm — phải được coi như chủ thể hiệu năng, người thợ thực sự và người tạo thành của công việc đó. Hãy bỏ qua một bên chương trình, danh xưng của nó, chính ra sự đảo lộn trật tự đó, hiểu theo ý nghĩa sẽ giải thích rộng rãi dưới đây, phải gọi là “chủ nghĩa tư bản” mới đúng. Chúng ta biết rõ: chủ nghĩa tư bản có một ý nghĩa lịch sử được xác định rõ ràng coi như một chế độ kinh tế xã hội đối lập với “chủ nghĩa xã hội” hoặc “cộng sản chủ nghĩa”. Nhưng nếu để ý phân tách thực tại căn bản của tất cả các diễn tiến kinh tế và trước hết của các cơ cấu tổ chức sản xuất (và chính lao động là như thế đó!) thì ta nên ghi nhận rằng sự sai lầm của chủ nghĩa tư bản sơ khởi có thể lại tái diễn bất cứ ở nơi nào mà con người bị xếp ngang hàng với toàn bộ phương tiện vật chất dùng để sản xuất, bị coi như một dụng cụ mà đáng lý ra theo đúng giá trị của lao động phải được coi như một chủ thể, một tác giả, nói cách khác, như chính mục đích của tất cả tiến trình của sản xuất.

Đặt vấn đề như thế rồi, chúng ta sẽ hiểu rằng: việc dựa vào ánh sáng của những lời Kinh Thánh liên quan đến quyền “chế ngự” của con người trên trái đất để phân tách vấn đề lao động của họ, việc phân tách này xen vào chính trung tâm của vấn đề đạo đức xã hội. Quan niệm này cũng phải chiếm một vị trí trung tâm của tất cả địa hạt chính trị kinh tế xã hội, trên bình diện của những nước khác nhau, cũng như rộng hơn thế, trên bình diện các mối liên lạc quốc tế và liên lục địa, đặc biệt dựa vào những tình trạng căng thẳng trên thế giới, không những giữa Đông-Tây mà cả giữa Nam-Bắc. Bức Thông điệp Populorum progressio của Đức Phaolô VI đã đặc biệt chú tâm trên những khía cạnh đó của các vấn đề đạo đức và xã hội đương thời.

8. Sự liên đới của người lao động:

Nói đến lao động của con người, hiểu theo chiều hướng căn bản của chủ thể, nghĩa là con người trong tư cách một cá thể thực hiện lao động ấy, ít ra chúng ta cũng phải thử ước lượng sơ qua những phát triển đã xảy ra trong 90 năm qua kể từ Thông điệp Rerum novarum, xét trên chiều kích chủ quan của lao động. Quả vậy, chủ thể của lao động, tức là con người, lúc nào cũng là một, thế nhưng đã có nhiều thay đổi đáng kể xảy ra trong khía cạnh khách quan của lao động. Mặc dù có thể nói rằng, xét về phương diện chủ thể, lao động chỉ là một (là một với một tính chất không bao giờ có thể kiêm một cái gì giống hệt như thế), nhưng nếu nghiên cứu các điều kiện khách quan của nó, ta sẽ thấy có nhiều thứ lao động, có rất nhiều loại công việc khác nhau. Về lãnh vực này, sự phát triển của nền văn minh nhân loại là một nhân tố phong phú hóa liên tục. Tuy nhiên cần phải ghi nhận rằng, trong diễn tiến của sự phát triển này, trong khi có nhiều hình thức lao động mới xuất hiện, thì đồng thời cũng có nhiều hình thức cũ biến mất. Hãy cứ giả dụ rằng, trên nguyên tắc, đây là một hiện tượng thông thường, nhưng ta cũng cần tìm hiểu xem liệu trong hiện tượng đó, có lọt vào một vài sự gì bất thường có tính sâu xa hay chỉ bên ngoài có thể trở thành nguy hại về phương diện đạo đức xã hội không.

