Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (5)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2378 | Cập nhật lần cuối: 10/3/2016 5:34:16 AM | RSS

(tiếp theo)

CHƯƠNG III: ĐẶC TÍNH TÔNG TRUYỀN CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CỦA GIÁO HỘI

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (5)26. Như tôi đã nhắc lại ở trên, Bí Tích Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể, vì thế mối liên hệ hai bên rất chặt chẽ. Điều đó chính xác đến nổi chúng ta có thể áp dụng vào Mầu Nhiệm Thánh Thể những gì chúng ta nói về Giáo Hội khi chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” trong Kinh Tin Kính Nixê-Constantinốp. Bí Tích Thánh Thể cũng duy nhất và công giáo. Bí Tích Thánh Thể cũng thánh thiện, và hơn thế nữa, là Bí Tích Rất Thánh. Nhưng trên hết, giờ đây chúng tôi muốn chú trọng đến đặc tính tông truyền của Bí Tích Thánh Thể.

27. Khi giải thích Giáo Hội là tông truyền, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo phân biệt ba ý nghĩa trong cách nói đó. Một đàng, “Giáo Hội đã và đang được xây dựng trên “nền tảng các tông đồ” (Ep 2, 20) là những chứng nhân đã được chính Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi” (51). Khởi đầu của Bí Tích Thánh Thể cũng đã có các tông đồ, không phải vì thế mà bí tích nầy không bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, nhưng bởi vì Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ và được các ngài và các đấng kế vị truyền lại cho đến chúng ta. Chính trong sự tiếp nối hành động của các tông đồ, vâng theo lệnh truyền của Chúa mà Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể qua dòng thời gian.

Ý nghĩa thứ hai của tính tông truyền của Giáo Hội được Sách Giáo Lý nêu rõ là “Giáo Hội gìn giữ và lưu truyền giáo huấn, kho tàng quí giá, những lời lành mạnh đã được nghe từ các tông đồ với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đang ở trong Giáo Hội” (52). Cũng theo ý nghĩa nầy, Bí Tích Thánh Thể có tính tông truyền vì được cử hành đúng như niềm tin của các tông đồ. Theo dòng lịch sử 2000 năm qua của Dân Giao Ước Mới, Huấn Quyền đã xác định giáo thuyết về Bí Tích Thánh Thể trong nhiều dịp khác nhau, ngay cả trong những điều liên hệ đến từ ngữ chính xác, và điều đó chính là để bảo vệ đức tin tông truyền trong Mầu Nhiệm thật cao cả nầy. Niềm tin nầy vẫn không thay đổi và điều đó rất thiết yếu đối với Giáo Hội.

28. Sau cùng, Giáo Hội tông truyền có nghĩa là: “Giáo hội vẫn tiếp tục được các tông đồ dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa Kitô trở lại nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, “với sự giúp đỡ của các linh mục, hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô là mục tử tối cao của Giáo Hội” (53). Kế vị các tông đồ trong sứ mệnh mục tử đòi hỏi phải có bí tích truyền chức, nghĩa là phải có việc phong chức giám mục liên tục và thành sự, bắt đầu từ những nguồn gốc đầu tiên (54). Việc kế vị nầy rất thiết yếu để có Giáo Hội đúng nghĩa và tròn đầy.

Bí Tích Thánh Thể cũng diễn tả ý nghĩa của tính tông truyền. Quả thật, như Công Đồng Vaticanô II đã dạy, “các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả cũng góp phần vào việc hiến dâng Thánh Thể theo vị trí của họ” (55), nhưng chính linh mục được truyền chức mới “cử hành Hy tế Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô và hiến dâng cho Chúa Cha nhân danh toàn thể tín hữu” (56). Vì lẽ ấy mà trong Sách Lễ Rôma đã quy định chỉ một mình linh mục đọc kinh nguyện Thánh Thể, trong khi đó giáo dân thinh lặng hiệp ý trong đức tin (57).

29. Cụm từ được Công Đồng Vaticanô II sử dụng nhiều lần: “những ai đã nhận chức tư tế thừa tác (?.) mới cử hành Hy Tế Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô” (58) đã được khắc sâu trong lời dạy của giáo huấn Tông Tòa như tôi đã có dịp xác định rõ, in persona Christi, có nghĩa mạnh hơn là “nhân danh” hay “thay thế” Chúa Kitô. In persona: nghĩa là trong sự đồng nhất đặc biệt, mang tính bí tích, với “vị Thượng Tế của Giao Ước vĩnh cữu”, Đấng là tác giả và là chủ thể chính của Hy Tế bản thân, trong đó không ai thay thế được” (60). Trong nhiệm cục cứu độ do Chúa Kitô ấn định, tác vụ của các linh mục đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, cho thấy rằng Bí Tích Thánh Thể mà các ngài cử hành là một hồng ân trổi vượt hẳn thẩm quyền của cộng đoàn và trong mọi trường hợp, tác vụ ấy vẫn bất khả thay thế để nối liền một cách thành sự việc truyền phép Thánh Thể với Hy Tế Thập Giá và Bữa Tiệc Ly.

Để thực sự là một cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn đang tụ họp để cử hành Bí Tích Thánh Thể buộc phải có linh mục đã được truyền chức chủ tọa. Đàng khác, cộng đoàn không thể tự cung cấp cho mình thừa tác viên có chức thánh. Vị nầy là một hồng ân mà cộng đoàn lãnh nhận qua trung gian của giám mục, người kế nhiệm các tông đồ. Chính giám mục, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tạo ra một linh mục mới, ban cho ngài quyền truyền phép Thánh Thể. Vì thế, “không ai trong cộng đoàn được cử hành mầu nhiệm Thánh Thể ngoài linh mục đã được truyền chức, như Công Đồng Latêranô IV đã công bố rõ ràng” (61).

(còn tiếp)

Ban hành tại Roma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,
ngày 17 tháng 04 năm 2003, thứ Năm Tuần Thánh,
trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.

GIOAN-PHAOLÔ

________________________
Tham chiếu:

(51) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số .857.

(52) nt.

(53) nt.

(54) x. Thánh Bộ về Giáo lý đức tin, Thư Sacerdotium ministeriale (6-8-1983), III,2:AAS 75 (1983), trang 05; La Documentation catholique 80 (1983), trang 886.

(55) Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium số 10.

(56) nt.

(57) Cf.Institutio generalis:Editio typica tertia, số 147.

(58) Cf. Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium các số 10.28; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, số 2.

(59) “Chủ tế trên bàn thờ đại diện cho Chúa Kitô vớ tư cách là đầu hiến dâng nhân danh tất cả chi thể”: Piô XII, Thông điệp Mediator Dei (20-11-1947): AAS 39 (1947), trang 556; La Documentation catholique 45 (1948), cột 221; x. Piô X, Huấn thị tông tòa Hoerent animo (4-8-1908): piiX Acta, IV,16;Piô XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii ( 20-12-1935): AAS 28 ( 1936, trang 20; La Documentation catholique 35 (1936/1), cột 141.

(60) Tông thư Dominicae Cenoe (24-2-1980), số 8: AAS 72 (1980), trang 128-129; La Documentation catholique 77 (1980), trang 304.

(61)Thánh Bộ Giáo lý đức tin, Thư Sacerdotium ministeriale (6-8-1983),III,4: AAS 75(1983), trang 06; La Documentation catholique 80 (1983), trang 887; x.Công Đồng Latêranô IV, ch. 1, Hiến chế về đức tin công giáo Firmiter credimus: DS 802; La foi catholique, số 31.

----------------------------------

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (1)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (2)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (3)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (4)