Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (11)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2421 | Cập nhật lần cuối: 1/20/2017 6:25:18 AM | RSS

(tiếp theo)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (11)51. Những gì đã xảy ra trong những vùng đất Kitô giáo lâu đời về môn nghệ thuật thánh và luật phụng vụ thì cũng đang phát triển trên những lục địa mà Kitô giáo còn trẻ hơn. Đó là hướng đi mà Công Đồng Vaticanô II đã đưa ra một cách chính xác, liên quan đến đòi hỏi “hội nhập văn hóa” vừa lành mạnh vừa cần thiết. Trong nhiều chuyến đi mục vụ của tôi, tôi có dịp quan sát trong các vùng trên thế giới, sức sống đang tỏ hiện trong những Cử Hành Thánh Thể khi tiếp xúc với những hình thức, phong cách và những nhạy cảm của các nền văn hóa khác nhau. Trong khi thích nghi với những điều kiện thay đổi của thời gian và không gian, Bí Tích Thánh Thể không chỉ nuôi dưỡng các con người, mà cả các dân tộc nữa, và nắn đúc nhiều nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tinh thần Kitô giáo.

Tuy nhiên điều quan trọng là công việc thích nghi ấy phải được thực hiện với ý thức liên tục về Mầu Nhiệm khôn tả mà mỗi thế hệ được mời gọi tự đo lường. “Kho tàng” quá to tác và quý báu đến nỗi người ta có thể làm nó suy giảm hay tổn thương bằng những thử nghiệm hay thực hành không do Thẩm Quyền chuyên trách của Giáo Hội kiểm nhận. Đàng khác, tính cách trung tâm của Mầu Nhiệm Thánh Thể quan trọng đến nỗi việc duyệt xét này phải liên hệ chặt chẽ với Tòa Thánh. Như tôi đã viết trong tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Asia, (Giáo Hội tại châu Á), “một sự cộng tác như thế rất thiết yếu vì Phụng Vụ thánh diễn tả và cử hành một đức tin duy nhất mà mọi người đều tuyên xưng, và vì là di sản của toàn thể Giáo Hội, nó không thể do những Giáo Hội địa phương thiết định mà không liên hệ với Giáo Hội toàn cầu” (101).

52. Từ những gì đã nói trên, người ta biết trách nhiệm lớn lao trong Cử Hành Thánh Thể, mà trước hết các linh mục phải có bổn phận, vì các ngài có nhiệm vụ chủ tọa trong tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi), bảo đảm chứng tá và phục vụ sư hiệp thông, không những cho cộng đoàn đang trực tiếp tham dự, mà còn cho cả Giáo Hội toàn cầu luôn có quan hệ tới Bí Tích Thánh Thể. Bất hạnh thay, phải đau đớn nhận rằng, nhất là từ những năm sau cuộc canh tân phụng vụ hậu công đồng, vì nhận thức sai lầm về sự sáng tạo và thích nghi, những lạm dụng lan tràn, và trở thành lý do đau khổ cho nhiều người. Một phản ứng nào đó chống lại “duy hình thức” đã thúc đẩy một số người, đặc biệt trong vùng nào đó, lầm tưởng rằng “những hình thức” được ấn định bởi truyền thống phụng vụ đáng kính của Giáo Hội và Huấn Quyền là không bắt buộc, và đưa vào những sửa đổi không được phép và thường không phù hợp.

Vì thế tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải lên tiếng một cách cương quyết để trong Cử Hành Thánh Thể, những quy luật phụng vụ được tuân giữ một cách trung thành. Những quy luật đó là một cách diễn tả cụ thể tính giáo hội đích thực của Bí Tích Thánh Thể; đó là ý nghĩa sâu xa nhất của chúng. Phụng vụ không bao giờ là một sở hữu riêng tư của ai, kể cả chủ tế và cộng đoàn cử hành các Mầu Nhiệm đó. Thánh Tông Đồ Phaolô phải lên tiếng mạnh mẽ với cộng đoàn Côrintô để tố cáo những lỗi phạm nghiêm trọng đối với việc Cử Hành Thánh Thể, những lỗi phạm đã đưa đến những chia rẽ (schismata) và bè phái (airéseis) (x. 1Cr 11,17-34). Vào thời đại chúng ta cũng vậy, việc tuân giữ luật phụng vụ phải được khám phá lại và nêu rõ như một phản ánh và chứng từ của Giáo Hội duy nhất và phổ quát hiện diện trong tất cả mọi cử hành Bí Tích Thánh Thể. Linh mục nào trung thành cử hành Thánh Lễ theo những quy luật phụng vụ và cộng đoàn nào tuân theo đóù, chứng tỏ tình yêu của họ đối với Giáo Hội một cách âm thầm nhưng rõ rệt. Thật vậy, để tăng cường ý thức sâu xa ấy về luật phụng vụ, tôi đã yêu cầu những cơ quan chuyên trách trung ương Tòa Thánh soạn thảo một văn kiện chuyên môn hơn với những nhắc nhở về luật, trong vấn đề có tầm quan trọng lớn lao này. Không ai được phép đánh giá thấp Mầu Nhiệm được trao trong tay chúng ta: nó cao cả đến nỗi không ai có thể đối xử với nó theo ý mình, không tôn trọng tính cách linh thánh và chiều kích phổ quát của nó.

(còn tiếp)

Ban hành tại Roma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,
ngày 17 tháng 04 năm 2003, thứ Năm Tuần Thánh,
trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.

GIOAN-PHAOLÔ

________________
Tham chiếu:

(101) N.22: AAS 92(2000), trang 485; La Documentation catholique 96(1999), trang 991

----------------------------------

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (1)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (2)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (3)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (4)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (5)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (6)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (7)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (8)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (9)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (10)