Chính trong thế kỷ trước, vì có một việc bất thường gây ra phản ứng quan trọng như thế, nên đã nảy sinh ra vấn đề lao động mà có người mệnh danh là “vấn đề giai cấp vô sản”. Vấn đề này, cũng như các vấn đề có liên hệ đã gây ra một phản ứng xã hội rất chính đáng và làm nảy sinh, có thể nói là làm bùng lên một mối tình liên đới nhiệt thành giữa các người lao động, nhất là những người lao động trong ngành kỹ nghệ. Lời kêu gọi hãy liên kết với nhau và cùng chung sức hành động được tung ra tới những con người lao động, có giá trị của nó, một giá trị quan trọng và có một sức mạnh thuyết phục về phương diện đạo đức xã hội, nhất là khi nó liên quan đến sự lao động có tính chất khu vực, đơn điệu, phi nhân trong những phức hợp kỹ nghệ, khi máy móc có khuynh hướng chế ngự con người. Đó là sự phản ứng chống lại sự giảm hóa con người, chủ thể của lao động, chống lại tình trạng bóc lột chưa từng thấy thường gắn liền vào đó trong lãnh vực lợi nhuận, điều kiện làm việc và công tác chiếu cố săn sóc cho cá nhân người lao động. Sức phản ứng đó đã liên kết thế giới công nhân lại thành một cộng đồng có tinh thần liên đới rất cao.

Nương theo hướng đi của Thông điệp Rerum novarum và rất nhiều tài liệu giáo huấn sau đó của Giáo Hội, chúng ta phải thành thật công nhận sự hợp lý về phương diện đạo đức xã hội của phản ứng chống lại chế độ bất công, tai hại mà tiếng kêu oan đã vang thấu Trời, thứ chế độ đè nặng trên người lao động trong giai đoạn kỹ nghệ hóa mau lẹ này. Tình trạng xã hội trên đây lại tìm được một môi trường thuận tiện trong chế độ xã hội chính trị tự do, một chế độ chủ trương những nguyên tắc kinh tế riêng của những người nắm tư bản, nhưng lại không chú trọng đầy đủ tới quyền lợi của người lao động, vì họ khẳng quyết rằng: lao động của con người chỉ là một dụng cụ sản xuất, rằng: tư bản là nền tảng, là nhân tố và là mục tiêu của sản xuất.

Kể từ đó, trong nhiều trường hợp, tinh thần liên đới của các người lao động cộng thêm việc có nhiều người bắt đầu ý thức rõ ràng hơn và dấn thân hơn để hoạt động cho quyền lợi của các người lao động, những yếu tố đã tạo ra nhiều thay đổi sâu xa. Người ta nghĩ ra nhiều thứ chế độ mới, nhiếu hình thức tân tư bản và tập sản chủ nghĩa được thành hình phát triển. Trong nhiều trường hợp và ở nhiều nơi, người lao động được tham gia và thực sự tham gia vào việc quản lý, kiểm soát công việc sản xuất của xí nghiệp. Với những tổ chức liên đoàn thích hợp, họ có ảnh hưởng đối với các điều kiện làm việc cũng như chế độ lương bổng và tới cả nền pháp chế xã hội nữa. Nhưng đồng thời, có những chế độ xây dựng trên căn bản ý thức hệ hoặc trên quyền hành, cũng như có những mối quan hệ mới xuất hiện trên những bình diện khác nhau của đời sống xã hội, những cái đó đã lưu giữ lại những chuyện bất công rành rành hoặc tạo ra những bất công mới. Trên bình diện thế giới, sự phát triển của nền văn minh và các phương tiện giao thông đã giúp người ta chẩn đoán được một cách đầy đủ hơn về các điều kiện sinh sống và làm việc của con người trên khắp thế giới, nhưng đồng thời nó lại cũng phát hiện ra những hình thức bất công khác còn lớn lao hơn cả thời thế kỷ vừa qua, những bất công trước đây đã khiến cho các người lao động phải hợp nhất lại với nhau trong một tinh thần liên đới đặc biệt trong thế giới thợ thuyền. Đó là việc đã xảy ra trong những nước đã thực hiện một thế diễn tiến của cuộc cách mạng kỹ nghệ; và đó là việc cũng đã xảy ra trong những nước mà công trường lao động lớn nhất vẫn là công trường của nông nghiệp hoặc những hoạt động tương tự.

