Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2236 | Cập nhật lần cuối: 10/6/2016 10:06:59 PM | RSS

(tiếp theo)

CHƯƠNG I: MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (2)11. “Chính trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu” (1Cr 11, 23) đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể là Mình và Máu Ngài. Những lời của Thánh Phaolô Tông Đồ đưa dẫn chúng ta trở lại với những hoàn cảnh bi thương trong đó Bí Tích Thánh Thể được khai sinh, được đánh dấu không thể xóa mờ bởi biến cố khổ nạn và cái chết của Chúa. Bí Tích Thánh Thể không chỉ là việc khơi gợi biến cố đó, nhưng còn là tái hiện mang tính bí tích của biến cố ấy. Đó là hy tế Thập Giá được tiếp tục trong thời gian (9). Người ta thấy trong nghi lễ latinh một cách diễn tả rất thích hợp về chân lý nầy trong những lời tung hô mà dân chúng đáp lại lời công bố “mầu nhiệm đức tin” của linh mục: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết”.

Giáo Hội đã đón nhận Thánh Thể của Chúa Kitô, Chúa của mình không phải chỉ như một hồng ân, dù quí báu đến đâu, giữa những hồng ân khác, nhưng như là một hồng ân tuyệt hảo, vì hồng ân đó chính là Ngài, là ngôi vị trong nhân tính thánh thiện của Ngài, và là công trình cứu chuộc của Ngài. Điều này không dừng lại trong dĩ vãng, vì “tất cả những gì Chúa Kitô là, và tất cả những gì Ngài đã làm và đã chịu vì nhân loại đều mang tính chất vĩnh cửu thần linh nên vượt mọi thời gian?” (10).

Khi Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa mình, biến cố trung tâm nầy của ơn cứu độ thực sự trở nên hiện tại và như vậy, công trình cứu độ chúng ta được thực hiện” (11). Hy tế nầy có tính quyết định đối với việc cứu độ loài người đến nỗi Chúa Giêsu Kitô chỉ hoàn thành và trở về với Chúa Cha sau khi đã để lại cho chúng ta phương thế tham dự vào, như thể chúng ta đã có mặt lúc bấy giờ. Vì thế, mọi tín hữu đều có thể tham dự vào và nếm được những hoa quả của hy tế ấy một cách vô tận. Đó là đức tin mà các thế hệ Kitô hữu đã sống trải qua các thời đại. Niềm tin ấy, Huấn Quyền của Giáo Hội đã không ngừng nhắc đi nhắc lại với lòng tri ân hoan hỉ vì hồng ân vô giá nầy (12). Một lần nữa, tôi ước mong nêu lên lại chân lý nầy, bằng cách phục lạy tôn thờ Mầu Nhiệm nầy với anh chị em, anh chị em thân mến, Mầu Nhiệm vô biên, Mầu Nhiệm của lòng thương xót. Chúa Giêsu có thể làm gì hơn nữa cho chúng ta? Trong Bí Tích Thánh Thể Ngài cho chúng ta thấy thực sự một tình yêu “cho đến cùng” (x. Ga 13, 1), một tình yêu không còn ranh giới.

12. Khía cạnh nầy của đức ái phổ quát trong Bí Tích Thánh Thể được đặt nền tảng trên chính những lời của Đấng Cứu Thế. Khi thiết lập bí tích nầy, Chúa Giêsu không những chỉ nói “Nầy là Mình Thầy”, “nầy là Máu Thầy”, nhưng Ngài đã thêm “bị nộp vì anh em” và “đổ ra vì nhiều người” (Lc 22,19-20). Ngài không chỉ xác quyết những gì Ngài ban cho họ ăn và uống là thịt máu Ngài mà thôi, trái lại Ngài cũng diễn tả giá trị hy tế của chúng nữa, bằng cách hiện tại hóa một cách bí tích hy tế của Ngài được hoàn tất trên thập giá một vài giờ sau đó để cứu rỗi mọi người. “Thánh Lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế Thập Giá để lưu truyền muôn đời, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp với Mình và Máu Chúa, cả hai gắn liền và không thể tách rời nhau” (13).

Giáo Hội liên tục sống nhờ hy tế cứu độ, và đạt đến hy tế đó không phải bằng một kỷ niệm đơn thuần đầy niềm tin mà thôi, nhưng còn bằng một tiếp xúc hiện tại, vì hy tế nầy trở nên hiện diện, hiện diện luôn mãi cách bí tích, trong mọi cộng đoàn hiến dâng nó, qua tay của thừa tác viên được thánh hiến. Bằng cách đó, Thánh Thể làm lan rộng đến con người hôm nay sự giao hòa do Chúa Kitô thực hiện duy nhất một lần cho nhân loại của mọi thời. Thật vậy “hy tế của Chúa Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất” (14). Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói một cách rõ ràng: “Chúng ta luôn hiến dâng cũng một con chiên đó thôi, không phải hôm nay một con, ngày mai con khác, nhưng mãi mãi là một con chiên mà thôi. Vì lẽ ấy, mãi mãi chỉ có một hy tế mà thôi [?]. Ngay cả hôm nay, chúng ta dâng lên hiến vật đã được tiến dâng lúc bấy giờ và sẽ không bao giờ tàn lụi nữa” (15).