Cần có những phong trào liên đới trong lãnh vực lao động – một thứ tinh thần liên đới không phải khép kín chẳng chịu đối thoại hoặc cộng tác với người khác – những phong trào liên đới có quan hệ cả với những tập thể xã hội từ trước đến nay chưa gia nhập chung vào, xong do sự hoán chuyển của các chế độ xã hội và điều kiện sinh sống, đã bị thực sự “vô sản hóa” hoặc trên thực tế đã thực sự sống trong tình trạng “gia cấp vô sản” và thật xứng đáng danh xưng đó, mặc dầu họ không chính thức mang danh xưng này. Có thể liệt vào hạng người này nhiều lớp người, nhiều nhóm “tri thức” lao động,đặc biệt là khi chế độ giáo dục đã được mở rộng, số những người học hành có bằng cấp nhờ việc học gia tăng ngày một nhiều, trong khi chỗ làm việc ngày một giảm. Tình trạng trí thức thất nghiệp ấy xảy ra hoặc gia tăng, nên người ta mở rộng cửa học đường, song nền giáo dục lại không hướng về những loại chức vụ và nghề nghiệp mà nhu cầu thực tế xã hội đòi hỏi hoặc khi loại công việc mà người ta cần được chuẩn bị bằng sự học văn hóa hay học nghề lại không được trọng dụng hoặc là không được trả lương cao bằng công việc tay chân. Đã hiển nhiên rằng tự nó vấn đề học vấn bao giờ cũng có giá trị và làm cho giá trị con người thêm phong phú hơn; tuy nhiên không phải thế mà tình trạng “vô sản hóa” không xảy ra theo một vài diễn tiến.

Chính vì thế nên chúng ta vẫn phải tiếp tục tìm hiểu thêm về chủ thể của lao động cũng như về về những điều kiện sinh sống của chủ thể ấy. Muốn thể hiện sự công bằng xã hội tại các miền đất trên thế giới, tại các quốc gia, trong các quan hệ giữa các miền, các nước, chúng ta luôn luôn cần phải có những phong trào liên đới mới của các người lao động và với những người lao động. Phải có thứ tinh thần liên đới như thế ở những nơi mà giá trị xã hội của chủ thể của lao động bị hạ thấp xuống, những nơi người lao động bị bóc lột và những miền đói khổ ngày một gia tăng. Giáo Hội nhiệt tâm dấn thân vào công cuộc này, vì Giáo Hội coi đó là sứ vụ, là công việc của mình và là chứng nghiệm cho lòng trung thành của mình đối với Đức Kitô, để có thể thực sự trở nên “Giáo Hội của những người nghèo”. Và những “người nghèo” này ở dưới nhiều dạng thức, xuất hiện ở nhiều nơi và trong nhiều lúc khác nhau; trong nhiều trường hợp họ là hậu quả của việc vi phạm phẩm giá của lao động con người: hoặc do công việc làm bị hạn chế – đó là tai họa của thất nghiệp – hoặc do việc người ta coi nhẹ giá trị của lao động và các quyền lợi của nó, đặc biệt là quyền được hưởng một đồng lương xứng đáng, quyền được bảo vệ cho bản thân và gia đình người lao động.

(còn tiếp)

Ban hành tại Castel Gandolfo, ngày 14.9.1981, lễ kính Thánh Giá,
năm thứ III triều đại Giáo Hoàng của tôi.

GIOAN PHAOLÔ II

------------------------

Bài liên quan:

Gioan Phaolô II: Thông điệp lao động của con người (1)