Thánh Lễ hiện tại hóa hy tế thập giá, không thêm bớt gì mà cũng không nhân lên được (16). Những gì được lặp lại, chính là việc cử hành bằng tưởng niệm, việc “trình bày bằng tưởng niệm” (memorialis demonstratio) (17) của hy tế, nhờ đó hy tế cứu độ duy nhất và dứt khoát của Chúa Kitô được hiện diện trong thời gian. Bản chất hy tế của Mầu Nhiệm Thánh Thể không được hiểu như một cái gì đó hiện hữu trong chính mình, không liên hệ gì với Thập Giá, hay chỉ quy chiếu một cách gián tiếp về hy tế trên đỉnh đồi Canvariô mà thôi.

13. Nhờ liên hệ mật thiết với hy tế Golgotha, Bí Tích Thánh Thể là một hy tế theo nghĩa đen, chứ không chỉ theo nghĩa chung chung, như thể đây chỉ là một hiến dâng thông thường mà Chúa Kitô đã trao ban làm lương thực thiêng liêng cho các tín hữu. Quả thật, sự dâng hiến trong tình yêu và trong vâng phục của Ngài cho đến chết (x. Ga 10,17-18) trước tiên là sự dâng hiến cho Cha Ngài. Đó chính là một hồng ân cho chúng ta và cho cả nhân loại (x. Mt 26, 28; Mc 24, 14; Lc 22, 20; Ga10, 15), nhưng trước hết chính là sự dâng hiến cho Chúa Cha: “hy tế mà Chúa Cha đã ưng nhận, khi Người đáp lại sự dâng hiến vẹn toàn của Con Ngài, Đấng đã “vâng phục cho đến chết” (Pl 2, 8), bằng sự ban tặng đầy tình phụ tử, nghĩa là ban cho Con sự sống mới và vĩnh cửu trong sự phục sinh” (18).

Khi ban cho Giáo Hội hy tế của Ngài, Chúa Kitô đồng thời cũng muốn biến hy tế thiêng liêng của Giáo Hội thành hy tế của mình, Giáo Hội đã được mời gọi tự hiến chính mình cùng với hy tế của Chúa Kitô. Đó là lời của Công Đồng Vaticanô II dạy, liên hệ đến các tín hữu: “khi tham dự vào Hy Tế Thánh Thể, nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu, họ hiến dâng lên Thiên Chúa tế phẩm và tự hiến chính mình với tế phẩm đó” (19).

14. Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô cũng bao gồm sự phục sinh của Ngài cùng với cuộc khổ nạn và cái chết, như lời tung hô của tín hữu sau khi truyền phép “chúng con tuyên xưng Chúa đã sống lại”. Thật vậy, Hy Tế Thánh Thể hiện tại hóa chẳng những mầu nhiệm khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế nhưng còn cả mầu nhiệm phục sinh nữa, trong đó hy tế đạt đến sự viên mãn của nó. Chính Chúa Kitô sống và phục sinh, mới có thể trở nên “bánh sự sống” (Ga 6,35.48), “bánh hằng sống” (Ga 6, 51) Thánh Ambrôsiô đã nhắc cho các tân tòng điều đó khi áp dụng biến cố phục sinh vào đời sống của họ: “Nếu Chúa Kitô hôm nay là của bạn, Ngài phục sinh cho bạn mỗi ngày” (20). Thánh Cyrillô thành Alêxandria nhấn mạnh rằng việc tham dự vào những Mầu Nhiệm Thánh “thực sự là một lời tuyên xưng và là một nhắc nhớ rằng Chúa đã chết và đã sống lại cho chúng ta và vì lợi ích của chúng ta” (21).

(còn tiếp)

Ban hành tại Roma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,
ngày 17 tháng 04 năm 2003, thứ Năm Tuần Thánh,
trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.

GIOAN-PHAOLÔ

_____________________________
Tham chiếu:
(9) x. Cđ. Vat. II, Hiến chế Phụng vụ thánh số 47: Salvator noster… Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể bằng Mình Máu Ngài, để nhờ đó, Hy Tế Thập Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Ngài lại đến…”.

(10) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1085.

(11) Cđ. Vat. II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium số 3,

(12) x. Phaolô VI, Tuyên xưng đức tin (30/06/1968) số 24: AAS 60 (1968) trang 442; La Documentation catholique 65 (1968) cột 1256-1257; Gioan-Phaolô II, Tông thư Dominicae cenae ( 24/02/1980) số 9, AAS 72 (1980) trang 142-146; La Documentation catholique 77 (1980) trang 305-306.

(13) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1382.

(14) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1367.

(15) Bài giảng lễ về thư Do Thái 17, 3: PG 63, 131.

(16) x. Cđ. Triđentinô, Khóa XXII, Giáo thuyết về Hy Tế Thánh của Thánh Lễ, chương 2, La Documentation catholique 1743, la Foi catholique, số 768: “Đó cũng là một hiến vật, đó chính là Đấng dâng hiến ngay bây giờ nhờ tác vụ của các linh mục, Đấng tự hiến lúc ấy ngay trên Thập Giá, chỉ có thể cách dâng là khác mà thôi.”

(17) Piô XII, Thông điệp Mediator Dei ( 20/11/1947) AAS 39 ( 1947) trang 548, La Documentation catholique 45 (1948) cột 216.

(18) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris hominis (15/03/1979) số 20; AAS 71 (1979) trang 310, La Documentation Catholique 76 (1979) trang 317.

(19) Hiến chế tín lý Lumen Gentium số 11.

(20) De sacramentis, V, 4,26; CSEL 73, 70; SCh 25 bis trang 135.

(21) In Joannis Evangelium, XII, 20; PG 74, 726.

----------------------------------

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (1)